Ôn tập phần tiếng Việt lớp 11 học kì 2 - Ngữ văn lớp 11

- Từ ngôn ngữ chung đến lời nói cá nhân

- Thực hành về thành ngữ, điển cố

- Thực hành về nghĩa của từ trong sử dụng

- Phong cách ngôn ngữ báo chí

- Nghĩa của câu

- Đặc điểm loại hình tiếng Việt

- Phong cách ngôn ngữ chính luận

- Thực hành về sử dụng một số kiểu câu trong văn bản

- Thực hành về lựa chọn trật tự các bộ phận trong câu.

- Ngữ cảnh

- Tiểu sử tóm tắt

Bài 1: Tóm tắt Truyện An Dương Vương và Mị Châu- Trọng Thủy dựa theo:

a. nhân vật An Dương Vương

b. nhân vật Mị Châu

Trả lời:

a. Tóm tắt truyện dựa theo nhân vật An Dương

An Dương Vương là vua nước Âu Lạc, khởi công xây thành, nhiều lần thất bại. Nhờ rùa vàng giúp đỡ, An Dương Vương đã xây được thành và chế nỏ giữ nước.Triệu Đà nhiều lần tấn công nhưng thất bại, đã đùng mưu kế: cầu hôn Mị Châu - con gái An Dương Vương cho con trai là Trọng Thủy.Trọng Thủy ở rể, thực hiện âm mưu tráo nỏ thần. Triệu Đà cất binh sang xâm lược, cậy có nỏ thần, An Dương Vương chủ quan dẫn đến mất nước.Cuối cùng nhà vua cùng Mị Châu lên ngựa chạy về phía biển đông, cầu cứu rùa vàng. An Dương Vương rút gươm chém Mị Châu, cầm sừng tê giác theo rùa vàng rẽ nước xuống biển.

b.Tóm tắt truyện dựa theo nhân vật Mị Châu

Mị Châu là con gái của Vua nước Âu Lạc, An Dương Vương Thục Phán. Nhân việc Triệu Đà thua trận xin cầu hoà và muốn được cho con trai sang ở rể, nàng được vua cha thuận ý gả cho Trọng Thuỷ. Mị Châu rất mực yêu chồng lại ngây thơ khờ dại nên đã vô ý đem bí quyết nỏ thần ra nói với người chồng gián điệp. Có được nỏ thần, Trọng Thuỷ muốn xin về, Mị Châu lại nói: Sau này, nếu có gặp cảnh biệt li thì cứ theo dấu chiếc áo lông ngỗng của thiếp mà tìm. Trọng Thuỷ về nhà, rồi cùng cha đem đội quân sang đánh. Loa Thành đại bại, Mị Châu theo cha chạy xuống phương Nam nhưng vừa đi nàng lại vừa sắc lông ngỗng làm dấu cho Trọng Thuỷ. Chạy ra bờ biển vua cha nổi giận tuốt gươm ra chém.Trước khi chết, Mị Châu còn khấn: Nếu có lòng phải nghịch thì khi chết đi nguyện biến thành cát bụi, bằng không thì xin được biến thành châu ngọc để rửa sạch mối nhục thù. Mị Châu chết, máu nàng chảy xuống biển, trai sò ăn phải đều biến thành hạt châu. Xác nàng được Trọng Thuỷ đêm về mai táng ở Loa Thành, Trọng Thuỷ thương nhớ Mị Châu, sau đó cũng lao đầu xuống giếng mà chết. Người đời sau mò được ngọc ở biển Đông đem về giếng ấy mà rửa thì ngọc càng thêm sáng.

Bài 2:

Phân tích ngữ cảnh câu văn sau “Dạ bẩm, thế ra y văn võ đều có tài cả” trong truyện Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân) qua đoạn văn sau:

[...] Thầy thơ laị xin phép đọc công văn.

- Dạ, bẩm chính y đó. Dạ bẩm, có chuyện chi vậy?

- Không, tôi nghe tên quen quen và thấy nhiều người nhắc nhỏm đến cái tên đó luôn, thì tôi cũng hỏi thế thôi. Thôi cho thầy lui. À, nhưng mà thong thả. Thầy bảo ngục tốt nó quét dọn lại cái buồng cuối cùng. Có việc dùng đến. Thầy liệu cái buông giam đó có cầm giữ nổi một tên tù có tiếng là nguy hiểm không? Thầy có nghe thấy người ta đồn Huấn Cao, ngoài cái tài viết chữ tốt, lại còn có tài bẻ khóa và vượt ngục nữa không?

- Dạ bẩm, thế ra y văn võ đều có tài cả.

Trả lời:

Ngữ cảnh của câu nói: “ Dạ bẩm, thế ra y văn võ đều có tài cả”

      + Nhân vật giao tiếp: Câu nói trên là của nhân vật thầy thơ lại, nói với nhân vật đang giao tiếp cùng là viên quản ngục. Trong đó, thẩy thơ lại là người giúp việc cho viên quản ngục - người đứng đẩu trại giam tỉnh Sơn. Do đó câu nói mang sắc thái tôn trọng, nể vì (Dạ bẩm).

      + Bối cảnh ngoài ngôn ngữ:

Bối cảnh giao tiếp rộng: xã hội Việt Nam thời phong kiến, triều đình phong kiến đang trên đà suy thoái, những cuộc khởi nghĩa chống lại triều đình nổ ra ở khắp nơi.

Bối cảnh giao tiếp hẹp: Câu nói trên có bối cảnh hẹp là thư phòng của viên quan coi ngục, vào lúc trời tối, sau khi quản ngục nhận được công văn từ dinh quan Tổng đốc.

Hiện thực được nói tới: Câu nói của thầy thơ lại đề cập đến Huấn Cao , một tử tù với tội danh phản nghịch triều đình sắp được áp giải đến trại giam của viên quan coi ngục. Thầy thơ lại nhận định Huấn Cao là người “văn võ song toàn”.

      + Văn cảnh: Sở dĩ người đọc có thể hiểu ý là Huấn Cao vì trước đó, lời đối thoại của hai nhân vật quan quản ngục và thầy thơ lại có nhắc đến tên tuổi, đặc điểm của nhân vật: người đứng đầu bọn phản nghịch là Huấn Cao; Huấn Cao hay là cái người mà vùng tỉnh Sơn ta vẫn khen cái tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp đó không?; Thầỵ có nghe thấy người ta đồn Huấn Cao, ngoài cái tài viết chữ tốt, lại còn có tài bẻ khóa và vượt ngục nữa không?...

Bài 3: Tóm tắt đoạn trích “Một thời đại trong thi ca” của Hoài Thanh trong khoảng 15 dòng.

Gợi ý:

Các câu chủ đề ấy phải làm rõ được nội dung của đoạn trích: (1)Đặt ra nhiệm vụ đi tìm “Tinh thần thơ mới”.(2) Bởi vì các thời đại liên tiếp cùng nhau cho nên phải tìm cái chung của mỗi thời đại.(3) Xã hội Việt Nam xưa không có cá nhân, chỉ có đoàn thể.(4)Cái bản sắc của cá nhân chìm đắm trong gia đình, trong quốc gia như một giọt nước trong biển cả.(5) Cũng có những bậc kì tài để cho cái tôi xuất đầu lộ diện. (6) Họ dùng chữ tôi để nói chuyện với người khác chứ tuyệt không nói đến mình. (7) Bởi họ cầu cứu đến đoàn thể để trốn cô đơn. (8) Khi chữ tôi xuất hiện với cái nghĩa tuyệt đối của nó trên thi đàn Việt Nam gây khó chịu cho bao nhiêu người.(9) Khi nhìn đã quen thì cái tôi đó thật tội nghiệp, thi nhân mất hết cái cốt cách từ trước.(10)Tâm hồn họ chỉ vừa thu trong khuôn chữ tôi. (11) Bi kịch của cái tôi là đi đâu cũng không thoát khỏi sự bơ vơ, cô đơn. (12) Phương Tây đã trao trả hồn ta lại chon ta, nhưng ta thiếu một niềm tin đầy đủ.(13) Họ gửi tất cả bi kịch vào tiếng Việt. (14) Họ tìm thấy linh hồn nòi giống trong tiếng Việt. (15) Họ tìm về dĩ vãng để vin vào những bất diệt đủ đảm bảo cho ngày mai.

Bài 4: Đoạn đoạn văn sau và trả lời câu hỏi:

Ông nói gì với chị? Người đàn ông bị ruồng bỏ ấy có thể nói gì với người đàn bà đã chết? Những lời ấy là lời gì vậy? Chẳng ai trên thế gian này nghe được. Kẻ đã chết có nghe thấy không? Có những ảo tưởng cảm động có thể là những sự thực cao cả. Điều mà chẳng ai nghi ngờ là bà xơ Xem-pli-xơ, người độc nhất chứng kiến cảnh ấy, thường kể lại rằng lúc Giăng Van-giăng thì thầm bên tai Phăng-tin bà trông thấy rõ ràng một nụ cười không sao tả được hiện trên đôi môi nhợt nhạt và trong đôi mắt xa xăm, đầy ngỡ ngàng của chị khi đi vào cõi chết..

(Trích Người cầm quyền khôi phục uy quyền, Ngữ văn 11,tập 2, NXB Giáo dục, 2007, tr.79).

Đọc văn bản trên và thực hiện những yêu cầu sau từ câu 1 đến câu 4:

1/ Đoạn văn từ câu "Ông nói gì với chị...có thể là những sự thực cao cả" là lời của ai?Thuật ngữ văn học dùng để chỉ tên loại ngôn ngữ này là gì?

2/ Đoạn văn sử dụng biện pháp nghệ thuật gì là chủ yếu ? Nêu hiệu quả nghệ thuật của biện pháp nghệ thuật đó ?

3/ Xác định từ láy khi kể về nhân vật Giăng Van-giăng trong đoạn văn. Từ láy đó nói lên điều gì về con người của nhân vật Giăng Van-giăng ?

Trả lời:

1/ Đoạn văn từ câu “Ông nói gì với chị...có thể là những sự thực cao cả” là lời của tác giả Huy-gô. Thuật ngữ văn học dùng để chỉ tên loại ngôn ngữ này là trữ tình ngoại đề.

2/ Đoạn văn sử dụng biện pháp nghệ thuật câu hỏi tu từ là chủ yếu.

Hiệu quả:

      + Khẳng định niềm tin vào sức mạnh của cái thiện.

      + Như một niềm trân trọng, an ủi của tác giả.

      + Thể hiện tư tưởng, quan điểm của nhà văn : trong bất kỳ khó khăn và tuyệt vọng nào, con người chân chính bằng ánh sáng tình thương có thể đánh đuổi được cường quyền và nhen nhóm niềm tin vào tương lai.

3/ Từ láy khi kể về nhân vật Giăng Van-giăng trong đoạn văn: thì thầm. Ý nghĩa của từ láy này: đây là từ láy tả âm thanh gợi không gian lặng lẽ khi nói với người đã chết của Giăng Van-giăng. Qua đó, ta thấy Giăng Van-giăng lại là một người đàn ông sống có trách nhiệm và luôn thường trực một tình thương cao cả đối với những người nghèo khổ. Với một tâm hồn cao thượng như vậy, Giăng Van-giăng luôn cận kề bên cạnh bao cảnh sống cơ hàn. Lẽ sống của ông dã che chở và nâng đỡ bao cảnh đời tủi nhục. Đối với Giăng Van-giăng, tình người, tình đời thật lớn lao. Ông chính là đại diện của lẽ sống vì tình thương.

Bài 5: Viết tiểu sử tóm tắt nhà văn Ngô Tất Tố

Gợi ý:

Ngô Tất Tố (1893 - 1954) quê ở làng Lộc Hà, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc Đông Anh, ngoại thành Hà Nội); xuất thân là một nhà nho gốc nông dân. Ong là một học giả có nhiều công trình khảo cứu về triết học, văn học cổ có giá tri; một nhà báo nổi tiếng với rất nhiều bài báo mang khuynh hướng dân chủ tiến bộ và giàu tính chiến đấu; một nhà văn hiện thực xuất sắc chuyên viết về nông thôn trước Cách mạng. Sau Cách mạng, nhà văn tận tuỵ trong công tác tuyên truyền văn nghệ phục vụ kháng chiến chống Pháp. Ngô Tất Tố được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (năm 1996). Tác phẩm chính của ông: các tiểu thuyết Tắt đèn (1939), Lều chõng (1940); các phóng sự Tập án cái đình (1939), Việc làng (1940),..

Bài 6: Chỉ ra sự khác nhau về chức năng ngữ pháp của các thành phần câu:

“Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”

Trả lời:

- Vai trò ngữ pháp:

      +“Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta” (1) ⇒ Chủ ngữ.

      +“Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta”(2) ⇒ Bổ ngữ chỉ đối tượng chịu sự tác động của đồng từ “làm rạng rỡ”

- Có sự khác nhau là do trật tự sắp đặt từ qui định.

Xem thêm tài liệu Ngữ văn lớp 11 phần Tiếng Việt và Tập làm văn chọn lọc, hay khác:


Giải bài tập lớp 11 sách mới các môn học