Các yếu tố miêu tả, biểu cảm, tự sự và nghị luận xuất hiện trong văn bản đóng những vai trò gì?

Câu 4 trang 13 SBT Ngữ Văn 12 Tập 2: Các yếu tố miêu tả, biểu cảm, tự sự và nghị luận xuất hiện trong văn bản đóng những vai trò gì?

Trả lời:

Ngoài mục đích cung cấp những thông tin mới mẻ, bất ngờ, thú vị, tác giả còn thuyết phục và hấp dẫn người đọc bằng cách sử dụng đan xen các yếu tố miêu tả, biểu cảm, tự sự và nghị luận.

- Yếu tố miêu tả được sử dụng nhằm vẽ nên một bức tranh sống động, chi tiết về cuộc sống của người Anh điêng (những đàn bò do chính phủ gửi tới lang thang đâu đó”, những chiếc chày gỗ mục ruỗng, “những chiếc chày đá được mài nhẵn tuyệt đẹp” nằm lẫn lộn giữa những đĩa sắt tráng men, những cùi dìa của cửa hàng bách hoá, các mái nhà đổ rụi ở những ngôi làng bỏ hoang,...).

- Yếu tố biểu cảm diễn tả sự ngạc nhiên, thán phục, suy tư của tác giả trước vẻ đẹp, sức sống và sự tinh tế trong nền văn hoá bản địa cổ sơ của người Anh điêng (“lần đầu tiên tôi đã tiếp xúc với những người hoang dã”, “thất vọng lớn cho tôi”, “họ đã cho tôi một bài học về sự thận trọng và tính khách quan”, “những đồ vật khiến ta trầm tư ấy”,...).

- Yếu tố tự sự được sử dụng nhằm tái hiện hành trình di chuyển, quan sát của nhân vật “tôi”. Chìm bên dưới kết cấu của văn bản là một câu chuyện với các sự kiện được sắp xếp thành một cốt truyện: Lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với những người hoang dã → Ngược thời gian, tôi khám phá ra thân phận lịch sử của họ → Hoá ra họ không phải là những người hoang dã thực sự → Tôi phát hiện ra đằng sau lớp phủ hời hợt, phù phiếm của cái được gọi là văn minh là vẻ đẹp và sức sống lâu bền của văn hoá truyền thống. Cốt truyện này làm nổi bật công cuộc khám phá ra những sự thật, quy luật, bản chất của các cấu trúc văn hoá, quyền lực ẩn bên dưới hiện tượng tưởng chừng phù phiếm của đời sống thường nhật; song song với đó là hành trình phá vỡ những định kiến văn hoá vốn in đậm trong tư duy của các nhà khoa học châu Âu về tính chất độc tôn của nền văn minh da trắng. Yếu tố tự sự chìm trong cấu trúc bề sâu của văn bản đã tạo nên sức hấp dẫn cho tác phẩm Pa-ra-na nói riêng cũng như Nhiệt đới buồn nói chung.

- Yếu tố nghị luận được sử dụng nhằm thể hiện cái nhìn, chủ kiến của người viết, tạo nên chiều sâu triết lí cho văn bản. Không dừng lại ở việc miêu tả cuộc sống của người Anh điêng, Cờ-lốt Lê-vi-Xtơ-rốt còn đưa ra những phân tích, đánh giá, luận bàn, giúp người đọc nhìn ra cấu trúc bên trong của nền văn hoá Anh điêng. Những phát hiện này hết sức sâu sắc và giàu sức thuyết phục.

Tóm lại, việc sử dụng đan xen các yếu tố miêu tả, biểu cảm, tự sự và nghị luận đã tạo nên tính chất pha trộn về thể loại của văn bản, mở rộng khả năng biểu đạt, đưa đến cho văn bản sự bay bổng, sức hấp dẫn và chiều sâu. Đó có lẽ là lí do khiến người ta khó có thể xếp cố định Nhiệt đới buồn vào thể loại nào.

Lời giải sách bài tập Ngữ Văn 12 Bài tập 1 trang 13 hay khác:

Xem thêm giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 12 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:


Giải bài tập lớp 12 Kết nối tri thức khác