Bài tập có lời giải trang 140, 141, 142, 143 SBT Sinh học 8

Bài 1 trang 140 SBT Sinh học 8: Trình bày đặc điểm cấu tạo của tinh trùng liên quan đến quá trình thụ tinh.

Lời giải:

Tinh trùng được sản sinh trong ống sinh tinh (cuộn khúc trong tinh hoàn) bắt đầu từ tuổi dậy thì chính thức ở nam, trong điều kiện nhiệt độ thấp hơn thân nhiệt chừng 2 - 3°c.

Tinh trùng gồm 2 phần : một đầu hình chóp và một chiếc đuôi dài. Đầu dài 4-5 µm và rộng 3 µm ở chỗ rộng nhất, trong đó chứa 1 nhân, một thể đính và thể gốc lông roi.

Nhân chứa bộ nhiễm sắc thể đơn bội, là vật chất di truyền của bố, trong đó mang một nhiễm sắc thể giới tính hoặc X hoặc Y ; thế đỉnh chứa acrozin - một enzim có tác dụng phá thủng màng trứng để đưa vật chất di truyền trong nhân vào hoà nhập với nhân của trứng khi thụ tinh ; thể gốc của roi đuôi nằm sát phần cuối của nhân.

Đuôi chia làm 3 đoạn : đoạn tiếp với đầu được coi là thân, là phần rộng nhất, dài khoảng 5 - 9 µm, trong chứa ti thể - nơi cung cấp năng lượng cho hoạt động của đuôi, giúp tinh trùng vận chuyển để đến gặp trứng thụ tinh. Phần đuôi chính thức dài khoảng 40 - 45 µm là cơ quan vận chuyển chủ yếu của tinh trùng, trong chứa một sợi trục dọc theo chiều dài đuôi.

Bài 2 trang 140 SBT Sinh học 8: Trình bày quá trình phát triển cùa trứng trong buồng trứng cho đến khi chín và rụng. Nêu rõ đặc điểm cấu tạo của tế bào trứng.

Lời giải:

Trứng được hình thành qua giảm phân. Trứng trưởng thành chín và rụng chỉ mang bộ nhiễm sắc thể đơn bội, trong đó có một nhiễm sắc thể giới tính X.

Quá trình phát triển trứng bắt đầu từ các tế bào gốc (noãn nguyên bào) trong buồng trứng đến trứng trưởng thành và rụng trải qua hai giai đoạn : trước và sau khi sinh.

Buồng trứng được hình thành từ tuần thứ bảy ở thai bé gái trong đó chứa các tế bào mầm. Các tế bào này phân chia rất nhanh trong vòng 5 tháng đầu của thai nhi để cho khoảng 6-7 triệu tế bào mới, về sau sẽ chuyển thành noãn bào bậc I, nhưng đa số các tế bào đó bị tiêu biến nên khi sắp sinh, chỉ còn khoảng 2 triệu noãn bào bậc I.

Sau khi bé gái sinh ra, các noãn bào bậc I tiếp tục thoái hoá, đến tuổi dậy thì chỉ còn khoảng 400 000.

Bước vào tuổi dậy thì, buồng trứng bắt đầu hoạt động trở lại dưới tác dụng của FSH do tuyến yên tiết ra. Các noãn bào bậc I lần lượt phân chia giảm phân để thành noãn bào bậc II nằm trong nang trứng. Nang mỗi ngày một lớn, các tế bào noãn (bao nang) càng ngày càng tiết nhiều ơstrôgen (gọi là hoocmôn buồng trứng).

Ơstrôgen sẽ kích thích tuyến yên gây tiết LH là hoocmôn gây rụng trứng và kích thích nơi trứng rụng phát triển thành thể vàng. Thể vàng sẽ tiết hoocmôn prôgestêrôn vừa có tác dụng duy trì sự tồn tại của thể vàng, gây những biến đổi trong niêm mạc tử cung để đón trứng (nếu được thụ tinh) xuống làm tổ, vừa có tác dụng kìm hãm tuyến yên không tiết FSH và LH nữa.

Trứng đã rụng sẽ chuyển qua phễu ống dẫn trứng vào ống dẫn trứng để gặp tinh trùng và thụ tinh. Nếu trứng rụng mà được thụ tinh thì noãn bào bậc II mới hoàn thành quá trình giảm phân và kết hợp với nhân tinh trùng thành hợp tử để chuẩn bị cho một thế hệ mới ra đời.

Bài 3 trang 141 SBT Sinh học 8: Vì sao số lượng tinh trùng mỗi lần phóng tinh rất lớn nhưng lại chỉ có một tinh trùng được thụ tinh cho trứng ? Giải thích mâu thuẫn đó như thế nào ?

Lời giải:

Mỗi lần phóng tinh, số lượng tinh trùng được phóng ra là khoảng nửa tỉ tinh trùng trong 4 - 5 ml tinh dịch với mật độ chừng 50 - 120triệu/ml. Tinh trùng được phóng vào âm đạo phải vượt qua cổ tử cung vào tử cung, tới vòi trứng, gặp trứng để thực hiện quá trình thụ tinh. Trong cuộc hành trình đó chỉ những tinh trùng khoẻ mới tới được nơi thụ tinh với trứng, số này chỉ còn vài ngàn, nhưng cũng chỉ vài trăm tinh trùng đến tiếp xúc được với trứng mà thôi, số còn lại hoặc vì yếu hoặc vì bị bạch cầu thực bào.

Khi tinh trùng gặp trứng, chúng bao quanh trứng và từ thể đỉnh ở đầu tinh trùng tiết ra các enzim cần thiết cho sự xâm nhập của tinh trùng vào trứng để thụ tinh.

Trước hết enzim hialuronidaza phá huỷ lớp vỏ bao quanh trứng. Tiếp đó tinh trùng tiếp xúc với màng trong suốt, enzim acrozin chọc thủng màng này để đưa vật chất di truyền trong nhân tinh trùng vào hoà nhập với vật chất di truyền của trứng tạo thành hợp tử. Như vậy, trứng đã được thụ tinh. Quá trình này xảy ra ở 1/3 phía ngoài của ống dẫn trứng.

Ngay sau khi một tinh trùng khoẻ nhất đột nhập được qua màng trứng để thụ tinh thì đã xảy ra hiện tượng phong bế của trứng không cho một tinh trùng nào khác có thể xâm nhập được vào trứng nữa. Như vậy, trứng chỉ được thụ tinh với 1 tinh trùng có cơ may đột nhập được vào trứng qua màng trứng trước tiên. Các tinh trùng khác chỉ hỗ trợ bằng tiết enzim hialuronidaza giúp phá huỷ lớp vỏ bao quanh trứng do các tế bào hạt được gắn kết bởi axit hialuronic mà thôi.

Bài 4 trang 142 SBT Sinh học 8: Những điều kiện cơ bản cần cho quá trình thụ tinh có thể xảy ra là gì ?

Lời giải:

Thụ tinh là sự kết hợp của trứng với tinh trùng để tạo thành hợp tử, khởi đầu cho một thế hệ mới chuẩn bị chào đời.

Vì vậy, nói đến thụ tinh là phải có sự gặp gỡ của tinh trùng đối với trứng. Có nghĩa là muốn sự thụ tinh xảy ra đòi hỏi phải có những điều kiện sau :

1. Trứng phải chín và rụng. Trứng cũng chỉ có khả năng thụ tinh trong vòng 24 giờ.

2. Tinh trùng phải tới gặp được trứng khi trứng còn có khả năng thụ tinh.

Số lượng tinh trùng phải đủ lớn, thường là 50- 120 triệu tinh trùng/ml. Nếu ít hơn 20 - 25 triệu tinh trùng/ml thì thường không có khả năng thụ tinh, mặc dù chỉ có 1 tinh trùng được thụ tinh cho trứng (xem lại bài 3). Nghĩa là tinh trùng phải khoẻ và không có các dị tật như gãy đuôi, mất đuôi để có thể đủ sức vượt mọi trở ngại trên đường đi tới gặp trứng ở 1/3 phía ngoài ống dẫn trứng. Số lượng tinh trùng còn sống sót để đến gặp trứng cũng phải đủ lớn để hỗ trợ sự phá bỏ vỏ trứng bằng lượng hialuronidaza do đám tinh trùng còn sống tiết ra để một tinh trùng khoẻ nhất, lọt được qua vỏ trứng đến màng thụ tinh và thực hiện quá trình thụ tinh với trứng.

Bài 5 trang 143 SBT Sinh học 8: Hiện tượng kinh nguyệt là gì ? Xảy ra khi nào ? Và xảy ra như thế nào ?

Lời giải:

Trong quá trình phát triển của một nang trứng, các tế bào bao noãn sẽ tiết ra hoocmôn ơstrôgen. Ơstrôgen có tác dụng làm phát triển lớp tế bào nội mạc tử cung. Cùng với sự phát triển của tế bào trứng (noãn bào), trứng càng lớn ơstrôgen tiết ra càng nhiều sẽ kích thích tuyến yên tiết ra LH là hoocmôn thúc đẩy trứng chín và gây rụng trứng. Sau khi trứng rụng LH lại thúc đẩy việc tạo thành thể vàng ở bao noãn, nơi trứng vừa rụng. Thể vàng được coi như một "tuyến nội tiết lâm thời", tiết ra các hoocmôn prôgestêrôn và một lượng nhỏ ơstrôgen. Prôgestêrôn một mặt làm cho lớp nội mạc tử cung tiếp tục phát triển, dày, xốp và xung huyết, nhiều tuyến tiết dịch giàu chất dinh dưỡng (glicôgen) vào buồng tử cung, tạo mọi điều kiện để trứng nếu đã được thụ tinh sẽ phát triển và đến làm tổ ở đây và thể vàng sẽ tồn tại trong khoảng 3 tháng, tiếp tục tiết prôgestêrôn để duy trì lớp nội mạc này.

Nếu trứng không được thụ tinh thì sau khi trứng rụng khoảng 12 ngày, lượng prôgestêrôn giảm đột ngột làm các mạch máu co thắt gây hoại tử lớp nội mạc tử cung. Lớp này bị bong ra hoà lẫn với máu ở các mạch bị đứt gây hiện tượng hành kinh. Hiện tượng này xảy ra đều đặn hằng tháng ở người con gái kể từ tuổi dậy thì kèm theo sau rụng trứng nên còn gọi là hiện tượng kinh nguyệt. Trứng rụng theo chu kì (28 - 32 ngày 1 lần) nên hiện tượng hành kinh cũng theo chu kì gọi là chu kì kinh nguyệt. Kinh nguyệt xảy ra sau rụng trứng thường là một khoảng thời gian cố định là 14 ngày.

Kinh nguyệt thường xảy ra sau rụng trứng nên hai vợ chồng son nếu sinh hoạt vợ chồng bình thường khi thấy "tắt kinh" thì chứng tỏ có nhiều khả năng đã có thai. Cần kiểm tra để khẳng định nếu muốn có con hoặc nếu chưa muốn có con thì cũng kiểm tra để có những quyết định sớm.

Các bài giải bài tập sách bài tập Sinh học 8 (SBT Sinh học 8) khác:

Xem thêm các loạt bài Để học tốt Sinh học 8 hay khác:

chuong-11-sinh-san.jsp

Giải bài tập lớp 8 sách mới các môn học