Soạn bài Nhàn



Soạn bài Nhàn

Hướng dẫn soạn bài

Bố cục

- 6 câu đầu: cuộc sống và lẽ sống “nhàn”của tác giả

- 2 câu cuối: Chiêm nghiệm về cuộc đời

Câu 1 (trang 129 sgk Ngữ Văn 10 Tập 1): Cách dùng số từ, danh từ trong câu thơ thứ nhất và nhịp điệu hai câu thơ đầu có một số điểm đáng chú ý:

        + Số từ “một… một… một…” cho thấy tác giả chủ động với công việc

        + Nhịp thơ 2/2/3 tạo sự thảnh thơi, nhàn nhã

        + Chữ “ai” ở câu thơ thứ hai để nói với người: dù cho người ta có “vui thú nào” thì ông vẫn vui vẻ với cuộc sống thôn dã

   - Hai câu thơ ấy cho ta thấy cuộc sống nhàn nhã ở nơi thôn dã của tác giả. Ông vui vẻ, hài lòng với đời sống “tự cung tự cấp”, đồng thời hai câu thơ cũng cho thấy sự ngông ngạo trước thói đời. Ngông ngạo mà không ngang tàng vẫn cứ thuần hậu, nguyên thủy

Câu 2 (trang 129 sgk Ngữ Văn 10 Tập 1): Cách hiểu về “nơi văng vẻ” và “chốn lao xao”:

        + “nơi vắng vẻ”: là nơi không người cầu cạnh ta và ta cũng không cầu cạnh người; là nơi tĩnh tại của thiên nhiên và nơi thảnh thơi của tâm hồn.

        + “chốn lao xao”: chốn quan trường, đường hoạn lộ; nơi sang trọng, đầy thủ đoạn, bon chen, luồn lọt, sát phạt

    - Quan điểm của tác giả về “dại” và “khôn”: tác giả tự nhận mình là người “dại” , chấp nhận mọi điều tiếng để “tìm nơi vắng vẻ”, nhường người “khôn” đến “chốn lao xao”. Ông đã trải đời đã tận hiểu sự đua chen, trói buộc của vòng danh lợi, bởi thế ông phủi tay với những sự đua chen ở "chốn lao xao". Tự nhận là "dại", song thực chất là "khôn", cũng giống như những người trải nghiệm, cứ luẩn quẩn trong vòng danh lợi, cứ nghĩ mình "khôn" nhưng thực chất là "dại".

    - Tác dụng biểu đạt ý của nghệ thuật đối trong hai câu thơ 3 và 4: tạo sự so sánh giữa hai triết lí sống, qua đó khẳng định triết lí sống của tác giả.

Câu 3 (trang 129 sgk Ngữ Văn 10 Tập 1): Các sản vật và khung cảnh sinh hoạt trong hai câu thơ 5, 6 có những điểm đáng chú ý:

        + Thức ăn quê mùa, dân dã: măng trúc, giá đỗ

        + Sinh hoạt: thích tắm hồ, tắm ao như bao người dân quê khác

        + Hai câu thơ tạo thành bức tranh tứ bình về cảnh sinh hoạt với bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, có mùi vị, có hương sắc.

   - Hai câu thơ cho thấy cuộc sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm đạm bạc mà thanh cao.Sự đạm bạc ở những thức ăn cây nhà lá vườn, tự mình làm ra, là công sức của chính mình. Cuộc sống tự nhiên mùa nào thức ấy, không hề nặng nề, ảm đạm mà trái lại nó thanh cao, bình dị.

Câu 4 (trang 130 sgk Ngữ Văn 10 Tập 1):

    Hai câu thơ cuối thể hiện vẻ đẹp trí tuệ của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Với cái nhìn thông tuệ của mình, ông tìm đến “say” để “tỉnh”. Hình ảnh một ông già ngồi một mình bên gốc cây uống rượu hiện lên với vẻ thoải mái nhưng “lạc lõng”. Nhiều năm trong chốn quan trường kia để ông nhận ra công danh, của cải, quyền quý chỉ là giấc chiêm bao. Đây là cái nhìn của một nhân cách lớn, một trí tuệ lớn.

Câu 5 (trang 130 sgk Ngữ Văn 10 Tập 1):

    Quan niệm sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm là: sống hòa hợp với tự nhiên và xa lánh nơi quyền quý, chốn quan trường để giữ cốt cách thanh cao. Với ông, sống nhàn không có nghĩa là không quan tâm đến xã hội, chỉ lo cuộc sống nhàn tản của bản thân mà sống nhàn là cuộc sống xa lánh nơi quyền quý, rời khỏi vòng danh lợi, sống hòa hợp với tự nhiên. Cuộc sống như vậy sẽ vất vả nhưng nó đem đến cho ông sự thoải mái trong tâm hồn, giữ được sự thanh sạch trong đời mình.

Luyện tập

    Vẻ đẹp cuộc sống và tâm hồn của Nguyễn Bỉnh Khiêm qua bài thơ "Nhàn"

    Nguyễn Bình Khiêm là người có học vấn uyên thâm, là nhà thơ lớn của dân tộc . Thơ của ông mang đậm chất triết lí giáo huấn , ngợi ca chí khí của kẻ sĩ ,thú thanh nhàn, đồng thời cũng phê phán những điều sống trong xã hội. “Bạch Vân quốc âm thi tập” một tập thơ tiêu biểu trong sáng tác của Nguyễn Bỉnh Khiêm và “Nhàn” là một trong những bài thơ tiêu biểu trong tập thơ này. Bài thơ đã thể hiện vẻ đẹp trong cuộc sống và tâm hồn của nhà thơ.

    Với những ngôn từ giản dị, tác giả viết:

         “Một mai, một cuốc, một cần câu

         Thơ thẩn dầu ai vui thú nào”

    Hai câu thơ đầu được mở ra với những dụng cụ lao động quen thuộc của người dân, làm hiện lên hình ảnh một ông lão nông dân với cuộc sống thảnh thơi của mình. Câu thơ đưa ta trở về với cuộc sống chất phác nguyên sơ của cái thời "nước giếng đào, cơm cày ruộng". câu đầu còn là cái tâm thế nhàn tản, thong dong. Nhịp cầu thơ nghe như nhân vật trữ tình đang nhẹ nhàng đếm bước: một... một... một... Tất cả điều đó làm hiện lên một cuộc sống thôn quê nhàn nhã, dù cho ai đang vui với bất kì thú vui nào, ta vẫn mặc đó, ta vui với thú vui giản dị của ta.

    Hai câu thơ sau được nối tiếp với những món ăn dân dã theo mùa, những hoạt động thể hiện lối sống nhàn, hòa mình với cuộc sống bình dị:

         "Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,

         Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.”

    Vẫn là những ngôn từ giản dị, vẫn là những hình ảnh nghệ thuật dân dã, đời thường. Thu với măng trúc, đông với giá – những món ăn quen thuộc, không chút cầu kì cho thấy một cuộc sống giản dị vô cùng. Những sinh hoạt trong cuộc sống cũng thể hiện lối sống thanh sạch ấy: tắm ở hồ sen và tắm ao. Cuộc sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm dường như chẳng còn chút gợn gì về một vị quan lớn của triều đình. Đây là một cuộc sống thanh cao trong cách ăn uống sinh hoạt và cả trong cái niềm thích thú khi được hòa mình vào cuộc sống thiên nhiên.

    Không chỉ đẹp trong cuộc sống, Nguyễn Bỉnh Khiêm còn thể hiện vẻ đẹp trong tâm hồn, nhân cách của bản thân khi đưa ra những quan niệm sống của mình:

         Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ

         Người khôn, người đến chốn lao xao.

    Quan niệm của tác giả về “dại”“khôn” của “ta”“người” thật khác lạ. Ta là kẻ “dại” nên tìm nơi thôn quê dân giã để về, người “khôn” người vào với trốn quan. Sau những năm tháng làm quan trong triều, Nguyễn Bỉnh Khiêm hiểu ra những góc khuất của trốn này. Và Tuyết Giang phu tử về với thiên nhiên là để thoát ra khỏi vòng danh lợi, thoát ra khỏi chốn nhiễu nhương đầy những ganh tị, bon chen. Phải là một người từng trải mới có thể nhận ra cái dại, cái khôn ở đời. Điều này khiến người đọc ngẫm ra ai mới là kẻ “dại”, ai mới là người “khôn”.

    Hai câu thơ kết khép lại bằng một phong thái ung dung tự tại:

         Rượu đến cội cây, ta sẽ uống

         Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.

    Hai câu thơ cuối là nét vẽ cuối cùng trong bức tranh về cuộc sống nhàn, ở đó nhân vật đang ngồi dưới gốc cây uống rượu để ngẫm về sự đời. Hóa ra, trong cuộc sống nhàn kia lại có biết bao băn khoăn, trăn trở, chứa đựng những nỗi niềm riêng. Đó là khát khao được đem sức của mình ra để phục vụ việc triều chính nhưng đành bất lực trước thế sự trước mắt. Đến đây, ta ngẫm ra một sự thật rằng phú quý, giàu sang chỉ như giấc mơ mà ai ai cũng muốn được với tới. Và chỉ có những người đã thoát ra khỏi trốn quan trường kia mới biết cuộc sống dân giã mới đáng quý thế nào.

    Bài thơ không chỉ phác họa một bức tranh bốn mùa với những thức ăn, hoạt động dân giã mà ở đây nó còn thể hiện chân dung của con người hòa mình trong cuộc sống thôn quê, chất phác với những nét đẹp trong cuộc sống và nhân cách, tâm hồn.

Bài giảng: Nhàn (Nguyễn Bỉnh Khiêm) - Cô Trương Khánh Linh (Giáo viên VietJack)

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 10 cực ngắn, hay khác:

Lời giải bài tập lớp 10 sách mới:




Giải bài tập lớp 10 sách mới các môn học