SBT Ngữ văn 7 Bài tập 1 trang 18 Kết nối tri thức

Câu 1 trang 18 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Tìm đọc một số câu tục ngữ, truyện ngụ ngôn. Ghi vào nhật kí đọc sách những hiểu biết, kinh nghiệm được rút ra từ các câu tục ngữ đã đọc, số lượng câu, chữ và các tiếng gieo vần với nhau trong các câu tục ngữ đó; bài học cuộc sống và một số điểm đáng chú ý về chủ đề, cốt truyện, nhân vật, tình huống của truyện ngụ ngôn đã đọc.

Trả lời:

Các văn bản đọc mở rộng ở bài tập này đều có dung lượng nhỏ và dễ tìm kiếm. Em có thể tìm được rất nhiều câu tục ngữ, truyện ngụ ngôn trên in-tơ-nét. Dĩ nhiên, sách, báo in cũng là nguồn cung cấp văn bản đọc mà em nên khai thác.

Tục ngữ và thành ngữ có nhiều điểm tương đồng, có thể gây lẫn lộn. Vì vậy, khi đọc tục ngữ, em cần nhận biết được đó có phải là tục ngữ không hay chỉ là thành ngữ. Trong hầu hết các trường hợp, tục ngữ và thành ngữ phân biệt rõ với nhau ở đặc điểm cấu tạo: thành ngữ chỉ là một cụm từ (con ông cháu cha, chia ngọt sẻ bùi, mẹ tròn con vuông,...), còn tục ngữ là một câu (Con hơn cha là nhà có phúc; Nắng tốt dưa mưa tốt lúa; Chó treo mèo đậy;...). Đôi khi, có những trường hợp một đơn vị ngôn từ có thể được coi là tục ngữ hoặc thành ngữ tuỳ theo nghĩa mà chúng ta diễn giải, ví dụ: trong ấm ngoài êm (tục ngữ: trong có ấm thì ngoài mới êm; thành ngữ: trong và ngoài đều êm ấm); an cư lạc nghiệp (tục ngữ: có nơi ăn chốn ở ổn định thì mới yên tâm làm ăn; thành ngữ: nơi ăn chốn ở ổn định và công việc vui vẻ, đáng hài lòng). Em nên phân chia các câu tục ngữ tìm được theo nhóm dựa vào chủ đề như: tục ngữ thể hiện kinh nghiệm về thời tiết, tục ngữ thể hiện kinh nghiệm về lao động

sản xuất, tục ngữ thể hiện kinh nghiệm về đời sống xã hội,... Chú ý: Tục ngữ thường cô đúc, ngắn gọn nên quan hệ ý nghĩa và ngữ pháp giữa các từ trong câu nhiều khi không tường minh như câu nói thông thường, vì vậy người đọc cần vận dụng nhiều kiến thức, kinh nghiệm cuộc sống để hiểu. Việc tra cứu các tài liệu tham khảo trong nhiều trường hợp là hết sức cần thiết vì suy đoán nghĩa của tục ngữ trên cơ sở nghĩa của các từ cấu tạo nên nó có thể dẫn đến những hiểu lầm đáng tiếc.

Đối với truyện ngụ ngôn, trước hết cần lưu ý, thể loại truyện này cũng thường có nhân vật là loài vật, đổ vật tương tự nhân vật trong truyện đồng thoại. Tuy vậy, khác với truyện đồng thoại, truyện ngụ ngôn thường ngắn hơn, cốt truyện và nhân vật đơn giản hơn, thể hiện rõ hơn những tư tưởng, đạo lí hay bài học cuộc sống mà truyện muốn chuyển tải đến người tiếp nhận. Khi đọc, em cần chú ý về chủ để, cốt truyện, nhân vật, tình huống của truyện ngụ ngôn. Tuy đều có thể có nhân vật là loài vật, đồ vật như truyện đồng thoại, nhưng truyện ngụ ngôn có dung lượng nhỏ hơn, hệ thống nhân vật đơn giản hơn, gửi gắm những bài học đạo lí và kinh nghiệm sống theo lối diễn đạt ám chỉ, ngụ ý, bóng gió.

Hãy tự thiết kế mẫu nhật kí đọc sách để ghi lại kết quả đọc. Có thể tham khảo mẫu nhật kí đọc sách dưới đây:

Tục ngữ

NHẬT KÍ ĐỌC SÁCH

Ngày đọc: ………………………………………………………………………

Chủ đề: ......................................................................................

Số lượng câu, chữ và các tiếng gieo vần với nhau: .....................................

Hiểu biết, kinh nghiệm rút ra: ....................................................................

Suy nghĩ sau khi đọc: ...........................................................

Truyện ngụ ngôn

NHẬT KÍ ĐỌC SÁCH

Ngày đọc: ……………………………………………………………………

Tên truyện, tác giả ( nếu có): ...........................................................................

Các sự việc chính: ...................................................................................

Tình huống truyện: ................................................................................

Các nhân vật và đặc điểm nổi bật: ......................................................................

Bài học được rút ra từ truyện: ......................................................................

Xem thêm các bài giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 7 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:


Giải bài tập lớp 7 Kết nối tri thức khác