Top 3 Cảm nhận đoạn trích Lẽ ghét thương của Nguyễn Đình Chiểu (hay, ngắn gọn)



Đề bài: Cảm nhận đoạn trích “Lẽ ghét thương” của Nguyễn Đình Chiểu.

Bài giảng: Lẽ ghét thương - Cô Thúy Nhàn (Giáo viên VietJack)

Nguyễn Đình Chiểu là một nhà Nho chân chính, tuy mang tật mù lòa nhưng tâm hồn và nhân cách ông luông trong sáng, thuần khiết. Ông không chỉ là một người con có hiếu, người thầy mẫu mực mà còn là một nhà văn, nhà thơ để lại cho đời nhiều tác phẩm có giá trị. Tiêu biểu là truyện thơ Lục Vân Tiên "bản trường ca ca ngợi chính nghĩa, những đạo đức đáng quý đáng trọng ở đời". Đoạn trích “Lẽ ghét thương” từ câu 473 đến câu 504 kể về cuộc nói chuyện giữa ông Quán và các nho sĩ trẻ tuổi, đồng thời thể hiện tình cảm chân thành thương ghét của tác giả đã minh chứng cho tài năng và nhân cách Đồ Chiểu.

Ông Quán trong đoạn trích là nhân vật tư tưởng của Nguyễn Đình Chiểu đã thẳng thắn bày tỏ thái độ “Quán rằng ghét việc tầm phào/ Ghét cay ghét đắng ghét vào tận tâm” khi chứng kiến thói đời trong sự việc của bốn chàng Nho sinh là Lục Vân Tiên cùng bạn Tử Trực đi thi vào quán trọ gặp Trịnh Hâm và Bùi Kiệm cũng là sĩ tử. Trịnh Hâm đề nghị bốn người làm thơ để so tài cao thấp, Vân Tiên và Tử Trực thắng nhưng lại bị bọn tiểu nhân Trịnh Hâm, Bùi Kiệm nghi ngờ gian lận. Nhân sự việc mà ông Quán bàn về lẽ ghét thương ở đời với cách viết thật tài tình, dẫn chứng thuyết phục cho thấy vốn kiến thức sâu rộng của tác giả thông qua cảm nhận giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của tác phẩm.

Trước tiên bàn về giá trị nội dung: Bao trùm lên tác phẩm là tình cảm thương ghét rõ ràng của ông Quán.Theo ông cái gốc của lẽ ghét là lòng thương yêu con người. Bởi nếu không có lòng thương thì mọi sự ghét trở nên hằn học với đời và không có tính nhân văn cao cả. Chính vì vậy ông ghét là do thương quá nhiều, càng thương cái đẹp bị vùi dập bao nhiêu thì ông lại càng ghét cái ác cái xấu bấy nhiêu. Ông ghét không phải vì tư lợi bản thân, vì cá nhân long đong lận đận mà ghét vì tấm lòng thương dân sâu nặng phải chịu khổ chịu cực mà ghét và oán hận bọn người nhũng nhiễu để dân đen rơi vào cảnh lầm than. Tuyên ngôn về lẽ ghét thương của ông “Vì chưng hay ghét cũng là hay thương” như một yêu cầu về đạo đức và lẽ sống làm người. Thì ra ghét cũng là một biểu hiện của lòng thương khi đã đạt đến giá trị cực đại.

Ông bàn đến lẽ ghét trước để làm bàn đạp cho lẽ thương hiện hữu. Đồ Chiểu ghét các triều đại và những nhân vật đại diện cho triều đại đó như vua Kiệt nhà Hạ, vua Trụ nhà Thương bạo ngược và hoang dâm vô độ rồi U Vương và Lệ Vương mê tửu sắc không quan tâm triều chính, năm vua đời nhà Chu kéo bè kéo cánh chém giết bạo loạn gây nên cảnh điêu đứng cho dân chúng. Những điều đó đã được ghi lại trong lịch sử Trung Hoa được ông lấy làm dẫn chứng và tất cả những con người ấy đều có một điểm chung là gây ra tai họa cho dân. Tác giả đã đứng hẳn về phía nhân dân mà lên tiếng tố cáo, oán trách bọn vua quan phong kiến độc ác, tàn bạo.

Tiếp đó là lẽ thương hiện hữu. Ông thương cho những người hiền tài bị vùi dập, mong nguyện phò vua giúp nước không thành nên người thì phải lui về ở ẩn, kẻ chết yểu...Những con người ấy có chung cảnh ngộ với tác giả là người tài mà không có cơ hội cống hiến tài đức cho dân cho nước. Ông thương Khổng Tử thì lận đận trong con đường truyền đạo và giáo hóa dân chúng, là Nhan Uyển thì chết yểu, là Gia Cát Lượng tài ba lại không gặp đúng thời thế, Đổng Tử là Đổng Trọng Thư “Có thời có chí, ngôi mà không ngôi” ông ra làm quan mà không được trọng dụng tài năng, thương cho Đào Tiềm không ham, không chịu được nỗi nhục chốn quan trường mà lui về ở ẩn để gìn giữ khí tiết, là thương cho Hàn Dũ vì dâng biểu khuyên vua không nên quá tin đạo Phật mà bị tội, bị đày, thương cho thầy Liêm, Lạc “bị lời xua đuổi về nhà giáo dân”. Những con người, những sự việc ấy đều được tác giả chọn lọc với những chi tiết điển hình, lối diễn đạt sinh động và cách sử dụng điệp từ “thương ông”, “thương thầy” đã để lại được ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả.

Như vậy Lẽ ghét thương của ông Quán được bắt nguồn từ lòng thương dân thương đời. Tuy nhiên thương người cũng chính là thương mình. Khi viết truyện “Lục Vân Tiên” cũng là lúc hoàn cảnh của tác giả đang gặp phải nhiều khó khăn: mẹ mất, mắt bị mù con đường hoạn lộ công danh bị bỏ dở, một thời mơ ước lập thân để trả nợ nước nhưng cuộc đời lại gặp nhiều bất hạnh. Ông nói chuyện xưa cũ bên Tàu là để nói chuyện đương thời về triều đại ông đang sống vua Thiệu Trị, Tự Đức ăn chơi xa xỉ không chăm lo cho đời sống nhân dân. Chính điều đó nên nhân vật ông Quán trong đoạn trích có ít nhiều nét tương đồng với Đồ Chiểu.

Về phương diện nghệ thuật đoạn trích có sử dụng dụng điệp từ “ghét”, “thương”, “dân”..., điệp cấu trúc “ghét đời...”, “thương ông...” càng làm nổi bật “tiêu chuẩn ghét” của tác giả là xuất phát từ thương. Dẫn chứng nhân vật và sự việc tiêu biểu, điển hình dù là “Xem qua kinh sử mấy lần” nhưng với lối diễn đạt linh hoạt, ngôn ngữ mộc mạc, giản dị gần với lời ăn tiếng nói hằng ngày của nhân dân kết hợp với thể thơ lục bát làm cho đoạn trích dễ nhớ dễ thuộc dễ đi vào lòng người. Sử dụng nghệ thuật tiểu đối, đối từ ngữ trong câu: hay ghét >< hay thương, sa hầm <> sẩy hang, sớm đầu <> tối đánh, có thời có chí <> ngôi mà không ngôi, sớm dâng lời biểu <> tối đày đi xa,... làm cho câu thơ có vần có nhịp, bộc lộ được thái độ ghét thương rõ ràng của tác giả.

Giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật làm nên thành công của đoạn trích. Một mặt truyền tải tư tưởng đạo đức nhân nghĩa “Lấy dân làm gốc”, luôn đứng trên quan điểm của nhân dân. Một mặt cho thấy tài năng nghệ thuật và sự hiểu biết sâu rộng của một nhà Nho chân chính.

Đoạn trích “Lẽ ghét thương” đã thể hiện tình cảm, thái độ thương ghét chân thành của tác giả. Là tuyên ngôn sâu sắc cho giá trị đạo đức ở đời, minh chứng cho quan điểm sáng tác của nhà thơ mù Nguyễn Đình Chiểu: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” hay “Học theo ngòi bút chí công/ Trong thơ cho ngụ tấm lòng xuân thu”.

Xem thêm các bài Văn mẫu phân tích, dàn ý tác phẩm lớp 11 khác:


le-ghet-thuong.jsp


Giải bài tập lớp 11 sách mới các môn học