Top 3 Cảm nhận của em về bài thơ Bài ca ngắn đi trên bãi cát của Cao Bá Quát (hay, ngắn gọn)



Đề bài: Cảm nhận của em về Bài ca ngắn đi trên bãi cát của Cao Bá Quát

Bài giảng: Bài ca ngắn đi trên cát - Cô Thúy Nhàn (Giáo viên VietJack)

    Cao Bá Quát đã từng viết: “Thập tải luân giao cầu cổ kiếm/ Nhất sinh đê thủ bái mai hoa” – suốt cả đời ông chỉ cúi đầu trước vẻ đẹp thanh nhã, cao sang của hoa mai, chứ nhất quyết không cúi đầu trước cường quyền. Sinh thời vào buổi loạn lạc, nhiễu nhương dù mang trong mình cái hùng tâm cống hiến cho đời nhưng ông phải chịu nhiều bất công. Nỗi oán ghét thực tại, phường danh lợi đã được ông thể hiện biết bao xúc động trong bài thơ “Bài ca ngắn đi trên bãi cát”.

    Tác phẩm ra đời khi tác giả nhiều lần đi vào kinh đô Huế dự thi, phải băng qua những bãi cát dài, mênh mông không biết đích đến. Chính trong hoàn cảnh đó ông đã sáng tác “Sa hành đoản ca” thể hiện thái độ trước hiện thực đời sống và phương danh lợi tầm thường.

    Mở đầu bài thơ là hình ảnh bãi cát dài nuối tiếp nhau đến tận chân trời và trên nền không gian rộng lớn ấy người lữ khách đang từng chút cố gắng vượt lên hoàn cảnh khắc nghiệt:

    Bãi cát dài lại bãi cát dài,

    Đi một bước như lùi một bước.

    Câu thơ không chỉ mang ý nghĩa tả thực về những bãi cát nối tiếp nhau và những bước chân nặng nề của người lữ khách trên con đường đó. Bãi cát còn chính là hình ảnh biểu tượng về “danh lợi” – nó như một miếng mồi béo bở, níu kéo, hấp dẫn người lữ khách. Nên đi hay nên quay đầu lại? Câu hỏi ấy cứ vang vọng trong tâm tưởng người lữ khách. Trong không gian ấy, người lữ khách không còn làm chủ, mà bị nuốt trọn, lọt thỏm giữa không gian mênh mông, vô tận. Họ bé nhỏ trong cái rộng lớn của vũ trụ, những bước đi ngày một kiệt quệ, mệt mỏi nhưng vẫn phải tiếp tục gắng gượng: “Mặt trời đã lặn, chưa dừng được/ Lữ khách trên đường nước mắt rơi”. Những giọt nước mắt nhọc nhằn, cay đắng, không thể dừng lại, bởi vậy khi mặt trời đã xuống núi kẻ tìm công danh vẫn phải mải miết bước tiếp. Giọt nước mắt ấy còn thể hiện nỗi đau, sự bất lực, chán nản, bế tắc của người lữ khách. Liệu có con đường nào khác cho ông và những chí sĩ như ông không? Rồi chính người lữ khách lại tự trả lời: “Không học được tiên ông phép ngủ/ Trèo non, lội suối, giận khôn vơi”. Phường danh lợi vẫn là một lực hút quá lớn với người lữ khách, làm sao đê thoát khỏi chúng, làm sao để có một tâm hồn thư thái, thanh thản như ông tiên để lánh xa danh lợi tầm thương. Vì sao mãi phải nhọc nhằn trèo đèo, lội suối khi biết rõ chúng là tầm thường, giả dối, bởi vậy lữ khách tự giận với chính mình.

    Xưa nay phường danh lợi

    Tất tả trên đường đời

    Đầu gió men thơm quán rượu,

    Người say vô số tỉnh bao người.

    Danh lợi cũng như một thứ hơi men, tuy nhẹ mà ngấm sâu, khiến người ta khó lòng có thể tỉnh táo để nhận định phải trái, đúng sai. Bởi vậy, ai đã lỡ vướng vào phường danh lợi thường khó có thể dứt ra, người say thì vô số, người tỉnh còn được mấy ai. Không chỉ vậy, gắn với lợi danh con người ta sẽ mất đi sự thanh tĩnh trong tâm hồn, phải đua chen vất vả, phải tranh giành, hãm hại lẫn nhau để đảm bảo lợi ích cho bản thân.

    Bảy dòng thơ cuối cùng là kết tinh tư tưởng, là ý chí quyết tâm từ bỏ lợi danh của tác giả: “Bãi cát dài, bãi cát dài ơi!/ Tính sao đây? Đường bằng mờ mịt/ Đường ghê sợ còn nhiều, đâu ít”. Con đường đời lắm ngả, người lữ khách không biết phải chọn hướng nào, không biết phải đi về đâu, giữa bãi cát dài mênh mông người lữ khách mông lung, tự đặt câu hỏi cho chính mình “tính sao đây” khi đường bằng mờ mịt, không lối thoát, đường ghê sợ chập trùng bủa vây trước mắt. Đọc câu thơ của ông ta chợt nhớ về đúc kết của Lí Bạch: “Hành lộ nan, hành lộ nan/ Đa kì lộ, ki, an tại?”. Đây đều là những băn khoăn của bậc đại trí thức về con đường công danh mờ mịt, nhiều gian truân trong xã hối rối ren, bất ổn.

    Phía bắc núi Bắc, núi muôn trùng

    Phía nam núi Nam, sóng dào dạt

    Bốn phía đều là hiểm nguy bủa vây, đó là một không gian tù hãm, không lối thoát. Đó cũng chính là số phận của biết bao tri thức Nho học cuối mùa khi họ không tìm thấy đường đi cho mình, rẽ lối nào cũng là tăm tối, đường cùng. Còn với Cao Bá Quát ông dứt khoát hơn, mạnh mẽ hơn, thoát ra khỏi con đường tăm tối, tìm cho mình lối đi riêng: “Anh đứng làm chi trên bãi cát?”. Câu hỏi tu từ cuối bài vừa là lời khẳng định của tác giả về việc từ bỏ con đường danh lợi tầm thường, vừa như một lời cổ vũ, thúc giục với những người khác hãy vững tâm, tự tin bước ra khỏi con đường đấy, tìm cho bản thân một con đường khác. Cũng chính bởi tư tưởng đó đã dẫn đến cuộc khởi nghĩa của Cao Bá Quát vào năm 1854, mặc dù thất bại, mặc dù bị đàn áp nhưng đã thể hiện được tầm vóc tư tưởng lớn lao của một con người vĩ đại.

    Với hình tượng nghệ thuật giàu ý nghĩa, tác phẩm đã để lại cho mỗi người đọc những bài học ý nghĩa trong cuộc sống. Không chỉ vậy, với tác phẩm này Cao Bá Quát đã thể hiện nỗi chán ghét sâu sắc với hiện thực đời sống tầm thường, với chế độ phong kiến nhà Nguyễn thối nát. Đồng thời còn thể hiện tư tưởng, nhân cách cao đẹp của ông trước “bả công danh” tầm thường.

Xem thêm các bài Văn mẫu phân tích, dàn ý tác phẩm lớp 11 khác:


bai-ca-ngan-di-tren-bai-cat.jsp


Giải bài tập lớp 11 sách mới các môn học