Đọc văn bản sau và trả lời những câu hỏi bên dưới

Câu 2 trang 72 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Đọc văn bản sau và trả lời những câu hỏi bên dưới:

Khát vọng

Xuân Quỳnh

Ngày còn bé ta mơ trăng tháng Tám

Giữa đêm rằm bày cỗ, vui chơi

Cùng bạn nhỏ rước đèn múa hát

Trống ếch lùng tùng náo nức trăng vui


Khi lớn khôn ước mơ càng cháy bỏng

Vai kề vai nghe rộn tiếng tim yêu

Trải tâm tư dưới trời trăng sáng

Cuộc đời ơi, đẹp biết bao nhiêu!

Chỉ thế thôi ư? Ta còn mơ ước

Thành nhà thơ ca ngợi cuộc đời

Những vần thơ cùng du hành vũ trụ

Sưởi ấm vừng trăng lạnh niềm vui


Đâu chỉ lên trăng, thơ ta còn bay khắp

Theo những con tàu cập bến các vì sao

Như lòng ta chẳng bao giờ nguôi khát vọng

Biết bai rồi, ta lại muốn bay cao.

(In trong Tơ tằm – Chổi biếc, NXB Văn học, Hà Nội, 1963)

a. Bài thơ thể hiện những mơ ước gì của nhân vật xưng “ta”? Hãy chỉ ra một số từ ngữ, hình ảnh thể hiện mơ ước ấy.

b. Nhận xét nét độc đáo của các hình ảnh trong câu thơ.

Đâu chỉ lên trăng, thơ ta còn bay khắp

Theo những con tàu cập bến các vì sao

c. Hãy chỉ ra biện pháp tu từ được sử dụng trong khổ thơ cuối. Theo em, việc sử dụng biện pháp tu từ ấy có tác dụng gì trong việc biểu lộ khát vọng của nhân vật xưng “ta”?

d. tác giả đã bộc lộ những tình cảm, cảm xúc gì qua bài thơ? Em cảm nhận như thế nào về những tình cảm, cảm xúc ấy?

đ. Ở ba khổ thơ đầu, tác giả sử dụng từ “mơ ước” hoặc “ước mơ”, nhưng ở khổ thơ cuối lại dùng từ “khát vọng”. Theo em, sự thay đổi này có dụng ý gì?

e. Qua văn bản trên, tác giả muốn gửi đến chúng ta thông điệp gì? Thông điệp ấy có ý nghĩa như thế nào đối với em?

Trả lời:

a. Cách nhận biết mơ ước của nhân vật xưng “ta” đầu tiên em cần xác định những từ ngữ, hình ảnh thể hiện mơ ước ấy, chẳng hạn như:

- Từ ngữ: bày cỗ, vui chơi, rước đèn, múa hát, ca ngợi cuộc đời, du hành, bay cao.

- Hình ảnh: mơ trăng tháng Tám, trải tâm tư dưới trời trăng sáng, vần thơ cùng du hành vũ trụ, sưởi ấm vừng trăng lạnh, cập bến các vì sao, …

Từ những từ ngữ, hình ảnh tìm được, em có thể khái quát hóa để nhận ra ước mơ của nhân vật xưng “ta”: được vui chơi trăng rằm tháng Tám, có một tình yêu đẹp, trở thành nhà thơ để ca ngợi cuộc đời.

b. Cách nhận xét nét độc đáo của các hình ảnh trong câu thơ:

Đâu chỉ lên trăng, thơ ta còn bay khắp

Theo những con tàu cập bến các vì sao

- Các hình ảnh trong câu thơ: thơ ta lên trăng, theo những con tàu cập bến các vì sao.

- Nét độc đáo:

+ Hình ảnh thơ ấn tượng, thi vị bởi chúng gợi ra không gian vũ trụ kì vĩ, lãng mạn.

+ Có tác dụng làm nổi bật khát vọng bay bổng, lãng mạn của nhân vật xưng “ta”.

c. Cách xác định và nêu tác dụng biểu đạt của biện pháp tu từ được sử dụng trong khổ thơ cuối.

Đâu chỉ lên trăng, thơ ta còn bay khắp

Theo những con tàu cập bến các vì sao

Như lòng ta chẳng bao giờ nguôi khát vọng

Biết bay rồi, ta lại muốn bay cao.

- Biện pháp tu từ: so sánh

- Tác dụng: cách so sánh khát vọng của lòng ta với hình ảnh “thơ ta còn bay khắp”, “theo những con tàu cập bến các vì sao” làm cho khát vọng của nhân vật xưng “ta” gợi hình, gợi cảm, sống động, sâu sắc hơn.

d. Em cần nêu những điều em cảm nhận được về tình cảm, cảm xúc của tác giả và chỉ ra những từ ngữ, hình ảnh, cách trình bày cụ thể trong bài thơ khiến em cảm nhận được tình cảm, cảm xúc đó.

đ. Ở ba khổ thơ đầu, tác giả dùng từ “mơ ước” hoặc “ước mơ”, ở khổ thơ cuối, dùng từ “khát vọng”. Dụng ý của sự thay đổi này là cho thấy sự trưởng thành trong nhận thức của nhân vật xưng “ta” theo thời gian: từ mơ ước đơn giản được vui chơi đêm rằm tháng Tám đến ước vọng tình yêu ở tuổi mới lớn và khát vọng cháy bỏng trở thành thi sĩ để ca ngợi cuộc đời, bay cao, bay xa vào tương lai tươi đẹp.

e. Cách xác định thông điệp của tác giả: em cần đọc lại toàn bộ bài thơ; chú ý những từ ngữ, hình ảnh thể hiện ước mơ, khát vọng của nhân vật xưng “ta” và tình cảm, cảm xúc của tác giả. Em cũng cần liên hệ với kiến thức và trải nghiệm của chính mình để trả lời câu hỏi thông điệp của tác giả có ý nghĩa thế nào đối với em.

Xem thêm các bài giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 7 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:


Giải bài tập lớp 7 Chân trời sáng tạo khác