Giải Kinh tế Pháp luật 11 trang 52 Kết nối tri thức

Với Giải Kinh tế Pháp luật 11 trang 52 trong Bài 8: Văn hóa tiêu dùng Kinh tế và Pháp luật lớp 11 Kết nối tri thức hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh dễ dàng trả lời các câu hỏi & làm bài tập KTPL 11 trang 52.

Luyện tập 2 trang 52 KTPL 11: Em hãy cho biết các hành vi tiêu dùng sau đây có phải là tiêu dùng có văn hoá không. Giải thích vì sao.

a. Khi đi du lịch, chị M thường mua các sản phẩm của địa phương về làm quà cho những người thân trong gia đình.

b. Bà Y có thói quen chỉ dùng các loại hoá mĩ phẩm nhập khẩu.

c. Chị B chơi với một nhóm bạn người nước ngoài. Chị thường nấu các món ăn dân dã của người Việt để giới thiệu với các bạn.

Lời giải:

- Trường hợp a. Chị M đã thực hiện hành vi tiêu dùng có văn hóa. Vì: thông qua việc mua sản phẩm đặc sản của các địa phương về làm quà cho người thân, chị M đã góp phần mở rộng giao lưu, quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc các vùng miền của Việt Nam tới mọi người xung quanh.

- Trường hợp b.

+ Xét trong trường hợp: bà Y có điều kiện kinh tế khá giả, các loại hóa mĩ phẩm do Việt Nam sản xuất không đảm bảo yêu cầu chất lượng và không phù hợp với tình trạng sức khỏe của bà Y, thì việc bà Y lựa chọn tiêu dùng các loại hóa mĩ phẩm nhập khẩu là một hành vi tiêu dùng có văn hóa. Vì: hành động này thể hiện việc bà Y đã có sự cân nhắc, lựa chọn kĩ lưỡng sản phẩm hàng hóa có chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện của bản thân…

+ Cét trong trường hợp: điều kiện kinh tế của bà Y không tốt; trên thị trường đã có những sản phẩm do Việt Nam sản xuất đáp được yêu cầu về chất lượng với giá cả hợp lí hơn,… nhưng bà Y vẫn lựa chọn tiêu dùng những sản phẩm ngoại nhập để thể hiện “đẳng cấp”, thì đây là thói quen tiêu dùng chưa có văn hóa, chưa hợp lí.

- Trường hợp c. Chị B đã thực hiện hành vi tiêu dùng có văn hóa. Vì: thông qua việc giới thiệu tới bạn bè nước ngoài những món ăn dân dã của người Việt, chị B đã góp phần mở rộng giao lưu, quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc.

Luyện tập 3 trang 52 KTPL 11: Em hãy đọc tình huống sau để trả lời câu hỏi:

Tình huống. Bạn Q có thói quen sử dụng các loại thức ăn nhanh vì cho rằng rất tiện lợi và ngon miệng.

- Em có nhận xét gì về hành vi tiêu dùng này của bạn Q?

- Nếu là bạn thân của Q, em sẽ nói gì với bạn về thói quen này?

Lời giải:

- Nhận xét: hành vi tiêu dùng của bạn Q chưa hợp lí. Vì:

+ Xét về góc độ sức khỏe, nhiều nghiên cứu cho thấy thức ăn nhanh, đặc biệt là đồ chiên, rán có thể gây béo phì, tiểu đường, các bệnh về tim mạch… bởi chứa rất nhiều mỡ, đường và lượng calo rất lớn.

+ Bên cạnh đó, việc thường xuyên sử dụng các loại thức ăn nhanh cũng khiến chúng ta tiêu tốn nhiều chi phí hơn.

- Lời khuyên: bạn Q nên thay đổi hành vi tiêu dùng này. Khi tiêu dùng các sản phẩm hàng hóa, Q nên có sự cân nhắc, lựa chọn kĩ lưỡng hơn theo hướng: sử dụng những sản phẩm tươi sạch, có chất lượng tốt để đảm bảo dinh dưỡng, an toàn cho sức khỏe của bản thân…

Vận dụng 1 trang 52 KTPL 11: Em hãy viết bài hoặc vẽ tranh, gửi thông điệp tuyên truyền "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Lời giải:

(*) Tham khảo:

Trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ giang sơn, bờ cõi của Tổ quốc, lòng yêu nước và sức mạnh trí tuệ Việt Nam được thể hiện ở tinh thần mưu trí, sáng tạo, vượt mọi hiểm nguy gian khó, quyết giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Ngày nay đất nước hoà bình thống nhất, câu hỏi lớn đặt ra là làm thế nào Việt Nam thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Lòng yêu nước và phẩm chất trí tuệ của người Việt Nam đang đứng trước thử thách không kém phần gay go, quyết liệt trước yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế; đó là phải nâng cao sức cạnh tranh của cả nền kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh của cả quốc gia - doanh nghiệp - hàng hóa. Bởi lẽ, thương hiệu hàng hóa, sức cạnh tranh của hàng hóa và cả nền kinh tế của một quốc gia xét đến cùng là sự hội tụ của tinh hoa, sức mạnh quốc gia, dân tộc đó. Không thể có một quốc gia hùng cường, thịnh vượng trong khi hàng hóa, sức cạnh tranh nền kinh tế của quốc gia đó lại thua kém nhiều so với các nước. Nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa, của doanh nghiệp và của cả quốc gia là yêu cầu đòi hỏi bức thiết của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được phát động nhằm mục đích phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là vận động hết thảy mọi tổ chức, cá nhân người Việt Nam dành sự ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng Việt Nam thay vì sử dụng hàng nhập khẩu từ nước ngoài có chất lượng, giá cả, công dụng sản phẩm tương đương; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và đóng góp cho ngân sách nhà nước.

“Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” không phải là hành vi phân biệt đối xử đối với sản phẩm hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu từ nước ngoài; mà đây là hành động thể hiện trách nhiệm, khát vọng vươn lên của người Việt Nam trong sản xuất, kinh doanh, quảng bá và sử dụng hàng Việt Nam.

Vận dụng 2 trang 52 KTPL 11: Em hãy viết bài giới thiệu nét đẹp một hành vi tiêu dùng có văn hoá của người Việt và chia sẻ với thầy cô, bạn bè.

Lời giải:

(*) Tham khảo

Tiêu dùng xanh có thể được định nghĩa là việc mua, sử dụng và tuyên truyền các sản phẩm thân thiện với môi trường mà không gây nguy cơ cho sức khỏe con người và không đe dọa các chức năng hay sự đa dạng của các hệ sinh thái tự nhiên. Tiêu dùng xanh xuất phát từ mong muốn bảo vệ các nguồn tài nguyên cho các thế hệ tương lai và nâng cao chất lượng sống của con người.

Ở Việt Nam dù chưa có một quy định riêng biệt về tiêu dùng xanh nhưng nhiều nội dung liên quan đến tiêu dùng xanh, tiêu dùng bền vững đã sớm được đưa vào nội dung chính sách phát triển kinh tế của Đảng và nhà nước; chiến lược kinh doanh của nhiều doanh nghiệp và trong hoạt động tiêu dùng của người dân.

Ở góc độ tiêu dùng, dễ nhận thấy người tiêu dùng Việt Nam ngày càng quan tâm đến môi trường, đến vấn đề “xanh” và “sạch”, coi trọng hành vi mua những sản phẩm thân thiện với môi trường. Ví dụ như: trong những năm gần đây, mức độ phổ biến của các loại thực phẩm hữu cơ ở Việt Nam đã tăng lên do cộng đồng ngày càng quan tâm nhiều đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm; đối với các thiết bị và sản phẩm giặt tẩy, người tiêu dùng Việt Nam cũng quan tâm đến những sản phẩm với công nghệ tiết kiệm điện năng, nước và giảm lượng chất thải tác động xấu đến môi trường;… hay như Chiến dịch tiêu dùng xanh được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh (tháng 8/2017) đã ghi nhận sự tham gia của hơn 70.000 lượt tình nguyện viên, hơn 4 triệu lượt người dân cam kết hưởng ứng tiêu dùng xanh…

Lời giải KTPL 11 Bài 8: Văn hóa tiêu dùng Kết nối tri thức hay khác:

Xem thêm lời giải bài tập Giáo dục Kinh tế và Pháp luật lớp 11 Kết nối tri thức hay, ngắn gọn khác: