Soạn văn 8 VNEN Bài 17: Nhớ rừng

(trang 3, Ngữ Văn 8 VNEN, Tập 2)

Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối

Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?

Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn

Ta lặng ngắm giang sơn ta đổi mới?


- Đọc diễn cảm đoạn thơ trên.

- Hình dung về hoàn cảnh và tâm trạng của nhân vật ta trong đoạn thơ.

Trả lời:

-Trong đoạn thơ, tác giả mang đến cho người đọc hình dung hoàn cảnh của con hổ bị nhốt trong vườn bách thú, với tâm trạng tiếc nuối, buồn phiền và cũng đầy căm tức, phẫn uất trước thực tại.

1. (trang 3, Ngữ Văn 8 VNEN, Tập 2) Đọc văn bản: Nhớ rừng

1. (trang 6, Ngữ Văn 8 VNEN, Tập 2) Tìm hiểu văn bản

a. Nối số thứ tự ở cột A với nội dung phù hợp ở cột B để có được ý chính của từng đoạn trong bài thơ Nhớ rừng:

A – ĐoạnB – Nội dung
1 Giấc mộng về một thuở hào hùng, dũng mãnh, tự do ở chốn rừng thiêng.
2 Tâm trạng căm ghét, khinh thường của con hổ với cảnh vườn bách thú.
3 Tâm trạng uất hận, ngao ngán, chán ghét cuộc sống phẳng lặng, tù túng của con hổ.
4 Nỗi thất vọng, uất hận, tiếc nuối quá khứ oanh liệt.
5 Nỗi hoài niệm về cảnh núi rừng hùng vĩ gắn với vẻ đẹp và sức mạnh oai hùng của chúa sơn lâm.

b. Dưới đây là cuộc trò chuyện của ba bạn học sinh về bài thơ Nhớ rừng:

Lan: Đoạn 1 và đoạn 4 đã miêu tả rất ấn tượng cảnh vườn bách thú nơi con hổ bị nhốt.

Hoa: Ở đoạn 2 và đoạn 3, cảnh núi rừng hùng vĩ được tác giả miêu tả ấn tượng hơn.

Mai: Cả hai cảnh tượng này đều được tác giả miêu tả rất ấn tượng, đặc biệt là biện pháp đối lập đã làm nên nét đặc sắc trong nghệ thuật miêu tả của bài thơ.

Em đồng ý với ý kiến nào? Hãy phân tích cách sử dụng từ ngữ, hình ảnh , giọng điệu trong các câu thơ để chứng minh cho lựa chọn của mình.


c. Qua cảnh tượng vườn bách thú (hiện tại) và cảnh núi rừng đại ngàn (quá khứ), chỉ ra những tâm sự của con hổ ở vườn bách thú. Tâm sự ấy phản ánh điều gì ở xã hội Việt Nam đương thời?


d. Việc mượn “lời con hổ trong vườn bách thú” có tác dụng như thế nào trong việc thể hiện niềm khao khát tự do mãnh liệt và lòng yêu nước kín đáo của nhà thơ?


Trả lời

a. Nối số thứ tự ở cột A với nội dung phù hợp ở cột B để có được ý chính của từng đoạn trong bài thơ Nhớ rừng:

A – ĐoạnB – Nội dung
1 Giấc mộng về một thuở hào hùng, dũng mãnh, tự do ở chốn rừng thiêng.
2 Tâm trạng căm ghét, khinh thường của con hổ với cảnh vườn bách thú.
3 Tâm trạng uất hận, ngao ngán, chán ghét cuộc sống phẳng lặng, tù túng của con hổ.
4 Nỗi thất vọng, uất hận, tiếc nuối quá khứ oanh liệt.
5 Nỗi hoài niệm về cảnh núi rừng hùng vĩ gắn với vẻ đẹp và sức mạnh oai hùng của chúa sơn lâm.

b. Em đồng ý với ý kiến của bạn Mai.

+ Cảnh tượng trong đoạn 1 và 4: cảnh vườn bách thú nơi con hổ bị nhốt và tâm trạng ngao ngán, căm hờn của con hổ.

    ● Uất hận khi rơi vào tù hãm.

    ● Bị nhốt cùng bọn gấu dở hơi, cặp báo vô tư lự.

    ● Khinh loài người nhỏ bé ngạo mạn.

    ● Những cảnh sửa sang tầm thường, giả dối.

    ● Nhớ về cảnh đại ngàn cao cả, âm u.

→ Căm hờn sự tù túng, khinh ghét kẻ tầm thường. Muốn vượt thoát tù hãm bằng nỗi nhớ thời đại ngàn.

+ Cảnh tượng trong đoạn 2 và 3: miêu tả vẻ đẹp của núi rừng làm bật lên vẻ oai phong, lẫm liệt của vị chúa tể:

    ● Con hổ đầy quyền uy, sức mạnh, tham vọng trước đại ngàn.

    ● Nỗi nhớ về thời oanh liệt, huy hoàng.

⇒ Sự tiếc nuối những ngày huy hoàng trong quá khứ của vị chúa tể.

⇒ Đặc sắc về hình ảnh, từ ngữ, giọng điệu:

- Về từ ngữ:

    ● Diễn tả vẻ đẹp, tầm vóc của đại ngàn bằng những từ: bóng cả, cây già, giang sơn.

    ● Sử dụng những động từ mạnh thể hiện sự oai hùng của chúa tể: thét, quắc, hét, ghét.

    ● Sử dụng từ cảm thán (than ôi), câu hỏi tu từ: gợi nhắc lại quá khứ oai hùng, sự tiếc nuối những ngày tự do.

- Về hình ảnh:

    ● Sức mạnh của con hổ được diễn tả bằng hình ảnh: mắt thần đã quắc, lượn tấm thân như sóng cuốn nhịp nhàng, uống ánh trăng tan, ngắm giang sơn, giấc ngủ tưng bừng.

    ● Hình ảnh núi rừng từ đêm, mưa,nắng, hoàng hôn, bình minh đẹp lộng lẫy, bí hiểm.

-Về giọng điệu: đanh thép, hào sảng tái hiện lại thời oanh liệt, tráng ca của chúa sơn lâm khi còn tự do.

   + Biện pháp đối lập sâu sắc cảnh tượng núi rừng với cảnh vườn bách thú:

   + Vườn bách thú tù đọng, chật hẹp, tầm thường, giả dối >< đại ngàn tự do, phóng khoáng, hoành tráng, bí hiểm.

   + Tâm trạng chán chường, căm phẫn, khinh ghét của con hổ ( ở vườn bách thú) >< tâm trạng vui vẻ, sự oai hùng, lẫm liệt của con hổ khi ở đại ngàn.

→ Tâm sự của con hổ ẩn dụ cho tâm trạng của người dân mất nước luôn cảm thấy căm hờn, tủi nhục, chán ngán với hiện tại, họ nhớ tiếc thời oanh liệt, vàng son của cha ông.


c. Qua cảnh tượng vườn bách thú (hiện tại) và cảnh núi rừng đại ngàn (quá khứ), ta có những tâm sự của con hổ ở vườn bách thú:

- Chán nản, khinh ghét "bọn gấu dở hơi", với "cặp báo chuồng bên vô tư lự", chán nản khi phải chịu ngang bầy với chúng.

- U uất, bất lực trước cảnh giam hãm tù túng, những cảnh "tầm thường giả dối", những con người "ngạo mạn ngẩn ngơ" ở vườn bách thú.

- Nhớ, nuối tiếc ngậm ngùi về một thời oanh liệt, hào hùng. Khi thì dằn vặt, khi lại thiết tha, khao khát trở lại những năm tháng tươi đẹp xưa.

⇒ Tâm sự ấy của con hổ cũng chính là tâm trạng của nhà thơ cùng những người dân Việt Nam mất nước lúc bấy giờ. Trước cảnh nô lệ đầy tù túng, ngột ngạt, không có tự do, họ chán chường và bất lực. Mặc dù bất hòa sâu sắc với xã hội và khao khát tự do, nhưng họ cũng không thể làm gì trước thực tại ấy, chỉ biết nhớ tiếc một “thời oanh liệt” của dân tộc đã qua đi.


d. Việc mượn "lời con hổ ở vườn bách thú" là thích hợp vì:

   + Thể hiện được thái độ ngao ngán với thực tại tù túng, tầm thường, giả dối.

   + Khao khát vượt thoát để được tự do, không thỏa hiệp với hiện tại.

   + Hình ảnh con hổ bị nhốt trong vườn bách thú cũng là biểu tượng của sự giam cầm, mất tự do, thể hiện sự sa cơ, chiến bại, mang tâm sự uất hận.

   + Mượn lời con hổ để tránh sự kiểm duyệt ngặt nghèo của thực dân.

- Việc mượn lời của con hổ còn giúp tác giả thể hiện được tâm trạng, khát vọng tự do thầm kín của mình.


3. (trang 7, Ngữ Văn 8 VNEN, Tập 2)Tìm hiểu về câu nghi vấn

a. Đọc lại bài thơ Nhớ rừng và chỉ ra những câu nghi vấn trong bài thơ. Dấu hiệu nào về mặt hình thức cho biết đó là câu nghi vấn?


b. Đọc đoạn trích sau và thực hiện yêu cầu:

Vẻ nghi ngại hiện ra sắc mặt, con bé hóm hỉnh hỏi mẹ một cách thiết tha:

- Sáng ngày người ta đấm u có đau lắm không?

Chị Dậu khẽ gạt nước mắt:

- Không đau con ạ !

- Thế làm sao u cứ khóc mãi mà không ăn khoai? Hay là u thương chúng con đói quá?

     (Ngô Tất Tố, Tắt đèn)

(1) Gạch chân những câu nghi vấn trong đoạn trích trên.

(2) Chỉ ra các từ nghi vấn trong những câu đó.

(3) Các câu nghi vấn trong đoạn trích trên được dùng với mục đích gì?


c. Theo em, câu nghi vấn được dùng để làm gì? Những từ ngữ nào thường được dùng trong câu nghi vấn.


Trả lời:

a. Đọc lại bài thơ Nhớ rừng và chỉ ra những câu nghi vấn trong bài thơ:

Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối,

Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?

Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn,

Ta lặng ngắm giang san ta đổi mới?

Đâu những bình minh cây xanh nắng gội,

Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng?

Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng.

Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt,

Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật?

- Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?

Dấu hiệu về mặt hình thức cho biết đó là câu nghi vấn:

- Kết thúc câu bằng dấu chấm hỏi (?)

- Có chứa những từ để hỏi như: nào đâu, đâu


b. Đọc đoạn trích

(1) Những câu nghi vấn trong đoạn trích:

- Sáng ngày người ta đấm u có đau lắm không?

- Thế làm sao u cứ khóc mãi mà không ăn khoai?

- Hay là u thương chúng con đói quá?

(2) Các từ nghi vấn trong câu:

- không

- sao

- Hay

(3) Các câu nghi vấn trên được dùng để hỏi.


c. Kết luận

● Câu nghi vấn được dùng với chức năng chính là để hỏi.

● Những từ ngữ thường được dùng trong câu nghi vấn: (ai, gì, nào, sao, tại sao, đâu, bao giờ, bao nhiêu, à, ư, hả, chứ, (có)....không, (đã)...chưa,...) hoặc có từ hay (nối các vế có quan hệ lựa chọn).


4. (trang 7, Ngữ Văn 8 VNEN, Tập 2) Tìm hiểu về viết đoạn văn trong văn bản thuyết minh

a. Đọc văn bản thuyết minh sau và thực hiện yêu cầu:

     Thế giới đang đúng trước nguy cơ thiếu nước sạch nghiêm trọng. Nước ngọt chỉ chiếm 3% tổng lượng nước trên trái đất. Lượng nước ít ỏi ấy đang ngày càng bị ô nhiễm bởi các chất thải công nghiệp. Ở các nước thứ ba, hơn một tỉ người phải uống nước bị ô nhiễm. Đến năm 2025, 2/3 dân số thế giới sẽ thiếu nước.

     (Theo Hoa học trò)

(1) Đoạn văn trên được triển khai theo cách nào? Khoanh tròn chữ cái trước phương án đúng:

A. Diễn dịch       B.Quy nạp       C. Song hành      D. Móc xích

(2) Tìm câu chủ đề, từ ngữ chủ đề và các câu giải thích, bổ dung trong đoạn văn trên.


b. Hãy viết một đoạn văn thuyết minh (khoảng 10 câu, chủ đề tự chọn) theo cách diễn dịch hoặc quy nạp.


c. Theo em, khi viết một đoạn văn thuyết minh, cần xác định và sắp xếp ý như thế nào?


Trả lời

a. Đọc văn bản thuyết minh sau và thực hiện yêu cầu:

(1) A. Diễn dịch

(2) Câu chủ đề: Thế giới đang đúng trước nguy cơ thiếu nước sạch nghiêm trọng.

Từ ngữ chủ đề: thiếu nước sạch

Các câu sau câu chủ đề có chức năng giải thích, bổ sung.


b. Viết đoạn văn thuyết minh (thuyết minh về bưởi Đoan Hùng):

     Bưởi Đoan Hùng được gọi theo tên huyện Đoan Hùng – một huyện cực Bắc của tỉnh Phú Thọ. Có thể, người ta thấy giống bưởi này được trồng ở nhiều nơi khác, nhưng chỉ có ở Đoan Hùng, với những đặc điểm thổ nhưỡng riêng, mới có được hương vị đặc trưng. Bưởi Đoan Hùng có quả hình cầu dẹt, chín màu vàng sáng, cùi mỏng, múi ráo, tôm mọng nước, màu trắng ngà, ăn ngọt mát, mùi thơm đặc trưng. Đến một số xã của huyện Đoan Hùng, bạn sẽ được biết đến một số giống bưởi như: bưởi Bằng Luân, quả to, dáng đẹp, vỏ vàng xanh; bưởi Lã Hoàng tròn dẹt, hình bánh xe ăn mát ngon; bưởi Sửu Chí Đám, quả vừa, xinh xắn, vỏ vàng rộm, da hơi nhăn; … Hiện nay, bưởi đặc sản Đoan Hùng đã được bảo hộ tên gọi xuất xứ và được Nhà nước bảo hộ vô thời hạn, hương vị riêng biệt của nó được rất nhiều người biết đến và yêu thích.


c. Khi viết một đoạn văn thuyết minh, cần xác định và sắp xếp ý như sau:

+ Xác định và trình bày rõ ý chủ đề của đoạn, tránh lẫn ý của đoạn văn khác.

+ Các ý trong đoạn văn nên sắp xếp theo trình tự cấu tạo của sự vật, trình tự nhận thức ( từ tổng thể đến bộ phận, từ ngoài vào trong, từ xa đến gần), trình tự diễn biến sự việc trong thời gian trước sau hay theo trình tự chính phụ (cái chính nói trước, cái phụ nói sau).

1. (trang 8, Ngữ Văn 8 VNEN, Tập 2) Đọc bài thơ Ông đồ

Yêu cầu

a. Hoàn thiện bảng dưới đây để thấy được những điểm đối lập của hình ảnh ông đồ trong bài thơ.

Nội dung miêu tả Quá khứ Hiện tại
Không gian
Thời gian
Tình cảnh của ông đồ
Tâm trạng của ông đồ

b. Sự đối lập trên gợi cho người đọc cảm xúc gì về nhân vật ông đồ và tâm sự của nhà thơ?


c. Chỉ ra những điểm đặc sắc trong nghệ thuật của bài thơ (các biện pháp tu từ, thể thơ, tả cảnh, tả tình,…)


Trả lời:

a. Hoàn thiện bảng:

Nội dung miêu tả Quá khứ Hiện tại
Không gian

Phố đông người qua

⇒ Khung cảnh đông vui, náo nức khi xuân về

Không gian vắng lặng
Thời gian Mùa xuân với hoa đào nở Mùa xuân
Tình cảnh của ông đồ

Bao nhiêu người thuê viết

Tấm tắc ngợi khen tài

⇒ Ông đồ được mọi người trọng vọng, ngưỡng mộ tài năng

Ông đồ vẫn ngồi đấy

Qua đường không ai hay

⇒ Ông đồ đã bị mọi người lãng quên

Tâm trạng của ông đồ

Hoa tay thảo những nét

Như phượng múa rồng bay

⇒ Tâm trạng đầy đắc ý vì được trọng vọng, ông mang hết tài năng của mình ra hiến cho cuộc đời

Giấy đỏ buồn không thắm

Mực đọng trong nghiên sầu

⇒ tâm trạng bẽ bàng, sầu tủi.

Lá vàng rơi trên giấy

Ngoài giời mưa bụi bay

⇒ Tâm trạng cô đơn, tàn tạ, buồn bã, tủi phận.


b. - Tác dụng của sự đối lập: Gợi ra trong người đọc nhiều suy ngẫm cùng cảm xúc xót thương, thương cảm cho tình cảnh của ông đồ. Sự thương cảm, xót xa của tác giả không chỉ dành cho ông đồ mà còn dành cho lớp người cũ bị quên lãng. Đó cũng chính là sự hòa niệm những giá trị tinh thần đẹp truyền thống bị mai một.

- Tâm sự của nhà thơ được bộc lộ một cách kín đáo và gián tiếp thông qua hai câu cuối bài:

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ?

Tác giả bộc lộ trực tiếp tâm trạng, sự xót thương của mình. Câu hỏi tu từ được đặt ra nhưng không phải để hỏi, nó như một lời tiếng than nhằm bộc lộ niềm tiếc thương, day dứt hết sức chân thành của tác giả trước sự suy vi của Nho học đương thời.


c. Những điểm đặc sắc trong nghệ thuật của bài thơ:

- Tác giả dựng cảnh tương phản:

   + Ban đầu cảnh cho chữ đông vui tấp nập.

   + Càng về sau cảnh buồn bã, lạnh nhạt, hiu quạnh.

   + Một bên nét chữ như rồng bay phượng múa.

   + Một bên giấy đỏ buồn, mực sầu, cảnh hiu quạnh.

- Cái kết đầu cuối tương ứng:

   + Vẫn là cảnh ngày tết, không gian mùa xuân có hoa đào nở.

   + Ông đồ mờ nhạt dần, cuối cùng thì không thấy nữa.

   + "ông đồ xưa" không còn tồn tại nữa.

- Tác giả tái hiện lại những hoài niệm về thời "vàng son xưa cũ" của một thế hệ nhà Nho đẹp nhưng dần phai mờ.

- Ngôn ngữ bình dị, trong sáng nhưng hàm súc, đầy dư vị.

→Tác giả tái hiện được vẻ đẹp của cảnh cho chữ, hình tượng ông đồ xưa với bàn tay tài hoa- giá trị tinh thần truyền thống đẹp- đang dần mai một trong đời sống. Sự nuối tiếc, hoài cổ cảnh cũ người xưa.


2. (trang 10, Ngữ Văn 8 VNEN, Tập 2) Luyện tập về câu nghi vấn

Chơi trò chơi


3. (trang 10, Ngữ Văn 8 VNEN, Tập 2) Luyện tập về viết đoạn văn trong văn bản thuyết minh

a. Viết đoạn Mở bài và Kết bài cho đề văn: “Giới thiệu trường em”.


b. Chọn và thực hiện một trong hai nhiệm vụ sau:

- Viết một đoạn văn thuyết minh khoảng 5 – 6 câu giới thiệu những thành công của Thế Lữ trong bài thơ Nhớ rừng về một trong hai phương diện: nội dung, nghệ thuật.

- Viết đoạn văn thuyết minh khoảng 7 – 10 câu theo cách diễn dịch giới thiệu về bố cục của bài thơ Ông đồ.


Trả lời:

a. Viết đoạn văn:

Mở bài: Ngôi trường nơi em đang theo học là ngôi trường nhỏ của một huyện miền núi. Trường được thành lập từ năm 1964 cho tới nay vẫn luôn là niềm tự hào của biết bao thế hệ học trò.


Kết bài: Ngôi trường luôn là ngôi nhà yêu quý thứ hai của em, nơi đó gắn với biết bao kỉ niệm buồn vui của tuổi học trò. Là nơi cho em học hỏi được nhiều điều mới lạ và lý thú, mở ra trước mắt em những chân trời mới. Em hy vọng sẽ góp một phần nhỏ sự cố gắng của mình làm đẹp thêm cho ngôi trường này.


b. Chọn nhiệm vụ: Viết đoạn văn thuyết minh khoảng 7 – 10 câu theo cách diễn dịch giới thiệu về bố cục của bài thơ Ông đồ.

Học sinh tự viết đoạn văn, dựa vào bố cục của bài thơ Ông đồ như sau:

Bài thơ được chia làm 3 phần:

   - Phần 1 (hai khổ thơ đầu): hình ảnh ông đồ có tài có tâm được mọi người chú ý.

    - Phần 2 (hai khổ 3, 4): tâm trạng của ông đồ khi dần rơi vào quên lãng.

    - Phần 3 (khổ thơ cuối): Sự tiếc nuối, cảm thương cho lớp người xưa cũ của tác giả.

1. (trang 10, Ngữ Văn 8 VNEN, Tập 2) Đóng vai con hổ trong bài thơ Nhớ rừng và thuật lại tâm trạng tiếc nuối quá khứ.

Trả lời:

     Cuộc đời thật đáng buồn biết mấy! Ta là một là chúa tể của sơn lâm, là vị vua của nơi rùng già oai linh, hùng vĩ. Thế mà giờ đây, ta chỉ còn là một con hổ đang bị giam cầm trong vườn bách thú để làm món “đồ chơi” cho bọn người nhỏ bé, ngạo mạn, ngẩn ngơ ngắm nhìn. Những năm tháng hào hùng, oanh liệt giữa đại ngàn còn đâu? Thật nhớ nhung những tháng ngày đó xiết bao! Nhớ nơi núi rừng đại ngàn thâm nghiêm, bí ẩn với bóng cả, cây già, âm thanh của gió gào ngàn, giọng nguồn hét núi! Nhớ chốn thảo hoa không tên, không tuổi ấy, ta chính là chúa tể của cả muôn loài! Những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn, ta lặng ngắm giang sơn của ta đổi mới. Những khi bình minh cây xanh nắng gội chan hòa, ta thức dậy giữa rộn rã tiếng chim ca. Và khi mặt trời khuất bóng, màn đêm buông xuống, ta sẽ chiếm lấy riêng phần bí mật của rừng đêm. Đáng tiếc thay, quá khứ ấy có huy hoàng nay chỉ còn có thể thấy trong mộng tưởng.


2. (trang 10, Ngữ Văn 8 VNEN, Tập 2) Từ tình cảnh và tâm trạng của con hổ trong bài thơ cũng như của người dân Việt Nam đầu thế kỉ XX, em có suy nghĩ gì về cuộc sống hòa bình tự do ngày nay (trình bày bằng một đoạn văn khoảng ½ trang).

Trả lời:


     Từ tình cảnh và tâm trạng của con hổ trong bài thơ cũng như của người dân Việt Nam đầu thế kỉ XX, em nhận thấy cuộc sống hòa bình tự do ngày nay mà chúng ta đang có được thực sự rất quý giá. Lịch sử đất nước đã chứng kiến hàng nghìn năm chống giặc ngoại xâm. Thế hệ cha ông ta đã ngã xuống để đất nước được hòa bình, độc lập, chúng ta được sống trong những điều kiện tốt nhất, đề trẻ em được bình yên khôn lớn và vui vẻ cắp sách tới trường, nhân dân được yên ấm xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, hưng thịnh. Vì vậy, là một học sinh ngồi trên ghế nhà trường, mỗi chúng ta cần ý thức được sự đáng quý của nền hòa bình, tư do này, và cố gắng xây dựng một xã hội tốt đẹp, tươi sáng hơn. Xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, chính là sự tri ân đáng trân trọng nhất gửi đến thế hệ cha anh kiên cường của dân tộc.

2. (trang 10, Ngữ Văn 8 VNEN, Tập 2) Hiện nay, tình trạng săn bắt thú rừng quý hiếm (trong đó có loài hổ) đang ở mức báo động. Đặt 2 – 3 câu nghi vấn và tìm các phương án trả lời ngằn ngăn chặn tình trạng đó.

Trả lời:

+ Kể tên một số loại thú quý hiếm đang bị săn bắt ở mức báo động?

Khỉ đuôi dài Côn Đảo, voi, hươu vàng, bò xám, …

+Tại sao tình trạng săn bắt thú rừng quý hiếm đang ở mức báo động?

Do giá trị lớn mà những thú rừng quý hiếm này mang lại cho con người.

+Có những giải pháp nào giúp ngăn chặn tình trạng săn bắt thú quý hiếm hiện nay?

Để ngăn chặn tình trạng săn bắt thú quý hiếm hiện nay, chúng ta có thể thực hiện một số giải pháp như: xử lí nghiêm và răn đe hiệu quả những đối tượng vi phạm, nâng cao công tác tuyên truyền, giáo dục cho cộng đồng về việc bảo vệ động vật hoang dã,…



Xem thêm các bài Soạn văn lớp 8 chương trình VNEN hay khác:

Xem thêm các loạt bài Để học tốt Ngữ văn 8 hay khác: