Lý thuyết Địa Lí 11 Chân trời sáng tạo Bài 15: Tự nhiên, dân cư, xã hội và kinh tế Tây Á

Với tóm tắt lý thuyết Địa 11 Bài 15: Tự nhiên, dân cư, xã hội và kinh tế Tây Á sách Chân trời sáng tạo hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh lớp 11 nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt môn Địa Lí 11.

I. VỊ TRÍ ĐỊA LÍ

♦ Đặc điểm

- Phạm vi: Tây Nam Á gồm 20 quốc gia có diện tích đất khoảng 7 triệu km2.

Lý thuyết Địa Lí 11 Chân trời sáng tạo Bài 15: Tự nhiên, dân cư, xã hội và kinh tế Tây Á

- Vị trí địa lí:

+ Tây Nam Á là khu vực nằm ở phía tây nam của châu Á.

+ Phần lãnh thổ trên đất liền của Tây Nam Á kéo dài từ khoảng vĩ độ 12°B đến vĩ độ 42°B, từ khoảng kinh độ 27°Đ đến kinh độ 73°Đ. Tây Nam Á nằm trên ngã ba tuyến giao thông giữa châu Á, châu Âu và châu Phi: phía bắc và tây bắc tiếp giáp với châu Âu; phía tây giáp châu Phi; phía đông và đông bắc tiếp giáp khu vực Nam Á và Trung Á.

+ Vùng biển của Tây Nam Á thuộc các biển như biển A-ráp thông ra Ấn Độ Dương, Biển Đỏ, Địa Trung Hải, Biển Đen và biển Ca-xpi.

Ảnh hưởng: Tây Nam Á có nhiều thuận lợi để giao thương với các nước, đẩy mạnh hoạt động kinh tế biển;có vị trí chiến lược về mặt chính trị trong khu vực và trên thế giới.

II. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN VÀ TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN

1. Địa hình và đất đai

Lý thuyết Địa Lí 11 Chân trời sáng tạo Bài 15: Tự nhiên, dân cư, xã hội và kinh tế Tây Á

♦ Tây Nam Á có 3 khu vực địa hình chính:

- Khu vực phía bắc:

+ Là các cao nguyên, sơn nguyên và dãy núi: sơn nguyên Anatôli, sơn nguyên Iran và miền núi Ápganixtan.

+ Khu vực này có nhiều dãy núi trung bình và núi cao như Pon-tích To-ruýt,... gây trở ngại cho sự phát triển giao thông trong khu vực.

- Khu vực phía tây và nam

+ Là bán đảo Aráp rộng lớn với nhiều hoang mạc như Nê-phút, Rúp-en Kha-li. Phía tây của bán đảo là sơn nguyên A-ráp với các dãy núi chạy dọc ven biển và dải đồng bằng duyên hải nhỏ hẹp.

+ Khu vực này đất đai khô cằn, không thuận lợi cho nông nghiệp, người dân chủ yếu sinh sống ở dải đồng bằng duyên hải và trong các ốc đảo giữa hoang mạc.

- Khu vực hạ lưu các sông Ti-grơ và Ơ-phrát là đồng bằng Lưỡng Hà với đất phù sa màu mỡ, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp.

2. Khí hậu

- Tây Nam Á có khí hậu cận nhiệt và nhiệt đới lục địa, nóng về mùa hè, lạnh về mùa đông.

- Khí hậu có sự phân hóa theo chiều bắc - nam:

+ Vùng núi phía bắc là nơi đón gió nên mưa nhiều (trên 2 000 mm/năm), nhiệt độ trung bình năm từ 15 - 20°C;

+ Vùng phía nam phần lớn đều mưa ít (dưới 1 000 mm/năm).

+ Tại các hoang mạc có lượng mưa rất ít, nhiệt độ trung bình năm từ 20 - 25°C, nhiệt độ mùa hè có khi lên gần 50°C.

- Dọc theo các đồng bằng duyên hải và các sườn núi hướng ra biển có khí hậu thuận lợi hơn nên dân cư tập trung đông, trồng trọt phát triển. Ở vùng nội địa với khí hậu nóng, dân cư thưa thớt, chăn nuôi đóng vai trò chủ yếu.

3. Sông, hồ

- Hệ thống sông, hồ của Tây Nam Á ít phát triển.

+ Các sông lớn của khu vực đều bắt nguồn từ vùng núi phía bắc; sông Ti-grơ và Ơ-phrát là các sông lớn, đổ ra biển, các sông còn lại ít nước, thường chỉ có nước vào mùa mưa. Nguồn nước sông đóng vai trò quan trọng đối với người dân và đây cũng là một trong những yếu tố góp phần hình thành và phát triển nền văn minh Lưỡng Hà thời cổ đại.

+ Tây Nam Á có nhiều hồ nước mặn, lớn nhất là hồ Van (Thổ Nhĩ Kỳ).

Lý thuyết Địa Lí 11 Chân trời sáng tạo Bài 15: Tự nhiên, dân cư, xã hội và kinh tế Tây Á

4. Sinh vật

- Động, thực vật của Tây Nam Á nghèo nàn, chủ yếu là cây bụi gai và các loài bò sát, gặm nhấm nhỏ.

- Rừng chỉ xuất hiện ở phía bắc của khu vực, nơi có lượng mưa tương đối nhiều.

- Tây Nam Á có một số khu bảo tồn, các vườn quốc gia có giá trị trong bảo tồn thiên nhiên, đồng thời thu hút khách du lịch, tiêu biểu như Na-han Mê A-rốt (I-xra-en), Xô-cô-tra (Y-ê-men),...

5. Khoáng sản

- Tây Nam Á là khu vực giàu có về khoáng sản dầu mỏ và khí tự nhiên.

+ Dầu mỏ chiếm khoảng 50% trữ lượng của thế giới. Các nước có trữ lượng dầu mỏ lớn là A-rập Xê-út, Cô-oét, I-rắc, Các Tiểu vương quốc A-rập Thống Nhất,...

+ Tây Nam Á là khu vực cung cấp nguồn dầu mỏ quan trọng cho nhiều nước trên thế giới.

- Ngoài ra, khu vực còn có than, kim loại màu nhưng trữ lượng không lớn.

6. Biển

- Tây Nam Á tiếp giáp với nhiều vùng biển, tạo thuận lợi cho sự phát triển kinh tế của khu vực:

+ Từ Địa Trung Hải qua Biển Đỏ đến Ấn Độ Dương là tuyến đường biển thương mại quan trọng của thế giới;

+ Biển Ca-xpi và Biển Đen cũng giúp Tây Nam Á thông thương với Nga, khu vực Trung Á và các nước châu Âu.

- Ngoài ra, các vùng biển còn cung cấp nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, độc đáo, nguồn thuỷ sản dồi dào, tạo điều kiện cho ngành du lịch biển và đánh bắt hải sản phát triển.

Lý thuyết Địa Lí 11 Chân trời sáng tạo Bài 15: Tự nhiên, dân cư, xã hội và kinh tế Tây Á

III. DÂN CƯ VÀ XÃ HỘI

1. Dân cư

- Quy mô dân số:

+ Tây Nam Á là khu vực ít dân. Năm 2020, số dân của khu vực là 402,5 triệu người, chiếm 5,2% số dân toàn thế giới.

+ Quy mô dân số của các quốc gia Tây Nam Á có sự chênh lệch lớn. Một số quốc gia khá đông dân như: Thổ Nhĩ Kỳ, I-rắc…; có quốc gia với dân số rất ít như Ca-ta, Ba-ranh,…

- Tỉ lệ gia tăng dân số tự nhiên của khu vực Tây Nam Á nhìn chung còn khá cao.

- Mật độ dân số:

+ Mật độ dân số trung bình của khu vực khá thấp, khoảng 61 người/km2 (năm 2020).

+ Dân cư phân bố tập trung tại vùng đồng bằng Lưỡng Hà, ven Địa Trung Hải, các vùng khai thác dầu mỏ quan trọng. Tại các vùng núi và sa mạc, dân cư rất thưa thớt.

- Thành phần dân cư:

+ Phần lớn dân cư ở khu vực Tây Nam Á là người Ả Rập.

+ Ngoài ra còn có các dân tộc khác như: Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Tư, Do Thái, Ác-mê-ni-a, Cuốc và nhiều bộ tộc khác.

- Cơ cấu dân số:

+ Tây Nam Á có tỉ lệ nam nhiều hơn nữ trong tổng số dân và có xu hướng tăng. Nhiều quốc gia đứng đầu thế giới về tỉ lệ nam nhiều hơn nữ như: Cata, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất, Ôman, Baranh, Arập Xêút.

+ Tây Nam Á có cơ cấu dân số trẻ, nhiều quốc gia trong khu vực đang bước vào thời kì cơ cấu dân số vàng.

- Vấn đề đô thị hóa:

+ Trong quá khứ, Tây Nam Á có tỉ lệ dân thành thị không cao. Quá trình đô thị hoá của Tây Nam Á diễn ra nhanh chóng kể từ khi ngành công nghiệp khai thác dầu khí ra đời.

+ Những năm cuối thế kỉ XX, dân số thành thị tăng lên rất nhanh. Năm 2020, tỉ lệ dân thành thị của khu vực chiếm khoảng 72% số dân.

+ Các đô thị có quy mô dân số lớn trong khu vực là I-xtan-bun (Thổ Nhĩ Kỳ), Tê-hê-ran (Iran), Ê Ri-át (A-rập Xê-út) và Bát-đa (I-rắc),…

Lý thuyết Địa Lí 11 Chân trời sáng tạo Bài 15: Tự nhiên, dân cư, xã hội và kinh tế Tây Á

2. Xã hội

- Nhiều quốc gia có GNI/người khá cao như: A-rập Xê-út, I-xra-en, Thổ Nhĩ Kỳ,…

- Chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện; tuy nhiên, có sự chênh lệch khá lớn giữa các quốc gia trong khu vực: I-xra-en, các Tiểu vương quốc A-rập Thống Nhất có chỉ số HDI rất cao (trên 0,9), trong khi HDI của Áp-ga-ni-xtan, Y-ê-men chưa đến 0,5 (năm 2020).

- Khu vực Tây Nam Á có bề dày về lịch sử và nền văn hóa phong phú, độc đáo:

+ Đồng bằng Lưỡng Hà là một trong những cái nôi của nền văn minh cổ đại. Đây cũng là nơi ra đời của nhiều tôn giáo lớn như Hồi giáo, Do Thái giáo, Thiên chúa giáo.

+ Với lịch sử lâu đời, nhiều nước trong khu vực đã từng có nhiều công trình giá trị vẫn còn được lưu giữ đến ngày nay. Nơi đây còn duy trì nhiều nghề thủ công truyền thống, các lễ hội và phong tục tập quán đặc sắc.

+ Các nước trong khu vực đã có nhiều di sản thế giới được UNESCO công nhận.

=> Đây là nguồn tài nguyên rất quan trọng để thúc đẩy du lịch ngày càng phát triển.

Lý thuyết Địa Lí 11 Chân trời sáng tạo Bài 15: Tự nhiên, dân cư, xã hội và kinh tế Tây Á

IV. TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ

1. Quy mô GDP

- Khu vực Tây Nam Á chiếm 3,7% GDP toàn thế giới (năm 2020).

- Từ năm 2010 đến nay, nhờ sự thay đổi trong chính sách phát triển kinh tế của các nước, quy mô GDP trong khu vực tiếp tục gia tăng.

Lý thuyết Địa Lí 11 Chân trời sáng tạo Bài 15: Tự nhiên, dân cư, xã hội và kinh tế Tây Á

- Quy mô GDP giữa các nước trong khu vực có sự chênh lệch lớn. Các nước có quy mô GDP hàng đầu khu vực là A-rập Xê-út, Thổ Nhĩ Kỳ, I-xra-en,...

2. Tăng trưởng kinh tế

- Giai đoạn 1965 - 1985 là giai đoạn phát triển kinh tế vượt bậc của khu vực Tây Nam Á nhờ giá dầu tăng, các quốc gia đẩy mạnh xuất khẩu dầu mỏ.

- Từ năm 1986 đến nay, tăng trưởng kinh tế của khu vực Tây Nam Á trải qua nhiều biến động. Trong giai đoạn 2010 - 2020, tăng trưởng kinh tế của khu vực thiếu ổn định. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân mỗi năm của Tây Nam Á là 2,0%.

Lý thuyết Địa Lí 11 Chân trời sáng tạo Bài 15: Tự nhiên, dân cư, xã hội và kinh tế Tây Á

- Nguyên nhân của sự tăng trưởng không ổn định chủ yếu là do sự xung đột vũ trang, sự bất ổn về giá dầu mỏ, dịch bệnh, bối cảnh quốc tế,...

- Kinh tế của nhiều nước trong khu vực chủ yếu dựa vào khai thác, chế biến, xuất khẩu tài nguyên, đặc biệt là dầu mỏ. Hiện nay, một số nước như: Các Tiểu vương quốc A-rập Thống Nhất, A-rập Xê-út, Ca-ta,... đã và đang nỗ lực hạn chế sự phụ thuộc vào nguồn tài nguyên này thông qua sự phát triển đa dạng các ngành kinh tế.

3. Cơ cấu kinh tế

- Trong cơ cấu kinh tế các nước Tây Nam Á:

+ Chiếm tỉ trọng cao nhất là khu vực dịch vụ, công nghiệp và xây dựng; Khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản chiếm tỉ trọng thấp.

+ Ở một số quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến, sản xuất nông nghiệp được phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao.

Lý thuyết Địa Lí 11 Chân trời sáng tạo Bài 15: Tự nhiên, dân cư, xã hội và kinh tế Tây Á

4. Các ngành kinh tế nổi bật

Công nghiệp:

- Nhờ có lợi thế về nguồn tài nguyên dầu mỏ và khí tự nhiên, nhiều quốc gia Tây Nam Á đã phát triển các ngành công nghiệp khai thác dầu mỏ, khai thác khí tự nhiên, hóa dầu,...

- Một số quốc gia phát triển ngành công nghiệp có hàm lượng tri thức cao như điện tử - tin học là I-xra-en, Thổ Nhĩ Kỳ,...

Lý thuyết Địa Lí 11 Chân trời sáng tạo Bài 15: Tự nhiên, dân cư, xã hội và kinh tế Tây Á

Nông nghiệp:

- Ngành trồng trọt:

+ Với đặc điểm khí hậu khô hạn, đất đai khô cằn, ít sông hồ nên các cây trồng phổ biến của khu vực Tây Nam Á là bông, chà là

+ Đất phù sa màu mỡ ở khu vực đồng bằng được sử dụng để trồng lúa mì.

- Ngành chăn nuôi: vật nuôi phổ biến là cừu, một số nước trong khu vực còn nuôi bò theo quy mô trang trại áp dụng các thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến.

- Ngành nuôi trồng và đánh bắt hải sản cũng được phát triển ở một số khu vực ven Địa Trung Hải, vịnh Péc-xích, Biển Đỏ,…

Dịch vụ

- Ngành giao thông vận tải:

+ Khu vực Tây Nam Á có hoạt động giao thông đường biển nhộn nhịp và phát triển. Một số cảng biển lớn trong khu vực là Re-bi A-li, Mi-na al A-hma-đi, Rét-đa,...

+ Giao thông đường ống của khu vực cũng được đầu tư và phát triển nhằm phục vụ vận chuyển dầu mỏ và khí tự nhiên.

- Hoạt động ngoại thương giữ vị trí quan trọng và chiếm khoảng 5,1% tỉ trọng hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu và khoảng 5% tỉ trọng hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu trên thế giới (năm 2020).

- Hoạt động du lịch ở một số quốc gia được chú trọng phát triển. Hiện nay, Đu-bai được xem là trung tâm thương mại, du lịch hàng đầu khu vực và thế giới.

Xem thêm tóm tắt lý thuyết Địa Lí lớp 11 Chân trời sáng tạo hay khác:

Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 11 hay khác:


Giải bài tập lớp 11 Chân trời sáng tạo khác