Phân tích bi kịch mất nước và bi kịch tình yêu trong truyện An Dương Vương (hay, ngắn gọn)



Đề bài: Phân tích bi kịch mất nước và bi kịch tình yêu trong truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy.

Bài giảng: Truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy - Cô Trương Khánh Linh (Giáo viên VietJack)

     Truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy là một trong những truyền thuyết nổi bật nhất trong kho tàng truyền thuyết Việt Nam. Truyện đề cập đến hai bi kịch cơ bản: bi kịch mất nước và bi kịch tình yêu, mỗi bi kịch ứng với từng nhân vật. Qua đó đã để lại những bài học sâu sắc cho thế hệ sau.

     An Dương Vương tiếp nối sự nghiệp dựng nước và giữ nước của cha ông, khi tiếp quản, ông đã có quyết định táo bạo dời kinh đô về Cổ Loa, với địa hình rộng, bằng phẳng sẽ thuận lợi cho việc giao thương, từ đó tạo điều kiện để phát triển đất nước. Ông chủ động xây dựng Loa Thành với chín vòng kiên cố, được sự giúp đỡ của Rùa Vàng, Loa Thành đã hoàn thiện. Cùng với nỏ thần, An Dương Vương đã đẩy lui được sự xâm lược của Triệu Đà. An Dương Vương tỏ ra là vị vua anh minh, sáng suốt và có tầm nhìn xa trông rộng. Những tưởng đất nước sẽ phồn thịnh, nhân dân sẽ ấm no dưới sự cai trị của vua An Dương Vương, nhưng chỉ vì một phút lơ là, mất cảnh giác mà đã dẫn đến cảnh nước mất nhà tan.

     Bi kịch mất nước của An Dương Vương bắt nguồn từ việc đồng ý lời cầu hôn của Triệu Đà. Triệu Đà sau khi bại trận, biết không thể đánh lại lực lượng hùng mạnh và nỏ thần của An Dương Vương nên đã nghĩ ra mưu kế hoãn binh cầu hôn Mị Châu cho con trai là Trọng Thủy. Hành động này của hắn chính là một bước đệm để thực hiện âm mưu cướp nước Âu Lạc sau này. Nhưng vua An Dương Vương cả tin, ngây thơ không hề phòng bị, theo tục Âu Lạc, Trọng Thủy về ở rể, chính An Dương Vương đã rước rắn về nhà, làm lộ bí mật quân cơ mà ông lại không hề hay biết.

     Vua cha đã không hề phòng bị, bởi vậy nàng Mị Châu ngây thơ trong trắng cũng chẳng mảy may nghi ngờ. Nghe lời đề nghị xem nỏ thần của Trọng Thủy, Mị Châu lập tức đồng ý ngay mà không hề suy xét. Nàng luôn làm tròn bổn phận của một người vợ, nhưng lại quên đi trọng trách của một công dân với đất nước. Trọng Thủy nắm lấy cơ hội đã tráo đổi nỏ thần. Nguy cơ mất nước ngày một lớn dần.

     Khi quân Triệu Đà kéo sang xâm lược lần hai, An Dương Vương vẫn thản nhiên, bình tĩnh chơi cờ vì nghĩ rằng có nỏ thần thì quân Triệu Đà sẽ đại bại như lần trước. Ông đâu có ngờ nỏ thần đã bị đánh tráo từ lâu. Chính tâm lí ỷ lại, ngủ quên trên chiến thắng của An Dương Vương lại một lần nữa đẩy ông vào hố sâu bi kịch mất nước. Những sai lầm nghiêm trọng của người đứng đầu đã không còn cơ hội sửa chữa, ông phải mang theo Mị Châu bỏ trốn, quân giặc ráo riết đuổi phía sau, tình cảnh vô cùng bi thương. Đứng trước biển cả mênh mông, phía sau là quân giặc, An Dương Vương bị dồn vào bước đường cùng phải kêu Rùa Vàng giúp đỡ. Kẻ thù, giặc chính là người con gái yêu của ông, lúc này dưới vai trò là một vị vua, trên lập trường lợi ích của quốc gia, dân tộc An Dương Vương đã giết chết con gái mình. Đây là hành động tất yếu dù vô cùng đau xót. Sự thức tỉnh của An Dương Vương tuy muộn mằn nhưng đó sẽ trở thành bài học xương máu cho thế hệ sau để không rơi vào thảm cảnh mất nước.

     Bi kịch thứ hai chính là bi kịch tình yêu, bi kịch này xoay quanh hai nhân vật Mị Chậu và Trọng Thủy. Mị Châu là cô công chúa ngây thơ trong trắng, là con một nên tất yếu sẽ nhận được sự yêu thương, chiều chuộng của vua cha, và hệ quả cô sẽ không màng đến những chuyện đại sự của đất nước. Lấy Trọng Thủy theo lời vua cha, nàng hết lòng yêu thương và nghe lời chồng, không suy xét, không nghi ngờ những hành động, lời nói bất thường của Trọng Thủy. Trái ngược với sự ngây thơ của Mị Châu, Trọng Thủy lại là kẻ mưu mô, tìm mọi cách để lấy bí mật nỏ thần. Nhưng trong quá trình sinh sống, sự quan tâm chăm sóc, tấm lòng của Mị Châu đã làm Trọng Thủy rung động. Chính lúc này trong Trọng Thủy diễn ra một cuộc đấu tranh nội tâm giữa tình yêu và việc nước. Hai mâu thuẫn này đấu tranh gay gắt trong Trọng Thủy, nhưng đây là mâu thuẫn không thể dung hòa, buộc phải lựa chọn. Và Trọng Thủy đã chọn làm tròn nghĩa vụ công dân thay vì làm tròn tình yêu thương với vợ. Cướp được bí mật nỏ thần, cướp được nước và theo dấu lông ngỗng truy sát đến cùng cha và vợ. Trọng Thủy nhận lại được gì? Chỉ là nỗi đau đớn đến tột cùng khi thấy cái xác không đầu của Mị Châu. Khi hoàn thành nghĩa vụ của bề tôi thì Trọng Thủy chỉ cỏn lại tình yêu, vô cùng dằn vặt, day dứt ân hận với Mị Châu nên tìm đến cái chết. Trọng Thủy cũng giống Mị Châu, rơi vào nghịch cảnh: khi Mị Châu yêu thương mình hết lòng thì Trọng Thủy đã rất tàn nhẫn dối lừa Mị Châu, đến khi Trọng Thủy hết lòng yêu Mị Châu thì trong nàng bấy giờ chỉ còn lại duy nhất là nỗi hận thù. Đó chính là bi kịch của Trọng Thủy. Bi kịch đó là lời tố cáo chiến tranh phi nghĩa, dù chiến thắng hay chiến bại đều phải nhận những bi kịch đau đớn nhất.

     Ngoài ra, trong bi kịch tình yêu cũng cần kể đến chi tiết giàu ý nghĩa biểu tượng ngọc trai – giếng nước. Máu Mị Châu chảy xuống biển biến thành ngọc châu, khi lấy ngọc ấy rửa với nước giếng nơi Trọng Thủy tự vẫn thì càng sáng đẹp hơn. Đây không chi tiết biểu cho tình yêu vĩnh cửu tìm về với nhau trong một thế giới khác. Mà chỉ có thể hiểu là sự tha thứ của Mị Châu sau khi Trọng Thủy đã phải đền tội. Đồng thời chi tiết này cũng minh chứng cho tấm lòng trong sáng của Mị Châu, nàng không phải kẻ bán nước. Ở đây ta thấy được thái độ xót xa, thương cảm của nhân dân dành cho nàng.

     Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy mang kết thúc bi kịch: nước mất nhà tan, tình yêu tan vỡ. Bi kịch mất nước là bài học cảnh giác với kẻ thù cho muôn thế hệ sau. Bi kịch tình yêu lại là bài học về việc giải quyết mối quan hệ giữa việc nước và việc nhà, giữa tư cách cá nhân với tư cách một người công dân với đất nước, cộng đồng.

Xem thêm các bài Văn mẫu phân tích, dàn ý tác phẩm lớp 10 khác:

Lời giải bài tập lớp 10 sách mới:


truyen-an-duong-vuong-va-mi-chau-trong-thuy.jsp


Giải bài tập lớp 10 sách mới các môn học