Lý thuyết KHTN 9 Kết nối tri thức Bài 45: Di truyền liên kết

Với tóm tắt lý thuyết Khoa học tự nhiên 9 Bài 45: Di truyền liên kết sách Kết nối tri thức hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh lớp 9 nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt môn KHTN 9.

I - QUY LUẬT DI TRUYỀN LIÊN KẾT

1. Thí nghiệm của Morgan

- Thomas Hunt Morgan (1866 - 1945) là nhà di truyền học người Mĩ, ông là người đầư tiên phát hiện hiện tượng di truyền liên kết trên ruồi giấm vào năm 1910.

- Cách tiến hành và kết quả thí nghiệm của Morgan được trình bày dưới đây:

Ptc: Ruồi thân xám, cánh dài × Ruồi thân đen, cánh cụt

F1: 100% ruồi thân xám, cánh dài

Cho ruồi đực F1 lai phân tích:

♂ F1 ruồi thân xám, cánh dài × ♀ ruồi thân đen, cánh cụt

Fa: 50% ruồi thân xám, cánh dài : 50% ruồi thân đen, cánh cụt

Lý thuyết KHTN 9 Kết nối tri thức Bài 45: Di truyền liên kết

Thí nghiệm phát hiện hiện tượng di truyền liên kết của Morgan

2. Giải thích thí nghiệm

- P thuần chủng, F1 thu được 100% ruồi thân xám, cánh dài, nên thân xám và cánh dài là tính trạng trội, thân đen và cánh cụt là tính trạng lặn → Quy ước gene: Gene B quy định thân xám, allele b quy định thân đen; gene V quy định cánh dài, allele v quy định cánh cụt.

- P thuần chủng khác nhau về 2 tính trạng tương phản → F1 dị hợp 2 cặp gene → Nếu gene quy định các tính trạng màu thân và chiều dài cánh phân li độc lập thì kết quả phép lai phân tích hai tính trạng có tỉ lệ kiểu hình là 1 : 1 : 1 : 1. Trong khi đó, kết quả phép lai phân tích trên chỉ thu được hai loại kiểu hình với tỉ lệ 1 : 1 nên không di truyền theo quy luật phân li độc lập.

- Mặt khác, tính trạng thân xám luôn đi cùng với tính trạng cánh dài, tính trạng thân đen luôn đi cùng với tính trạng cánh cụt nên hai cặp gene (Bb, Vv) quy định hai tính trạng này cùng nằm trên một cặp NST tương đồng và di truyền cùng nhau.

- Sự phân li và tổ hợp của hai cặp gene nằm trên một cặp NST tương đồng trong giảm phân và thụ tinh được thể hiện như sau:

Lý thuyết KHTN 9 Kết nối tri thức Bài 45: Di truyền liên kết

Lý thuyết KHTN 9 Kết nối tri thức Bài 45: Di truyền liên kết

Giải thích thí nghiệm của Morgan

3. Khái niệm và đặc điểm về di truyền liên kết

- Khái niệm di truyền liên kết: Di truyền liên kết là hiện tượng các gene quy định các tính trạng cùng nằm trên một NST có xu hướng di truyền cùng nhau trong quá trình giảm phân.

- Đặc điểm của di truyền liên kết:

+ Các cặp allele quy định các tính trạng cùng nằm trên một cặp NST tương đồng.

+ Có sự phân li và tổ hợp cùng nhau của các allele cùng nằm trên một cặp NST trong giảm phân và thụ tinh.

+ Di truyền liên kết làm hạn chế sự xuất hiện biến dị tổ hợp, đảm bảo sự di truyền bền vững của nhóm tính trạng luôn đi cùng với nhau.

- Phân biệt di truyền liên kết với phân li độc lập:

Nội dung so sánh

Phân li độc lập

Di truyền liên kết

Vị trí của các gene trên NST

Các cặp allele quy định các tính trạng nằm trên các cặp NST tương đồng khác nhau.

Các cặp allele quy định các tính trạng nằm trên một cặp NST tương đồng khác nhau.

Sự phân li và tổ hợp của các gene

Các gene phân li độc lập và tổ hợp tự do trong giảm phân và thụ tinh → Các tính trạng phân li độc lập.

Các gene phân li và tổ hợp cùng nhau trong giảm phân và thụ tinh → Các tính trạng luôn đi cùng nhau.

Số lượng

biến dị tổ hợp

Làm xuất hiện nhiều biến dị tổ hợp, là một trong những nguyên nhân giải thích sự đa dạng, phong phú của các loài sinh sản hữu tính.

Làm hạn chế sự xuất hiện của biến dị tổ hợp, đảm bảo sự di truyền ổn định của từng nhóm tính trạng ở sinh vật.

II - ỨNG DỤNG VỀ DI TRUYỀN LIÊN KẾT

- Ứng dụng để chọn và tạo được những nhóm tính trạng tốt luôn đi kèm với nhau, tạo các tổ hợp gene quy định các tính trạng mong muốn phù hợp với mục tiêu sản xuất của con người. Ví dụ: Chuyển gene để tạo thành nhóm gene quy định cây trồng có sức đề kháng với thuốc diệt cỏ, thuốc diệt côn trùng, tăng sản lượng hoặc nâng cao giá trị dinh dưỡng.

- Các trình tự nucleotide đặc biệt di truyền liên kết với các gene liên quan đến đặc tính nào đó của sinh vật được dùng để làm chỉ thị cho đặc tính ấy, phát hiện ra cá thể mang đặc tính quan tâm ở giai đoạn sớm. Ví dụ: Trong lai tạo giống lúa, những cây kháng bệnh đạo ôn có thể được phát hiện nhờ chỉ thị DNA liên kết với gene kháng bệnh đạo ôn ở giai đoạn cây non.

Xem thêm tóm tắt lý thuyết Khoa học tự nhiên lớp 9 Kết nối tri thức hay khác:

Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 9 hay khác:


Giải bài tập lớp 9 Kết nối tri thức khác