Cảm nghĩ về truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh (điểm cao)



Đề bài: Hãy phát biểu cảm nghĩ của em sau khi đọc truyện Sơn Tinh - Thủy Tinh. Từ đó, em có suy nghĩ gì về chủ trương xây dựng, củng cố đê điều, nghiêm cấm nạn phá rừng của nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay.

Cảm nghĩ về truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh (điểm cao)

Bài giảng: Sơn Tinh, Thủy Tinh - Cô Trương San (Giáo viên VietJack)

   Trong những truyện thần thoại đã đọc, em rất thích truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh bởi sự cuốn hút, hấp dẫn lạ thường của nó. Truyện mượn thần thánh để giải thích hiện tượng lũ lụt hằng năm ở đồng bằng Bắc Bộ và gửi gắm vào đó ước mơ chiến thắng thiên nhiên, bảo vệ cuộc sống của người xưa, đồng thời suy tôn, ca ngợi công lao dựng nước của các vua Hùng.

   Cách đây mấy ngàn năm, khi tổ tiên người Việt từ vùng rừng núi chuyển xuống sinh sống ở đồng bằng Bắc Bộ thì năm nào cũng gặp phải một trong những thiên tai đáng sợ là nạn lụt. Nạn lụt do nước lũ từ các con sông, chủ yếu là sông Hồng, sông Đà gây ra. Để bảo vệ thành quả lao động của mình, nhân dân ta đã dũng cảm, mưu trí, bền bỉ tìm cách chống lụt. Việc đắp đê ngăn nước chính là biểu hiện của tinh thần đó.

   Từ chuyện chống lũ lụt để bảo vệ mùa màng và đời sống, người xưa đã tưởng tượng thành một câu chuyện với nhiều tình tiết li kì : Hai vị thần cùng muốn cưới một công chúa xinh đẹp làm vợ ; rồi người được vợ, kẻ không được vợ, dẫn đến cuộc giao tranh dữ dội. Cuối cùng, bên thắng, bên thua. Kẻ thua cuộc ôm lòng thù hận khôn nguôi, hằng năm vẫn gây sự đánh trả.

   Thực tế là hằng năm ở đồng bằng Bắc Bộ, cứ đến mùa mưa bão là nước dâng to, nhưng chưa bao giờ làm ngập nổi núi đồi. Cuối mùa lũ, nước rút đi, sông suối trở lại hiền hòa. Người xưa cho rằng đó là Thần Nước đánh nhau với Thần Núi để giành lại Mị Nương ... Quả là trí tưởng tượng của họ vô cùng phong phú và bay bổng.

   Truyện có hai nhân vật : Sơn Tinh - chúa tể của vùng non cao và Thủy Tinh - chúa tể của vùng nước thẳm. Cả hai đều có tài năng phi thường. Sơn Tinh vẫy tay về phía đông, phía đông nổi lên cồn bãi, vẫy tay về phía tây, phía tây lập tức hiện ra những dãy núi đồi. Thủy Tinh gọi gió, gió tới ; hô mưa, mưa về. Cả hai vị thần đều tài giỏi. Điều ấy khiến nhà vua băn khoăn không biêt chọn ai, đành ra điều kiện : Ngày mai, nếu ai mang lễ vật đến sớm thì được cưới Mị Nương.

   Ngay trong truyện thách cưới, có lẽ ý nhà vua đã nghiêng về phía Sơn Tinh. Voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chính hồng mao. Rồi trăm ván cơm nếp, trăm nệp bánh chưng ... Tất cả đều là sản vật của đồng ruộng, núi rừng. Vì vậy, kẻ thắng cuộc tất nhiên phải là Sơn Tinh. Sơn Tinh mang lễ vật đến trước, cưới được Mị Nương và đưa nàng về núi Tản Viên. Sơn Tinh thật xứng đôi với nàng công chúa xinh đẹp.

   Không cưới được Mị Nương, Thủy Tinh đùng đùng nổi giận. Chàng phô bày hết sức mạnh tàn bạo của mình trong cuộc giao tranh với Sơn Tinh. Gió bão rung chuyển cả đất trời. Mưa làm nước sông hồ dâng lên cuồn cuộn, ngập tràn đồng ruộng, mùa màng, cuốn phăng cây cối, nhà cửa, súc vật. Nước dâng lên sườn đồi, sườn núi làm trốc cây, lở đá ... Thủy Tinh muốn nhấn chìm đỉnh núi để tiêu diệt Sơn Tinh, cướp lại Mị Nương.

   Nhưng Sơn Tinh cũng trổ hết tài bốc đồi, dời núi, dựng thành ngăn nước. Nước dâng cao bao nhiêu, núi đồi cao lên bấy nhiêu. Suốt mấy tháng trời, cuộc tấn công của Thủy Tinh thật là dữ dội : giông bão, sấm chớp, mưa như trút nước, đồng ruộng hóa thành sông, sông thành biển cả. Ấy vậy nhưng Sơn Tinh không hề nao núng, vẫn bình tĩnh, sáng suốt chống trả một cách quyết liệt và thắng lợi. Cuối cùng kiệt sức, Thủy Tinh phải rút lui.

   Cả hai vị thần đều có tài cao, phép lạ. Nhưng Thủy Tinh dù phép thuật cao cường vẫn phải khuất phục trước Sơn Tinh dũng mãnh và mưu trí. Những chi tiết nghệ thuật kì ảo, hoang đường về Sơn Tinh, Thủy Tinh và khí thế hào hùng của cuộc giao tranh giữa hai vị thần thể hiện trí tưởng tượng phong phú của người xưa.

   Cuộc giao tranh không chỉ xảy ra một lần mà nhiều lần, năm nào cũng vậy. Nhưng kết cục thì không thay đổi : thần Núi chiến thắng thần Nước. Mị Nương vẫn sống hạnh phúc bên Sơn Tinh trên đỉnh Tản Viên cao vòi vọi. Thủy Tinh không sao giành lại được nàng.

   Sơn Tinh, Thủy Tinh là những nhân vật hoàn toàn tưởng tượng nhưng lại có ý nghĩa rất thực vì đã khái quát được hiện tượng lũ lụt, đồng thời phản ánh những kì công trong sự nghiệp dựng nước của nhân dân ta dưới triều đại các vua Hùng.

   Tất cả những chi tiết kì ảo trên đều nhằm để giải thích hiện tượng lũ lụt và việc chống lũ lụt hằng năm của nhân dân ta ở đồng bằng Bắc Bộ. Có một chi tiết quan trọng là Sơn Tinh dựng thành ngăn nước. Đó là công việc đắp thành bằng đất của con người - khởi đầu cho những con đê lớn sau này chạy suốt hai bờ những con sông lớn để ngăn lũ. Người xưa để cho Sơn Tinh thắng Thủy Tinh là gửi gắm vào đó ước mơ có được sức mạnh thần kì để chế ngự được nạn lũ lụt - một tai họa lớn của con người.

   Truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh có giá trị nội dung và nghệ thuật rất đặc sắc.

   Thủy Tinh là hiện tượng mưa gió, bão lụt ghê gớm hằng năm đã được hình tượng hóa thành kẻ thù hung dữ, truyền kiếp của Sơn Tinh.

   Sơn Tinh là hiện thân của người dân Việt cổ cần cù đắp đê phòng chống lũ lụ, là ước mơ chiến thắng thiên tai của người xưa. Tầm vóc vũ trụ, tài năng và khí phách của Sơn Tinh là biểu tượng sinh động cho chiến công của người Việt cổ trong cuộc đấu tranh chống bão lụt ở vùng lưu vực sông Đà và sông Hồng. Đây cũng là kì tích dựng nước của thời đại các vua Hùng và kì tích ấy cho đến nay vẫn được tiếp tục phát huy mạnh mẽ.

   Ước mơ xưa giờ đây đã thành hiện thực. Những công trình thủy lợi lớn như hệ thống đê điều, mương máng, những hồ nước, đập nước điều hòa dòng chảy của sông Đà, sông Hồng đã thực sự chế ngự được sức tàn phá ghê gớm của nước lũ. Hạt lúa, củ khoai do bà con nông dân đổ mồ hôi làm ra đã được bảo vệ. Ngày nay, con cháu của Sơn Tinh đã và đang thực hiện ước mơ của tổ tiên ngày trước.

   Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nạn phá rừng, cháy rừng diễn ra rất nghiêm trọng trên khắp ba miền Bắc, Trung, Nam. Điều đó ảnh hưởng rất lớn tới sinh thái, môi trường của đất nước ta. Hiện tượng thiên tai lũ lụt xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng, phần lớn nguyên nhân là do cháy rừng, phá rừng.

   Mất rừng, Sơn Tinh sẽ mất hết sức lực và phép lạ, làm sao chống chọi được với Thủy Tinh ?!

   Nhà nước ta hiện nay đang có chủ trương vận động nhân dân tích cực xây dựng, củng cố đê điều ; nghiêm cấm nạn phá rừng, đi đôi với việc trồng thêm hàng triệu hecta rừng phủ xanh đất trồng, đồi trọc. Đây là chủ trương đúng đắn và hợp lí, được mọi người đồng tình.

   Chẳng lẽ Sơn Tinh lại thua Thủy Tinh ? Chuyện xảy ra từ ngàn xưa nhưng vẫn là bài học thiết thực trong cuộc sống hôm nay, cháu con cần ghi nhớ.

Xem thêm các bài Văn mẫu cảm nghĩ, kể chuyện, tả cảnh, tả người, miêu tả lớp 6 hay khác:

Mục lục Văn mẫu | Văn hay lớp 6 theo từng phần:




Giải bài tập lớp 6 sách mới các môn học