Cảm nhận khổ 1, 2 3 Nhớ đồng (điểm cao)



Đề bài: Cảm nhận đoạn thơ sau đây trong bà thơ "Nhớ đồng" của Tố Hữu:

    "Gì sâu bằng những trưa thương nhớ

    Hiu quạnh bên trong một tiếng hò!

    Đâu gió cồn thơm đất nhả mùi

    Đâu ruồng tre mát thở yến vui

    Đâu từng ô mạ xanh mơn mởn

    Đâu những nương khoai ngọt sắn bùi?

    Đâu những đường còn bước vạn đời

    Xóm nhà tranh thấp ngủ im hơi

    Giữa dòng ngày tháng âm u đó

    Không đổi, nhưng mà trôi cứ trôi..."

   Phần "Xiềng xích" trong tập thơ "Từ ấy" gồm 29 bài thơ. Từ tháng 4 đến tháng 7 năm 1939, Tố Hữu đã viết một chùm thơ 9 bài. "Nhớ đồng" là bài số 7 được viết vào tháng 7 năm 1939.

   Nhan đề bài thơ là "Nhớ đồng " và đó cũng là cảm xúc chủ đạo của Tố Hữu trong chốn ngục tù. Bài thơ gồm có 44 câu thơ nói lên bốn nỗi nhớ: 10 câu đầu là nỗi nhớ đồng quê; 10 câu tiếp theo nói lên nỗi nhớ những người dân cày lam lũ; 10 câu nối tiếp diễn tả lòng thương nhớ mẹ già và "những hồn thân tự thuở xưa"; 14 câu còn lại là tấm trạng "tôi nhớ tôi", và thể hiện lòng khao khát tự do.

   Bài thơ có cấu trúc "phức điệu" đoạn 1 và 3 xuất hiện điệp khúc:

    "Gì sâu bằng những trưa thương nhớ

    Hiu quạnh bên trong một tiếng hò!"

   Điệp khúc ấy được biến tấu thành:

    "Gì sâu bằng những trưa hiu quạnh,

    Ôi ruộng đồng quê thương nhớ ơi!"

   đặt vào đầu đoạn 2 và cuối đoạn 4.

   Cấu trúc phức điệu ấy rất độc đáo nhằm biểu hiện những vòng xoáy da diết về nỗi nhớ đồng trong lòng người chiến sĩ trẻ đang bị đầy đoạ ở chốn ngục tù. Đấy là đoạn một bài thơ "Nhớ đồng":

    "Gì sâu bằng những trưa thương nhớ

    ...

    Không đổi, nhưng mà trôi cứ trôi".

   Từ ngày bị mật thám bắt, bị tù đầy giữa "lạnh lẽo bốn tường vôi khắc khổ", nỗi nhớ đồng cứ diễn ra triền miên, nhất là những buổi trưa trong nhà tù. Nỗi nhớ ấy day dứt và thiết tha vô cùng, không thể nào nguôi. Tự đáy lòng thốt lên so sánh: "Gì sâu bằng những trưa thương nhớ" Thế giới nhà tù, trong và ngoài song sắt đều "hiu quạnh", rất vắng vẻ và buồn. "Hiu quạnh" đâu chỉ là ngoại cảnh nhà tù mà còn là tâm cảnh của "thân tù". Trong khoảnh khắc "hiu quạnh" ấy, những buổi trưa, nhà thơ nhớ "một tiếng hò" nơi làng quê, thổn thức cả nỗi lòng:

    "Gì sâu bằng những trưa thương nhớ

    Hiu quạnh bên trong một tiếng hò!".

   Nhớ "một tiếng hò", nhớ một khúc dân ca, nhớ một giọng hò mái nhì, mái đẩy, một giọng hò giã gạo của quê hương mà nhà thơ từng ôm ấp trong lòng:

    "Vẳng lên trong tiếng xe lùa nước,

    Một giọng hò đưa hố não nùng".

   "Một tiếng hò" là hồn quê. Nhớ "một giọng hò" là nhớ đồng, là nhớ quê hương "nghĩa nặng tình sâu" đã bao ngày li biệt.

   Bốn câu thơ tiếp theo, chữ "đâu" được điệp lại, các câu hỏi tu từ liên tiếp xuất hiện, nỗi "nhớ đồng" day dứt khôn nguôi:

    "Đâu gió cồn thơm đất nhả mùi,

    Đâu ruồng tre mát thở yên vui

    Đâu từng ô mạ xanh mơn mởn

    Đâu những nương khoai ngọt sắn bùi?".

   Vần thơ làm hiện lên một không gian nghệ thuật - bức tranh đồng quê; diễn tả một tâm trạng nghệ thuật ấy là nỗi nhớ đồng da diết. Nhớ hương vị quê hương, nhớ "gió cồn thơm đất nhả mùi", nhớ luống cày, nhớ hương lúa; nhớ luỹ tre, ruồng tre bóng xanh trùm mát rượi "thở yên vui". Chữ "thở" trong câu thơ "Đâu ruồng tre mát thở yên vui" được sử dụng tài tình, gợi tả âm thanh rì rào, lao xao của lá tre, khúc nhạc yên vui, êm đềm của làng quê ta bao đời nay. Một sự chuyển đổi cảm giác đầy thi vị. Nhớ đồng là nhớ "từng ô mạ xanh mơn mởn" - tươi đẹp và xanh non. Nhớ đồng là nhớ vị "bùi" của sắn, vị "ngọt" của khoai. Các tính từ - bổ ngữ: "thơm", "mát", "yên vui", "xanh mơn mởn"ngọt", "bùi"... đã tô đậm vẻ đẹp của đồng quê. Bức tranh quê trong hoài niệm hiện lên thân thuộc, bình dị, xinh đẹp và đáng yêu biết bao! Bị tù đày mà xa cách quê hương. Cảnh sắc quê hương giờ đây chỉ hiện lên trong hoài niệm, trong nỗi nhớ vơi đầy. Chữ "đâu" bốn lần xuất hiện: "Đâu gió cồn thơm...", "Đâu ruồng tre mát..", "Đâu từng ô mạ...", "Đâu những nương khoai..." diễn tả một cách xúc động, đầy ám ảnh nỗi nhớ đồng gắn liền với nỗi đau buồn, cô đơn của nhà thơ đang bị đày đoạ trong chốn ngục tù.

   Hơn một nghìn ngày bị tù đày (1939 - 1942)., Tố Hữu có biết bao nỗi nhớ day dứt và triền miên trong lòng. Chợt nghe một tiếng chim tu tú gọi bầy mà nhớ "Vườn râm dậy tiếng ve ngân - Bắp rây vàng hạt đầy sân nắng đào" (Khi con tu hú). Một màu xanh của đồng lúa, một tiếng hát "bơ vơ", một ánh nắng chiều bên nương gợi lên bao nỗi nhớ quê, nhớ nhà vô cùng da diết:

    "Đồng xanh gợn nhớ quê hương

    Bơ vơ tiếng hát bên nương nắng chiều".

            (Tiếng hát đi đày)

   "Nhớ đồng" là nhớ mãi nhớ hoài "Những hồn chất phác hiền như đất - Khoai sắn tình quê rất thiệt thà". "Nhớ đồng" là nhớ mẹ già thương yêu:

    "Chao ôi thương nhớ, chao thương nhớ

    Ôi mẹ già xa đơn chiếc ơi!"

   Tiếng thơ cất lên nghe thật bồn chồn, tha thiết. Nhớ đồng, nhớ quê, nhớ mẹ già... là những nét rất đẹp trong hồn thơ Tố Hữu.

   Đoạn thơ tiếp theo nói lên nỗi nhớ những cảnh đời lầm than, tù đọng sau luỹ tre xanh:

    "Đâu những đường con bước vạn đời

    Xóm nhà tranh thấp ngủ im hơi

    Giữa dòng ngày tháng âm u đó

    Không đổi, nhưng mà trôi cứ trôi..."

   Không gian nghệ thuật và tâm trạng nghệ thuật về nỗi "nhớ đồng" được mở rộng và khơi sâu thêm "những trưa thương nhớ...", "những trưa hiu quạnh..". Tiếng thơ cất lên tự hỏi: "Đâu những đường con bước vạn đời?". Xa cách đã bao ngày hình bóng quê hương. Còn đâu nữa, ờ đâu rồi những con đường quê gập ghềnh xuôi ngược của bao kiếp người lam lũ, của mẹ ta, chị ta "Đòn gánh tre chín dạn hai vai" (Nguyễn Du),...? Còn đâu nữa, ở đâu rồi hình ảnh bình dị, thân thuộc đáng yêu: "Xóm nhà tranh thấp ngủ im hơi". Một câu thơ có hình ảnh sáng tạo, gợi cảm. Sáng tạo và gợi cảm ở nghệ thuật dùng từ "thấp", ờ hình ảnh nhân hoá "...ngủ im hơi". Đó là hình ảnh làng quê Việt Nam tăm tối, nghèo nàn, tiêu điều, xác xơ... dưới thời Pháp thuộc. Ở đâu cũng thế, khắp Bắc, Trung, Nam đều thế: "Năm gian nhà cỏ thấp le te...", "Phần thuế quan Tây, phần trả nợ..." (Nguyễn Khuyến).

   Với Tố Hữu thì nỗi nhớ luôn luôn gắn liền với tình thương, thương quê hương đất nước, thương đồng chí đồng bào, thương nhân dân lao động nghèo khổ đang rên xiết dưới ách thống trị của ngoại bang, đang bị "Đoạ đày trong những hố thẳm không cùng" (Tâm tư trong tù). Cuộc sống của nhân dân ta thuở ấy cứ lặng lẽ, âm thầm trôi đi trong những tháng ngày đen tối "âm u". Đó là cái "Ao đời" tù đong như thi sĩ Xuân Diệu đã nói tới trong "Toả nhị kiều". Cuộc đời "không đổi", thân phận "không dổi", nhưng mà "trôi cứ trôi". Ba chữ "trôi cứ trối" thấm thía bao nỗi buồn. Câu thơ khồng chỉ nói lên một nỗi buồn "nhớ đồng" thấm thía và còn mang ý nghĩa lay gọi, thức tỉnh về nô lệ và tự do:

    "Giữa dòng ngày tháng âm u đó

    Không đổi, nhưng mà trôi cứ trôi".

   Điệp ngữ "trôi cứ trôi" liên kết với hình ảnh ẩn dụ "dòng ngày tháng âm u" tạo nên tính hệ thống ngôn ngữ văn chương giàu "Sắc thái biểu cảm nói về cái vô nghĩa, cái đáng chán của những thân phận, những kiếp người bị tước đoạt mất tự do!

   Tố Hữu đã có lần thổ lộ: "Thơ là một điệu hồn đi tìm nhưng hồn đồng điệu", cho nên "Thơ là chuyện tri âm tri kỉ" ở đời: Đọc thơ Tố Hữu,"đặc biệt đọc những bài như "Tâm tư trong tù", "Nhớ đồng", "Tiếng hát đi đầy",…chúng ta tìm thấy và hoà nhập với "điệu hồn" thi sĩ.

   Đoạn thơ trên đây hội tụ bao nét đẹp của hồn thơ Tố Hữu về nỗi nhớ đồng, về tình yêu thương quê hương cháy bỏng tâm Hồn người chiến sĩ trong những năm tháng tù đày. Những đường nét, màu sắc, âm thanh được nhà thơ sử dụng đã làm hiện lên thấp thoáng quê hương với bao nỗi nhớ, tình thương, nỗi buồn day dứt, triền miên khôn nguôi. Giọng thơ bổi hồi xao xuyến, thấm thía một nỗi buồn thương. Chất trữ tình và cảm xúc về cái đẹp, về nỗi buồn thương nhớ đồng quê đã tạo nên một cảm hứng đồng hành với tư tưởng cách mạng. Đó là khao khát tự do:

    "...Tôi mơ qua cửa khám bao ngày

    Tôi thu tất ca trọng thầm lặng

    Như cánh chim buồn nhớ gió mây"

            (Nhớ đồng)

Xem thêm các bài Văn mẫu phân tích, dàn ý tác phẩm lớp 11 khác:


nho-dong.jsp


Giải bài tập lớp 11 sách mới các môn học