Địa Lí 12 Kết nối tri thức Bài 31: Thực hành: Viết báo cáo về biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long

Với giải bài tập Địa Lí 12 Bài 31: Thực hành: Viết báo cáo về biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long sách Kết nối tri thức hay nhất, ngắn gọn giúp học sinh dễ dàng trả lời câu hỏi & làm bài tập Địa 12 Bài 31.

1. Nội dung

Tìm hiểu và viết báo cáo về ảnh hưởng và giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

2. Nguồn tư liệu

- Thông tin từ các tạp chí, sách, báo, internet, thực tế,… về biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long.

- Gợi ý các nguồn tham khảo:

+ Tác động của biến đổi khí hậu đối với sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long, https://www.ihrce.org.vn/Tac-dong-cua-bien-doi-khi-hau-doi-voi-san-xuat-nong-nghiep-o-dong-bang-song-cuu-long-8.html

+ Ứng phó với biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Tài nguyên và Môi trường, https://monre.gov.vn/Pages/ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau-o-dong-bang-cuu-long.aspx

+ Chính sách ứng phó biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long, https://moitruong.nongthonmoi.gov.vn/Pages/chinh-sach-ung-pho-bien-doi-khi-hau-vung-dbscl.aspx

3. Gợi ý cấu trúc báo cáo

Địa Lí 12 Kết nối tri thức Bài 31: Thực hành: Viết báo cáo về biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long | Giải Địa 12

 Trả lời:

BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

1. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long

- Đến tự nhiên

+ Hạn hán và lũ lụt sẽ gia tăng với các trận mưa có cường độ cao và các ngày hạn kéo dài.

+ Dưới tác động của biến đổi khí hậu, ước tính hàng trăm ngàn hecta đất bị ngập.

+ Các vùng tài nguyên rừng, đất, nước, sinh vật hoang dã, khoáng sản (than bùn, cát đá xây dựng...) sẽ bị xâm lấn.

+ Do mực nước biển dâng cao làm chế độ dòng chảy ven bờ thay đổi sẽ gây xói lở bờ.

+ Biến đổi khí hậu cũng làm thay đổi điều kiện sinh sống của các loài sinh vật, dẫn đến tình trạng biến mất của một số loài và ngược lại xuất hiện nguy cơ gia tăng các loại “thiên địch”.

+ Biến đổi khí hậu và nước biển dâng sẽ tác động lên toàn bộ hệ sinh thái vốn rất nhạy cảm của vùng ĐBSCL. Vấn đề này làm thay đổi cán cân thực phẩm trong sinh quyển, làm mất tính đa dạng sinh học, đất và rừng bị suy kiệt: nhiều vùng bảo tồn đất ngập nước như Tràm Chim, U Minh Thượng, Láng Sen, Trà Sư, Hà Tiên, Vồ Dơi, Bãi Bồi, Đất Mũi, Lung Ngọc Hoàng sẽ bị đe dọa ảnh hưởng, sự bền vững trở nên mong manh hơn, một số sinh vật có thể bị tiêu diệt, nhưng cũng sẽ có một số côn trùng (như muỗi) sẽ gia tăng số lượng, đa dạng sinh học bị đe dọa, suy giảm về số lượng và chất lượng do ngập nước và khô hạn, tăng thêm nguy cơ diệt chủng đối với động, thực vật, làm biến mất các nguồn gen quý hiếm.

- Đến các hoạt động kinh tế:

+ Sản lượng lương thực có nguy cơ giảm sút lớn, đe doạ tới an ninh lương thực của quốc gia.

+ Diện tích canh tác nông nghiệp sử dụng nguồn nước ngọt như lúa, màu, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản sẽ bị thu hẹp, năng suất và sản lượng sẽ suy giảm.

+ Cá nước ngọt dự kiến sẽ suy giảm vì diện tích đất đồng bằng và dòng sông nhiễm mặn gia tăng. Ngược lại, cá nước mặn, lợ sẽ phát triển. Diện tích nuôi tôm, sò và hải sản khác có thể sẽ gia tăng trong tương lai.

+ Mực nước biển dâng còn làm hệ thống đê biển hiện tại có nguy cơ tràn và vỡ ngay cả khi không có các trận bão lớn. Mực nước biển dâng cao làm cho khả năng tiêu thoát nước ra biển giảm, kéo theo mực nước các con sông dâng lên, kết hợp với sự gia tăng dòng chảy lũ từ thượng nguồn sẽ làm cho đỉnh lũ tăng thêm, uy hiếp sự an toàn của các tuyến đê sông ở các tỉnh phía bắc, đê bao và bờ bao ở các tỉnh phía nam.

+ Biến đổi khí hậu có thể tác động đến thời vụ canh tác lúa, làm thay đổi cấu trúc mùa vụ, quy hoạch vùng, kỹ thuật tưới tiêu, sâu bệnh, năng suất, sản lượng.

- Đến sinh hoạt của dân cư:

+ Với tác động của BĐKH, nước biển dâng cao gây ra tình trạng sạt lở bờ biển, hàng triệu người có thể bị mất nhà cửa.

+ Người dân chịu nhiều tổn thương nặng nề do thiếu nguồn dinh dưỡng, thiếu khả năng tài chính, thiếu điều kiện tiếp cận thông tin để có thể đối phó kịp thời với sự thay đổi của thời tiết và khí hậu.

+ Dự kiến sẽ có sự dịch chuyển dòng di cư của nông dân ở các vùng ven biển bị tác động nặng nề do biến đổi khí hậu và nước biển dâng lên các đô thị vùng phía bắc và phía tây (như Châu Đốc, Long Xuyên, Cần Thơ, Vĩnh Long, Mỹ Tho, Tân An...). Điều này khiến các quy hoạch đô thị bị phá vỡ, trật tự xã hội sẽ là một thử thách, môi trường đô thị sẽ bị xấu đi do sự gia tăng cơ học về dân số.

2. Giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long

- Giải pháp giảm nhẹ:

+ Trồng cây quanh nhà; tái sử dụng, tái chế rác thải, nước thải; trữ nước gia đình, tiết kiệm dùng nước; gia cố, thay đổi kiến trúc nhà cửa,

+ Tăng cường năng lực, nhận thức, ý thức và hành vi bảo vệ môi trường - sinh thái, giảm thiểu các tác nhân làm khí hậu xấu hơn.

+ Xây dựng quy chuẩn xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng trong tương lai

+ Xây dựng chiến lược tổng thể bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Công; kiểm soát khai thác nước ngầm và tình trạng sụt lún đất do khai thác nước ngầm; xây dựng hệ thống công trình trữ nước mùa mưa, điều hoà nguồn nước cho mùa khô để giảm thiểu tác động của hạn hán và xâm nhập mặn.

+ Xây dựng và duy trì mạng lưới thông tin, nâng cấp hệ thống cảnh báo thời tiết - thiên tai; tăng cường hợp tác quốc tế và quốc gia, thường xuyên trao đổi, chia sẻ thông tin trong và ngoài nước.

- Giải pháp thích ứng:

+ Điều chỉnh cơ cấu thời vụ, thay đổi giống cây, con khả năng chống chịu bất lợi về thời tiết, tập trung sản xuất nông nghiệp chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu; nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp hiệu quả cao, tối ưu hoá giá trị nông nghiệp; phát triển công nghệ về giống, công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, thuỷ sản.

+ Xây dựng, nâng cấp và hoàn thiện hệ thống đê biển, đê bao, bờ biển, công trình kiểm soát lũ, mặn, hệ thống thuỷ lợi nội đồng phục vụ chuyển đổi, phát triển nông nghiệp bền vững;  Xây dựng, củng cố công trình phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển, bảo đảm an toàn cho dân cư và cơ sở hạ tầng; phát triển rừng ngập mặn và các đa dạng sinh học ven biển gắn với bảo đảm đa dạng sinh học và sinh kế bền vững; Hoàn thiện chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ; củng cố, nâng cấp công trình kết hợp sơ tán dân phòng chống lũ, bão.

+ Đẩy nhanh tốc độ đô thị hoá, xây dựng mạng lưới đường bộ cao tốc, đường thuỷ nội địa kết nối mạng lưới đô thị vùng.

+ Chuyển đổi cơ cấu kinh tế phù hợp với từng vùng sinh thái; chủ động "sống chung với lũ và hạn hán, xâm nhập mặn", khai thác lợi thế để phát triển bền vững.

+ Lồng ghép các biện pháp thích nghi với biến đổi khí hậu vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương

Xem thêm lời giải bài tập Địa Lí lớp 12 Kết nối tri thức hay nhất, ngắn gọn khác:

Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 12 hay khác:


Giải bài tập lớp 12 Kết nối tri thức khác