Phiếu bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 5 Tuần 33 có đáp án (5 phiếu)



Phiếu bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 5 Tuần 33 có đáp án (Phiếu số 1)

Thời gian: phút

Câu 1: Nêu những bổn phận của trẻ em được quy định trong điều 21?

a) Yêu quý, kính trọng, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; kính trọng thầy giáo, cô giáo; lễ phép với người lớn, thương yêu em nhỏ; đoàn kết với bạn bè; giúp đỡ người già yếu, người khuyết tật, tàn tật, người gặp hoàn cảnh khó khăn theo khả năng của mình.

b) Thường xuyên giúp đỡ gia đình, ông bà cha  mẹ.

c) Chăm chỉ học tập, giữ gìn vệ sinh, rèn luyện thân thể, thực hiện trật tự công cộng và an toàn giao thông, giữ gìn của công, tôn trọng tài sản của người khác, bảo vệ môi trường.

d) Chăm chỉ và đạt được những thành tích cao trong học tập

Câu 2: Ý nghĩa của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em?

A. Trẻ em cần được chăm  sóc, bảo vệ để được lớn lên trong sự an bình.

B. Trẻ em cũng là một phần của xã hội, các em có bổn phận phải học tập và tham gia đầy đủ các hoạt động xã hội

C. Trẻ em có quyền được bảo vệ, chăm sóc; được học tập; được vui chơi, giải trí. Đồng thời các em cũng có bổn phận phải quan tâm, chăm sóc yêu thương gia đình và giúp đỡ những người xung quanh mình. Bên cạnh đó các em có bổn phận phải học tập thật tốt để sau này trở thành người có ích cho xã hội.

D. Trẻ em giống như búp trên cành, chỉ cần biết ăn, ngủ, học tập là được rồi.Những người trong xã hội cần phải nâng niu, chăm sóc các em.

Câu 3: Đọc lại bài Sang năm con lên bảy và cho biết: Từ giã tuổi thơ, con người tìm thấy hạnh phúc ở đâu?

A. Con người tìm thấy hạnh phúc trong đời thật, từ chính đôi bàn tay của mình

B. Hạnh phúc được tìm thấy trong vòng tay của cha, của mẹ

C. Hạnh phúc được tìm thấy trong mái ấm gia đình

D. Hạnh phúc được tìm thấy khi ta quên đi tất cả, hòa mình vào với thiên nhiên

Câu 4: Ý nghĩa của bài thơ Sang năm con lên bảy?

A. Điều mà người cha muốn nói với con đó là: Khi lớn lên, từ giã thế giới tuổi thơ con sẽ có một cuộc sống hạnh phúc thật sự do chính hai bài tay con gây dựng nên.

B. Điều mà người cha muốn nói với con đó là:Con cần biết sống hòa mình, chan hòa với thiên nhiên, có như vậy thì niềm hạnh phúc của con mới trọn vẹn được.

C. Điều mà người cha muốn nói với con đó là: Dù con có lớn thế nào, có đi đâu bao xa cũng không được quên đi những năm tháng tuổi thơ, những người đã từng xuất hiện trong cuộc đời con

D. Điều mà người cha muốn nói với con đó là: Con luôn nhớ rằng dù con đã khôn lớn thì gia đình mãi ở bên con,mãi là cảng tránh bão là chốn nghỉ chân cho con mỗi khi con chán nản, mệt mỏi.

Câu 5: Trong các tên các cơ quan, tổ chức dưới đây, tên nào viết đúng?

a) Liên Hợp Quốc

b) Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc

c) Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc

d) Tổ chức Lao động quốc tế

e) Tổ chức quốc tế về Bảo vệ trẻ em

f) Liên minh Quốc tế Cứu trợ trẻ em

 Câu 6: Trong các tên các cơ quan, tổ chức dưới đây, tên nào viết đúng?

a) Tổ chức Ân xá Quốc tế

b) Tổ chức Cứu trợ trẻ em của Thụy Điển

c) Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc

d) Tổ chức quốc tế về Bảo vệ trẻ em

 Câu 7: Điền từ có chứa tiếng trẻ thích hợp vào chỗ chấm

a. Trường chúng  tôi đang phát động gây quỹ Vì ……..

b. Mẹ đưa em trai đi ………………. chắc phải một lát nữa mới về

c. Khi lên xe buýt, chúng ta phải nhường ghế cho …….., người già, người tàn tật và phụ nữ có thai.

d. Chắc Người thương lắm lòng …….

(Từ gợi ý: con trẻ, trẻ em, trẻ thơ, nhà trẻ)

 Câu 8: Em hiểu như thế nào về câu Trẻ em như trang giấy trắng?

 Câu 9: Điền dấu ngoặc kép vào vị trí thích hợp?

a. Con bé mới 7 tuổi mà ăn nói đâu ra đấy, không khác bà cụ non

b. Bạn ấy nói với mọi người: Mình nhất định sẽ giành chiến thắng trong cuộc thi lần này

Câu 10: Viết đoạn văn (5-7 câu) tả một người em mới gặp một lần nhưng để lại cho em nhiều ấn tượng.

Đáp án:

Câu 1:

Những bổn phận của trẻ em được quy  định trong điều 21:

- Yêu quý, kính trọng, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; kính trọng thầy giáo, cô giáo; lễ phép với người lớn, thương yêu em nhỏ; đoàn kết với bạn bè; giúp đỡ người già yếu, người khuyết tật, tàn tật, người gặp hoàn cảnh khó khăn theo khả năng của mình.

- Chăm chỉ học tập, giữ gìn vệ sinh, rèn luyện thân thể, thực hiện trật tự công cộng và an toàn giao thông, giữ gìn của công, tôn trọng tài sản của người khác, bảo vệ môi trường.

Câu 2:

Ý nghĩa của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em?

Trẻ em có quyền được bảo vệ, chăm sóc; được học tập; được vui chơi, giải trí. Đồng thời các em cũng có bổn phận phải quan tâm, chăm sóc yêu thương gia đình và giúp đỡ những người xung quanh mình. Bên cạnh đó các em có bổn phận phải học tập thật tốt để sau này trở thành người có ích cho xã hội.

Đáp án đúng: C.

Câu 3:

Từ giã tuổi thơ, con người tìm thấy hạnh phúc ở trong đời thật, từ chính đôi bàn tay của mình

Đáp án đúng: A.

Câu 4:

Ý nghĩa của bài thơ Sang năm con lên bảy:

Điều mà người cha muốn nói với con đó là: Khi lớn lên, từ giã thế giới tuổi thơ con sẽ có một cuộc sống hạnh phúc thật sự do chính hai bài tay con gây dựng nên.

Đáp án đúng: A.

Câu 5:

Các tên cơ quan, tổ chức được viết đúng đó là:

- Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc

- Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc

- Liên minh Quốc tế Cứu trợ trẻ em

Câu 6:

Các tên cơ quan, tổ chức viết đúng là:

- Tổ chức Ân xá Quốc tế

- Tổ chức Cứu trợ trẻ em của Thụy Điển

Câu 7:

a. Trường chúng  tôi đang phát động gây quỹ Vì trẻ thơ

b. Mẹ đưa em trai đi nhà trẻ chắc phải một lát nữa mới về

c. Khi lên xe buýt, chúng ta phải nhường ghế cho trẻ em, người già, người tàn tật và phụ nữ có thai.

d. Chắc Người thương lắm lòng con trẻ

Câu 8:

Tờ giấy trắng đặc tính là trắng tinh, không vấy bẩn. Giống như những đứa trẻ chúng ngây thơ, trong trắng nhưng cũng vì thể mà rất dễ bị vấy bẩn.Cần nâng niu, chăm sóc trẻ em để chúng mãi giữ được sự trong sáng, hồn nhiên đúng với độ tuổi của mình.

Câu 9:

a. Con bé mới 7 tuổi mà ăn nói đâu ra đấy, không khác bà cụ non

Bộ phận cần điền dấu ngoặc kép là “bà cụ non” dùng để đánh dấu một ý nghĩa đặc biệt

b. Bạn ấy nói với mọi người: Mình nhất định sẽ giành chiến thắng trong cuộc thi lần này

Bộ phận cần điền dấu ngoặc kép là “Mình nhất định sẽ giành chiến thắng trong cuộc thi lần này” dùng để đánh dấu lời nói trực tiếp của nhân vật

Câu 10:

            Tuần vừa rồi tới bệnh viện huyện khám sức khoẻ em có gặp được một cô y tá  rất đáng mến. Cô ước chừng gần ba mươi tuổi, dáng người gầy, dong dỏng cao. Mái tóc đen dài được cô búi lại ra phía sau rất gọn gàng ở phía sau. Cô sắp xếp chỗ ngồi cho bệnh nhân tới khám, gọi tên mọi người rõ ràng, mạch lạc. Lúc phụ giúp bác sĩ khám bệnh cho bệnh nhân, cô rất nhẹ nhàng, dịu dàng và tỉ mỉ. Mỗi một bệnh nhân khám xong cô đều dặn dò họ một cách cẩn thận về bệnh tình của họ. Em  ngước lên nhìn bảng tên của cô, muốn thầm ghi nhớ tên của cô y tá khiến em có thiện cảm ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Phiếu bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 5 Tuần 33 có đáp án (Phiếu số 2)

Thời gian: phút

I – Bài tập về đọc hiểu

Một ngày của Pê-chi-a

Bà mẹ đi làm lúc trời còn chưa sáng. Bà đánh thức cậu con trai Pê-chi-a chín tuổi dậy và dặn :

– Con đã bắt đầu nghỉ hè. Mẹ giao cho con việc làm ngày hôm nay. Con hãy trồng một cây bên cạnh nhà và đọc sách “Những dãy núi xa xanh” này nhé !

Pê-chi-a nghĩ : “Mình ngủ thêm một chút nữa đã”. Em nằm xuống và ngủ thiếp đi.Khi Pê-chi-a tỉnh dậy, mặt trời đã lên cao. Em muốn bắt tay vào việc ngay nhưng lại nghĩ : “Chắc vẫn còn kịp chán”. Ngồi dưới gốc cây lê rậm rạp, Pê-chi-a tự nhủ : “Mình chỉ ngồi một chút nữa thôi, rồi sẽ bắt tay vào việc”.

Nửa giờ sau, Pê-chi-a đi ra vườn, hái quả ăn,rồi mê mải đuổi bắt con bướm. Sau một hồi chạy nhảy, mệt quá, Pê-chi-a lại ngồi dưới gốc lê, quên khuấy lời mẹ dặn.

Buổi chiều, bà mẹ về và hỏi:

– Nào con, hãy kể cho mẹ nghe xem con đã làm được những gì.

Nhưng Pê-chi-a đã không làm gì cả. Em thấy xấu hổ khi nhìn vào mắt mẹ.

– Con hãy đi theo mẹ.Mẹ sẽ chỉ cho con xem mọi người đã làm được những gì trong một ngày con đã để phí hoài.

Bà mẹ cầm tay Pê-chi-a dắt đi. Bà đưa con đến cánh đồng đã cày xong và nói:

– Hôm qua ở đây là cánh đồng rạ, còn hôm nay nó đã được cày xới. Người công nhân lái máy cày đã làm việc suốt ngày. Còn con thì ngồi không.

Bà dẫn con đến bên một đống thóc lớn, nhẹ nhàng bảo :

– Buổi sáng, những hạt thóc này còn nằm trên những bông lúa ngoài ruộng. Người công nhân lái máy gặt đập đã làm xong công việc và đưa thóc về đây. Còn con thì ngồi không…

Cuối cùng, hai mẹ con rẽ vào thư viện. Người giữ sách chỉ lên cái giá lớn có rất nhiều sách : “Đây là những cuốn sách mà mọi người đã đọc xong trong ngày hôm nay”.

“Còn mình thì lại ngồi không”. – Pê-chi-a chợt cảm thấy xấu hổ khi nghĩ về điều ấy. Giờ đây, em đã hiểu được thế nào là một ngày trôi qua thật uổng phí.

(Theo Xu-khôm-lin-xki)

Khoanh tròn chữ cái trước ý trả lời đúng

1. Trước khi đi làm, bà mẹ giao cho con trai những việc gì?

a- Trồng hai cây bên cạnh nhà và đọc một cuốn sách

b- Trồng một cây bên cạnh nhà và đọc một cuốn sách

c- Trồng một cây bên cạnh nhà và đọc nửa cuốn sách

2. Vì sao Pê-chi-a không hoàn thành được công việc mẹ giao?

a- Vì cậu ngủ dậy muộn, không làm việc, lại mải chơi, quên lời mẹ dặn

b- Vì cậu ngủ dậy sớm nhưng ngại làm, còn mải chơi, quên lời mẹ dặn

c- Vì cậu ngủ dậy muộn, lười làm việc, chỉ thích rong chơi cùng bè bạn

d- Vì cậu ngủ dậy sớm nhưng mải chơi, mệt quá không làm việc được

3. Bà mẹ đã dẫn Pê-chi-a lần lượt đến những đâu để chỉ cho con xem mọi người đã làm được những gì trong một ngày?

a- Ra xem cánh đồng đã được cày xong ; rẽ vào thư viện có nhiều cuốn sách được mọi người đọc xong ; đến bên một đống thóc lớn đã được gặt đập

b- Đến bên một đống thóc lớn đã được gặt đập ; rẽ vào thư viện có nhiều cuốn sách được mọi người đọc xong ; ra xem cánh đồng đã được cày xong

c- Ra xem cánh đồng đã được cày xong ; đến bên một đống thóc lớn đã được gặt đập ; rẽ vào thư viện có nhiều cuốn sách được mọi người đọc xong

d- Rẽ vào thư viện có nhiều cuốn sách được mọi người đọc xong ; ra xem cánh đồng đã được cày xong ; đến bên một đống thóc lớn đã được gặt đập

4. Dòng nào dưới đây nêu đúng và đủ chi tiết cho thất Pê-chi-a tự nhận thức được sai lầm của mình?

a- Pê-chi-a thấy xấu hổ khi nhìn vào đôi mắt mẹ

b- Pê-chi-a thấy xấu hổ khi nghĩ mình cả ngày không làm việc

c- Giờ đây, em hiểu thế nào là một ngày trôi qua thật uống phí

d- Tất cả ba chi tiết nói trên

5. Bài học sâu sắc nhất rút ra từ câu chuyện trên là gì?

a- Phải nghe lời cha mẹ và chăm chỉ lao động

b- Phải chăm lao động và quý trọng thời gian

c- Phải chăm lao động và sống thật hữu ích

d- Phải biết xấu hổ vì cả ngày không làm việc

II – Bài tập về Chính tả, Luyện từ và câu, Tập làm văn

1. Viết lại tên các cơ quan, tổ chức quốc tế dưới đây cho đúng quy tắc viết hoa đã học

a) hội chữ thập đỏ quốc tế

b) liên minh quốc tế cứu trợ trẻ em

c) tổ chức cứu trợ trẻ em của thụy điển

d) tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của liên hợp quốc (UNESCO)

2. Viết các từ đồng nghĩa sau vào từng nhóm thích hợp:

Trẻ, trẻ thơ, trẻ ranh, trẻ em, trẻ con, con nít, trẻ nhỏ, nhóc con, thiếu nhi, con trẻ, thiếu niên, nhãi ranh, nhi đồng, ranh con

a) Từ dùng tỏ ý coi thường

b) Từ dùng trong nghi thức trang trọng

c) Từ dùng thông thường trong đời sống hằng ngày

3. Đặt dấu ngoặc kép vào vị trí thích hợp trong mỗi đoạn văn, câu văn sau:

a) Buổi văn nghệ đang đầy ắp tiếng cười, bỗng biển có tiếng động mạnh, đập ùm ùm như có người tập bơi. Một người kêu lên : Cá heo ! Thì ra cá heo thấy chiến sĩ hò hát vui quá, gọi nhau quây đến quanh tàu như để chia vui.

Cá heo giống tính trẻ em, thích nô đùa, thích được cổ vũ. Anh em ùa ra vỗ tay hoan hô : A ! Cá heo nhảy múa đẹp quá ! Thế là cá thích, nhảy vút lên thật cao,…

(Theo Hà Đình Cẩn)

b) Nơi dòng sông Bến Hải gặp sóng biển khơi ấy chính là Cửa Tùng. Bãi cát ở đây từng được ngợi ca là Bà Chúa của các bãi tắm.

(Theo Thụy Chương)

c) Sống trên cái đất mà ngày xưa, dưới sông sấu cản mũi thuyền, trên cạn hổ rình xem hát này, con người phải thông minh và giàu nghị lực.

(Theo Mai Văn Tạo)

4. Lập dàn ý cho bài văn tả một người đang hoạt động (VD : cô giáo/ thầy giáo đang dạy học, người bạn đang kể chuyện, ca sĩ đang hát, bác sĩ đang khám bệnh, y tá đang tiêm thuốc, người công nhân/ thợ thủ công đang làm việc,…)

Gợi ý:

a) Mở bài (Giới thiệu): Người đang hoạt động mà em sẽ tả là ai ? Lí do nào khiến em chọn tả người đó ?…

b) Thân bài

(1) Tả ngoại hình (sơ bộ)

– Người đó trạc bao nhiêu tuổi ? Tầm vóc ra sao ? Cách ăn mặc thế nào ?

– Khuôn mặt, mái tóc, cặp mắt, hàm răng, nụ cười…có những nét gì nổi bật ?

(2) Tả tính tình, hoạt động (trọng tâm)

– Lời nói, cử chỉ, hoạt động của người em tả có những điểm gì nổi bật làm em chú ý ? Cảm nghĩ của em về hoạt động của người đó ra sao ?

– Thái độ, cách cư xử của người đó đối với mọi người (nếu có) thế nào ? Điều đó gợi cho em nghĩ gì về tính cách của người được tả ?

Lưu ý : Có thể kết hợp tả xen kẽ 2 phần (1),(2)

c) Kết bài : Người em miêu tả đã để lại ấn tượng gì sâu sắc đối với em (hoặc có ảnh hưởng gì đối với em trong cuộc sống) ?

5. Viết đoạn văn (khoảng 7 câu) tả vài nét nổi bật về tính tình, hoạt động của người em chọn tả, theo dàn ý đã lập ở bài tập 4.

Đáp án:

I.

1. Trước khi đi làm, bà mẹ giao cho con trai những việc gì?

b- Trồng một cây bên cạnh nhà và đọc một cuốn sách

2. Vì sao Pê-chi-a không hoàn thành được công việc mẹ giao?

a- Vì cậu ngủ dậy muộn, không làm việc, lại mải chơi, quên lời mẹ dặn

3. Bà mẹ đã dẫn Pê-chi-a lần lượt đến những đâu để chỉ cho con xem mọi người đã làm được những gì trong một ngày?

c- Ra xem cánh đồng đã được cày xong ; đến bên một đống thóc lớn đã được gặt đập ; rẽ vào thư viện có nhiều cuốn sách được mọi người đọc xong

4. Dòng nào dưới đây nêu đúng và đủ chi tiết cho thất Pê-chi-a tự nhận thức được sai lầm của mình?

d- Tất cả ba chi tiết nói trên

5. Bài học sâu sắc nhất rút ra từ câu chuyện trên là gì?

b- Phải chăm lao động và quý trọng thời gian

II.

1. Viết đúng:

a) Hội Chữ thập đỏ Quốc tế

b) Liên minh Quốc tế Cứu trợ trẻ em

c) Tổ chức Cứu trợ trẻ em của Thụy Điển

d) Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO)

2. Giải đáp

a) Từ dùng tỏ ý coi thường: trẻ ranh,con nít, nhóc con, nhãi ranh, ranh con

b) Từ dùng trong nghi thức trang trọng: trẻ thơ, trẻ em, thiếu nhi, thiếu niên, nhi đồng

c) Từ dùng thông thường trong đời sống hằng ngày: trẻ, trẻ thơ, trẻ em, trẻ con, trẻ nhỏ, con trẻ.

3. Giải đáp

a) …Một người kêu lên : “Cá heo !”…

…Anh em ùa ra vỗ tay hoan hô : “A ! Cá heo nhảy múa đẹo quá !”…

b)…Bãi cát ở đây từng được ngợi ca là “Bà Chúa của các bãi tắm”.

c) Sống trên cái đất mà ngày xưa, dưới sông “sấu cản mũi thuyền”, trên cạn “hổ rình xem hát” này, con người phải thông minh và giàu nghị lực

4. Gợi ý : Em tự xác định một đối tượng miêu tả theo đề bài đã gợi ý, hoặc một người khác mà em biết (đang làm một công việc cụ thể, trong một thời gian nhất định), sau đó lập dàn ý cụ thể cho bài văn miêu tả (dựa theo gợi ý ở cột A)

5. Tham khảo :

a) Tả cô y tá đang tiêm thuốc

Trên bàn tiêm thuốc của cô đã có sẵn chiếc xoong con luộc xơ-ranh và kim tiêm đặt trên bếp điện. Cô mở xoong, hơi nước bốc lên nghi ngút. Mấy ngón tay mảnh mai của cô kẹp chiếc “panh” sáng loáng, thận trọng gắp xơ-ranh rồi lắp kim tiêm, bơm cho thoát hết nước bên trong. Sau đó,cô lấy thuốc vào xơ-ranh, tay trái cầm cái “panh” cặp bông tẩm cồn xoa nhẹ lên đoạn bắp tay gần vai bà.Cô tiêm rất chậm để bà em đỡ đau. Một lát sau, khi hết thuốc,cô lại đặt mảnh bông cồn lên chỗ vừa tiêm rồi rút nhanh kim tiêm. Cô còn day nhẹ mảnh bông trên vết mũi kim tiêm và hỏi ân cần : “Bà có đau lắm không ạ ?”. Bà em cười móm mém, nói : “Chỉ như con kiến nó đốt thôi cháu ạ ! Cháu tiêm cho bà khéo lắm !”. Hai lúm đồng tiền lại hiện lên trên đôi má ửng hồng của cô y tá, trông rất xinh.

(Theo Thu Thủy)

b) Tả người thợ đang quét vôi

Chú Hòa là một người thợ quét vôi “điêu luyện”. Một tay xách xô vôi, một tay cầm chổi đót cán dài, chú thoăn thoắt leo lên thang, móc xô vôi vào một bên. Chú nhẹ nhàng đưa chiếc chổi vào thùng vôi, đập đập trên miệng xô cho vôi rỏ bớt nước rồi quét lên mặt tường. Những nhát chổi đưa đi đưa lại rất đều, để lại những vết vôi mới, ban đầu thì sẫm nhưng chỉ ít phút sau đã ánh lên màu vàng rất đẹp. Nghe chú nói thì khó nhất là quét vôi trên trần nhà. Lúc đó, người thợ phải ngửa mặt lên, chiếc chổi phải thẳng đứng nhưng lại không được để rớt giọt nào xuống người, xuống sàn nhà. Đứng dưới sàn nhìn lên, em thấy chú treo mình trên thang sát trần nhà. Trông chú như một nghệ sĩ xiếc biểu diễn trên thang, lại như một họa sĩ mà những nét bút vôi đem theo màu nắng từ bên ngoài vào làm sáng bừng cả lớp học.

(Theo Thực hành Tập làm văn 5, 2003)

Phiếu bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 5 Tuần 33 có đáp án (Phiếu số 3)

Thời gian: phút

Câu 1: Đọc đoạn văn Công ước về quyền trẻ em (Tiếng Việt 5, tập hai, trang 147), viết lại tên các cơ quan, tổ chức có trong đoạn văn. Dùng dấu gạch xiên ( / ) để phân tách tên các cơ quan, tổ chức thành các bộ phận.

………………………………………

………………………………………

………………………………………

Câu 2. Ghi dấu X vào □ trước dòng nêu cách hiểu đúng nhất về từ trẻ em:

□ Trẻ từ sơ sinh đến 6 tuổi.

□ Trẻ từ sơ sinh đến 11 tuổi.

□ Người dưới 16 tuổi.

□ Người dưới 18 tuổi.

Câu 3. Viết:

a) Ba từ đồng nghĩa với từ trẻ em.

M: trẻ thơ

…………………………

b) Đặt câu với một từ tìm được.

…………………………

Câu 4. Chép lại một câu văn mà em biết có hình ảnh so sánh đẹp về trẻ em.

M: Trẻ em như búp trên cành.

……………............

Câu 5. Nối thành ngữ, tục ngữ ở bên A với nghĩa của nó ở bên B:

a) Trẻ lên ba, cả nhà học nói

1) Lớp trước già đi, có lớp sau thay thế.

b) Trẻ người non dạ

2) Dạy trẻ từ lúc còn nhỏ dễ hơn.

c) Tre non dễ uốn

3) Còn ngây thơ, dại dột, chưa biết suy nghĩ chín chắn.

d) Tre già, măng mọc

4) Trẻ lên ba đang học nói, khiến cả nhà vui vẻ nói theo.

Câu 6:

Lập dàn ý chi tiết cho một trong các đề bài sau:

a) Tả cô giáo (hoặc thầy giáo) đã từng dạy em và để lại cho em nhiều tình cảm tốt đẹp.

b) Tả một người ở nơi em sinh sống (chú công an phường, chú dân phòng, bác tổ trưởng dân phố, bà cụ bán hàng,...).

c) Tả một người em mới gặp một lần nhưng để lại cho em những ấn tượng sâu sắc.

(Chú ý: Đọc gợi ý trong Tiếng Việt 5, tập hai, trang 150 -151.)

………………………………

………………………………

Đáp án:

Câu 1: 

Đọc đoạn văn Công ước về quyền trẻ em (Tiếng Việt 5, tập hai, trang 147), viết lại tên các cơ quan, tổ chức có trong đoạn văn. Dùng dấu gạch xiên ( / ) để phân tách tên các cơ quan, tổ chức thành các bộ phận.

Ủy ban / Nhân quyền / Liên hợp quốc

Tổ quốc / Nhi đồng / Liên hợp quốc

Tổ chức / Lao động / Quốc tế

Tổ chức / Quốc tế / về bảo vệ trẻ em

Liên minh / Quốc tế / Cứu trợ trẻ em

Tổ chức / Ân xá / Quốc tế

Tổ chức / Cứu trợ trẻ em / của Thụy Điển

Đại hội đồng / Liên hợp quốc

Ủy ban / Nhân quyền / Liên hợp quốc

Tổ chức / Nhi đồng / Liên hợp quốc

Tổ chức / Quốc tế / về bảo vệ trẻ em

Tổ chức / Cứu trợ trẻ em / của Thụy Điển

Giải thích thêm:

Viết hoa chữ cái đầu của mỗi bộ phận tạo thành tên đó.

- Bộ phận thứ ba là tên địa lí nước ngoài (Thụy Điển) viết hoa chữ cái đầu của mỗi tiếng tạo thành tên đó.

- Các chữ “về, của” tuy đứng đầu một bộ phận cấu tạo tên nhưng không viết hoa vì chúng là quan hệ từ.

Câu 2.Ghi dấu X vào □ trước dòng nêu cách hiểu đúng nhất về từ trẻ em:

X Người dưới 16 tuổi.

Câu 3. Viết:

a) Ba từ đồng nghĩa với từ trẻ em.

M: trẻ thơ

Trẻ em, trẻ thơ, thiếu nhi, nhi đồng, thiếu niên, con nít, con trẻ,...

b) Đặt câu với một từ tìm được.

- Trẻ em có quyền được yêu thương và chăm sóc.

- Thiếu nhi là mầm non của đất nước

Câu 4. Chép lại một câu văn mà em biết có hình ảnh so sánh đẹp về trẻ em.

M: Trẻ em như búp trên cành.

- Trẻ em như tờ giấy trắng: so sánh để làm rõ vẻ ngây thơ, trong trắng, ngây thơ của trẻ.

- Trẻ em như nụ hoa mới nở: so sánh để làm bật vẻ đẹp của trẻ.

- Lũ trẻ ríu rít như bầy chim non: so sánh để làm nổi bật tính vui vẻ, hồn nhiên.

Câu 5. Nối thành ngữ, tục ngữ ở bên A với nghĩa của nó ở bên B:

Phiếu bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 5 Tuần 33 có đáp án (5 phiếu) | Đề kiểm tra cuối tuần Tiếng Việt 5

Câu 6:

Lập dàn ý chi tiết cho một trong các đề bài sau:

a) Tả cô giáo (hoặc thầy giáo) đã từng dạy em và để lại cho em nhiều tình cảm tốt đẹp.

I. Mở bài:

Giới thiệu cô giáo.

- Cô giáo của em khoảng bốn mươi tuổi.

- Cô là người mẹ thứ hai của em.

II. Thân bài: Tả ngoại hình của cô.

- Cô có dáng thon thả, thướt tha trong chiếc áo dài.

- Mái tóc đen, dài xoã ngang vai.

- Khuôn mặt đầy đặn, cân đối với chiếc mũi thẳng, đôi môi hồng luôn tươi cười.

- Đôi mắt to và đen; nhìn hiền từ, thân thiện.

- Nước da trắng trẻo.

- Bàn tay nhỏ nhắn có các ngón thon dài.

- Bước đi uyển chuyển.

- Giọng nói rõ ràng, rành mạch.

III. Kết bài: Nêu cảm nghĩ về cô.

- Cô giáo thật dễ thương, gần gũi

b) Tả một người ở nơi em sinh sống (chú công an phường, chú dân phòng, bác tổ trưởng dân phố, bà cụ bán hàng,...).

Dàn ý Tả một bà cụ bán hàng.

1. Mở bài:

(Giới thiệu về người mà em định tả)

Bà cụ ở đâu? Em quen biết từ khi nào? Bà cụ để lại cho em ấn tượng gì sâu sắc?

2. Thân bài:

- Tả ngoại hình:

+ Nhìn dáng vẻ của bà như thế nào?

+ Mái tóc, màu da, gương mặt, hàm răng, bàn tay ... của bà ra sao?

- Tả tính tình, hoạt động:

+ Bà cư xử với mọi người như thế nào?

+ Bà bán hàng có đông khách không? Thái độ đối với người mua hàng?

+ Tình cảm của em và lối xóm dành cho bà.

3. Kết bài:

Nêu cảm nghĩ của em.

c) Tả một người em mới gặp một lần nhưng để lại cho em những ấn tượng sâu sắc.

1. Mở bài: Giới thiệu người được tả, em gặp trong hoàn cảnh nào? Người đó tên gì? Bao nhiêu tuổi?

(Người đó là một phụ nữ, trạc tuổi mẹ em. Em gặp trên chuyến ô tô từ Quy Nhơn về Khánh Hoà.)

2. Thân bài:

a) Tả hình dáng người:

- Hình dáng, cách ăn mặc.

- Phụ nữ: gương mặt, mái tóc, giọng nói.

(Dáng người nhỏ nhắn nhưng nhanh nhẹn. Mái tóc búi gọn gàng. Khuôn mặt chữ điền, sống mũi thẳng và cao. Đôi mắt sáng, giọng nói nhẹ nhàng)

b) Tính tình người phụ nữ em gặp là người tốt bụng: Nhường ghế cho bà cụ già, thân thiện với mọi người.

Khiêm tốn từ chối lời cảm ơn và cho rằng hành động của mình là rất nhỏ.

Là người thể hiện nếp sống văn minh nơi công cộng.

3. Kết bài: Cảm nghĩ của em.

- Tôn trọng, khâm phục, nhớ mãi hành động người phụ nữ mới gặp lần đầu.

- Kể cho mọi người cùng nghe về người phụ nữ ấy.

Phiếu bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 5 Tuần 33 có đáp án (Phiếu số 4)

Thời gian: phút

Câu 1: Đọc bài sau và trả lời câu hỏi:

Thầy giáo mới

Sáng hôm nay, chúng tôi đón thầy giáo mới.

Giờ học đến, thầy ngồi vào bàn, chốc chốc lại thấy một người học trò cũ qua cúi chào. Cũng có người vào bắt tay thầy và thăm hỏi thầy một cách rất cung kính. Đủ biết học trò cũ quyến luyến thầy biết nhường nào và như muốn được ở gần thầy. Đến bài chính tả, thầy xuống bục, đi lại trong các hàng ghế đọc cho chúng tôi viết. Thấy một học trò mặt lấm tấm mụn đỏ, thầy ngừng đọc, lại gần tay sờ trán và hỏi: “Con làm sao vậy?”. Thừa lúc thầy quay lưng lại, một anh học trò bàn dưới leo lên ghế, lắc lư người như trượt băng. Bất ngờ, thầy ngoảnh lại bắt gặp, anh chàng vội ngồi ngay xuống cúi đầu đợi phạt. Nhưng thầy khẽ đập vào vai bạn học trò kia, nói rằng: “Không được làm thế nữa”. Rồi thầy trở về chỗ đọc nốt bài chính tả.

Khi viết xong, thầy yên lặng nhìn chúng tôi một lúc lâu rồi ôn tồn nói:

- Các con ơi! Hãy nghe ta! Chúng ta cùng nhau trải qua một năm học. Các con phải chăm chỉ, ngoan ngoãn. Ta không có gia đình. Các con là gia đình của ta. Năm ngoái, mẹ ta còn, bây giờ người đã khuất. ta chỉ còn có một mình. Ngoài các con ra ở trên đời này, ta không còn có ai nữa; ngoài sự yêu thương các con, ta không còn yêu thương ai hơn nữa. Các con như con ta. Ta sẽ yêu các con. Đáp lại, các con phải yêu ta. Ta không muốn phạt một người nào cả. Các con phải tỏ ra là những trẻ có tâm hồn. Trường ta sẽ là một gia đình, các con sẽ là mối an ủi và niềm tự hào của ta. Ta không cần phải hỏi lại các con vì ta tin rằng trong lòng các con, ai ai như cũng “vâng lời”, nên ta có lời cảm ơn các con.

Thầy nói dứt lời thì trống trường vang lên. Chúng tôi yên lặng xuống sân. Anh học trò vô lễ ban nãy rón rén lại gần thầy giáo, run run nói:

- Thưa thầy, xin thầy tha lỗi cho con.

Thầy gật đầu và bảo:

- Tốt lắm! Cho con về.

   (Theo Những tấm lòng cao cả - A-mi-xi)

a) Việc các học trò cũ qua cửa lớp đều cúi chào thầy cho biết điều gì?

b) Hành động thầy giáo mới sờ trán một bạn học sinh nói lên điều gì?

c) Thầy giáo dặn dò học sinh điều gì? Tìn cảm của người thầy giáo đối với học sinh như thế nào?

Câu 2: Gạch dưới từ không cùng nhóm với những từ sau và giải thích vì sao từ đó không cùng nhóm.

(nhi đồng, con nít, trẻ con, trẻ ranh, trẻ em, tuổi trẻ, nhóc con)

Câu 3: Đặt dấu ngoặc kép vào vị trí thích hợp trong các câu sau:

- Giọt Sương thật xinh đẹp! Đom Đóm Con ngưỡng mộ, rồi cất cánh bay quanh Giọt Sương.

- Thế là Cút chỉ còn lại bộ nâu sồng xơ xác, suốt ngày rụt cổ, nấp mình trong bụi cỏ không dám đi đâu, miệng kêu “cun cút” nghe rất thảm.

Câu 4: Gạch dưới câu văn là lời nói trực tiếp của nhân vật trong đoạn văn sau. Dùng dấu ngoặc kép để đánh dấu lời nói trực tiếp đó.

Thuyền chúng tôi xuôi dòng về hướng Năm Căn. Đó là xứ tiền rừng bạc biển. Tôi đang đứng ở trong mui thuyền, bỗng nghe thấy tiếng ba gọi: Mau ra coi, An ơi! Gần tới sân chim rồi.

   (Đoàn giỏi)

Câu 5: Viết đoạn văn (5-7 câu) tả một người em mới gặp một lần nhưng để lại cho em nhiều ấn tượng.

Đáp án:

Câu 1:

a. Việc các học trò cũ qua cửa lớp đều cúi chào thầy cho thấy học trò cũ đều đều rất quyến luyến và muốn ở gần thầy.

b. Hành động thầy giáo mới sờ trán một bạn học sinh cho thấy thầy rất quan tâm, ân cần và dịu dàng đối với học trò của mình.

c.

- Thầy giáo dặn dò học sinh rằng: Phải chăm chỉ và ngoan ngoãn. Trường lớp cũng giống như một gia đình thầy trò phải coi nhau như những người thân và phải yêu thương nhau.

- Thầy giáo rất yêu quý những học sinh của mình, thầy coi các bạn như những đứa con của mình.

Câu 2:

Từ không cùng nhóm với các từ còn lại là từ “tuổi trẻ”. Vì “tuổi trẻ” là chỉ những người ở độ tuổi thanh niên, thiếu niên. Còn những từ còn lại thì lại được dùng để chỉ những người nằm trong độ tuổi dưới 16 tuổi.

Câu 3:

“Giọt sương thật xinh đẹp!” Đom Đóm Con ngưỡng mộ, rồi cất cánh bay quanh Giọt Sương.

Thế là Cút chỉ còn lại bộ “nâu sồng” xơ xác, suốt ngày rụt cổ, nấp mình trong bụi cỏ không dám đi đâu, miệng kêu “cun cút” nghe rất thảm.

Câu 4:

Lời nói trực tiếp của nhân vật là: Mau ra coi, An ơi! Gần tới sân chim rồi.

Thuyền chúng tôi xuôi dòng về hướng Năm Căn. Đó là xứ tiền rừng bạc biển. Tôi đang đứng ở trong mui thuyền, bỗng nghe thấy tiếng ba gọi: “Mau ra coi, An ơi! Gần tới sân chim rồi.”

Câu 5:

Tuần vừa rồi tới bệnh viện huyện khám sức khoẻ em có gặp được một cô y tá rất đáng mến. Cô ước chừng gần ba mươi tuổi, dáng người gầy, dong dỏng cao. Mái tóc đen dài được cô búi lại ra phía sau rất gọn gàng ở phía sau. Cô sắp xếp chỗ ngồi cho bệnh nhân tới khám, gọi tên mọi người rõ ràng, mạch lạc. Lúc phụ giúp bác sĩ khám bệnh cho bệnh nhân, cô rất nhẹ nhàng, dịu dàng và tỉ mỉ. Mỗi một bệnh nhân khám xong cô đều dặn dò họ một cách cẩn thận về bệnh tình của họ. Em ngước lên nhìn bảng tên của cô, muốn thầm ghi nhớ tên của cô y tá khiến em có thiện cảm ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Xem thêm các phiếu Bài tập cuối tuần, đề kiểm tra cuối tuần Tiếng Việt lớp 5 có đáp án hay khác:




Đề thi, giáo án lớp 5 các môn học