Phân tích vẻ đẹp thiên nhiên trong bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu (hay, ngắn gọn)



Đề bài: Phân tích vẻ đẹp thiên nhiên trong bài thơ “Vội vàng” của Xuân Diệu

Bài giảng: Vội vàng - Cô Thúy Nhàn (Giáo viên VietJack)

Nếu vẻ đẹp của thiên nhiên trong trang thơ của Huy Cận, Hàn Mặc Tử luôn mang một nét đượm buồn, ảm đạm thì trái ngược lại với hồn thơ của Xuân Diệu thiên nhiên mang trong mình một nét riêng biệt góp phần mang lại một cái nhìn mới cho vẻ đẹp thiên nhiên trong thơ ca. Tiêu biểu cho điều ấy là bài thơ “Vội vàng” sáng tác năm 1938 và được in trong tập “Thơ thơ” với bức tranh thiên nhiên mang sức sống mãnh liệt có sự tươi non mơn mởn, có sự căng tràn nhựa sống nhưng cũng rớm vị chia phôi và bị tàn phá khốc liệt bởi thời gian. Vẻ đẹp thiên nhiên đã góp phần thể hiện quan niệm nhân sinh, tư tưởng tiến bộ, mới mẻ của nhà thơ.

Vẻ đẹp của thiên nhiên luôn là nguồn cảm hứng dào dạt cho các nhà thơ. Với tâm hồn của người nghệ sĩ nhạy cảm luôn yêu tha thiết, say đắm trước cái đẹp và thiên nhiên mang đến điều đó, nó vừa là cảm hứng vừa là phương tiện để các thi nhân thể hiện tài năng và tình cảm nghệ thuật. Dù thiên nhiên trong bài thơ “Vội vàng” không phải là chủ đề chính nhưng thi sĩ đã cho ta thưởng thức vẻ đẹp tuyệt mĩ ở nơi trần gian được Xuân Diệu khắc họa lại bằng tài năng thơ ca.

Thiên nhiên hiện lên với hai nét đẹp cơ bản. Trước tiên đó là vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên tràn đầy sức sống với âm thanh, màu sắc:

    “Của ong bướm này đây tuần tháng mật

    ...Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”

Điệp từ “này đây”, “của” làm cho vẻ đẹp của thiên nhiên mùa xuân được hiện lên cụ thể, rõ ràng gợi cảm giác hân hoan, sung sướng của nhà thơ khi được đón nhận sự phong phú mà thiên nhiên ban tặng cho cuộc đời. Đó là hình ảnh của ong bướm trong tuần tháng mật là khoảng thời gian hạnh phúc nhất, viên mãn nhất, ngọt ngào nhất của đời người; đó là hoa của đồng nội xanh rì_màu xanh mướt, tươi đẹp, căng tràn sức sống; đó là lá của cành tơ phơ phất mơn mởn trong gió xuân; đó là khúc tình si rộn ràng của yến anh; là ánh sáng ban mai “chớp hàng mi”. Bức tranh thiên nhiên ấy có đầy đủ âm thanh, hương vị, màu sắc và men say của ái tình. Xuân Diệu đặc tả vẻ đẹp của thiên nhiên ở trong khoảnh khắc tập trung cao độ nhất của cái đẹp bởi đây là bức tranh của mùa xuân_mùa khởi đầu của một năm, mở ra một hành trình mới nên luôn tràn đầy nhiệt huyết tuổi trẻ và sức sống, nó không phải là cái nắng chói chang mùa hạ hay lá vàng rụng của thu sang hay là cái buốt lạnh của đông tới. Thiên nhiên Xuân Diệu chẳng phải là con sông dài mênh mông trong “Tràng giang” của Huy Cận hay một mảnh tình riêng của thôn Vĩ trong bài “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử cũng chẳng đặc trưng bởi bất cứ một vùng quê nào mà là vẻ đẹp hiện hữu ở bất cứ nơi nào cũng có, vẻ đẹp bình dị, giản đơn nhưng không phải ai cũng có thể phát hiện và có một tâm hồn thưởng thức biết quý trọng như nhà thơ bởi không phải ai cũng có được con mắt và trái tim của thi sĩ. Đối với Xuân Diệu vẻ đẹp ấy chẳng cần phải đi tìm ở đâu xa, phải thoát lên tiên như Thế Lữ mà đó là một “bữa tiệc trần gian” mà tạo hóa ban tặng. Khi miêu tả thiên nhiên thi pháp của Xuân Diệu đã có sự cách tân, đổi mới ông chẳng đi theo lối mòn của văn học trung đại là ước lệ tượng trưng hay chấm phá điểm nhãn, lấy thiên nhiên làm chuẩn mực cho vẻ đẹp con người mà đơn giản hóa trong nghệ thuật sử dụng, lấy con người làm trung tâm của vũ trụ, là nơi hội tụ của cái đẹp và làm chuẩn mực cho thiên nhiên. Điều đó được thể hiện ở vẻ đẹp của “ánh sáng chớp hàng mi”, và chi tiết so sánh độc đáo, táo bạo “Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần”. Cặp môi gần nó là khoảnh khắc hạnh phúc thăng hoa của tình yêu đôi lứa.Tháng Giêng là thời gian khởi đầu của một năm, nó vô hình nhưng khi được đem ra so sánh với cặp môi gần lại là một vật hữu hình có vị, có hương “ngon” đầy sức hấp dẫn đang mời gọi thi nhân tận hưởng. Chính bởi tất cả cái đẹp ấy mà nhà thơ có một ước muốn táo bạo “tắt nắng”, “buộc gió” để lưu giữ hương sắc của đất trời đang độ xuân thì để rồi nhà thơ muốn ôm, riết, say thâu hòa tan làm một cùng với đất trời để tận hưởng một cách viên mãn nhất vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước. Xuân Diệu phải là một nhà thơ yêu say đắm thiên nhiên vô cùng mới có thể tinh tế phát hiện và cảm nhận bằng tất cả các giác quan của mình như vậy.

Tuy nhiên vạn vật trong vũ trụ từ sự vật nhỏ bé nhất như cỏ cây đến con người cũng không thể trường tồn vĩnh hằng, không thể thoát khỏi quy luật của tự nhiên và sự tàn phá khốc liệt của thời gian. Xuân Diệu miêu tả vẻ đẹp của thiên nhiên mùa xuân để làm bước đêm, làm phương tiện thể hiện cho quan niệm nhân sinh sâu sắc của mình. Bởi tác giả nhận ra; “Xuân đương tới cũng là xuân đương qua/ Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già”. Thời gian trong cái nhìn của ông không phải là vòng tròn tuần hoàn như trong thơ ca trung đại mà là thời gian tuyến tính một đi không bao giờ quay trở lại. Nên ông nuối tiếc, bang khuâng trước sự trôi chảy của nó: “Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa/ Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân” hay “Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời”. Trong tâm trạng ấy nhà thơ nhìn vạn vật với cũng đang phôi pha, chia li, từ biệt.

    “Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi

    ...Chẳng bao giờ, ôi! Chẳng bao giờ nữa”.

Tác giả sử dụng nghệ thuật nhân hóa làm cho thiên nhiên trước giờ khắc chia li xa xuân đến hạ cũng mang trạng thái cảm xúc, cũng có những hành động giống như con người. Tháng năm đã có mùi của vị chia phôi, tiếng khóc than thầm của sống núi, con gió xinh hờn dỗi với lá vì sắp phải đi, là tiếng chim đang rộn ràng chào đón xuân sang bỗng đứt tiếng reo thi. Tất cả những sự vật ấy “Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa?” cũng như nhà thơ sợ khoảnh khắc của mùa xuân tuổi trẻ qua đi vô nghĩa, mà thốt lên tiếng than, lời buồn sâu thẳm “Chẳng bao giờ, ôi! Chẳng bao giờ nữa”. Xuân Diệu thật có cái nhìn khác người ông chẳng cần đợi có nắng hạ mới hoài xuân mà tìm thấy điều ấy ngay từ khi xuân mới sang, “trong gặp gỡ đã có mầm li biệt”.

Xuân Diệu được nhà phê bình văn học Hoài Thanh đánh giá là “Nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới” đến với thơ ca của ông “tài hoa, tinh tế mà sang trọng” thiên nhiên trong Vội vàng rất tình tứ, cảnh vật tràn đầy xuân tình thể hiện cho một tâm hồn thi sĩ yêu tha thiết cái đẹp, khát khao sự sống trần gian và có quan niệm tích cực về thời gian và tuổi trẻ.

Xem thêm các bài Văn mẫu phân tích, dàn ý tác phẩm lớp 11 khác:


voi-vang.jsp


Giải bài tập lớp 11 sách mới các môn học