Soạn bài Viết bài giới thiệu một tập thơ, tập truyện ngắn hoặc một tiểu thuyết - Cánh diều

Với soạn bài Chuyên đề Văn 10 Viết bài giới thiệu một tập thơ, tập truyện ngắn hoặc một tiểu thuyết sách Cánh diều hay nhất, ngắn gọn giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Chuyên đề học tập Ngữ văn 10.

1. Đọc và tìm hiểu các bài giới thiệu một tập thơ, tập truyện ngắn, một tiểu thuyết

QUỐC ÂM THI TẬP CỦA NGUYỄN TRÃI

Quốc âm thi tập là tập thơ quốc âm của thi hào Nguyễn Trãi, thuộc quyển VII trong bộ Ức Trai di tập do Trần Khắc Kiệm (thế kỉ XV) và Dương Bá Cung (1795 - 1868) sưu tập và được khắc in vào giữa thế kỉ XIX.

Qua bài tựa của Dương Bá Cung, ta thấy rõ tên Quốc âm thi tập, tên các phần trong tập thơ do ông biên soạn và đặt ra căn cứ theo chủ đề các nhóm thơ ông sắp đặt. Quốc âm thi tập gồm 254 bài thơ chữ Nôm, ra đời vào thế kỉ XV, được xếp trong 4 mục: 1. Vô đề, 14 tiểu mục, 192 bài thơ; 2. Thì lệnh môn, 9 tiểu mục, 21 bài thơ; 3. Hoa mộc môn, 23 tiểu mục, 34 bài thơ; 4. Cầm thú môn, 7 tiểu mục, 7 bài thơ. Các nhà nghiên cứu văn bản cho rằng có khoảng 20 bài thơ Nôm của Nguyễn Bỉnh Khiêm bị chép lầm sang thơ Nguyễn Trãi. Tuy nhiên, thơ Nôm Nguyễn Trãi có trước thơ Nôm của Nguyễn Bỉnh Khiêm hàng thế kỉ, cho nên rất có thể thơ Nôm Nguyễn Trãi bị chép lầm sang thơ Nôm của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Vì vậy, cho đến nay, lịch sử văn học Việt Nam vẫn ghi nhận Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi có 254 bài thơ Nôm mà không có thêm bớt gì hết.

Bài Quốc âm thi tập bằng chữ quốc ngữ xuất hiện đầu tiên vào năm 1956 do Nhà xuất bản Văn Sử Địa ấn hành. Bản này do Trần Văn Giáp và Phạm Trọng Điểm phiên âm và chú giải, được coi là bản gốc có giá trị khoa học và lịch sử hơn cả, dày 198 trang, khổ sách 15 cm x 20,5 cm. Sau bản này còn có nhiều bản Quốc âm thi tập khác của Đào Duy Anh, Bùi Văn Nguyên,… cũng lần lượt được xuất bản. Tuy nhiên, so với bản quốc ngữ đầu tiên của Trần Văn Giáp và Phạm Trọng Điểm thì không sai khác bao nhiêu.

Quốc âm thi tập bộc lộ mạnh mẽ cái “tôi” cá nhân của Nguyễn Trãi, một Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, bậc vĩ nhân vì dân vì nước, đồng thời cũng bộc lộ trực tiếp nỗi niềm sâu kín, ưu thời mẫn thế của ông. Đọc thơ, người đọc ngỡ như đang được đối thoại trực tiếp với ông, nhận biết cốt cách và diện mạo ông - một ông già không giống ai, song lại rất con người trần thế. Đó là một đóng góp vô giá của Quốc âm thi tập trong việc tìm hiểu con người và sự nghiệp vĩ đại của Nguyễn Trãi từ thế kỉ XV.

Song Quốc âm thi tập còn có một giá trị nổi bật khác: đó là tập thơ tiếng Việt xưa nhất hiện còn hiện diện trong đời sống văn học đương đại mà không hề lạc lõng, không hề gượng ép. Nói thơ tiếng Việt có từ thế kỉ XIII của Hàn Thuyên, Nguyễn Sĩ Cố nhưng cứ liệu văn chương lại không tìm được, nên Quốc âm thi tập trở thành bản duy nhất để người thời nay nhận biết thể thơ thất ngôn xen lục ngôn, để xem cách dùng từ, cách đặt câu, để xem các từ Việt cổ nay đã trở nên xa lạ. Giá trị cứ liệu ngôn ngữ văn chương của Quốc âm thi tập là một giá trị siêu đẳng, không tác phẩm nào có thể so sánh được kể cả thơ Nôm của Lê Thánh Tông và hội Tao đàn, thơ Nôm của Nguyễn Bỉnh Khiêm tiếp nối sau này. Đó là một thứ giá trị độc tôn và duy nhất trong lĩnh vực cứ liệu văn chương.

(Theo NGUYỄN ĐĂNG MẠNH, BÙI DUY TÂN, NGUYỄN NHƯ Ý (đồng Chủ biên),

Từ điển tác giả, tác phẩm văn học Việt Nam (dùng trong nhà trường),

NXB Giáo dục Việt Nam, 2012, trang 787 - 788)

Câu hỏi 1 (trang 61, SGK chuyên đề học tập Ngữ văn 10 – Cánh diều): Hãy chỉ ra đoạn văn giới thiệu thông tin chung về tập thơ. Đó là các thông tin nào?

Trả lời:

Đoạn văn giới thiệu thông tin chung của tập thơ là đoạn đầu tiên của văn bản. Nó bao gồm các thông tin về tác giả, tác phẩm, thời gian ra đời.

Câu hỏi 2 (trang 61, SGK chuyên đề học tập Ngữ văn 10 – Cánh diều): Người viết đã lựa chọn giới thiệu những điều gì về nội dung và nghệ thuật của tập thơ?

Trả lời:

Người viết đã lựa chọn giới thiệu về nội dung và nghệ thuật của tập thơ:

Nội dung:

- Bộc lộ mạnh mẽ cái “tôi” cá nhân của Nguyễn Trãi.

- Bộc lộ trực tiếp nỗi niềm sâu kín, ưu thời mẫn thế của ông.

" Một đóng góp vô giá của Quốc âm thi tập trong việc tìm hiểu con người và sự nghiệp vĩ đại của Nguyễn Trãi từ thế kỉ XV.

Nghệ thuật:

- Là tập thơ tiếng Việt xưa nhất hiện còn hiện diện trong đời sống văn học đương đại mà không hề lạc lõng, không hề gượng ép.

- Giá trị cứ liệu ngôn ngữ văn chương của Quốc âm thi tập là một giá trị siêu đẳng, không tác phẩm nào có thể so sánh được. Đó là một thứ giá trị độc tôn và duy nhất trong lĩnh vực cứ liệu văn chương.

Câu hỏi 3 (trang 61, SGK chuyên đề học tập Ngữ văn 10 – Cánh diều): Theo em, nếu không bị giới hạn về dung lượng, bài viết có nên sử dụng các dẫn chứng để phân tích, làm rõ giá trị nội dung và nghệ thuật của tập thơ Quốc âm thi tập không? Vì sao?

Trả lời:

Theo em, nếu không bị giới hạn về dung lượng, bài viết có nên sử dụng các dẫn chứng để phân tích, làm rõ giá trị nội dung và nghệ thuật của tập thơ Quốc âm thi tập. Vì nó sẽ làm rõ hơn những đóng góp nổi trội về giá trị nội dung và nghệ thuật của tập thơ.

VỀ TẬP TRUYỆN NGẮN GIÓ ĐẦU MÙA

Gió đầu mùa là tập truyện ngắn của nhà văn Thạch Lam, tập hợp những truyện đã in trên các báo Phong hóa, Ngày nay những năm 1935 - 1936; Nhà xuất bản Đời nay xuất bản lần đầu năm 1937, do Khái Hưng đề tựa. Tập truyện gồm Lời nói đầu của tác giả và 13 truyện, đi vào hai xu hướng chính:

1) Loạt truyện nghiêng về phản ánh hiện thực: Nhà mẹ Lê, Một cơn giận, Người bạn trẻ, Đói, Một đời người, Hai lần chết, Cái chân què,…

2) Loạt truyện đi vào khai thác những khía cạnh bình thường mà nên thơ trong đời sống: Đứa con đầu lòng, Những ngày mới, Tiếng chim kêu, Gió lạnh đầu mùa,…

Khác với nhiều nhà văn trong Tự lực văn đoàn lấy hình ảnh lớp thanh niên trí thức đương thời làm đối tượng chính, Thạch Lam, một thành viên, nhưng lại có xu hướng muốn nhận diện tấn bi kịch của những con người lớp dưới. Đấy là cảnh sống cơ cực của những người dân xóm thợ chen chúc trong những túp lều thấp và tối, làm quần quật quanh năm mà đói khổ vẫn chẳng buông tha; là những người mẹ không nuôi nổi đàn con, phải đi ăn xin, bị nhà giàu xua chó cắn, và cái chết thê thảm đè nặng lên tâm can những người còn sống (Nhà mẹ Lê); là những người phu xe không đủ tiền nộp phạt, phải trốn biệt xứ, để lại mẹ già và đứa con chết vì thiếu tiền mua thuốc (Một cơn giận). Đó cũng là cuộc sống bị lăng nhục, bị chà đạp của những người tiểu tư sản: một viên chức nghèo bị cơn đói hành hạ, cuối cùng đành phải hi sinh cả phẩm giá, danh dự, nuốt miếng ăn do người vợ kiếm được nhưng lại phải trả bằng cả trinh tiết của mình (Đói); một người học trò thất nghiệp vì tham gia bãi khóa, trong bước đường cùng phải treo cổ tự tử (Người bạn trẻ). Và cay cực nhất trong số đó là những người phụ nữ. Họ là những người yếu đuối, bất lực, song lại phải gánh chịu mọi phũ phàng và bất công. Bị ràng buộc trong những lễ giáo, thành kiến, dư luận cũ kĩ, đời họ trước sau chỉ là cái bóng âm thầm gắn vào cuộc đời những người khác, không bao giờ dám biết đến hạnh phúc, thậm chí đành nhắm mắt để cho hạnh phúc lướt qua bên cạnh mình (Một đời người). Sinh ra họ đã bị hắt hủi, lãng quên, muốn chết đi mà không được chết, nhưng cuối cùng lại phải chết dần, buồn thảm, trong cái cảnh suốt ngày bị gia đình chồng chửi bới, hành hạ; và đây mới là cái chết không còn chỗ bấu víu, không còn ai xót thương, là lần “chết thật, chết hẳn” (Hai lần chết). Thông qua tất cả những cảnh đời đen bạc ấy, Thạch Lam đã dựng lên sắc nét một bức tranh xã hội; không phải bức tranh quen thuộc về nông thôn Việt Nam trước Cách mạng, cũng không phải bức tranh mới mẻ về cuộc sống náo nhiệt ở thị thành; mà đây là bức tranh vừa lạ vừa quen về cuộc sống nhỏ nhặt của lớp người trung gian, bên lề các thị trấn Việt Nam những năm 30 của thế kỉ XX. Bức tranh tưởng chừng khá êm đềm, nhưng kì thực hết sức bi thảm. Và sức mạnh tố cáo của ngòi bút nhà văn không nằm ở những lời phê phán trực diện, mà hằn sâu trong những tình tiết bi thảm nói trên. Tuy Thạch Lam chưa làm được điều mà Ngô Tất Tố, Nam Cao sẽ làm, là phơi bày cuộc sống trong trạng thái đối lập gay gắt của nó, nhưng bằng niềm cảm thông chân thành đối với người nghèo khổ mà Lời nói đầu tập sách đã đề cập đến một cách thẳng thắn, những truyện ngắn của ông ít nhất cũng bày tỏ một cách nhìn, một thái độ, nó chi phối khuynh hướng tư tưởng của tác giả.

Loạt truyện xoay quanh những khía cạnh bình thường, giản dị của đời sống trong Gió đầu mùa, nói chung ít có ý nghĩa xã hội hơn loạt truyện đầu. Nhưng ở đây cũng chứng tỏ tài quan sát của Thạch Lam khi khai thác những tác động tinh vi giữa con người và ngoại cảnh, cũng như khi đi vào những diễn biến bên trong, những trạng thái phức tạp của tình cảm, tâm lí, những thay đổi khó nhận biết của tâm hồn con người. Truyện Đứa con đầu lòng là cả một quá trình biến chuyển lí thú trong tâm trạng một người trai trẻ, có con lần đầu: bồn chồn, sốt ruột chờ vợ sinh con; bâng khuâng, xa lạ khi nhìn đứa trẻ chưa quen và có phần làm cho mình bận bịu; cuối cùng là những rung động sâu kín, như cánh bướm non, báo hiệu một tình cảm mới mẻ và thiêng liêng đang nảy nở ở kẻ làm cha. Các truyện Tiếng chim kêuGió lạnh đầu mùa không những có khả năng gợi lên cảm hứng thi vị về cái đẹp của tạo vật, trong những khoảnh khắc đổi thay bất chợt của bốn mùa, của thời tiết mà còn mở ra một thế giới hết sức trong trẻo: thế giới tâm hồn trẻ thơ, với tấm lòng trắc ẩn, với lòng thương người hồn nhiên, cao quý, chưa bị thói đời làm cho vẩn đục. Cũng có những truyện, tuy đề tài có vẻ giản dị hoặc nên thơ nữa, nhưng đằng sau đó vẫn chứa đựng một ý nghĩa phê phán thâm trầm đối với cái xấu, nhất là những cái xấu không hiện rõ hình dáng mà lẩn sâu trong tâm lí tư tưởng, và lúc này lúc khác có thể tồn tại ở bất kì một người lương thiện nào (Trở về, Người bạn cũ). Những truyện này thường mang ý vị một cảm xúc trăn trở chân thành, bắt người đọc không thể không nhìn vào cõi sâu thẳm của chính mình. Có thể nói, Thạch Lam là người rất sành cảm giác. Từ những cảm giác tinh nhạy về mọi chi tiết nhỏ nhặt nhất trong đời sống, ông đã bổ sung cho nhận thức nhiều điều mà lí trí khó nhận biết được ngay. Nói như Khái Hưng: “Cảm giác ấy bao quát hết tư tưởng của tác giả và của người đọc, nhiều khi đi xa hơn, sâu hơn tư tưởng, vì có cái ta cảm thấy mà ta không thể dùng tư tưởng để mô tả, giải phẫu cái cảm giác của ta ra được.”.

Dĩ nhiên, việc phân biệt thành hai loại truyện trong tập Gió đầu mùa không phải là chủ ý của người viết, vì ở hầu hết các truyện, hai yếu tố “hiện thực” và “thi vị” vẫn đan cài, xen kẽ với nhau. Chính đây là một đặc điểm của ngòi bút Thạch Lam, là sự mẫn cảm và không đơn điệu của tư duy nghệ thuật Thạch Lam, mặt khác cũng biểu lộ tấm lòng đôn hậu của Thạch Lam trong cách nhìn sự vật. Thạch Lam yêu cuộc sống với tất cả trái tim nhân ái của mình và chính vì yêu mà ông biết nhận ra nó trong dạng thái “tổng hòa” các mặt tốt xấu luôn luôn quyện chặt lấy nhau như chính nó đang tồn tại. Trong mỗi con người bình thường nhiều khi cũng có sự khó chia tách “thiện ác” như vậy. Đó chính là vẻ đẹp chân thực của ngòi bút nhân đạo chủ nghĩa.

Tuy Gió đầu mùa là tập truyện ngắn đầu tiên song đã bộc lộ rõ phong cách già dặn và điêu luyện của Thạch Lam. Ông thuộc số những nhà văn có khả năng đi sâu khai thác thế giới nội tâm nhân vật một cách tinh tế, và phát hiện được trong những cái nhỏ nhặt hằng ngày những điều sâu xa, thầm kín mà không phải người nào cũng dễ dàng phát hiện. Những truyện ngắn trong Gió đầu mùa rất giàu chất thơ, giàu âm thanh và màu sắc của đời sống, được viết bằng ngôn ngữ trong sáng, bình dị. Đây là một trong những tập truyện ngắn tiêu biểu của Thạch Lam, đồng thời cũng đánh dấu sự thành công của khuynh hướng truyện ngắn trữ tình trong văn học Việt Nam hiện đại.

(Theo ĐỖ ĐỨC HIẾU, NGUYỄN HUỆ CHI,

PHÙNG VĂN TỬU, TRẦN HỮU TÁ (đồng Chủ biên); Đặng Thị Hảo,

Vũ Thanh (Thư kí), Từ điển Văn học (bộ mới), NXB Thế giới, Hà Nội, 2004, trang 532 - 533)

Câu hỏi 1 (trang 64, SGK chuyên đề học tập Ngữ văn 10 – Cánh diều): Xác định các nội dung thông tin chính của bài giới thiệu tập truyện ngắn Gió đầu mùa, từ đó, trình bày lại bằng một sơ đồ.

Trả lời:

Các nội dung thông tin chính của bài giới thiệu tập truyện ngắn Gió đầu mùa:

- Giới thiệu chung về tác giả, tác phẩm, năm ra đời, số lượng truyện, hai xu hướng chính của tập truyện.

+ Loạt truyện nghiêng về phản ánh hiện thực.

+ Loạt truyện khai thác những khía cạnh bình thường mà nên thơ trong đời sống.

- Nội dung:

+ Bi kịch của những con người lớp dưới.

" Bức tranh bi thảm về cuộc sống nhỏ nhặt của lớp người trung gian, bên lề các thị trấn Việt Nam những năm 30 của thế kỉ XX.

+ Những diễn biến bên trong, những trạng thái phức tạp của tình cảm, tâm lí, những thay đổi khó nhận biết của tâm hồn con người. Nhưng đằng sau đó vẫn chứa đựng một ý nghĩa phê phán thâm trầm đối với cái xấu, nhất là những cái xấu không hiện rõ hình dáng mà lẩn sâu trong tâm lí tư tưởng.

" Hai yếu tố “hiện thực” và “thi vị” vẫn đan cài, xen kẽ với nhau. Chính đây là một đặc điểm của ngòi bút Thạch Lam, là sự mẫn cảm và không đơn điệu của tư duy nghệ thuật Thạch Lam, mặt khác cũng biểu lộ tấm lòng đôn hậu của Thạch Lam trong cách nhìn sự vật.

Soạn bài Viết bài giới thiệu một tập thơ, tập truyện ngắn hoặc một tiểu thuyết | Chuyên đề Văn 10 Cánh diều

Câu hỏi 2 (trang 64, SGK chuyên đề học tập Ngữ văn 10 – Cánh diều): Dựa vào nội dung bài viết trên, nếu viết bài giới thiệu tập truyện ngắn Gió đầu mùa của Thạch Lam cho thầy, cô, các bạn và những người quan tâm, em thấy có thể thay đổi cách trình bày không (ví dụ: đặt các tiêu mục, sử dụng ngôi thứ nhất – xưng “tôi” khi viết giới thiệu và bổ sung hình ảnh cho bài giới thiệu)? Vì sao?

Trả lời:

Nếu viết bài giới thiệu tập truyện ngắn Gió đầu mùa của Thạch Lam cho thầy, cô, các bạn và những người quan tâm, có thể thay đổi cách trình bày không (ví dụ: đặt các tiêu mục, sử dụng ngôi thứ nhất – xưng “tôi” khi viết giới thiệu và bổ sung hình ảnh cho bài giới thiệu). Vì điều đó sẽ giúp cho bài giới thiệu thêm sinh động và thể hiện được rõ cái tôi cá nhân của người viết hơn.

Câu hỏi 3 (trang 64, SGK chuyên đề học tập Ngữ văn 10 – Cánh diều): Theo em, bài giới thiệu một tập thơ, tập truyện ngắn hoặc tiểu thuyết cần đảm bảo những yêu cầu gì về nội dung thông tin, về bố cục, cách trình bày?

Trả lời:

Theo em, bài giới thiệu một tập thơ, tập truyện ngắn hoặc tiểu thuyết cần đảm bảo những yêu cầu về nội dung thông tin, về bố cục, cách trình bày:

- Nội dung:

+ Ấn tượng chung

+ Đề tài, chủ đề tiêu biểu trong tập thơ, tập truyện ngắn hoặc tiểu thuyết.

+ Đặc sắc về nghệ thuật

+ Đánh giá chung

+ Một số câu thơ/câu văn hay trong tập và ý nghĩa của tập thơ, tập truyện ngắn hoặc tiểu thuyết đối với người đọc.

- Bố cục: Trình bày đầy đủ, rõ ràng theo ba phần:

+ Mở đầu: Giới thiệu chung

+ Nội dung: Trình bày những ý kiến nhận xét, đánh giá chung về tập thơ, tập truyện ngắn hoặc tiểu thuyết trên các phương diện nội dung và nghệ thuật.

+ Kết luận: Đánh giá chung, khuyến khích mọi người tìm đọc.

- Cách trình bày:

+ Chữ viết (có thể kết hợp hình ảnh minh họa).

+ Có thể thay đổi màu sắc, kiểu chữ để làm nổi bật ý kiến.

" Linh hoạt, sinh động, có sự sáng tạo, lôi cuốn người đọc.

2. Cách viết bài giới thiệu một tập thơ, tập truyện ngắn hoặc một tiểu thuyết

a. Viết bài giới thiệu một tập thơ, tập truyện ngắn hoặc một tiểu thuyết là trình bày cho người đọc biết những thông tin khái quát chung về tác phẩm (như tác giả, hoàn cảnh ra đời, cấu trúc của tác phẩm,...), nêu và làm rõ nội dung, nghệ thuật của tập thơ, tập truyện ngắn hoặc cuốn tiểu thuyết; phát biểu cảm nhận, đánh giá của người viết về tập thơ, tập truyện ngắn hoặc tiểu thuyết đó. Người viết có thể đặt nhan đề, các tiêu mục cho bài viết, sử dụng thêm tranh, ảnh phù hợp... để tăng hiệu quả tác động của bài viết tới người đọc.

b. Đề viết bài giới thiệu một tập thơ, tập truyện ngắn hoặc một tiểu thuyết, các em cần:

- Lựa chọn tập thơ, tập truyện ngắn hoặc tiểu thuyết định giới thiệu. Đọc kĩ văn bản và tìm hiểu thêm các thông tin về tác giả, tác phẩm để hiểu văn bản.

- Xác định đối tượng đọc bài giới thiệu và nơi công bố bài giới thiệu (trong tập san của lớp, trong trang nhóm lớp,...) để lựa chọn cách thức trình bày cho phù hợp.

-Tim ý và lập dàn ý cho bài giới thiệu.

- Chuẩn bị tư liệu, tranh, ảnh,... sử dụng trong bài giới thiệu (nếu có).

3. Thực hành viết bài giới thiệu một tập thơ, tập truyện ngắn hoặc một tiểu thuyết

Bài tập thực hành (trang 65, SGK chuyên đề học tập Ngữ văn 10 – Cánh diều): Hãy viết bài giới thiệu một tập thơ, tập truyện ngắn hoặc tiểu thuyết.

Trả lời:

CÂY CHUỐI NON ĐI GIÀY XANH

Soạn bài Viết bài giới thiệu một tập thơ, tập truyện ngắn hoặc một tiểu thuyết | Chuyên đề Văn 10 Cánh diều Tôi đã từng nghe nói ở đâu rằng “sách là thế giới”. Quả thật đúng như vậy, sách là thế giới thu nhỏ, cho phép ta trải nghiệm, cảm nhận rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Qua những câu chuyện đầy xúc động mỗi người lại tự rút ra những bài học cho riêng mình. Đối với tôi cuốn sách gối đầu giường, cuốn sách tôi yêu thích nhất chính là “Cây chuối non đi giày xanh” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Câu chuyện được bắt đầu thật tự nhiên hợp lý. Nhân vật Đăng cũng là nhân vật chính trong tác phẩm nhận được lời đề nghị của người bạn: “Mày viết cho tao một bài về những kỉ niệm lúc mày còn ở đây… Mày viết thật thơ mộng vào. Như viết tiểu thuyết càng tốt”. Nhận lời đề nghị của người bạn, Đăng đã bắt tay vào viết, đó cũng là lúc biết bao kỉ niệm xưa cũ, trong trẻo, hồn nhiên của tuổi thơ ùa về: tình bạn, tình yêu, tình cảm thầy trò. Những kỉ niệm ấy thật đẹp đẽ, mơ mộng và đáng trân trọng biết bao. Trong cuốn truyện điều tôi ấn tượng nhất là hành trình tuổi thơ cũng là hành trình phát triển từ tình bạn thành tình yêu của Đăng và nhỏ Thắm. Những đứa trẻ con ngây thơ, hồn nhiên bên nhau trong suốt thuở thiếu thời: bị chết đuối hụt, chúng cùng đi học bơi, bảo vệ nhau trước những kẻ xấu, cùng nhau đi học, cùng nhau cười đùa,… và chúng ngượng ngùng, xấu hổ khi nghe thấy những lời chòng ghẹo, trêu đùa từ người khác. Nhưng trên hết đó là sự quan tâm, giúp đỡ nhau chân thành, tha thiết. Tôi đã vô cùng ngỡ ngàng, ngạc nhiên với hành động hồn nhiên mà cũng đầy chân thành của chú tiểu Khôi, Phan… khi Thắm buộc phải lấy người mà bố mẹ mai mối. Đó còn là sự yêu thương vô bờ của mẹ Thắm dành cho đứa con của mình. Chẳng phải ai khác mà chính là bà đã dán tờ giấy ấy trước nhà với nội dung phản đối hôn nhân lạc hậu. Bà mẹ ấy thật bao dung và vĩ đại biết bao. Bà biết rằng nếu bị phát hiện chắc chắn nhỏ Thắm sẽ bị ăn đòn, bởi vậy bà tình nguyện làm việc đó để đỡ đòn roi thay cho con.

Tác phẩm còn thể hiện tình người, tình làng nghĩa xóm đầm ấm, thân thiết. Ông hớt tóc chẳng khác nào ông Ba Bị mà bố mẹ vẫn dọa mỗi lần tôi hư. Ông hay chòng ghẹo những đứa bé trong làng, miệng ông nhai trầu đỏ lòm làm tất cả những đứa trẻ trong làng phải khiếp sợ. Nhưng khi thấy Đăng và Thắm bị ngã nước, sắp chết đuối ông đã vội vàng xuống cứu. Ẩn sau con người gàn dở ấy là cả một tấm lòng nhân hậu và lương thiện biết bao. Và còn rất nhiều câu chuyện nhỏ nhặt, vô cùng đời thường trong truyện khiến người ta đọc một lần rồi chẳng thể nào quên được. Có lẽ khi đọc cuốn sách này những đứa trẻ nông thôn sẽ như được sống lại những kí ức ngây thơ, hồn nhiên của mình. Chỉ là những câu chuyện vặt, câu chuyện nhỏ nhưng đầy chất nhân văn và thấm đẫm tình người. Truyện được viết bằng giọng văn nhẹ nhàng, sâu lắng, thấm đẫm chất trữ tình. Ngôn ngữ giản dị, tự nhiên, đậm chất Nam Bộ khiến người đọc cảm nhận được thân thương, gần gũi. Không chỉ vậy, Nguyễn Nhật Ánh còn tạo dựng tình huống đặc sắc, những chi tiết bất ngờ làm câu chuyện trở nên hấp dẫn, lí thú hơn.

Gấp cuốn sách lại, những gì đọng lại trong lòng mỗi người không chỉ là giọng văn đằm thắm, chân thành mà còn bởi tình người sâu sắc, cảm động, bởi những suy nghĩ hồn nhiên, ngây thơ nhưng hết sức chân thành. Qua tác phẩm, không chỉ tôi mà rất nhiều bạn khác sẽ rút ra cho mình bài học riêng cho mình: bài học về tình bạn, tình cảm hàng xóm, về tình cảm gia đình,…

Tham khảo các bài soạn Chuyên đề Ngữ văn 10 Chuyên đề 3: Đọc, viết và giới thiệu một tập thơ, tập truyện ngắn hoặc một tiểu thuyết Cánh diều hay khác:

Xem thêm các bài soạn Chuyên đề học tập Ngữ văn 10 Cánh diều hay, chi tiết khác:

Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 10 hay khác:


Giải bài tập lớp 10 sách mới các môn học