Cảm nghĩ về bài Tựa Trích diễm thi tập của Hoàng Đức Lương (hay, ngắn gọn)



Đề bài: Cảm nghĩ về bài Tựa "Trích diễm thi tập" của Hoàng Đức Lương

Bài giảng: Tựa "Trích diễm thi tập" - Cô Trương Khánh Linh (Giáo viên VietJack)

   Hoàng Đức Lương đỗ Tiến sĩ năm Mậu Tuất 1478, soạn thảo cuốn "Trích diễm thi tập", gồm có 6 quyển. Có thể xem đây là một tuyển tập thơ nước ta ra đời sớm nhất đã được khắc ván in dưới thời Hông Đức vua Lê Thánh Tông. Bài tựa "Trích diễm thi tập" được Hoàng Đức Lương viết vào mùa xuân năm thư 28, niên hiệu Hồng Đức (1497). Qua bài tựa ông nói lên quá trình tuyển chọn thơ, biểu lộ niềm tự hào, lòng trân trọng và ý thức bao tồn di sản văn học của dân tộc.

   Lí do thứ nhất là sắc đẹp của thơ ca "ở ngoài mọi sắc đẹp, mắt thường không thấy được"; vị ngon của thơ ca "ở ngoài mọi vị ngon, miệng thường không nếm thấy". Ông khẳng định thơ ca là sản phẩm tinh thần rất đặc biệt, "chỉ có thi nhân mới có thể thấy được sắc đẹp đó, nếm được vị ngon đó". Vì thế "khiến thơ ca không lưu truyền đầy đủ được ở đời".

   Lí do thứ hai là thơ ca của các bậc giai nhân, tài tử thời Lí, Trần đã góp phần tô đẹp nền văn hiến Đại Việt, nhưng vì các bậc danh nho làm quan to vì bận rộn công việc triều đình mà "không có thì giờ để biên tập", còn các quan viên cấp thấp, vì "lật đật lo thi cử, hoặc lo công việc hằng ngày" nên "không để ý", vì thế "thơ ca không lưu truyền đầy đủ ở đời".

   Lí do thứ ba là có thể cũng có người đã từng sưu tập thơ ca, nhưng vì thấy "trách nhiệm nặng nề, rồi lượng sức mình yếu kém rồi bỏ dở", nên khiến "thơ ca không lưu truyền đầy đủ được ở đời".

   Lí do thứ bốn là ở nước ta, chỉ nhà chùa mới được tự do khắc ván in sách, còn các nhà Nho, nếu như chưa được nhà vua cho phép, thì không được in ra để lưu hành nên đã "khiến thơ ca không lưu truyền đầy đủ ở đời".

   Qua đó, ta thấy Hoàng Đức Lương đã sử dụng thao tác liệt kê và phép quy nạp để thuyết minh và giải thích bốn lí do "khiến thơ ca không lưu truyền đầy đủ ở đời". Sau hơn năm thế kỉ, chúng ta có ít nhiều phân vân về lí do thứ nhất mà Hoàng Đức Lương đã nêu. Ngoài bốn lí do mà ông đã nêu ra, chúng ta cảm thấy còn thiếu một số lí do quan trọng nhất mà thơ ca nước nhà "không lưu truyền đầy đủ ở đời". Đó là chính sách đồng hóa vô cùng thâm hiểm của Thiên Triều, nhất là của giặc Minh đã thi hành một chính sách cướp, phá, đốt vô cùng dã man:

    "Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn

    Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ"

            (Bình Ngô đại cáo)

   Triều Minh đã nhiều lần ra lệnh cho bọn Trương Phụ, Hoàng Phúc ra tịch thu, tiêu hủy thứ sách vở và phá hủy bia đá của ta. Chúng còn bắt nhân dân ta phải thay đổi cả phong tục tập quán cho đến cả cách ăn mặc cũng phải theo lối phương Bắc. Phan Huy Chú trong cuốn Lịch triều hiến chương văn tịch chí cho biết giặc Minh không những đã đốt của nhân dân ta hàng núi sách mà còn cướp "mất trên một trăm bộ sách quý giá thời Lí, Trần".

   Giặc Minh chiếm nước ta năm 1407. Hoàng Đức Lương viết bài Tựa "Trích diễm thi tập" năm 1497, nghĩa là 90 năm sau, không biết vì sao nhà soạn giả không nói đến lí do này? Phần thứ hai của bài tựa, Hoàng Đức Lương nói lên tâm trạng của mình "phải than thở" khi học làm thơ "chỉ dựa vào các nhà thơ đời Đường mà thôi, còn thơ văn ta thời Lí – Trần thì không khảo cứu vào đâu được". Ông vô cùng đau xót trước hiện trạng "một nước văn hiến, trải mấy nghìn năm xây dựng, lẽ nào không có một quyển sách để làm chứng tích, mà phải tìm đọc xa xôi qua thơ ca thời Đường…". Có thể nói đó là tâm trạng của một con người, một kẻ sĩ giàu tinh thần dân tộc, tự tôn và tự cường cao độ. Phần thứ ba, Hoàng Đức Lương khiêm tốn nói lên quá trình sưu tập chọn lọc sắp xếp… để làm nên Trích diễm thi tập được sáu quyển, vốn biết "công việc thì nặng nề, mà khả năng còn hạn chế…"

   Bài Tựa "Trích diễm thi tập" được Hoàng Đức Lương trình bày một cách sáng sủa, khúc chiết về lí do ông biên soạn nên công trình thơ ca này. Cái tài và cái tâm của ông đã góp phần to lớn vào công việc bảo tồn di sản thơ ca của dân tộc. Trích diễm thi tập là một công trình văn học vĩ đại góp phần tô đẹp nền văn hiến Đại Việt với tất cả lòng yêu nước, tự hào.

Xem thêm các bài Văn mẫu phân tích, dàn ý tác phẩm lớp 10 khác:

Lời giải bài tập lớp 10 sách mới:


tua-trich-diem-thi-tap.jsp


Giải bài tập lớp 10 sách mới các môn học