Giải Kinh tế Pháp luật 11 trang 15 Kết nối tri thức

Với Giải Kinh tế Pháp luật 11 trang 15 trong Bài 2: Cung - cầu trong nền kinh tế thị trường Kinh tế và Pháp luật lớp 11 Kết nối tri thức hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh dễ dàng trả lời các câu hỏi & làm bài tập KTPL 11 trang 15.

Luyện tập 1 trang 15 KTPL 11: Em đồng tình hay không đồng tình với những ý kiến sau đây? Giải thích vì sao.

a. Mọi nhu cầu tiêu dùng của người dân đều được coi là cầu.

b. Toàn bộ sản phẩm được sản xuất ra trong nền kinh tế đều được coi là cung.

c. Giá điện tăng làm ảnh hưởng đến lượng cầu về các sản phẩm sử dụng điện.

d. Chính phủ tăng lương cho những người làm việc trong các cơ quan nhà nước sẽ góp phần làm tăng cầu.<

Lời giải:

- Ý kiến a. Không đồng tình, vì nhu cầu của người dân thì rất nhiều nhưng chỉ những nhu cầu có khả năng thanh toán mới được coi là cầu.

- Ý kiến b. Không đồng tình, vì có những sản phẩm được sản xuất ra nhưng không mang ra bán trên thị trường mà chỉ để người sản xuất ra nó tiêu dùng thì không được tính vào cung.

- Ý kiến c. Đồng tình, vì khi giá điện tăng, việc tiêu dùng các sản phẩm sử dụng điện sẽ tốn thêm chi phí nhiên liệu khiến người tiêu dùng cân nhắc, có thể chuyển sang sử dụng các sản phẩm khác không sử dụng điện có mức chi phí nhiên liệu thấp hơn.

- Ý kiến d. Đồng tình, vì khi thu nhập tăng, những người được tăng lương sẽ có cơ hội mua sắm nhiều hơn khiến cầu tăng lên.

Luyện tập 2 trang 15 KTPL 11: Em hãy phân tích quan hệ cung - cầu trong các trường hợp dưới đây và cho biết quan hệ này đã tác động thế nào đến việc ra quyết định của các chủ thể kinh tế.

a. Những ngày giáp Tết năm ngoái, giá các loại rau tăng rất mạnh. Năm nay, bà G dự định sẽ trồng thật nhiều rau để đến gần Tết mới đem ra chợ bán.

b. Giá ga tăng cao khiến một số người chuyển từ sử dụng bếp ga sang bếp từ.

c. Hợp tác xã M tăng cường thử nghiệm trồng rau trái vụ cung ứng cho thị trường.

d. Cơn bão số 5 gây ra thiệt hại lớn đến hoa màu, nhiều cánh đồng rau bị dập nát và ngập sâu trong nước.

Lời giải:

- Trường hợp a.

+ Quan hệ cung - cầu: những ngày giáp Tết, người dân có nhu cầu mua sắm nhiều rau để tiêu dùng trong những ngày Tết (do phong tục ngày mùng Một, mùng Hai Tết không có người bán hàng) khiến cầu lớn hơn cung, giá rau tăng cao.

+ Tác động: bà G quyết định sẽ trồng nhiều rau, để sát ngày Tết mới bán hi vọng sẽ bán được giá cao.

- Trường hợp b.

+ Quan hệ cung - cầu: giá ga tăng cao khiến cho lượng nhu cầu về bếp ga có xu hướng giảm; lượng nhu cầu về bếp từ (sử dụng năng lượng điện) có xu hướng tăng.

+ Tác động:

▪ Người tiêu dùng cân nhắc việc: chuyển từ dùng bếp ga sang bếp từ.

▪ Những người kinh doanh có thể cân nhắc để ra quyết định kinh doanh cho hợp lí (ví dụ: nhập nhiều mặt hàng bếp từ; giảm bớt mặt hàng bếp ga,…).

▪ Các doanh nghiệp có thể cân nhắc để ra quyết định sản xuất. Ví dụ: doanh nghiệp sản xuất bếp ga có thể lựa chọn việc duy trì hoặc hoặc giảm bớt một phần mức sản xuất; doanh nghiệp sản xuất bếp từ có thể lựa chọn mở rộng quy mô sản xuất,…

- Trường hợp c.

+ Quan hệ cung - cầu: Khi trái vụ, ít người trồng rau nên cung nhỏ hơn cầu, giá bán rau sẽ đắt hơn lúc chính vụ.

+ Tác động: hợp tác xã M quyết định sẽ thử nghiệm tăng lượng rau lúc trái vụ.

- Trường hợp d.

+ Quan hệ cung - cầu: cơn bão khiến cho lượng cung về rau trên thị trường giảm sút, cung nhỏ hơn cầu => giá rau tăng cao.

+ Tác động:

▪ Người tiêu dùng đưa ra quyết định tạm thời chuyển bớt nhu cầu rau xanh sang những mặt hàng thay thế, như: củ, quả,…

▪ Nhà sản xuất kinh doanh cần nhanh chóng gieo trồng những loại rau ngắn ngày để cung cấp cho thị trường.

Luyện tập 3 trang 15 KTPL 11: Em hãy đưa ra lời khuyên cho các nhân vật trong các trường hợp dưới đây:

a. Việc nuôi cá đang ổn định nhưng thấy nhà hàng xóm nuôi ba ba bán cho các nhà hàng đặc sản ngoài phố có thu nhập tốt hơn, chị N có ý định chuyển hướng sang nuôi ba ba.

Dựa trên sự phân tích cung - cầu về ba ba, em hãy đưa ra lời khuyên cho chị N.

b. Sắp đến tháng khuyến mại siêu giảm giá các loại hàng hóa, M cho rằng người bán giảm giá để kích cầu tiêu dùng nên mình cần tận dụng cơ hội mua thật nhiều thứ.

Dựa vào quan hệ cung - cầu, em hãy phân tích cơ sở của chính sách khuyến mại để đưa ra lời khuyên giúp bạn M mua sắm cho hợp lí.

Lời giải:

- Trường hợp a.

+ Trên địa bàn chị N sinh sống, nếu cung nhỏ hơn cầu => chị N có thể chuyển từ nuôi cá sang nuôi ba ba giống các gia đình khác để thu được nhiều lợi nhuận hơn.

+ Tuy nhiên, chị N cần khảo sát thị trường một cách kĩ lưỡng, vì: khi nhiều gia đình trên địa bàn cùng chuyển hướng sang nuôi ba ba; trong khi chỉ bán ba ba cho một vài nhà hàng trên phố => lượng cung sẽ lớn hơn cầu => giá cả sụt giảm.

- Trường hợp b.

+ Khuyến mại là hoạt động xúc tiến thương mại, doanh nghiệp sử dụng các hoạt động khuyến mại nhằm trực tiếp tăng sức mua hàng, kích cầu tiêu dùng, từ đó tăng doanh thu và giảm hàng tồn kho. Vì vậy, là người tiêu dùng, M có thể tận dụng cơ hội này để mua được hàng giảm giá so với ngày thường.

+ Tuy nhiên, M cần cân nhắc chỉ mua những thứ thực sự cần thiết, chú ý đến chất lượng sản phẩm. Tránh vì thấy rẻ mà mua nhiều nhưng không dùng đến thì rất lãng phí, hoặc mua hàng rẻ nhưng lỗi mốt hoặc sắp hết hạn sử dụng,...

Vận dụng trang 15 KTPL 11: Em hãy viết bài kể về một trải nghiệm đã phân tích quan hệ cung - cầu để đưa ra quyết định mua sắm một hàng hóa và rút ra bài học đối với bản thân.

Lời giải:

(*) Tham khảo:

- Trải nghiệm: vào dịp 3/3, trên sàn thương mại điện tử Shoppee có chương trình khuyến mại, các nhãn hàng đều đồng loạt thực hiện giảm giá sản phẩm. Điều này đã kích thích nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Bản thân em cũng mua được nhiều sản phẩm hàng chính hãng với giá rẻ hơn.

- Bài học:

+ Nắm rõ các khung giờ vàng khuyến mại giảm giá (sale) của các nhãn hàng.

+ Thu thập càng nhiều Voucher càng tốt.

+ Tham khảo, tìm hiểu kĩ về các mặt hàng từ trước, chỉ mua những thứ thực sự cần thiết và chú ý đến chất lượng sản phẩm;

+ Chỉ mua hàng trong giới hạn chi tiêu nhất định, tránh tình trạng thấy hàng hóa rẻ mà mua nhiều, dẫn đến lãng phí.

Lời giải KTPL 11 Bài 2: Cung - cầu trong nền kinh tế thị trường Kết nối tri thức hay khác:

Xem thêm lời giải bài tập Giáo dục Kinh tế và Pháp luật lớp 11 Kết nối tri thức hay, ngắn gọn khác:

Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 11 hay khác:


Giải bài tập lớp 11 Kết nối tri thức khác