Giải Lịch Sử 12 trang 60 Kết nối tri thức

Với Giải Lịch Sử 12 trang 60 trong Bài 9: Cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc từ sau tháng 4 - 1975 đến nay. Một số bài học lịch sử của các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc từ năm 1945 đến nay Sử 12 Kết nối tri thức hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh dễ dàng trả lời các câu hỏi & làm bài tập Lịch Sử 12 trang 60.

Câu hỏi trang 60 Lịch Sử 12: Nêu những bài học cơ bản của các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc từ năm 1945 đến nay.

Lời giải:

♦ Những bài học cơ bản của các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc từ năm 1945 đến nay

- Thứ nhất, không ngừng phát huy tinh thần yêu nước của các tầng lớp nhân dân

+ Tinh thần yêu nước của nhân dân Việt Nam đã tạo thành sức mạnh tổng hợp của dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do và bảo vệ Tổ quốc.

+ Ngày nay, đất nước đang tiến hành đổi mới và hội nhập sâu rộng trong bối cảnh toàn cầu hoá. Vì vậy, cần đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống để mỗi người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ nhận thức rõ vai trò của tinh thần và phát huy tinh thần đó trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

- Thứ hai, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân

+ Thực tiễn cách mạng từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã chứng minh: Một dân tộc nhỏ, nghèo nàn, lạc hậu như Việt Nam nhưng lại có thể chiến thắng những kẻ thù hùng mạnh,... là nhờ sự đoàn kết một lòng của cả dân tộc. Các tổ chức mặt trận đã giữ vai trò to lớn trong xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.

+ Ngày nay, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần phát huy vai trò trong việc củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

- Thứ 3, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

+ Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại là một trong những bài học lớn, xuyên suốt trong quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, bảo vệ và xây dựng đất nước, trong đó, sức mạnh dân tộc là yếu tố quyết định.

+ Trong bối cảnh hiện nay, việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại góp phần tăng cường sức mạnh tổng hợp để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, tạo ra thế và lực để đất nước ổn định và phát triển.

+ Các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc cũng cho thấy cần kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng đất nước vững mạnh, đời sống của các tầng lớp nhân dân ngày càng nâng cao... là tạo điều kiện vững chắc cho bảo vệ Tổ quốc. Ngược lại, tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, an ninh quốc gia sẽ tạo sức mạnh cần thiết cho công cuộc xây dựng đất nước.

- Thứ 4, phát triển sáng tạo nghệ thuật chiến tranh nhân dân, xây dựng nền quốc phòng toàn dân

+ Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp tục xây dựng và phát triển sáng tạo nghệ thuật quân sự Việt Nam. Đó là nghệ thuật toàn dân đánh giặc, nghệ thuật tiến công chủ động, kiên quyết, mưu trí, sáng tạo,..

+ Trong bối cảnh sự phát triển của cuộc cách mạng khoa học-công nghệ hiện nay, nghệ thuật quân sự Việt Nam cần tiếp tục phát triển ở trình độ khoa học cao, đồng thời xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và có chiến lược bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa

Luyện tập 1 trang 60 Lịch Sử 12: Hoàn thành bảng thống kê (theo gợi ý dưới đây vào vở) những nét chính của cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc từ sau tháng 4-1975 đến nay.

Cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc

Diễn biến chính

Ý nghĩa

Cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở vùng biên giới Tây Nam

Cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở vùng biên giới phía Bắc

Cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia trên Biển Đông

Lời giải:

Cuộc đấu tranh

bảo vệ Tổ quốc

Diễn biến chính

Ý nghĩa

Cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở vùng biên giới Tây Nam

- Giai đoạn 1 (30-4-1977 đến 5-1-1978):

+ Quân Pôn Pốt tấn công dọc biên giới, tàn sát dân thường...

+ Cùng với việc tổ chức lực lượng vũ trang đánh lui quân địch, Đảng và Nhà nước Việt Nam nỗ lực hoạt động ngoại giao nhằm tìm kiếm giải pháp hoà bình.

- Giai đoạn 2 (6-1-1978 đến 7-1 -1979):

+ Quân Pôn Pốt xâm lược trên toàn tuyến biên giới Tây Nam.

+ Quân dân Việt Nam mở cuộc tổng phản công, làm tan rã đại bộ phận quân chủ lực đối phương.

+ Theo yêu cầu của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Cam-pu-chia, quân tình nguyện Việt Nam cùng quân dân Cam-pu-chia đánh đổ chính quyền Pôn Pốt.

- Bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, bảo vệ cuộc sống của nhân dân.

- Khẳng định ý chí độc lập, tự chủ và tinh thần đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế trong sáng của nhân dân Việt Nam.

- Tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc xây dựng đất nước.

- Để lại những bài học kinh nghiệm quý giá cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tương lai.

- Góp phần bảo vệ hoà bình, ổn định ở khu vực châu Á và trên thế giới.

Cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở vùng biên giới phía Bắc

- Sáng ngày 17-2-1979, hàng chục vạn quân Trung Quốc tấn công dọc tuyến biên giới phía Bắc.

- Quân dân Việt Nam đã đứng lên chiến đấu... làm thất bại mục tiêu “đánh nhanh, thắng nhanh” của quân đội Trung Quốc.

+ 5/3/1979, Trung Quốc tuyên bố rút quân.

Cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia trên Biển Đông

- Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam quản lí toàn bộ lãnh thổ đất nước, trong đó bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.

- Trong giải quyết các tranh chấp chủ quyền biển đảo, Việt Nam luôn kiên quyết và kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp phù hợp với nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, lấy bảo vệ vững chắc chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc và giữ vững hoà bình, ổn định để đất nước phát triển làm mục tiêu cao nhất.

Luyện tập 2 trang 60 Lịch Sử 12: Lập sơ đồ tư duy về những bài học lịch sử của các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc từ năm 1945 đến nay. Theo em, bài học nào là quan trọng nhất? Vì sao?

Lời giải:

(*) Sơ đồ tham khảo:

Lập sơ đồ tư duy về những bài học lịch sử của các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc từ năm 1945

(*) Bài học quan trọng nhất là: Củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Vì: trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay:

+ Đại đoàn kết dân tộc là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, quyết định thành công của công cuộc xây dựng đất nước.

+ Đại đoàn kết dân tộc là sức mạnh nền tảng, tập hợp, phát huy sức mạnh của các tầng lớp nhân dân và cả cộng đồng người Việt ở nước ngoài tham gia vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

+ Đại đoàn kết dân tộc là yếu tố khẳng định vị thế quốc gia trước những thách thức của thời đại mới, như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên, đại dịch…

+ Đại đoàn kết dân tộc là yếu tố không tách rời với việc khẳng định chủ quyền biên giới, biển đảo của Việt Nam.

Vận dụng 1 trang 60 Lịch Sử 12: Sưu tầm tư liệu từ sách báo và internet hãy viết bài giới thiệu ngắn gọn về một cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc từ sau tháng 4-1975

Lời giải:

(*) Tham khảo: Bảo vệ biên giới phía Bắc: cuộc chiến đấu chính nghĩa của dân tộc

Ngay từ cuối năm 1978, Trung Quốc đã âm thầm lựa chọn, điều động lực lượng binh lực cùng số lượng lớn trang thiết bị vũ khí áp sát trên toàn tuyến biên giới với Việt Nam. Đến trung tuần tháng 2-1979, Trung Quốc đã điều động tổng cộng 9 quân đoàn chủ lực và một số sư đoàn bộ binh độc lập với tổng số 32 sư đoàn, 6 trung đoàn xe tăng với hơn 500 xe tăng, 4 sư đoàn và nhiều trung đoàn pháo binh, phòng không với khoảng 2.000 khẩu pháo... Bên cạnh đó, hơn 200 tàu chiến của hạm đội Nam Hải và hơn 900 máy bay được đặt trong tình trạng báo động cao độ. Cũng từ tháng 1-1979, Trung Quốc bắt đầu đẩy mạnh các hoạt động trinh sát vũ trang để chuẩn bị cho chiến dịch xâm chiếm dọc biên giới với Việt Nam. Trong tháng 1 và tuần đầu tiên của tháng 2-1979, Trung Quốc đã gây ra hàng trăm vụ xâm phạm vũ trang vào lãnh thổ Việt Nam, từ gây hấn cho tới tập kích, bắn phá các đồn biên phòng và trạm gác của Công an; phục kích, bắt cóc người đưa về Trung Quốc...

 Đồng thời với việc chuẩn bị về binh lực, Trung Quốc đẩy mạnh việc chuẩn bị trên mặt trận ngoại giao, tiến hành nhiều hoạt động ngoại giao con thoi ở khu vực và thế giới, trong đó đặc biệt là chuyến công du Mỹ vào tháng 1-1979 của lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình. Trong nước, Trung Quốc cũng tiến hành chuẩn bị kỹ lưỡng về tuyên truyền với đỉnh điểm là tuyên bố của Đặng Tiểu Bình “dạy cho Việt Nam một bài học”. Cuộc chiến xâm chiếm trên toàn tuyến biên giới Việt Nam bùng nổ sáng sớm 17-2-1979 là kết quả của quá trình chuẩn bị, tính toán từ trước của Trung Quốc!

Vào 3 giờ 30 phút rạng sáng 17-2-1979, quân Trung Quốc sử dụng pháo binh bắn phá một số mục tiêu trong lãnh thổ của nước ta, sau đó huy động 600.000 quân, hơn 500 xe tăng, xe bọc thép, hàng nghìn khẩu pháo các loại tấn công toàn tuyến biên giới Việt Nam dài hơn 1.400km. Hướng tấn công chủ yếu của quân Trung Quốc là Lạng Sơn và Cao Bằng; hướng quan trọng là Lào Cai (Hoàng Liên Sơn); hướng phối hợp là Phong Thổ (Lai Châu); hướng nghi binh, thu hút lực lượng ta là Quảng Ninh và Hà Tuyên.

Không ai có thể tin rằng một dân tộc vừa phải trải qua 30 năm chiến tranh với thương tích đầy mình lại đi khiêu khích, rồi xâm lược một nước khác, lại là nước lớn hơn, thậm chí là nước đã từng ủng hộ và giúp đỡ to lớn trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ trước đó, như một số người Trung Quốc nói rằng cuộc chiến tranh chống Việt Nam của họ chỉ là một “cuộc phản công tự vệ”.

Trước tình cảnh Tổ quốc lâm nguy, thêm một lần nữa, quân và dân Việt Nam không còn con đường nào khác là buộc phải cầm súng chiến đấu để bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mình. Đây là thử thách đầy khắc nghiệt với dân tộc Việt Nam trong hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ. Với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, quân và dân ta một lần nữa đã phát huy cao độ truyền thống cách mạng, kiên quyết chiến đấu, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Đối mặt với đội quân xâm lăng từ bên kia biên giới phía Bắc đông tới 60 vạn người cùng hàng nghìn xe tăng và pháo hạng nặng, Việt Nam vào ngày 17-2-1979 chỉ có lực lượng công an vũ trang, dân quân địa phương và 7 sư đoàn với tổng số quân khoảng 7 vạn người. Sự chênh lệch về lực lượng, về vũ khí trang bị là rất lớn. Thế nhưng, tinh thần chiến đấu của quân và dân ta là anh dũng vô song. Lực lượng ít hơn đội quân Trung Quốc hàng chục lần nhưng quân và dân biên giới đã chiến đấu ngoan cường, anh dũng chặn đứng bước tiến của đội quân đông hơn gấp bội. Sự đánh trả dũng mãnh bảo vệ biên giới của quân và dân ta đã gây thiệt hại nặng nề cho quân Trung Quốc. Khoảng 6 vạn quân Trung Quốc đã bị thương vong cùng hàng trăm tù binh bị bắt sống. Thiệt hại nặng nề trên chiến trường, bị dư luận thế giới lên án, Trung Quốc buộc phải rút quân vào ngày 6-3-1979.

Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc năm 1979 đã khẳng định ý chí, sức mạnh bền bỉ của nhân dân Việt Nam quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Thế nhưng, để giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh khắc nghiệt này, nhân dân Việt Nam đã phải chịu những tổn thất nặng nề: Hơn 30.000 cán bộ, chiến sĩ thương vong; hàng chục nghìn dân thường bị thiệt mạng. Các thị xã: Cao Bằng, Lạng Sơn, Cam Đường, Lào Cai gần như bị hủy diệt hoàn toàn; tổng cộng có 320 xã, 735 trường học, 41 nông trường, 81 xí nghiệp, hầm mỏ và 38 lâm trường bị tàn phá; 400 nghìn gia súc bị giết, bị cướp. Khoảng 50% trong tổng số 3,5 triệu người ở 6 tỉnh biên giới bị mất nhà cửa, tài sản và phương tiện sinh sống.

Quá khứ bi hùng đó nhắc nhở chúng ta, tất cả các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau, phải luôn tăng cường đoàn kết, xây dựng đất nước giàu mạnh để đủ sức đối phó với mọi tình huống trong một thế giới tiềm ẩn nhiều nguy cơ, bất trắc. Trên cơ sở đó, có chiến lược bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột; phát huy truyền thống “giữ nước từ khi nước chưa nguy”. Nhắc lại sự thật lịch sử về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, bên cạnh việc khẳng định sự chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, còn là dịp để chúng ta tri ân những người đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, đồng thời giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường và quyết tâm bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Vận dụng 2 trang 60 Lịch Sử 12: Vận dụng kiến thức đã học, hãy phân tích giá trị thực tiễn của những bài học lịch sử từ các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc từ năm 1945 đến nay.

Lời giải:

(*) Tham khảo: Chiến thắng trong các cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

- Một là, luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện, đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn xâm lược của kẻ thù. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta cần luôn nêu cao tinh thần cảnh giác trước mọi tình huống, vì mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay, càng phải dự báo sát tình hình, sớm phát hiện, nhận rõ kẻ thù; xác định, đánh giá đúng đối tượng và đối tác trong từng thời điểm; giữ vững thế chủ động chiến lược, chuẩn bị về tư tưởng, lực lượng, thế trận; sẵn sàng đánh bại chiến tranh xâm lược của địch, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ đất nước.

- Hai là, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững mạnh, nhất là ở những nơi địa bàn chiến lược, trọng điểm, biên giới, hải đảo. Việc chủ động, tích cực tham gia xây dựng, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân trên, nhất là ở các địa bàn chiến lược, trọng điểm, biên giới, hải đảo là vô cùng quan trọng. Trong quá trình triển khai cần thấu triệt quan điểm của Đảng về mục tiêu, yêu cầu xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững mạnh, toàn diện cả về tiềm lực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh.

- Ba là, chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu ngày càng cao.

+ Lực lượng vũ trang nhân dân mà nòng cốt là Quân đội nhân dân và Công an nhân dân cần tiếp tục phát huy vai trò chủ đạo trong xây dựng nền quốc phòng, an ninh nhân dân vững mạnh, xây dựng và củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân; không ngừng nâng cao tiềm lực mọi mặt của đất nước, ngăn ngừa và sẵn sàng đánh thắng các loại hình chiến tranh xâm lược của kẻ thù trong mọi hoàn cảnh; kiên quyết không để bị động, bất ngờ, nhất là trước khả năng địch tấn công từ trên không, trên biển; bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm, từ xa.

+ Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại.

- Bốn là, nhạy bén nắm bắt tình hình thế giới, khu vực, tăng cường hợp tác, đối ngoại với các nước, nhất là các nước láng giềng. Quán triệt sâu sắc đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển của Đảng; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, nhất là với các nước láng giềng, giữ vững môi trường hòa bình để xây dựng và phát triển đất nước.

Lời giải bài tập Lịch Sử 12 Bài 9: Cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc từ sau tháng 4 - 1975 đến nay. Một số bài học lịch sử của các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc từ năm 1945 đến nay hay khác:

Xem thêm lời giải bài tập Lịch Sử lớp 12 Kết nối tri thức hay nhất, ngắn gọn khác:

Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 12 hay khác:


Giải bài tập lớp 12 Kết nối tri thức khác