Phiếu bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 5 Tuần 26 có đáp án (5 phiếu)



Phiếu bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 5 Tuần 26 có đáp án (Phiếu số 1)

Thời gian: phút

Câu 1: Ý nghĩa của bài văn Nghĩa thầy trò?

A. Cho thấy được cụ giáo Chu là người có rất nhiều môn sinh

B. Ca ngợi truyền thống tôn sư trọng đạo của nhân dân ta, nhắc nhở mọi người cần giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp đó.

C. Kể lại diễn biến ngày mừng thọ của cụ giáo Chu

D. Cho thấy cụ đồ mới là người có nhiều môn sinh nhất, nhiều hơn cả cụ giáo Chu

Câu 2: Ý nghĩa của bài văn Hội thi nấu cơm ở Đồng Vân?

A. Cho thấy hội thi nấu cơm ở Đồng Vân được diễn ra vô cùng khốc liệt, cạnh tranh

B. Qua việc miêu tả lễ hội thổi cơm thi ở Đồng Vân, tác giả thể hiện tình cảm yêu mến và niềm tự hào đối với một nét đẹp cổ truyền trong sinh hoạt văn hóa của dân tộc.

C. Mong muốn mở một lớp dạy nấu cơm cổ truyền cho mọi người theo học để giữ gìn nét đẹp văn hóa của dân tộc

D. Cả A và C đều đúng

Câu 3: Cho các tên người và tên địa lí nước ngoài ở cột A và cách viết các tên người, tên địa lí nước ngoài ở cột B. Em ghép nối các tên đó với cách viết tương ứng ở cột B

Tên riêng nước ngoài

Cách viết tên riêng nước ngoài

1. Hi-rô-si-ma

a. Tên riêng nước ngoài nhưng đọc theo âm Hán Việt: Viết hoa chữ cái đầu tiên của các tiếng tạo thành tên 

riêng đó.

2. Tây Ban Nha, Khổng Tử

b. Tên một tác phẩm văn học: Viết hoa chữ cái đầu tiên tạo thành tên riêng đó

3. Bộ truyện “Tây du kí”

c. Tên một thành phố nước ngoài: Viết hoa chữ cái đầu tiên tạo thành tên riêng đó, giữa các tiếng trong một bộ phận của tên riêng được ngăn cách bằng dấu gạch nối

4. Ma-ri-ô, Nen-xơn Man-đê-la

d. Tên người nước ngoài: Viết hoa chữ cái đầu tiên tạo thành tên riêng đó, giữa các tiếng trong một bộ phận của tên riêng được ngăn cách bằng dấu gạch nối

Câu 4: Tên người nào viết đúng chính tả?

A. Tôn ngộ không

B. Trư-bát-giới

C. Sa-Tăng

D. Ngô Thừa Ân

Câu 5: Dựa theo nghĩa của tiếng truyền, xếp các từ trong ngoặc đơn thành ba nhóm

Truyền thống, truyền bá, truyền nghề, truyền tin, truyền máu, truyền hình, truyền nhiễm, truyền ngôi, truyền tụng

Truyền có nghĩa là

trao lại cho người khác (thường thuộc thế hệ sau)

Truyền có nghĩa là

lan rộng hoặc làm lan rộng ra cho nhiều người biết

Truyền có nghĩa là

nhập vào hoặc đưa vào cơ thể




Câu 6: Chọn từ có tiếng truyền thích hợp để điền vào chô trống sau

Cô giáo em kể chuyện bằng một giọng kể ……….. khiến lớp em ai nghe xong cũng xúc động

A. truyền thống

B. truyền hình

C. truyền cảm

D. truyền tụng

Câu 7: Chọn từ có tiếng truyền thích hợp để điền vào chô trống sau

Tết âm lịch còn được gọi là tết ……… của dân tộc

A. truyền ngôi

B. tuyên truyền

C. truyền cảm

D. cổ truyền

Câu 8: Gạch dưới từ ngữ được thay thế để nối các câu và các từ ngữ được lặp lại trong đoạn văn. Nêu tác dụng của các từ đó.

Ga-rô-nê lớn nhất lớp, sắp lên mười bốn tuổi, đầu to, vai rộng. Anh ấy rất tốt bụng, cứ trông nụ cười của anh thì đủ biết. Lúc nào anh cũng có vẻ suy nghĩ và chán chắn.

(Theo A-mi-xi)

Câu 9: Hai câu sau liên kết với nhau bằng cách nào?

Tết đến hoa đào nở thắm. Nó cũng là mùa xuân đấy.

Câu 10: Viết đoạn văn (4-5 câu) về một tấm gương vượt khó học giỏi. Trong đoạn văn có dùng phép thay thế từ ngữ để liên kết câu.

Đáp án:

Câu 1:

Ý nghĩa của bài văn Nghĩa thầy trò:

Ca ngợi truyền thống tôn sư trọng đạo của nhân dân ta, nhắc nhở mọi người cần giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp đó.

Đáp án đúng: B.

Câu 2:

Ý nghĩa của bài văn Hội thi nấu cơm ở Đồng Vân:

Qua việc miêu tả lễ hội thổi cơm thi ở Đồng Vân, tác giả thể hiện tình cảm yêu mến và niềm tự hào đối với một nét đẹp cổ truyền trong sinh hoạt văn hóa của dân tộc.

Đáp án đúng: B.

Câu 3:

1- c: Hi-rô-si-ma: Tên một thành phố nước ngoài: Viết hoa chữ cái đầu tiên tạo thành tên riêng đó, giữa các tiếng trong một bộ phận của tên riêng được ngăn cách bằng dấu gạch nối

2 – a: Tây Ban Nha, Khổng Tử: Tên riêng nước ngoài nhưng đọc theo âm Hán Việt: Viết hoa chữ cái đầu tiên của các tiếng tạo thành tên riêng đó.

3 – b: Bộ truyện “Tây du kí”: Tên một tác phẩm văn học: Viết hoa chữ cái đầu tiên tạo thành tên riêng đó

4 – d: Ma-ri-ô, Nen-xơn Man-đê-la: Tên người nước ngoài: Viết hoa chữ cái đầu tiên tạo thành tên riêng đó, giữa các tiếng trong một bộ phận của tên riêng được ngăn cách bằng dấu gạch nối

Đáp án đúng: 1->c, 2->a, 3->b, 4->d

Câu 4:

Đối với tên người nước ngoài có phiên âm Hán Việt, em viết theo quy tắc viết tên người Việt Nam, viết hoa chữ cái đầu tiên của mỗi tiếng tạo thành tên riêng đó

Trường hợp viết đúng là: Ngô Thừa Ân

Đáp án đúng: D.

Câu 5:

- Truyền có nghĩa là trao lại cho người khác (thường thuộc thế hệ sau): truyền thống, truyền ngôi, truyền nghề

- Truyền có nghĩa là lan rộng hoặc làm lan rộng ra cho nhiều người biết: truyền bá, truyền tụng, truyền tin, truyền hình

- Truyền có nghĩa là nhập vào hoặc đưa vào cơ thể: truyền máu, truyền nhiễm

Câu 6:

Từ cần điền vào chỗ trống là: truyền cảm

Đáp án đúng: C.

Câu 7:

Từ cần điền vào chỗ trống đó là: cổ truyền

Đáp án đúng: D.

Câu 8:

Ga-rô-nê lớn nhất lớp, sắp lên mười bốn tuổi, đầu to, vai rộng. Anh ấy rất tốt bụng, cứ trông nụ cười của anh thì đủ biết. Lúc nào anh cũng có vẻ suy nghĩ và chín chắn.

- Từ anh ấy được dùng để thanh thế cho Ga-rô-nê ở câu thứ nhất, anh ấy được đặt ở đầu câu có tác dụng liên kết câu thứ nhất và câu thứ 2 của đoạn văn.

- Các từ anh ở câu thứ 2 và câu thứ 3 trong đoạn văn được lặp lại có tác dụng liên kết câu thứ 2 và câu thứ 3 của đoạn văn.

Câu 9:

Hai câu trong bài được liên kết với nhau bằng cách thay thế từ ngữ. Hoa đào ở câu thứ nhất được thay thế bằng nó ở câu thứ hai.

Câu 10:

           Ngọc Anh là một tấm gương vượt khó học giỏi được nhiều người biết đến ở trường tôi. Cậu ấy được các bạn vô cùng yêu mến và nể phục. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhà lại xa trường nhưng Ngọc Anh chưa bao giờ đi học muộn. Thành tích học tập của cậu ấy luôn nằm trong top đầu của lớp. Lớp chúng tôi lúc nào cũng cảm thấy tự hào vì có cậu ấy là một thành viên trong lớp.

Phiếu bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 5 Tuần 26 có đáp án (Phiếu số 2)

Thời gian: phút

I – Bài tập về đọc hiểu

Bồ nông có hiếu

Phải năm trời hạn, mưa xuân chưa tan, gió nồm (1) đã tới. Rồi ánh nắng chói chang rọi xuống, khiến nhà bồ nông hốt hoảng gọi nhau rời phương Nam lên phương Bắc. Trên đường đi, bồ nông mẹ bị nắng chiếu quáng mắt (2), lao phải cành gai tre, suýt nữa gãy cánh. Bồ nông con dìu mẹ ẩn vào trong một hốc cây, chờ mẹ khỏi mới đi tiếp. Thấy vậy, các bác bồ nông khác cùng đi cũng dừng lại giúp đỡ.

Một ngày, rồi hai ngày, bồ nông mẹ vẫn chưa nhấc cánh lên được. Ngoài kia, trời cứ hầm hập như nung. Như thế này, không thể đuổi theo đàn được nữa. Từ buổi ấy, bồ nông con hết dắt mẹ tìm nơi mát mẻ, lại mò mẫm đi kiếm mồi. Đêm đêm, khi gió gợn hiu hiu, chú bồ nông nhỏ bé một thân một mình ra đồng xúc tép, xúc cá. Đôi chân khẳng khiu của chú vốn đã dài, giờ như dài thêm ra vì lặn lội.

Trên đồng nẻ, dưới ao khô, cua cá chết gần hết. Mặt sông xơ xác rong bèo. Bắt được con mồi nào, bồ nông con lại ngậm vào miệng để phần mẹ.

Hun hút đêm sâu, mênh mông ruộng vắng, chú bồ nông vừa sợ vừa lo. Có đêm đi tới canh một, canh hai, vẫn chẳng xúc được gì. Đã định quay về, nhưng cứ nghĩ đến mẹ đang ốm đau, chú ta lại gắng gượng mò thêm.

Dạo anh em nhà bồ nông còn bé, mẹ còm cõm lặn lội nuôi cả đàn con đến rạc người. Mỗi bận trở về nhà, mẹ há mỏ ra cho các con ăn no mà bụng mẹ vẫn cứ cồn lên. Giờ đây, chú bồ nông mới hiểu rằng trong những bữa ăn ấy, mẹ đã rút cả ruột gan ra để nuôi con. Cứ nghĩ tới điều đó, không một lần nào đi kiếm mồi mà bồ nông chịu trở về không.

Ngày này tiếp ngày nọ, đêm nay rồi đêm nữa, chú bồ nông cứ dùng miệng làm cái túi đựng thức ăn nuôi mẹ qua trọn mùa hè, sang mùa thu.

Tới mùa đông, đàn bồ nông từ phương Bắc trở về, ai nom thấy chú bồ nông nuôi mẹ ốm cũng phải kêu lên. Chú ta gầy quá. Cái mỏ xưa vốn gọn ghẽ, nay chảy sệ xuống hệt cái túi. Lòng hiếu thảo của chú bồ nông đã làm cho tất cả các chú bồnông khác cảm phục và noi theo.

( Theo Phong Thu )

(1) Gió nồm : gió mang nhiều hơi nước, gây ẩm ướt cuối mùa đông, đầu mùa xuân ở miền Bắc

(2) Quáng mắt : trạng thái thị lực rối loạn, nhìn không rõ do ánh sáng thay đổi đột ngột

Khoanh tròn chữ cái trước ý trả lời đúng

1. Trên đường bay lên phương Bắc, bồ nông mẹ gặp chuyện gì ?

a - Bị cảm nặng, không thể bay tiếp được

b - Bị gãy cánh, không thể bay tiếp được

c - Suýt gãy cánh vì alo phải cành tre gai

d - Suýt bị mù vì nắng chiếu quáng mắt

2. Bồ nông con chăm sóc bồ nông mẹ trong khoảng thời gian bao lâu ?

a - Trọn một mùa xuân và một mùa hè

b - Trọn một mùa hè và một mùa thu

c - Trọn một mùa thu và một mùa đông

d - Trọn một mùa đông và một mùa xuân

3. Câu văn nào miêu tả rõ hình dáng của bồ nông con sau những ngày vất vả chăm sóc mẹ ?

a - Từ buổi ấy, bồ nông con hết dắt mẹ tìm nơi mát mẻ, lại mò mẫm đi kiếm mồi

b - Bắt được con mồi nào, bồ nông con lại ngậm vào miệng để phần mẹ

c - Đã định quay về, nhưng cứ nghĩ đến mẹ đang ốm đau, chú ta lại gắng gượng mò thêm

d - Cái mỏ xưa vốn gọn ghẽ, nay chảy sệ xuống hệt cái túi

4. Điều gì ở bồ nông con khiến các chú bồ nông khác cảm phục ?

a - Lòng hiếu thảo

b - Lòng kiên nhẫn

c - Lòng trung thực

d - Lòng dũng cảm

5. Câu chuyện cho em thấy bài học gì sâu sắc ?

a - Phải biết làm việc giúp đỡ cha mẹ

b - Phải luôn nhớ tới công lao cha mẹ

c - Phải biết giúp đỡ tất cả mọi người

II – Bài tập về Chính tả, Luyện từ và câu, Tập làm văn

1. Gạch dưới các tên riêng ( tên người, tên địa lí ) trong mẩu truyện dưới đây rồi viết lại cho đúng quy tắc viết hoa.

Gia đình của Lê-nin sống ở thành phố nhỏ sim-biếc cạnh rừng cây và sông vôn-ga mênh mông. Mùa hè, anh A-Lếch-Xan-Đrơ và Lê-Nin bất ngờ hỏi anh :

– Dòng sông này bắt nguồn từ đâu hở anh ?

A-Lếch-Xan-Đrơ liền bảo :

– Thú thực là anh chưa biết. Phải học nữa mới biết

Người anh hỏi Lê-Nin :

– Thế còn cuộc sống của cây cối bắt nguồn từ đâu ?Tại sao lại có cuộc sống của con người.

– Em không biết, anh hãy nói cho em biết ngay đi.

– Tiếc rằng anh cũng chưa biết hết. Cuộc sống còn nhiều điều bí ẩn lắm.

– Thế thì chúng ta phải học thật nhiều để biết tất cả những điều đó anh nhỉ.

( Theo báo Nhi đồng chăm học )

2. Chọn từ thích hợp điền vào chỗ trống để hoàn chỉnh các câu tục ngữ nói về truyền thống dân tộc :

a) Một miếng khi……….bằng một gói khi no.

b) Trên kính ….. nhường

c) Uống nước nhớ……………

d) Đói cho sạch, ……. cho thơm

e) Một con ngựa……….cả tàu bỏ cỏ.

3. Chọn từ ngữ thích hợp ( đại từ, từ ngữ đồng nghĩa ) điền vào chỗ trống để tránh lặp lại từ in đậm và có tác dụng liên kết câu trong đoạn văn sau :

Võ Thị Sáu là một nữ anh hùng trẻ tuổi của nước ta……………….sinh ra ở miền Đất Đỏ và tham gia kháng chiến chống Pháp khi tuổi đời còn rất trẻ. Bị giặc bắt và tra tấn dã man nhưng ………..vẫn không khai. Trong nhà lao ở Côn Đảo, tấm gương dũng cảm của ……………………..đã làm cho kẻ thù phải khiếp sợ. Chúng đưa ……….. ra pháp trường để xử bắn. Đi giữa hai hàng lính,………….vẫn ung dung mỉm cười…………..đã hi sinh vì độc lập tự do của Tổ Quốc, vì cuộc sống ấm no hạnh phúc trên đất nước Việt Nam thân yêu.Chọn từ thích hợp điền vào chỗ trống để hoàn chỉnh các câu tục ngữ nói về truyền thống dân tộc :

( Theo Trần Văn Canh )

( Từ ngữ cần điền : chị – 3 lần, người con gái ấy, chị Sáu, người thiếu nữ trẻ măng )

4. a) Đọc đoạn trích dưới đây nói về cảnh Bác Hồ đến chúc Tết một gia đình nghèo ở Hà Nội.

Vào một đêm giao thừa năm ấy, Bác Hồ đến thăm và chúc Tết một gia đình nghèo ở Thủ đô Hà Nội : nhà chị Tín. Ngôi nhà chỉ có một gian nhỏ lợp lá cọ, vách đất. Giữa nhà kê chiếc giường cũ, quần áo không có chỗ treo đành để cuối giường. Mấy đứa bé thấy người lạ thì đứng nép vào góc nhà, chỉ có đứa bé nhất đang ngồi trên giường. Trên bàn thờ nhỏ có nải chuối xanh và mấy nén hương đang tỏa khói. Nhìn cảnh sống của gia đình chị, Bác Hồ lặng đi, rồi Bác bế cháu bé nhất vào lòng, hôn lên má cháu. Vừa cài lại chiếc áo trên ngực cháu bé, Bác vừa quay lại hỏi chuyện chị Tín :

– Thế bố của các cháu đi đâu ?

– Dạ, thưa Bác, cháu đi gánh nước để đổi lấy gạo ăn…

Nghe chị kể, Bác và những người xung quanh đều rưng rưng nước mắt.

Bác đi quanh căn nhà một vòng rồi cầm chiếc bánh chưng đặt lên bàn thờ, cho quà các cháu và nói với chị Tín :

– Hôm nay, Bác đến thăm, chúc sức khỏe cô và các cháu. Cô cố gắng nuôi các cháu mạnh khỏe và cho các cháu đi học.

Chị Tín không kìm nổi xúc động, chị chạy lại cầm lấy hai bàn tay Bác :

- Thưa Bác…. cháu không ngờ….Bác lại đến thăm gia đình cháu. – Rồi chị sụt sùi, không ngăn được nước mắt.

Bác Hồ cũng xúc động nói :

– Bác không đến thăm những gia đình như cô thì còn thăm ai ! Thôi, Bác về nhé.

Đêm giao thừa năm ấy, sau khi Bác Hồ về, bà con trong ngõ phố đã bàn bạc với nhau, mỗi người một thứ, của ít lòng nhiều đem đến giúp mẹ con chị Tín : mỗi cháu có một bộ quần áo hoa đón Tết. Nghe chị Tín kể chuyện Bác Hồ đến thăm, ai cũng nhùn chiếc bánh chưng Bác Hồ đặt trên bàn thờ với nét mặt đầy cảm động, tưởng như Bác Hồ vừa đến thăm gia đình mình vậy.

( Theo Ngọc Quỳnh )

b) Dựa theo nội dung đoạn trích nói trên và gợi ý dưới đây, hãy viết tiếp một số lời đối thoại thích hợp để hoàn chỉnh màn kịch.

Bác Hồ đi chúc Tết

Nhân vật : Bác Hồ ; vài cán bộ, chiến sĩ đi theo Bác ; chị Tín ; mấy đứa con chị Tín

Cảnh trí: Căn nhà lợp lá cọ đơn sơ, vách đất. Giữa nhà kê chiếc giường cũ, quần áo để cuối giường. Mấy đứa bé đứng nép ở góc nhà, đứa bé nhất ngồitrên giường. Trên bàn thờ nhỏ có nải chuối xanh và mấy nén hương đang tỏa khói.

Thời gian: Đêm giao thừa

( Bác Hồ cùng đoàn cán bộ bước vào nhà chị Tín )

Chị Tín : – (Lễ phép khoanh tay chào Bác Hồ) ………………………………………………

Bác Hồ: – (Bế cháu bé nhất vào lòng, hôn lên má cháu ; vừa cài lại chiếc áo trên ngực cháu bé, vừa quay lại hỏi chuyện chị Tín )

Chị Tín : – (Ngước nhìn lên bàn thờ, nén nỗi đau, nghẹn ngào thưa với Bác )

……………………………………………

Bác Hồ : – Thế bây giờ cô làm ở đâu ?

Chị Tín : – (Giọng nghẹn ngào) ……………………………………………

Bác Hồ : – Thế năm nay mẹ con cô ăn Tết thế nào ?

Chị Tín : – (Lặng đi một lúc rồi mới nói, giọng bùi ngùi) ………………………………

Bác Hồ: – (Đi quanh căn nhà một vòng rồi cầm chiếc bánh chưng đặt lên bàn thờ, cho quà các cháu và nói với chị Tín)

Hôm nay, Bác đến thăm, chúc sức khỏe cô và các cháu. Cô cố gắng nuôi các cháu mạnh khỏe và cho các cháu đi học.

Chị Tín: - (Không kìm nổi xúc động,chạy lại cầm lấy hai bàn tay Bác, giọng sụt sùi) ……………………………………………….

Bác Hồ: - (Giọng xúc động) Bác không đến thăm gia đình như cô thì còn thăm ai !

Thôi, bác về nhé.

( Xa xa vọng lại tiếng pháo nổ đón mừng năm mới )

Đáp án:

I. Bài tập phần đọc hiểu

1. Trên đường bay lên phương Bắc, bồ nông mẹ gặp chuyện gì ?

c - Suýt gãy cánh vì alo phải cành tre gai

2. Bồ nông con chăm sóc bồ nông mẹ trong khoảng thời gian bao lâu ?

c - Trọn một mùa hè và một mùa thu

3. Câu văn nào miêu tả rõ hình dáng của bồ nông con sau những ngày vất vả chăm sóc mẹ ?

d - Cái mỏ xưa vốn gọn ghẽ, nay chảy sệ xuống hệt cái túi

4. Điều gì ở bồ nông con khiến các chú bồ nông khác cảm phục ?

a - Lòng hiếu thảo

5. Câu chuyện cho em thấy bài học gì sâu sắc ?

b - Phải luôn nhớ tới công lao cha mẹ

II. Bài tập về Chính tả, Luyện từ và câu, Tập làm văn

1. Viết đúng

– Tên người : Lê-nin ( 4 lần ), A-lếch-xan-đrơ ( 2 lần )

– Tên địa lí : Sim-biếc, Vôn-ga

2. Giải đáp

a) Một miếng khi đói bằng một gói khi no.

b) Trên kính dưới nhường

c) Uống nước nhớ nguồn

d) Đói cho sạch, rách cho thơm

e) Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ.

3. Gợi ý điền từ :

Võ Thị Sáu là một nữ anh hùng trẻ tuổi của nước ta. Chị sinh ra ở miền Đất Đỏ và tham gia kháng chiến chống Pháp khi tuổi đời còn rất trẻ. Bị giặc bắt và tra tấn dã man nhưng chị vẫn không khai. Trong nhà lao ở Côn Đảo, tấm gương dũng cảm của người thiếu nữ trẻ măng đã làm cho kẻ thù phải khiếp sợ. Chúng đưa chị ra pháp trường để xử bắn. Đi giữa hai hàng lính, chị Sáu vẫn ung dung mỉm cười. Người con gái ấy đã hi sinh vì độc lập tự do của Tổ Quốc, vì cuộc sống ấm no hạnh phúc trên đất nước Việt Nam thân yêu.

4. Tham khảo

Bác Hồ đi chúc Tết

( Bác Hồ cùng đoàn cán bộ bước vào nhà chị Tín )

Chị Tín : – (Lễ phép khoanh tay chào Bác Hồ) Cháu chào Bác ạ

Bác Hồ: – (Bế cháu bé nhất vào lòng, hôn lên má cháu; vừa cài lại chiếc áo trên ngực cháu bé, vừa quay lại hỏi chuyện chị Tín) 

Thế bố các cháu đi đâu?

Chị Tín : – (Ngước nhìn lên bàn thờ, nén nỗi đau, nghẹn ngào thưa với Bác)

 Thưa Bác, nhà cháu là công nhân bốc vác,bị cảm nặng, đã mất cách đây bốn năm rồi.

Bác Hồ : – Thế bây giờ cô làm ở đâu ?

Chị Tín : – (Giọng nghẹn ngào) Dạ, thưa Bác, cháu đi gánh nước thuê cho bà con hàng phố ạ….

Bác Hồ : – Thế năm nay mẹ con cô ăn Tết thế nào ?

Chị Tín : – (Lặng đi một lúc rồi mới nói, giọng bùi ngùi)

 Thưa Bác, mẹ con cháu có gì đâu mà ăn Tết ạ, ngày mai chỉ có một lon gạo. Đến giờ này cháu vẫn phải đi gánh nước để đổi lấy gạo ăn…

Bác Hồ : – (Đi quanh căn nhà một vòng rồi cầm chiếc bánh chưng đặt lên bàn thờ, cho quà các cháu và nói với chị Tín)

Hôm nay, Bác đến thăm, chúc sức khỏe cô và các cháu. Cô cố gắng nuôi các cháu mạnh khỏe và cho các cháu đi học.

Chị Tín : - (Không kìm nổi xúc động,chạy lại cầm lấy hai bàn tay Bác, giọng sụt sùi)

Thưa Bác… cháu không ngờ…Bác lại đến thăm gia đình cháu. Cháu cảm động quá!

Bác Hồ : - (Giọng xúc động) Bác không đến thăm gia đình như cô thì còn thăm ai ! Thôi, bác về nhé.

( Xa xa vọng lại tiếng pháo nổ đón mừng năm mới )

Phiếu bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 5 Tuần 26 có đáp án (Phiếu số 3)

Thời gian: phút

Câu 1:

a) Chép lại các tên riêng trong câu chuyện Tác giả bài “Quốc tế ca”

(Tiếng Việt 5, tập hai, trang 81):

…………………………………………………

b) Cho biết những tên riêng đó được viết như thế nào

…………………….……………………………

Câu 2. Dòng nào dưới đây nêu đúng nghĩa của từ truyền thống? Đánh dấu X vào □ trước ý trả lời đúng:

□ Phong tục và tập quán của tổ tiên, ông bà.

□ Cách sống và nếp nghĩ của nhiều người ở nhiều địa phương khác nhau.

□ Lối sống và nếp nghĩ đã hình thành từ lâu đời và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Câu 3. Dựa theo nghĩa của tiếng truyền, em hãy xếp các từ ngữ cho trong ngoặc đơn vào ba nhóm:

a) Truyền có nghĩa là trao lại cho người khác (thường thuộc thế hệ sau):………………………

b) Truyền có nghĩa là lan rộng hoặc làm lan rộng ra cho nhiều người biết:...................

c) Truyền có nghĩa là nhập vào hoặc đưa vào cơ thể người:……………………

(truyền thống, truyền bá, truyền nghề, truyền tin, truyền máu, truyền hình, truyền nhiễm, truyền ngôi, truyền tụng)

Câu 4. Tìm trong đoạn văn ở bài tập 3 (Tiếng Việt 5, tập hai, trang 82), viết vào chỗ trống:

- Những từ ngữ chỉ người, gợi nhớ lịch sử và truyền thống dân tộc:

…………………………………

- Những từ ngữ chỉ sự vật, gợi nhớ lịch sử và truyền thống dân tộc:

…………………………………

Câu 5: Đọc đoạn trích của truyện Thái sư Trần Thủ Độ (Tiếng Việt 5, tập hai, trang 85). Dựa theo nội dung đoạn trích, em hãy viết tiếp một số lời đối thoại để hoàn chỉnh màn kịch sau:

Giữ nghiêm phép nước

Nhân vật: Trần Thủ Độ; Linh Từ Quốc Mẫu; người quân hiệu; một vài người lính và gia nô.

Cảnh trí: Một căn phòng rộng có kê án thư, trên có hộp bút, mấy cuốn sách, một chiếc quạt. Trần Thủ Độ đang ngồi đọc sách.

Thời gian: Khoảng gần trưa.

Gợi ý lời đối thoại:

- Linh Từ Quốc Mẫu phàn nàn với Trần Thủ Độ về chuyện bà bị người quân hiệu coi thường.

- Trần Thủ Độ lệnh cho quân lính đi bắt người quân hiệu.

- Quân lính áp giải người quân hiệu vào.

- Trần Thủ Độ hỏi người quân hiệu có đúng là anh ta bắt vợ ông xuống kiệu không, có biết bà là phu nhân của thái sư không.

- Người quân hiệu khẳng định là anh ta biết và kể lại đầu đuôi câu chuyện.

- Trần Thủ Độ khen ngợi, thưởng vàng và lụa cho người quân hiệu.

(Linh Từ Quốc Mẫu bước vào phòng, vẻ mặt buồn bực như vừa khóc.)

Trần Thủ Độ: - (Ngạc nhiên) Phu nhân sao thế?

Linh Từ Quốc Mẫu: (Tấm tức) Phép nước bây giờ đảo lộn hết rồi! Một tên quân hiệu mà dám hỗn với cả vợ thái sư. Như thế thì còn trên dưới gì nữa!

Trần Thủ Độ: - Bà hãy bớt nóng giận đi! Kể cho tôi nghe đầu đuôi câu chuyện thế nào đã!

Linh Từ Quốc Mẫu: Hôm nay tôi có việc qua cửa Bốc. Có tên quân hiệu nhất định bắt tôi xuống kiệu, ông nghĩ xem: Tôi là vợ quan thái sư, thế mà kẻ dưới dám khinh nhờn là thế nào?

Trần Thủ Độ: ………………

……………. …………………

Đáp án:

Câu 1:

a) Chép lại các tên riêng trong câu chuyện Tác giả bài “Quốc tế ca”

(Tiếng Việt 5, tập hai, trang 81):

Ơ-gien Pô-chi-ê, Pi-e Đơ-gây-tê, Pa-ri, Pháp, Công xã Pa-ri, Quốc tế ca

b) Cho biết những tên riêng đó được viết như thế nào

Viết hoa chữ cái đầu mỗi bộ phận của tên. Giữa các tiếng trong một bộ phận của tên được ngăn cách bằng dấu gạch nối.

- Viết hoa chữ cái đầu vì đây là tên riêng nước ngoài nhưng được đọc theo âm Hán Việt.

- Tên một cuộc cách mạng và một tác phẩm cũng viết hoa ở chữ cái đầu tạo thành tên riêng đó.

Câu 2. Dòng nào dưới đây nêu đúng nghĩa của từ truyền thống? Đánh dấu X vào □ trước ý trả lời đúng:

X Lối sống và nếp nghĩ đã hình thành từ lâu đời và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Câu 3. Dựa theo nghĩa của tiếng truyền, em hãy xếp các từ ngữ cho trong ngoặc đơn vào ba nhóm:

a) Truyền có nghĩa là trao lại cho người khác (thường thuộc thế hệ sau):

- Truyền thống, truyền nghề, truyền ngôi.

b) Truyền có nghĩa là lan rộng hoặc làm lan rộng ra cho nhiều người biết:

- Truyền hình, truyền tin, truyền tụng, truyền bá.

c) Truyền có nghĩa là nhập vào hoặc đưa vào cơ thể người:

- Truyền máu, truyền nhiễm

Câu 4. Tìm trong đoạn văn ở bài tập 3 (Tiếng Việt 5, tập hai, trang 82), viết vào chỗ trống:

- Những từ ngữ chỉ người, gợi nhớ lịch sử và truyền thống dân tộc:

Các vua Hùng, cậu bé làng Gióng, Hoàng Diệu, Phan Thanh Giản.

- Những từ ngữ chỉ sự vật, gợi nhớ lịch sử và truyền thống dân tộc:

- Nắm tro bếp thuở các Vua Hùng dựng nước, suối tiên đồng cổ Loa, con dao cắt rốn của cậu bé làng Gióng, vườn cà bên sông Hồng, thanh Gươm giữ thành Hà Nội, chiếc hốt đại thần của Phan Thanh Giản.

Câu 5:

Đọc đoạn trích của truyện Thái sư Trần Thủ Độ (Tiếng Việt 5, tập hai, trang 85). Dựa theo nội dung đoạn trích, em hãy viết tiếp một số lời đối thoại để hoàn chỉnh màn kịch sau:

Giữ nghiêm phép nước

Nhân vật: Trần Thủ Độ; Linh Từ Quốc Mẫu; người quân hiệu; một vài người lính và gia nô.

Cảnh trí: Một căn phòng rộng có kê án thư, trên có hộp bút, mấy cuốn sách, một chiếc quạt. Trần Thủ Độ đang ngồi đọc sách.

Thời gian: Khoảng gần trưa.

Gợi ý lời đối thoại:

- Linh Từ Quốc Mẫu phàn nàn với Trần Thủ Độ về chuyện bà bị người quân hiệu coi thường.

- Trần Thủ Độ lệnh cho quân lính đi bắt người quân hiệu.

- Quân lính áp giải người quân hiệu vào.

- Trần Thủ Độ hỏi người quân hiệu có đúng là anh ta bắt vợ ông xuống kiệu không, có biết bà là phu nhân của thái sư không.

- Người quân hiệu khẳng định là anh ta biết và kể lại đầu đuôi câu chuyện.

- Trần Thủ Độ khen ngợi, thưởng vàng và lụa cho ngưòi quân hiệu.

(Linh Từ Quốc Mẫu bước vào phòng, vẻ mặt buồn bực như vừa khóc.)

Trần Thủ Độ: - (Ngạc nhiên) Phu nhân sao thế?

Linh Từ Quốc Mẫu: (Tấm tức) Phép nước bây giờ đảo lộn hết rồi! Một tên quân hiệu mà dám hỗn với cả vợ thái sư. Như thế thì còn trên dưới gì nữa!

Trần Thủ Độ: - Bà hãy bớt nóng giận đi! Kể cho tôi nghe đầu đuôi câu chuyện thế nào đã!

Linh Từ Quốc Mẫu: Hôm nay tôi có việc qua cửa Bốc. Có tên quân hiệu nhất định bắt tôi xuống kiệu, ông nghĩ xem: Tôi là vợ quan thái sư, thế mà kẻ dưới dám khinh nhờn là thế nào?

Trần Thủ Độ: - Khoan hãy khóc. Để tôi gọi hắn đến xem sao (gọi lính hầu) Quân bay, cho đòi tên quân hiệu đến đây ngay! Nhớ dẫn theo một phu kiệu để nhận mặt hắn.

Lính hầu: Bẩm, vâng ạ.

(Chỉ một lác sau, tên lính hầu trở về, dẫn theo một người quân hiệu trẻ tuổi, dáng vẻ cao lớn, đàng hoàng).

Người quân hiệu: (Lạy chào) Con chào Thái sư và phu nhân ạ!

Trần Thủ Độ: Ngẩng mặt lên! Quân hiệu kia, ngươi có biết mặt phu nhân ta không?

Người quân hiệu: (Vẻ lo lắng) Dạ, bẩm Đức Ông, con biết phu nhân ạ!

Trần Thủ Độ: Ngươi có biết, vậy có đúng là sáng nay người đã chặn kiệu phu nhân ta không?

Người quân hiệu: Dạ bẩm Đức Ông, quả có việc đó ạ!

Trần Thủ Độ: (Nổi giận) Giỏi thật! Người biết phu nhân vậy sao còn dám hỗn láo?

Người quân hiệu: Dạ bẩm, sáng nay, kiệu của phu nhân đi ngang qua điện Kính Thiện. Con đã trình với phu nhân nhưng các thị nữ và phu kiệu cứ xô đến, nói là kiệu của phu nhân quan Thái sư, không được phép cản. Cho nên, con đành lấy gươm ngăn, buộc kiệu phu nhân đi vòng. Bẩm, chuyện là như thế. Con xin chịu tội với Đức Ông và phu nhân.

Trần Thủ Độ: (Gật đầu, tỏ vẻ hài lòng) Ra là thế! Ngươi ở chức thấp mà giữ nghiêm phép nước như vậy, ta trách móc gì ngươi được. (Nói với phu nhân) Bà hãy thưởng cho anh ta.

Linh Từ Quốc Mẫu: (Nói với gia nô) Lấy cho ta một tấm lụa và một nén vàng.

Gia nô: (Gia nô vào rồi mang lụa, vàng ra) Bẩm, phu nhân. Quà thưởng đây ạ.

Linh Từ Quốc Mẫu: (Linh Từ Quốc Mẩu lấy quà từ tay già nô, trao cho quân hiệu) Đây là Thái sư và ta ban thưởng cho ngươi.

Người quân hiệu: (Cảm động) Xin đa tạ Thái sư và phu nhân, (tất cả cùng đi vào hạ màn).

Phiếu bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 5 Tuần 26 có đáp án (Phiếu số 4)

Thời gian: phút

Câu 1. a) Đọc đoạn văn sau, gạch dưới những từ ngữ mà người viết đã dùng để chỉ nhân vật Phù Đổng Thiên Vương (Thánh Gióng):

Nghe chuyện Phù Đổng Thiên Vương, tôi thường tưởng tượng đến một trang nam nhi, sức vóc khác người, nhưng tâm hồn còn thô sơ và giản dị như tâm hồn tất cả mọi người thời xưa. Tráng sĩ ấy gặp lúc quốc gia lâm nguy đã xông pha ra trận, đem sức khoẻ mà đánh tan giặc, nhưng bị thương nặng. Tuy thế người trai làng Phù Đổng vẫn còn ăn một bữa cơm (chỗ ấy nay lập đền thờ ở làng Xuân Táo) rồi nhảy xuống Hồ Tây tắm, xong mới ôm vết thương lên ngựa đi tìm một rừng cây âm u nào, giấu kín nỗi đau đớn của mình mà chết.

b) Việc dùng nhiều từ ngữ thay thế cho nhau như vậy có tác dụng gì?

Đánh dấu X vào □ trước ý trả lời đúng:

□ Cung cấp cho học sinh nhiều tên gọi khác nhau của Thánh Gióng.

□ Giúp nội dung đoạn văn cụ thể, sinh động và giàu hình ảnh hơn.

□ Tránh lặp từ mà vẫn đảm bảo liên kết câu, khiến đoạn văn sinh động hơn.

Câu 2. Đọc đoạn văn sau. Gạch dưới từ ngữ lặp lại trong đoạn văn. Thay thế từ ngữ lặp lại bằng đại từ hoặc từ ngữ đồng nghĩa, viết vào dòng trống:

(1)Triệu Thị Trinh quê ở vùng núi Quan Yên (Thanh Hoá). (2)Triệu Thị Trinh xinh xắn, tính cách mạnh mẽ, thích võ nghệ. (3)Triệu Thị Trinh bắn cung rất giỏi, thường theo các phường săn đi săn thú. (4)Có lần, Triệu Thị Trinh đã bắn hạ một con báo gấm hung dữ trước sự thán phục của trai tráng trong vùng.

(5) Hằng ngày, chứng kiến cảnh nhân dân bị giặc Ngô đánh đập, cướp bóc, Triệu Thị Trinh vô cùng uất hận, nung nấu ý chí trả thù nhà, đền nợ nước, quét sạch chúng ra khỏi bờ cõi. (6)Năm 248, Triệu Thị Trinh cùng anh là Triệu Quốc Đạt lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống quân xâm lược.(7)Cuộc khởi nghĩa tuy không thành công nhưng tấm gương anh dũng của Triệu Thị Trinh sáng mãi với non sông, đất nước.

(1)………………………

(2)………………………

(3)………………………

(4)………………………

(5)………………………

(6)………………………

(7)………………………

Câu 3 Viết một đoạn văn ngắn kể về một tấm gương hiếu học, trong đó có sử dụng phép thay thế từ ngữ để liên kết câu.

………………………………………

………………………………………

Câu 4:

Viết lại các tên riêng có trong hai đoạn trích (ở bài tập 2, Tiếng Việt 5, tập hai, trang 90). Cho biết các tên riêng đó được viết như thế nào.


Cách viết

Giải thích cách viết

a) Tên người

-…………

………

b) Tên địa lí

- l-ta-li-a,……

-Mĩ, ......

- Mĩ,…………

………

………

Đáp án:

Câu 1. a) Đọc đoạn văn sau, gạch dưới những từ ngữ mà người viết đã dùng để chỉ nhân vật Phù Đổng Thiên Vương (Thánh Gióng):

Nghe chuyện Phù Đổng Thiên Vương, tôi thường tưởng tượng đến một trang nam nhi, sức vóc khác người, nhưng tâm hồn còn thô sơ và giản dị như tâm hồn tất cả mọi người thời xưa. Tráng sĩ ấy gặp lúc quốc gia lâm nguy đã xông pha ra trận, đem sức khoẻ mà đánh tan giặc, nhưng bị thương nặng. Tuy thế người trai làng Phù Đổng vẫn còn ăn một bữa cơm (chỗ ấy nay lập đền thờ ở làng Xuân Táo) rồi nhảy xuống Hồ Tây tắm, xong mới ôm vết thương lên ngựa đi tìm một rừng cây âm u nào, giấu kín nỗi đau đớn của mình mà chết.

b) Việc dùng nhiều từ ngữ thay thế cho nhau như vậy có tác dụng gì?

Đánh dấu X vào □ trước ý trả lời đúng:

X Tránh lặp từ mà vẫn đảm bảo liên kết câu, khiến đoạn văn sinh động hơn.

Câu 2. Đọc đoạn văn sau. Gạch dưới từ ngữ lặp lại trong đoạn văn. Thay thế từ ngữ lặp lại bằng đại từ hoặc từ ngữ đồng nghĩa, viết vào dòng trống:

(1)Triệu Thị Trinh quê ở vùng núi Quan Yên (Thanh Hoá). (2)Triệu Thị Trinh xinh xắn, tính cách mạnh mẽ, thích võ nghệ. (3)Triệu Thị Trinh bắn cung rất giỏi, thường theo các phường săn đi săn thú. (4)Có lần, Triệu Thị Trinh đã bắn hạ một con báo gấm hung dữ trước sự thán phục của trai tráng trong vùng.

(5) Hằng ngày, chứng kiến cảnh nhân dân bị giặc Ngô đánh đập, cướp bóc, Triệu Thị Trinh vô cùng uất hận, nung nấu ý chí trả thù nhà, đền nợ nước, quét sạch chúng ra khỏi bờ cõi. (6)Năm 248, Triệu Thị Trinh cùng anh là Triệu Quốc Đạt lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống quân xâm lược.(7)Cuộc khởi nghĩa tuy không thành công nhưng tấm gương anh dũng của Triệu Thị Trinh sáng mãi với non sông, đất nước.

(2) Người thiếu nữ họ Triệu

(3) Nàng

(4) nàng

(5) Bà Triệu

(6) bà

(7) Bà

Câu 3. Viết một đoạn văn ngắn kể về một tấm gương hiếu học, trong đó có sử dụng phép thay thế từ ngữ để liên kết câu.

Thuở bé, Trần Quốc Khái rất ham học. Cậu học ngay cả khi đốn củi, kéo vó tôm. Vì nhà nghèo nên buổi tối không có đèn, cậu bé bèn bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng lấy ánh sáng mà đọc sách. Nhờ học say mê và chăm chỉ như vậy nên chẳng bao lâu Khái đỗ tiến sĩ rồi làm quan to cho nhà Lê. Ông còn có công truyền dạy cho dân nghề thêu và nghề làm lọng. Nhân dân biết ơn ông nên tôn ông là “Ông tổ nghề thêu”.

Câu 4:

Viết lại các tên riêng có trong hai đoạn trích (ở bài tập 2, Tiếng Việt 5, tập hai, trang 90). Cho biết các tên riêng đó được viết như thế nào.


Cách viết

Giải thích cách viết

a) Tên người

Gri-xtô-phô-rô Cô-lôm-bô, A-mê-ri-gô, Ve-xpu-xi, Ét-mân Hin-la-ri,

Ten-sinh N-rơ-gay.

- Viết hoa chữ cái đầu của mỗi bộ phận tạo thành tên riêng đó. Các tiếng trong một bộ phận của tên riêng được ngăn cách bằng dấu gạch nối.

b) Tên địa lí

l-ta-li-a, Lo-ren A-mê-ri-ca, E-vơ-rét, Hi-ma-lay-a, Niu Di-lân, Mĩ, Ấn Độ, Pháp.

- Đối với những chữ không viết theo phiên âm nước ngoài mà được phiên âm theo âm Hán Việt thì cách viết như cách viết tên riêng Việt Nam.

Phiếu bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 5 Tuần 26 có đáp án (Phiếu số 5)

Thời gian: phút

Câu 1: Đọc bài sau và trả lời câu hỏi:

Về thăm nhà Bác

   Về thăm nhà Bác, làng Sen

   Có hàng râm bụt thắp lên lửa hồng

   Có con bướm trắng lượn vòng

   Có chùm ổi chín vàng ong sắc trời

   Ngôi nhà thuở Bác thiếu thời

   Nghiêng nghiêng mái lợp bao đời nắng mưa

   Chiếc giường tre quá đơn sơ

   Võng gai ru mát những trưa hè.

   Làng Sen như mọi làng quê

   Ngôi nhà lẫn với hàng tre bóng tròn.

   Kìa hàng hoa đỏ màu son

   Kìa con bướm trắng chập chờn như mơ.

   (Nguyễn Đức Mậu)

a) Tác giả miêu tả màu sắc của những sự vật nào ở nhà Bác?

b) Em tìm hiểu thế nào về dòng thơ “Kìa con bướm trắng chập chờn như mơ”?

c) Nêu cảm nghĩ của em về phong cảnh quê Bác.

Câu 2: Gạch dưới những từ ngữ nói về truyền thống của dân tộc ta trong đoạn văn sau:

Cần khẳng định rằng, những giá trị truyền thống cơ bản vẫn có ý nghĩa tác động tích cực đến việc xây dựng con người mới và nền văn hóa của chúng ta. Lòng yêu nước không chỉ thể hiện ở tinh thần giữ nước, mà nó còn hun đúc cho mọi người Việt Nam tinh thần quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam giàu đẹp. Lòng tự cường dân tộc đã tiếp cho người dân một sức mạnh để đưa đất nước nhập vào dòng chảy phát triển của thế giới. Tính cần cù, sáng tạo đã giúp con người và văn hóa Việt Nam đạt được những tiến bộ rất quan trọng. Lòng khoan dung cũng là một giá trị truyền thống quan trọng của dân tộc ta.

   (Theo nhandan.com.vn)

Câu 3: Gạch dưới từ ngữ được thay thế để nối các câu và các từ ngữ được lặp lại trong đoạn văn. Nêu tác dụng của các từ đó.

Ga-rô-nê lớn nhất lớp, sắp lên mười bốn tuổi, đầu to, vai rộng. Anh ấy rất tốt bụng, cứ trông nụ cười của anh thì đủ biết. Lúc nào anh cũng có vẻ suy nghĩ và chín chắn.

   (Theo A-mi-xi)

Câu 4: Hai câu sau liên kết với nhau bằng cách nào?

Mùa xuân về. Nó đem đến sức sống cho muôn loài.

Câu 5: Viết đoạn văn (4-5 câu) về một tấm gương vượt khó học giỏi. Trong đoạn văn có dùng phép thay thế từ ngữ để liên kết câu.

Đáp án:

Câu 1:

a.

- Hàng râm bụt (màu đỏ)

- Con bướm (màu trắng)

- Chùm ổi chín (vàng ong sắc trời)

b.

- Hình ảnh “Kìa con bướm trắng chập chờn như mơ” khiến người ta có thêm hình dung rõ hơn về khung cảnh quanh ngôi nhà Bác. Cảnh vật bình yên, bình dị lại nên thơ, đẹp như thể trong giấc mơ.

c. Phong cảnh làng Sen quê Bác đẹp bình dị và thơ mộng.

Câu 2:

Cần khẳng định rằng, những giá trị truyền thống cơ bản vẫn có ý nghĩa tác động tích cực đến việc xây dựng con người mới và nền văn hóa của chúng ta. Lòng yêu nước không chỉ thể hiện ở tinh thần giữ nước, mà nó còn hun đúc cho mọi người Việt Nam tinh thần quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam giàu đẹp. Lòng tự cường dân tộc đã tiếp cho người dân một sức mạnh để đưa đất nước nhập vào dòng chảy phát triển của thế giới. Tính cần cù, sáng tạo đã giúp con người và văn hóa Việt Nam đạt được những tiến bộ rất quan trọng. Lòng khoan dung cũng là một giá trị truyền thống quan trọng của dân tộc ta.

   (Theo nhandan.com.vn)

Câu 3:

Ga-rô-nê lớn nhất lớp, sắp lên mười bốn tuổi, đầu to, vai rộng. Anh ấy rất tốt bụng, cứ trông nụ cười của anh thì đủ biết. Lúc nào anh cũng có vẻ suy nghĩ và chín chắn.

- Từ anh ấy được dùng để thanh thế cho Ga-rô-nê ở câu thứ nhất, anh ấy được đặt ở đầu câu có tác dụng liên kết câu thứ nhất và câu thứ 2 của đoạn văn.

- Các từ anh ở câu thứ 2 và câu thứ 3 trong đoạn văn được lặp lại có tác dụng liên kết câu thứ 2 và câu thứ 3 của đoạn văn.

Câu 4:

Hai câu trên được liên kết với nhau bằng cách thay thế từ ngữ. “Mùa xuân” ở câu thứ nhất được thay thế bằng “nó” ở câu thứ hai.

Câu 5:

Lớp em có bạn Hoàng Hải nổi tiếng là một tấm gương vượt khó học giỏi. Bạn ấy sinh ra trong một gia đình nghèo, bố mất sớm vì tai nạn lao động, mẹ tần tảo nuôi ba anh em Hải ăn học. Hải là con cả trong nhà, nghĩ thương mẹ thương em nhiều lúc Hải định xin mẹ nghỉ học để phụ giúp bán nước với mẹ nhưng mẹ bạn ấy nhất định không cho. Vậy là Hải càng ngày càng chăm chỉ học hơn và luôn đạt thành tích cao. Học kì 1 vừa rồi bạn ấy đạt học sinh giỏi xuất sắc, nằm trong top đầu của khối. Cả lớp ai cũng nể phục và tự hào về bạn ấy.

Xem thêm các phiếu Bài tập cuối tuần, đề kiểm tra cuối tuần Tiếng Việt lớp 5 có đáp án hay khác:




Đề thi, giáo án lớp 5 các môn học