Soạn văn 8 VNEN Bài 10: Thông tin về ngày trái đất năm 2000

1. (trang 72, Ngữ Văn 8 VNEN, Tập 1) Theo em Ngày Trái Đất được tôt chức hằng năm nhằm mục đích gì? Nêu một số chủ đề của Ngày Trái Đất.

Trả lời:

Mục đích:

Đưa ra các hành động cụ thể để bảo vệ môi trường như: tuyên truyền kêu gọi mọi người chung sức bảo vệ môi trường sống, tổ chức trồng cây xanh, thu gom rác thải, bảo vệ môi trường sống xanh sạch đẹp.

Một số chủ đề:

      • Chiến dịch giờ trái đất (2016) "Hành động nhỏ ý nghĩa lớn"

      • Cùng tham gia, cùng hành động vì nguồn nước sạch Việt Nam(2017)

      • Nói không với rác thải nhựa (2018)

2. (trang 72, Ngữ Văn 8 VNEN, Tập 1) Hãy đọc và bình luận về những thông tin sau:

      • Mỗi năm nước Mĩ tiêu tốn 12 triệu thùng dầu thô sản xuất khoảng 100 tỉ túi ni lông

      • Ước tính trung bình mỗi túi ni lông cần 500 năm để phân hủy hoàn toàn

      • Bình quân mỗi năm 1 người Ai-len sử dụng 328 túi ni lông. Con số này ở Úc là 250 túi/người/ năm và ở Xcot -len là 153 túi /người/năm.

Trả lời:

Ni lông là một loại rác thải mất thời gian rất lâu để phân hủy. Thế nhưng, việc sử dụng bao ni-lông quá nhiều, sau đó lại vứt bừa bãi đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của con người và tất cả các loài sinh vật trên Trái Đất nói chung.

1. (trang 73, Ngữ Văn 8 VNEN, Tập 1) Đọc văn bản sau: THÔNG TIN VỀ NGÀY TRÁI ĐẤT NĂM 2000.

2. (trang 74, Ngữ Văn 8 VNEN, Tập 1) Tìm hiểu văn bản.

a. Xác định bố cục văn bản

b. Chỉ ra nguyên nhân cơ bản khiến cho việc dùng bao bì ni lông có thể gây nguy hại đối với môi trường và sức khỏe con người. Ngoài ra, còn có những nguyên nhân vào khác?

c. Phân tích tính thuyết phục của những kiến nghị mà văn bản đã đề xuất. Hãy chỉ ra những tác dụng của từ vì vậy trong việc liên kết các thành phần của văn bản

d. Hãy nêu ngắn gọn thông điệp được gợi ra từ văn bản

Trả lời:

a. Văn bản được chia làm 3 phần:

    + Phần 1 (từ đầu … chủ đề “một ngày không sử dụng bao bì ni lông”): Giới thiệu về Ngày Trái Đất

    + Phần 2 (tiếp … nghiêm trọng đối với môi trường): Tác hại và giải pháp hạn chế, khắc phục sử dụng bao bì ni lông).

    + Phần 3 (còn lại): Lời kêu gọi hành động bảo vệ Trái Đất.

b. - Nguyên nhân cơ bản khiến cho việc dùng bao bì ni lông có thể gây nguy hại đối với môi trường và sức khỏe con người:

    + Bởi đặc tính không phân hủy của pla-xtic

    + Mỗi ngày Việt Nam thải hàng triệu bao bì ni lông ở nơi công cộng, ao hồ, sông…

- Gây hại môi trường

    + Gây cản trở thực vật phát triển, tắc cống tắc các đường ống dẫn nước, làm chết sinh vật khi chúng nuốt phải…

- Gây hại tới sức khỏe con người:

    + Ô nhiễm thực phẩm, tạo ra khí độc gây ngộ độc, tắc thở khi đốt bao bì ni lông, gây rối loạn trao đổi chất, gây dị tật bẩm sinh…

Ngoài các nguyên nhân trên, việc sử dụng thường xuyên và bừa bãi bao bì ni lông còn gây nguy hại đối với môi trường và sức khỏe con người bởi các nguyên nhân như: việc xử lí ni lông đã qua sử dụng rất tốn kém, mất nhiều thời gian và gây ô nhiễm môi trường; khi đốt bao bì ni lông, khí độc thải ra chuyển hóa thành chất đi-ô-xin, một hóa chất vô cùng nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng con người, có thể gây thủng tầng ô-zôn; …

c.

- Tính thuyết phục của những kiến nghị mà văn bản đã đề xuất:

    + Văn bản chỉ ra tác hại nghiêm trọng của việc sử dụng bao bì ni lông

    + Lí lẽ đưa ra đều dựa trên việc khảo sát thực tế, nghiên cứu của các nhà khoa học

    + Kiến nghị có sức thuyết phục bởi việc bảo vệ môi trường ai cũng có thể làm được

- Sử dụng từ “vì vậy” tạo sự liên kết giữa hai phần đặc biệt quan trọng của văn bản:

    + Nối phần nguyên nhân việc sử dụng bao bì ni lông với giải pháp khắc phục, khiến cho văn bản vừa cô sự liền mạch, vừa giúp người viết đưa ra được lập luận thuyết phục bạn đọc.

    + Nếu không có từ liên kết “vì vậy” bài văn sẽ không chặt chẽ, mạch lạc và thuyết phục được như vậy.

d. Thông điệp được gợi ra từ văn bản:

      • Môi trường của chúng ta đang bị ô nhiễm bởi rất nhiều nguyên nhân, trong đó có việc sử dụng bao bì ni lông quá bừa bãi.

      • Mọi người hãy giảm thiểu việc sử dụng bao bì ni lông

      • Hãy bảo vệ môi trường.

3. (trang 74, Ngữ Văn 8 VNEN, Tập 1) Tìm hiểu nói giảm nói tránh

a. Những ngữ in đậm trong các câu sau đây có ý nghĩa là gì? Tại sao người viết, người nói lại dùng cách diễn đạt đó?

- Vì vậy tôi để sẵn mấy lời này, phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lê-nin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước,đồng chí trong đảng và bầu bạn khắp nơi đều khỏi cảm thấy đột ngột.

- Bác đã đi rồi sao, Bác ơi

Mùa thu đang đẹp nắng xanh trời

- Lượng con ông Độ đây mà... Rõ tội nghiệp, về đến nhà thì bố mẹ chẳng còn.

b. Vì sao trong câu văn sau đây, tác giả dùng từ ngữ bầu sữa mà không dùng một từ ngữ khác cùng nghĩa?

Phải bé lại và lăn vào lòng một người mẹ, áp mặt vào bầu sữa nóng của người mẹ, để bàn tay người mẹ vuốt ve từ trán xuống cằm, gãi rôm ở sống lung cho, mới thấy người mẹ có một êm dịu vô cùng.

(Nguyên Hồng, Những ngày thơ ấu)

c. So sánh hai cách nói sau đây, cho biết cách nói nào nhẹ nhàng, tế nhị hơn đối với người nghe.

      • Con dạo này lười lắm.

      • Con dạo này không được chăm chỉ lắm.

d. Cách sử dụng từ ngữ trong các bài tập a,b,c trên được gọi là nói giảm nói tránh. Vậy thế nào là nói giảm nói tránh?

Trả lời:

a. Ý nghĩa các từ in đậm:

    + "đi gặp cụ Các Mác, cụ Lê- nin và các vị cách mạng đàn anh khác", " đi", "chẳng còn" : đều mang ý nghĩa chỉ cái chết, mất.

    + Người viết, người nói muốn giảm nhẹ mức độ đau thương, nặng nề, ghê sợ của cái chết, sự mất mát.

b. Tác giả dùng từ ngữ bầu sữa mà không dùng một từ ngữ khác cùng nghĩa vì từ bầu sữa vừa là cách nói tế nhị, tránh thô tục; vừa gợi được sự ấm áp, thân thương của người, của tình mẫu tử - điều mà chú bé Hồng kháo khát bấy lâu nay. Sau những tháng ngày xa cách, thì được nằm trong lòng mẹ, được áp mặt vào bầu sữa nóng của người mẹ là điều khiến cậu hạnh phúc vô bờ.

c. Trong hai cách nói thì câu "Con dạo này không được chăm chỉ lắm" là cách nói nhẹ nhàng, tế nhị đối với người nghe.

d. Cách sử dụng từ ngữ trong các bài tập a, b, c trên được gọi là nói giảm nói tránh. nói giảm nói tránh là biện pháp tu từ dùng cách diễn đạt tế nhị, uyển chuyển, tránh gây cảm giác đau buồn, ghê sợ, nặng nề, tránh thô tục, thiếu lịch sự.

1. (trang 75, Ngữ Văn 8 VNEN, Tập 1) Ôn tập về truyện kí Việt Nam

a. Lập bảng thống kê những văn bản truyện kí Việt nam đã học từ đầu năm học theo mẫu sau:

Tên văn bản, tác giả Thể loại Phương thức biểu đạt Nội dung chủ yếu Đặc sắc trong nghệ thuật

b. Hãy nêu những điểm giống và khác nhau chủ yếu về nội dung và hình thức nghệ thuật của ba văn bản trong bài 2,3,4

c. Trong mỗi văn bản của bài 2,3,4 em thích nhất nhân vật hoặc đoạn văn nào? Vì sao?

Trả lời:

a. Lập bảng thống kê:

Tên văn bản, tác giả Thể loại Phương thức biểu đạt Nội dung chủ yếu Đặc sắc trong nghệ thuật

Tôi đi học – Thanh Tịnh

Truyện ngắn

Tự sự xen miêu tả và biểu cảm

Nhân vật tôi nhớ lại những kỉ niệm buổi tựu trường đầu tiên của mình.

Sử dụng nhiều hình ảnh so sánh độc đáo. Điểm nhìn trẻ thơ hồn nhiên, trong sáng.

Trong lòng mẹ - Nguyên Hồng

Hồi kí

Tự sự xen miêu tả và biểu cảm.

Tình yêu thương mẹ sâu sắc và niềm hạnh phúc vô bờ khi được ở trong lòng mẹ.

Miêu tả chân thực, so sánh tiêu biểu, lời văn tha thiết, cảm động.

Tức nước vỡ bờ - Ngô Tất Tố.

Tiểu thuyết

Tự sự xen miêu tả và biểu cảm.

Tố cáo tội ác của xã hội thực dân phong kiến. Ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn, sức sống tiềm tàng, sức phản kháng mạnh mẽ của chị Dậu.

Khắc họa nhân vật và miêu tả hiện thực một cách chân thực, sinh động.

Lão Hạc – Nam Cao

Truyện ngắn

Tự sự xen miêu tả và biểu cảm.

Số phận đau khổ, bế tắc của Lão Hạc – người nông dân nghèo có lòng tự trọng, giàu lòng vị tha, trong sạch, đáng kính.

Nghệ thuật xây dựng tình huống truyện độc đáo, miêu tả tâm lí sâu sắc, cách kể chuyện tự nhiên linh hoạt vừa chân thực vừa đậm chất triết lí và trữ tình.

b. Những điểm giống và khác nhau chủ yếu về nội dung và hình thức nghệ thuật của ba văn bản trong bài 2, 3, 4:

(1) Những điểm giống nhau:

- Đều là những văn bản tự sự, truyện kí Việt Nam hiện đại (được sáng tác vào thời kì 1930-1945)

- Đề tài chủ yếu về cuộc sống và con người cùng thời với tác giả

- Đều đi sâu miêu tả số phận cực khổ của những con người bị vùi dập.

- Đều chan chứa tinh thần nhân đạo: yêu thương, trân trọng những tình cảm, phẩm chất đẹp đẽ, tố cáo những gì xấu xa, tàn ác, chà đạp lên cuộc sống của những người bình thường

- Ca ngợi, trân trọng tình cảm tốt đẹp, phẩm chất tốt đẹp của con người.

- Được viết bằng ngòi bút chân thực, hiện đại, phản ánh được những khía cạnh đặc sắc của cuộc sống.

(2) Những điểm khác nhau:

- Thể loại: Nguyên Hồng viết thể hồi kí, Ngô Tất Tố viết tiểu thuyết, Nam Cao viết truyện ngắn

- Nhân vật: Nguyên Hồng viết về trẻ thơ và người phụ nữ. Nam Cao viết về ông lão nông dân, Ngô Tất Tố viết về người phụ nữ nông dân.

c. Các nhân vật được xây dựng trong thời kì 1930 – 1945 đều mang những nét đẹp về phẩm chất đáng kính trọng và ngợi ca, nhưng nhân vật mà em yêu thích nhất là Lão Hạc. Là một lão nông hiền lành, lương thiện, điều nổi bật đầu tiên ở lão khiến người ta cảm động là tình yêu thương vô bờ. Lão xót thương và cũng ân hận không lo nổi đám cưới cho con trai, khiến anh ta phẫn chí mà bỏ đi phu đồn điền cao su, chẳng biết khi nào mới trở về. Chính vì thế, lão Hạc cố gắng tích cóp từng đồng, và giữ cho bằng được mảnh vườn cho anh con trai. Lòng nhân ái, vị tha và tự trọng của lão cũng thật đáng kính. Lão Hạc khóc vì đã trót lừa một con chó. Thế rồi, vì không muốn phiền lụy đến láng giềng, lão Hạc đã tự tử bằng bả chó. Cái chết của lão thực sự bất ngờ, đau đớn và dữ dội. Cuộc đời trong sạch mà đau thương của lão Hạc cũng để lại nhiều ám ảnh về số kiếp con người, số phận của người nông dân trong xã hội cũ đối với mỗi độc giả.

2. (trang 76, Ngữ Văn 8 VNEN, Tập 1) Luyện tập về nói giảm nói tránh

a. Điền các từ ngữ nói giảm nói tránh sau vào chỗ trống(....): đi nghỉ, khiếm thị, chia tay nhau, có tuổi, đi bước nữa.

a) Khuya rồi, mời bà /…/

b) Cha mẹ em /…/ từ ngày em còn rất hé, em về ở với bà ngoại.

c) Đây là lớp học dành cho trẻ em /…/

d) Mẹ đã /…/ rồi, nên chú ý giữ gìn sức khoẻ.

e) Cha nó mất, mẹ nó /…/, nên chú nó rất thương nó.

b. Trong mỗi cặp câu dưới đây câu nào có sử dụng biện pháp nói giảm nói tránh?

a1) Anh phải hoà nhã với hạn hè!

a2) Anh nên hoà nhã với hạn hè!

b1) Anh ra khỏi phòng tôi ngay!

b2) Anh không nên ở đây nữa!

c1) Xin đừng hút thuốc trong phòng!

c2) Cấm hút thuốc trong phòng!

d1) Nó nói như thế là thiếu thiện chí.

d2) Nó nói như thế là ác ý.

e1) Hôm qua em hỗn với anh, em xin anh thứ lỗi.

e2) Hôm qua em có lỗi với anh, em xin anh thứ lỗi.

Trả lời:

a. Điền các từ ngữ nói giảm nói tránh

a) Khuya rồi, mời bà đi nghỉ.

b) Cha mẹ em chia tay nhau từ ngày em còn rất bé, em về ở với bà ngoại.

c) Đây là lớp học dành cho trẻ em khiếm thị

d) Mẹ đã có tuổi rồi, nên chú ý giữ gìn sức khoẻ.

e) Cha nó mất, mẹ nó đi bước nữa, nên chú nó rất thương nó.

b. Câu có sử dụng biện pháp nói giảm nói tránh là (a2), (b2), (c1), (d1), (e2). Những câu còn lại không sử dụng cách nói giảm nói tránh.

3. (trang 76, Ngữ Văn 8 VNEN, Tập 1) Luyện nói: Kể chuyện theo ngôi kể kết hợp bới miêu tả biểu cảm

a. Ôn lại các nội dung nói về ngôi kể trong văn tự sự (kể chuyện) bằng cách trả lời các câu hỏi sau:

      • Kể theo ngôi thứ nhất là kể như thế nào? Như thế nào là kể theo ngôi thứ ba? Nêu tác dụng của mỗi loại ngôi kể.

      • Lấy ví dụ về cách kể chuyện theo ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba ở một vài tác phẩm hay trích đoạn văn tự sự đã học.

      • Tại sao người ta phải thay đổi ngôi kể?

b. Đọc đoạn trích sau và kể lại theo lời của chị Dậu ?(ngôi thứ nhất)

Chị Dậu xám mặt, vội vàng đặt con xuống đất, chạy đến đỡ lấy tay hắn:

– Cháu van ông, nhà cháu vừa mới tỉnh được một lúc, ông tha cho!

-Tha này! Tha này!

Vừa nói hắn vừa bịch luôn vào ngực chị Dậu mấy bịch rồi lại sấn đến để trói anh Dậu.

Hình như tức quá không thể chịu được, chị Dậu liều mạng cự lại:

– Chồng tôi đau ốm, ông không được phép hành hạ!

Cai lệ tát vào mặt chị một cái đánh bốp, rồi hắn cứ nhảy vào cạnh anh Dậu.

Chị Dậu nghiến hai hàm răng:

– Mày trói ngay chồng bà đi, bà cho mày xem!

Rồi chị túm lấy cổ hắn, ấn dúi ra cửa. Sức lẻo khoẻo của anh chàng nghiện chạy không kịp với sức xô đẩy của người đàn bà lực điền, hắn ngã chỏng quèo trên mặt đất, miệng vẫn nham nhảm thét đòi trói vợ chồng kẻ thiếu sưu.

Người nhà lí trưởng sấn sổ bước đến giơ gậy chực đánh chị Dậu. Nhanh như cắt, chị Dậu nắm ngay được gậy của hắn. Hai người giằng co nhau, du đẩy nhau, rồi ai nấy đều buông gậy ra, áp vào vật nhau. Hai đứa trẻ con kêu khóc om sòm. Kết cục, anh chàng “hầu cận ông lí” yếu hơn chị chàng con mọn, hắn bị chị này túm tóc lẳng cho một cái, ngã nhào ra thềm.

(Ngô Tất Tố, Tắt đèn)

Gợi ý:

Muốn kể lại đoạn trích trên theo ngôi thứ nhất thì phải thay đổi những gì? (từ xưng hô, lời dẫn thoại, chuyển lời thoại thành lời kể, chi tiết môi trường, lời biểu cảm).

Kể lại câu chuyện theo ngôi thứ nhất cho cả lớp nghe

Trả lời:

a. Ôn lại các nội dung nói về ngôi kể trong văn tự sự:

- Ngôi kể là vị trí giao tiếp mà người kể sử dụng để kể chuyện. Ngôi kể thường được thể hiện ra bằng nhân xưng trong lời kể.

- Ngôi thứ nhất - xưng "tôi" (Tôi đi học, Trong lòng mẹ,…) ;

- Ngôi thứ ba - dấu mình đi, không trực tiếp lộ diện nhưng thực ra đã có mặt ở khắp nơi để chứng kiến và kể lại chuyện, kể như nhân vật tự kể, kể như "người ta kể" (Tức nước vỡ bờ, Chiếc lá cuối cùng,…). Ngôi kể thứ ba cho phép người kể tự do hơn trong việc chứng kiến, biết và kể lại mọi chuyện.

Ngôi kể thứ nhất (tôi) không thể tự do như ngôi kể thứ ba, người kể dưới hình thức nhân xưng "tôi" chỉ kể những gì "tôi" biết, "tôi" chứng kiến.

b. Kể lại đoạn trích:

Tôi xám mặt, vội vàng đặt con xuống đất, chạy đến đỡ lấy tay hắn:

– Cháu van ông, nhà cháu vừa mới tỉnh được một lúc, ông tha cho!

-Tha này! Tha này!

Vừa nói hắn vừa bịch luôn vào ngực tôi mấy bịch rồi lại sấn đến để trói nhà tôi. Bỏ qua cảm giác buốt nhói ở ngực đến nước này, tôi không thể chịu đựng được nữa, tôi liều mạng cự lại:

– Chồng tôi đau ốm, ông không được phép hành hạ!

Cai lệ tát vào mặt tôi một cái đánh bốp, rồi hắn cứ nhảy vào cạnh nhà tôi.

Không thể để chúng bắt anh được, nếu bị bắt, với sức khỏe hiện giờ anh ấy không thể chịu đựng tra tấn, hành hạ được. Tôi nghiến hai hàm răng:

– Mày trói ngay chồng bà đi, bà cho mày xem!

Rồi tôi nhanh tay túm lấy cổ hắn, ấn dúi ra cửa. Sức lẻo khoẻo của anh chàng nghiện chạy không kịp với sức xô đẩy của người đàn bà lực điền như tôi, hắn ngã chỏng quèo trên mặt đất, miệng vẫn nham nhảm thét đòi trói vợ chồng kẻ thiếu sưu.

Người nhà lí trưởng sấn sổ bước đến giơ gậy chực đánh tôi. Nhanh như cắt, tôi nắm ngay được gậy của hắn. Hai người giằng co nhau, du đẩy nhau, rồi ai nấy đều buông gậy ra, áp vào vật nhau. Hai đứa trẻ con kêu khóc om sòm. Kết cục, anh chàng “hầu cận ông lí” yếu hơn chị chàng con mọn là tôi đây, hắn bị tôi này túm tóc lẳng cho một cái, ngã nhào ra thềm.

1. (trang 77, Ngữ Văn 8 VNEN, Tập 1) Vẽ tranh

2. (trang 78, Ngữ Văn 8 VNEN, Tập 1) Tìm 5 tính huống trong đời sống nên sử dụng biện pháp nói giảm nói tránh và đặt 5 câu (có sử dụng biện pháp nói giảm nói tránh) tương ứng với 5 tình huống đó.

Trả lời:

1. Bạn cùng bàn bị điểm thấp khi trả bài kiểm tra cuối kì môn Văn => Cách nói giảm: Cậu cần cố gắng nhiều hơn môn Văn đấy.

2. Bạn nói leo cô giáo trong giờ học => Cậu nói leo như vậy là không được hay cho lắm

3. Thằng bé này hư lắm => Thằng bé này cần được dạy bảo nhiều hơn

4. Chữ cậu xấu lắm => Chữ của cậu chưa được đẹp cho lắm.

5. Cô ấy lười làm việc nhà quá => Hình như cô ấy gần đây không để ý nhiều đến việc nhà.

3. (trang 78, Ngữ Văn 8 VNEN, Tập 1) Việc sử dụng cách nói giảm nói tránh là tuỳ thuộc vào tình huống giao tiếp. Trong trường hợp nào thì không nên dùng cách nói giảm nói tránh?

Trả lời:

Nói giảm nói tránh là một biện pháp tu từ nhưng tùy thuộc vào hoàn cảnh giao tiếp để sử dụng hợp lý biện pháp này. Những tình huống cần nói thẳng thắn, nói đúng bản chất vấn đề thì không được nói giảm nói tránh.

4. (trang 78, Ngữ Văn 8 VNEN, Tập 1) Kể lại đoạn trích Tức nước vỡ bờ trong tác phẩm Tắt đèn với ngôi kể là nhân vật anh Dậu hoặc chị Dậu.

Trả lời:

Tên cai lệ không thương tình hoàn cảnh éo le của gia đình tôi mà cứ sấn sổ tới đòi đánh trói chồng tôi. Lúc này, thương chồng, tôi vội vã đặt đứa con xuống phản rồi chạy tới van xin mong cai lệ thương tình nhưng vừa van xin thì hắn ra bộ hách dịch, vừa nói vừa quát rồi thẳng tay bịch luôn vào ngực tôi mấy cái thật đau. Tôi vẫn cam chịu nhưng hắn tiến lại đòi bắt chồng tôi. Lúc này nỗi uất hận dâng lên, không chịu được sự nhẫn tâm của tên lòng lang dạ thú đó tôi chẳng nghĩ đến phận mình, tôi kháng cự lại: “Chồng tôi đau ốm, ông không được phép hành hạ”. Ngay lúc đó tên cai lệ nhảy lên tát vào mặt tôi rồi lại xăm xăm tới chỗ chồng tôi. Không còn kìm nén được cơn thịnh nộ, tôi nghiến hai hàm răng lại “ Mày trói ngay chồng bà đi, bà cho mày xem!”, tôi túm lấy cổ hắn ấn dúi ra cửa. Hắn ngã chỏng quèo trên mặt đất, thế mà miệng vẫn thét trói vợ chồng tôi.

(Học sinh có thể tham khảo thêm cách làm ở bài tập b. phần Luyện nói)

2. (trang 78, Ngữ Văn 8 VNEN, Tập 1) Đọc và tìm hiểu tác dụng của biện pháp nói giảm nói tránh trong các đoạn trích sau

a. Bác Dương thôi đã thôi rồi

Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta.”

b. Kiếp hồng nhan có mong manh

Nửa chừng xuân thoát gãy cảnh thiên hương.

c. Bỗng lòe chớp đỏ

Thôi rồi, lượm ơi!

Trả lời:

Các câu có sử dụng biện pháp nói giảm nói tránh để diễn đạt tế nhị, uyển chuyển, tránh gây cảm giác đau buồn, ghê sợ, nặng nề, tránh thô tục, thiếu lịch sự

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 8 chương trình VNEN hay khác:

Xem thêm các loạt bài Để học tốt Ngữ văn 8 hay khác: