SBT Ngữ văn 10 Bài tập 1 trang 13 - Kết nối tri thức

Với giải sách bài tập Ngữ văn lớp 10 Bài tập 1 trang 13 sách Kết nối tri thức hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh dễ dàng làm bài tập trong SBT Ngữ văn 10.

Bài tập 1 trang 13 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) nêu suy nghĩ của bạn về tính hàm súc của ngôn ngữ thơ ca.

Trả lời:

Đoạn văn cần nói được các ý:

- Những biểu hiện cụ thể của tính hàm súc (chú ý dung lượng bài thơ, sự tiết giảm các chỉ tiết dẫn giải, sự khai thác triệt để tính đa nghĩa của ngôn từ,...).

- Hiệu quả tác động của lối viết hàm súc (gợi liên tưởng nhiều chiều, thôi thúc việc đọc lại bài thơ nhiều lần, gợi lên những cách tiếp cận và diễn giải khác nhau,...).

- Những cách xử lí khác nhau để bài thơ đạt tới sự hàm súc (trong thơ hai-cư, thơ Đường hay thơ hiện đại, sự hàm súc mang những sắc thái khác nhau, không hề đồng nhất).

* Đoạn văn mẫu tham khảo: 

Tính hàm súc là đặc điểm chung của ngôn ngữ trong tác phẩm văn chương, nhưng do đặc trưng của thể loại mà nó biểu hiện một cách tập trung với yêu cầu cao nhất trong ngôn ngữ thơ. So với nhiều thể loại khác thơ thường có dung lượng khiêm tốn hơn. Để phản ánh thế giới hiện thực muôn màu, thế giới tình cảm phức tạp của con người ngôn ngữ thơ phải thực sự hàm súc, là kết quả của sự chắt lọc công phu của người nghệ sĩ, Maiacopxki từng nhận đinh: “Làm thơ là cân một phần nghìn milligram quặng chữ” Một cách rõ ràng, tính hàm súc của ngôn ngữ thơ là lời ít ý nhiều, lời hết mà ý chưa cạn, nói như Lưu Trọng Lư, “một câu thơ hay là một câu thơ có sức gợi”. Tính hàm súc được người nghệ sĩ tạo ra theo nhiều cách riêng. Đó có thể là cách dùng từ sao cho đắt nhất, có giá trị biểu hiện cao nhất kiểu như Nguyễn Du đã “giết chết” các nhân vật Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Hồ Tôn Hiến, mỗi tên chỉ bằng một từ: cái vô học của Mã Giám Sinh – “Ghế trên ngồi tót sỗ sàng”, cái gian manh của Sở Khanh – “Rẽ song đã thấy Sở Khanh lẻn vào”, cái tầm thường ti tiện của Hồ Tôn Hiến – “Lạ cho mặt sắt cũng ngây vì tình”. Nói cách khác, hàm súc cũng có nghĩa là phải chính xác, giàu hình tượng, có tính truyền cảm và thể hiện cá tính của người nghệ sĩ dựa trên cơ sở vận dụng các thủ pháp nghệ thuật như ẩn dụ, so sánh… tạo nên nhiều lớp nghĩa cho câu thơ. Trong thơ Trung đại, tính hàm súc thường đến từ thủ pháp chấm phá, gợi tả. Nguyễn Du phác nên một bức tranh mùa xuân tươi sáng và đầy sức sống không cần nhiều hơn hai chi tiết: “Cỏ non xanh tận chân trời / Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”. Theo lẽ đó, thơ không có chỗ đứng cho hư từ mà chỉ có thực từ, trong thơ, ý phải tỏa vào lời, lời phải đỡ với ý, ý phải sâu nhưng lời cũng phải chặt. Một điều đáng nói là, tính hàm súc thường chỉ xuất hiện trong mực thước văn học truyền thống bởi tính chặt chẽ và quy phạm của từ ngữ, đến giai đoạn văn học đương đại, đặc điểm này bị đe dọa bởi sự dài dòng và nông cạn của một số tác giả. Nó đặt ra yêu cầu về sự cân bằng giữa truyền thống và hiện đại giữa hai thuộc tính này.  

Xem thêm các bài giải sách bài tập Ngữ văn lớp 10 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:


Giải bài tập lớp 10 Kết nối tri thức khác