Giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 6 Bài tập 5 trang 27

Bài tập 5. trang 27 SBT Ngữ Văn lớp 6 Tập 2: Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi:

Nước, một thành phần thiết yếu của những phản ứng hóa học, là dung môi có khả năng hòa tan những phân tử, dẫn đến sự nảy nở của sự sống. Dưới ánh sáng Mặt Trời, khí các – bô – níc kết hợp với nước để biến thành glu-cô (đường) và ô-xi Khí ô-xi bốc lên khí quyển và duy trì sự sống trên Trái Đất. Sự hô hấp của sinh vật dùng ô-xi để “đốt” glu-cô và sản xuất ra hơi nước và khí các-bô-níc cần thiết cho thực vật. Sự cộng sinh giữa giới động vật và thực vật trên Trái Đất đã được thực hiện nhờ tác động hữu ích của Mặt Trời.

(Nguyễn Quang Thiệu, Sinh vật trên Trái Đất được hình thành như thế nào?,

Ngữ văn 6, tập hai, Sđd, tr. 96 – 97)

Câu 1 trang 27 SBT Ngữ Văn lớp 6 Tập 2: Theo em, từ nào có thể được xem là từ khóa của đoạn trích?

Trả lời:

Nước là từ có thể được xem như từ khóa trong đoạn trích.

Câu 2 trang 27 SBT Ngữ Văn lớp 6 Tập 2: Đoạn trích đã cho biết hai điều kiện cơ bản nhất dẫn đến “sự nảy nở của sự sống” trên Trái Đất. Hai điều kiện đó là gì?

Trả lời:

Theo tác giả đoạn trích, hai điều kiện cơ bản nhất dẫn đến “sự nảy nở của sự sống” trên Trái Đất là nước và mặt trời.

Câu 3 trang 27 SBT Ngữ Văn lớp 6 Tập 2: Dựa vào các cụm từ: dẫn đến sự nảy nở của sự sống (câu 1), duy trì sự sống trên Trái Đất (câu 3), cần thiết cho thực vật (câu 4), hãy nêu định hướng tổ chức nội dung phần viết này của tác giả.

Trả lời:

Các cụm từ: dẫn đến sự nảy nở của sự sống (câu 1), duy trì sự sống trên Trái Đất (câu 3), cần thiết cho thực vật (câu 4) cho thấy rõ định hướng tổ chức nội dung đoạn văn được trích của tác giả. Đó là, tất cả phải hướng vào việc trả lời câu hỏi then chốt: Các sinh vật trên Trái Đất đã nảy sinh và phát triển dựa trên những điều kiện nào?

Câu 4 trang 27 SBT Ngữ Văn lớp 6 Tập 2: Căn cứ vào nội dung đoạn trích, hãy suy đoán: Trước khi nêu giả thuyết về sự tồn tại của sinh vật ở một nơi nào đó ngoài hành tinh của chúng ta, các nhà khoa học phải chứng minh được điều gì?

Trả lời:

Căn cứ vào nội dung đoạn trích, có thể suy đoán: khi muốn nêu giả thuyết về sự tồn tại của sinh vật ở một nơi nào đó ngoài hành tinh của chúng ta, trước hết, các nhà khoa học phải chứng minh được rằng ở đó có nước (nước trong một dạng/ thể nhất định nào đó).

Câu 5 trang 27 SBT Ngữ Văn lớp 6 Tập 2: Hãy nêu một ví dụ về sự cộng sinh giữa động vật và thực vật được thực hiện nhờ tác động của Mặt Trời mà em quan sát hoặc biết được qua việc tự tìm hiểu các tài liệu khoa học (Lưu ý: xem lại chú thích về từ cộng sinh trong SGK, tr. 97).

Trả lời:

Một ví dụ thường được nêu trong các tài liệu khoa học thường thức: nấm và loại vi khuẩn có khả năng quang hợp cộng sinh với nhau tạo thành địa y; trong đó, nấm hấp thụ nước và chất khoáng giúp vi khuẩn tồn tại, ngược lại, loại vi khuẩn biết quang hợp lại tạo được chất hữu cơ giúp nấm tồn tại (nhờ khả năng thu nhận và chuyển hoá năng lượng Mặt Trời).

Câu 6 trang 27 SBT Ngữ Văn lớp 6 Tập 2: Trong các từ mượn được tác giả sử dụng trong đoạn trích, từ nào không mượn từ tiếng Hán?

Trả lời:

Đoạn trích có nhiều từ mượn, có gốc ở tiếng Hán hoặc các ngôn ngữ châu Âu.

Trong số đó, những từ không mượn từ tiếng Hán là: các-bô-níc, glu-cô, ô-xi. Các từ này đều giống nhau ở điểm: các âm tiết tạo nên từ được viết tách ra và giữa chúng có gạch nối.

Câu 7 trang 27 SBT Ngữ Văn lớp 6 Tập 2: Tìm trong đoạn trích những từ thể hiện hoạt động cụ thể của các đối tượng có ảnh hưởng đến quá trình nảy sinh và phát triển của sự sống trên Trái Đất (Lưu ý: ghi tên đối tượng trước, ghi từ chỉ hoạt động sau).

Trả lời:

Những từ thể hiện hoạt động cụ thể của các đối tượng có ảnh hưởng đến quá trình nảy sinh và phát triển của sự sống trên Trái Đất: hoà tan (nước hoà tan...), kết hợp (khí các-bô-níc kết hợp với...), bốc (khí ô-xi bốc lên...), “đốt”, sản xuất (sinh vật dùng ô-xi để “đốt” glu-cô và sản xuất ra...).

Xem thêm các bài giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 6 sách Kết nối tri thức với cuộc sống hay, chi tiết khác:


Giải bài tập lớp 6 Kết nối tri thức khác