Đọc lại ngữ liệu tham khảo Trách nhiệm người trẻ với Tổ quốc

Câu 2 trang 32 SBT Ngữ Văn 12 Tập 1: Đọc lại ngữ liệu tham khảo Trách nhiệm người trẻ với Tổ quốc, đối chiếu với Bảng kiểm kĩ năng viết bài văn nghị luận về một vấn đề có liên quan đến tuổi trẻ để trả lời các câu hỏi sau:

a. Bài viết đã sử dụng cách nào để tạo ấn tượng cho phần mở bài?

b. Người viết đã trình bày những nội dung gì để thực hiện thao tác giải thích vấn đề cần bàn luận?

c. Phân tích tính thuyết phục của lí lẽ và bằng chứng được sử dụng trong bài viết.

d. Người viết đã phê phán biểu hiện tiêu cực nào của vấn đề?

đ. Chỉ ra yếu tố miêu tả, biểu cảm, tự sự (nếu có) và tác dụng của chúng trong bài viết.

Trả lời:

a. Để tạo ấn tượng cho phần mở bài, người viết đã trình bày những biểu hiện khác nhau, thậm chí dường như đối lập, của một số người trẻ tuổi đối với cuộc chiến chống Covid-19 để đặt ra vấn đề cần bàn luận: trách nhiệm của những người trẻ tuổi với Tổ quốc. Ngoài ra, tác giả còn nhắc đến bối cảnh viết bài là tháng Thanh niên (tháng Ba năm 2020), đây là thời điểm mà cả xã hội thường bàn nhiều về những vấn đề liên quan đến tuổi trẻ.

b. Để giải thích vấn đề cần bàn luận, người viết đã thực hiện những thao tác sau;

- Giải thích hai khái niệm liên quan đến vấn đề cần bàn luận: tuổi trẻ và trách nhiệm của những người trẻ tuổi với Tổ quốc.

- Liệt kê một số biểu hiện trách nhiệm cụ thể của thế hệ trẻ đối với Tổ quốc.

c. Tính thuyết phục của lí lẽ, bằng chứng trong bài viết được thể hiện cụ thể như sau:

- Lí lẽ thể hiện được việc nhìn nhận vấn đề với những cơ sở vững chắc:

+ Lí lẽ 1: Từ xưa đến nay, theo lẽ thường, những người trẻ tuổi luôn giữ vai trò quan trọng đối với đất nước vì họ có những đặc điểm và ưu thế riêng.

+ Lí lẽ 2: Đặc biệt trong xu thế phát triển về khoa học công nghệ, kĩ thuật của thế giới như hiện nay, những người trẻ với những ưu thế của riêng mình (nhanh nhạy, linh hoạt, dễ thích nghi) lại càng xứng đáng nhận lãnh trọng trách đối với đất nước.

- Bằng chứng phù hợp, tiêu biểu, cụ thể, xác thực, đủ sức khái quát và chứng minh được trách nhiệm của tuổi trẻ đối với Tổ quốc ở tất cả các giai đoạn của lịch sử và trên nhiều lĩnh vực của cuộc sống xã hội.

d. Người viết đã phê phán cách sống hưởng thụ, lười biếng, dựa dẫm của một số bạn trẻ.

đ. Yếu tố miêu tả được sử dụng trong bài viết: những chàng trai, cô gái luôn hăm hở, nhiệt tình trong những hoạt động tình nguyện của chiến dịch Mùa hè xanh; những thầy cô giáo trẻ sẵn sàng băng rừng, vượt suối mang con chữ đến với trẻ em vùng sâu, vùng xa; những người lính trẻ luôn vững chắc tay súng, kiên cường bảo vệ từng tấc đất, vùng trời, biển đảo quê hương,…

Yếu tố tự sự được sử dụng trong bài viết: Người bác sĩ làm việc ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương vừa dương tính với SARS-CoV-2 có tuổi đời cũng còn rất trẻ. Anh đã có hai tháng trực tiếp tiếp xúc với những bệnh nhân nhiễm bệnh. Tuy đã lường trước được nguy cơ bị lây nhiễm, nhưng những bác sĩ và điều dưỡng ấy vẫn kiên cường bám trụ, không hề chùn bước; một người mẹ kể về quá trình “giải cứu” con mình khỏi châu Âu mà cứ đi một chặng, thì cô cậu sinh viên ấy lại phải nhắn tin, gọi điện để hỏi mẹ tiếp theo nên làm gì. Một số bạn trẻ khi trở về nước và được cách li tập trung đã phàn nàn từ khu vệ sinh đến việc thiếu nước nóng để tắm.

Yếu tố biểu cảm được sử dụng trong bài viết: Tháng Ba này, xin được tôn vinh những người trẻ đầy nhiệt huyết và sự hi sinh ấy!; Đất nước, gia đình có thể kì vọng gì ở họ?;...

Tác dụng của việc sử dụng kết hợp các yếu tố ấy trong bài viết: Yếu tố miêu tả thể hiện các đặc điểm, tính chất nổi bật của các đối tượng được đề cập; yếu tố tự sự thuật lại các sự việc làm bằng chứng để làm sáng tỏ luận điểm; yếu tố biểu cảm để bày tỏ tình cảm, cảm xúc, thái độ của người viết với vấn đề nghị luận.

Lời giải sách bài tập Ngữ Văn 12 Bài 2 Viết trang 32, 33 hay khác:

Xem thêm giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 12 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:


Giải bài tập lớp 12 Chân trời sáng tạo khác