Đọc văn bản sau Nguyễn Trãi, người anh hùng của dân tộc và thực hiện các yêu cầu bên dưới

Câu 8 trang 3, 4, 5, 6 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

“Nguyễn Trãi, người anh hùng của dân tộc”

(Trích)

Nguyễn Trãi, người anh hùng của đân tộc, văn võ song toàn; văn là chính trị: chính trị cứu nước, cứu đân, nội trị, ngoại giao, “Muôn thuở nền thái bình vững chắc, / Ngàn năm vết nhục nhã sạch làu”; võ là quân sự: chiến lược và chiến thuật, “lấy yếu chống mạnh”, “lấy ít địch nhiều”,... “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn” (Đại cáo bình Ngô); văn và võ đều là vũ khí, mạnh như vũ bão, sắc như gươm đao: “Viết thư thảo hịch tài giỏi hơn hết mọi thời” (Lê Quý Đôn), “Văn chương mưu lược gắn liền với sự nghiệp kinh bang tế thế(1) (Phan Huy Chú). Thật là một con người vĩ đại về nhiều mặt trong lịch sử nước ta. [...]

Nhớ Nguyễn Trãi, chúng ta nhớ người anh hùng cứu nước, người cùng Lê Lợi làm nên sự nghiệp “bình Ngô”, người thảo Đại cáo bình Ngô. Nguyễn Trãi là một người yêu nước, yêu nước sâu sắc, mạnh mẽ, thiết tha, với tâm hồn và khí phách của người anh hùng. Đối với Nguyễn Trãi, yêu nước là thương dân, để cứu nước phải dựa vào dân, đem lại thái bình cho dân, cho mọi người. Triết lí nhân nghĩa của Nguyễn Trãi, cuối cùng, chẳng qua là lòng yêu nước thương dân: cái nhân, cái nghĩa lớn nhất là phấn đấu đến cùng chống ngoại xâm, diệt tàn bạo, vì độc lập của nước, hạnh phúc của dân.

Nguyễn Trãi suốt đời mang một hoài bão lớn: làm gì cho dân, người dân lầm than khổ cực. Bắt đầu Đại cáo bình Ngô có câu: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”.

Chữ “yên” ở đây có nghĩa “an cư lạc nghiệp”, cùng một ý với câu ở phần cuối của bài Đại cáo: “Muôn thuở nền thái bình vững chắc”. Nguyễn Trãi là tác giả của Dư địa chí, một cuốn sách có giá trị về địa lí, lịch sử, kinh tế, chính trị của nước ta thời bấy giờ. Đáng tiếc Nguyễn Trãi không có đủ cơ hội đem tất cả chí hướng và tài năng của mình cống hiến cho nước, cho dân, cho người đời. Nhưng nghĩ cho cùng không thể khác được. Đối với triều đình nhà Lê lúc bấy giờ, sau khi “bốn biển đã yên lặng”, Nguyễn Trãi nhân nghĩa quá, trung thực quá, thanh liêm quá. Nguồn gốc sâu xa của thảm án vô cùng đau thương của Nguyễn Trãi bị “tru di” ba họ là ở đó. [...]

Nhớ Nguyễn Trãi là nhớ người anh hùng cứu nước, đồng thời là nhớ nhà văn lớn, nhà thơ lớn của nước ta. Từ Đại cáo bình Ngô qua các bức thư gửi tướng tá quân xâm lược đến thơ chữ Hán và chữ Nôm,... ngòi bút thần của Nguyễn Trãi để lại cho chúng ta những tác phẩm gồm nhiều thể văn và tất cả đều đạt đỉnh cao của nghệ thuật, đều hay và đẹp lạ thường! Nhiều tài hoa như vậy dồn lại ở một con người, thật là hiếm có!

Đại cáo bình Ngô là khúc ca hùng tráng bất hủ của dân tộc ta. Hãy nghe Nguyễn Trãi lên án giặc ngoại xâm:

- Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội(2),

Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi.

- Ngắm thù lớn há đội trời chung,

Căm giặc nước thề không cùng sống.

Và đây là mấy câu diễn tả thế thắng của quân ta:

- Gươm mài đá, đá núi cũng mòn,

Voi uống nước, nước sông phải cạn.

- Tướng giặc bị cầm tù, như hổ đói vẫy đuôi xin cứu mạng,

Thân vũ chẳng giết hại, thể lòng trời ta mở đường hiếu sinh(3).

Rồi đến đoạn cuối, lúc dẹp xong giặc ngoại xâm:

Xã tắc(4) từ đây vững bền,

Giang sơn từ đây đổi mới.

[...]

Muôn thuở nên thái bình vững chắc,

Ngàn năm vết nhục nhã sạch làu.

Những bức thư gửi tướng tá giặc trong Quân trung từ mệnh tập mà Phan Huy Chú cho là “có sức mạnh như mười vạn quân” là mẫu mực của tài hùng biện. Hãy nghe Nguyễn Trãi kể tội Phương Chính:

“Bảo mày giặc dữ Phương Chính: Đạo làm tướng lấy nhân nghĩa làm gốc, trí dũng làm cành. Nay bọn mày chỉ chuyên lừa dối, giết hại kẻ vô tội, hãm người vào chỗ chết mà không xót thương. Việc ấy trời đất không dung, thần người đều giận, cho nên liền năm chinh phạt, hằng đánh hằng thua”. [...]

Phải nói rõ rằng Nguyễn Trãi, một mặt vạch tội ác quân xâm lược và kiên  quyết đánh chúng, mặt khác luôn luôn cố gắng hết sức mình để giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh cứu nước một cách đỡ tổn thất nhất, đồng thời sớm khôi phục bang giao bình thường với Trung Quốc nhà Minh. Trong một bức thư gửi Vương Thông, người chỉ huy quân xâm lược, Nguyễn Trãi đem hết tài hùng biện của mình để chỉ rõ thế tất bại của địch. [...] Biết rằng Vương Thông chỉ còn mong chờ viện binh nên bức thư nhắn mạnh: “Người xưa có câu: “Nước xa không thể cứu lửa gần”. Giá viện binh có đến, cũng chăng ích gì cho sự bại vong”. Cuối cùng, Nguyễn Trãi đưa sào cho Vương Thông:

“Nếu muốn kéo quân về nước, thì cầu đường sửa sang, thuyền ghe sắm đủ, thuỷ bộ hai đường, tuỳ theo ý muốn, đưa quân ra khỏi cõi, yên ổn muôn phần.”.

Nguyễn Trãi quả thật là một nhà chính trị có tầm mắt cao xa, rộng lớn, đồng thời là một nhà ngoại giao khôn khéo.

Về thơ của Nguyễn Trãi, chúng ta nên quý trọng hơn nữa thơ chữ Nôm, tiếng ta của Nguyễn Trãi, đó là vốn quý của văn học dân tộc. Bình luận về thơ, tưởng không bằng đọc một vài câu thơ:

Nước biếc non xanh, thuyền gối bãi

Đêm thanh nguyệt bạc, khách lên lầu...

Thơ của Nguyễn Trãi hay là như vậy! Vườn văn học của nước nhà có những hoa quả đẹp và thơm ngon, thế mà chúng ta hình như chưa thấy hết giá trị. Tiếng nói của chúng ta có cái giàu và đẹp, phải biết yêu quý, sử dụng, trau dồi, vì sao lại phải đi mượn ở đâu đâu?

Thơ của Nguyễn Trãi là tâm hồn của Nguyễn Trãi, trong sáng và đầy sức sống. Có người nói thơ của Nguyễn Trãi buồn vì cảnh đời của ông buồn. Thơ của Nguyễn Trãi có bài buồn, có câu buồn, vì lẽ gì chúng ta đều biết, nhưng cả tập thơ của Ức Trai là thơ của một người yêu đời, yêu người, tâm hồn của Nguyễn Trãi sống một nhịp với non sông đất nước tươi vui.

Nguyễn Mộng Tuân, một người bạn của Nguyễn Trãi, đã ca ngợi ông như sau:

“Gió thanh hây hẩy giấc vàng, người như một ông tiên ở trong toà ngọc. Cái tài làm hay, làm đẹp cho nước từ xưa chưa có bao giờ...”. Nguyễn Trãi không phải là một ông tiên, Nguyễn Trãi là người chân đạp đất Việt Nam, đầu đội trời Việt Nam, tâm hồn lộng gió của thời đại lúc bấy giờ, thông cảm sâu xa với nỗi lòng người dân lúc bấy giờ, suốt đời tận tuy cho một lí tưởng cao quý. Nguyễn Trãi là khí phách của dân tộc, là tinh hoa của dân tộc. Sự nghiệp và tác phẩm của Nguyễn Trãi là một bài ca yêu nước và tự hào dân tộc. Nguyễn Trãi rất xứng đáng với lòng khâm phục và quý trọng của chúng ta.

Kỉ niệm Nguyễn Trãi là nhớ Nguyễn Trãi, nhắc Nguyễn Trãi, làm quen với

Nguyễn Trãi hơn nữa: người làm chính trị, người làm quân sự, người nghiên cứu lịch sử nước nhà, người làm văn, làm thơ đều nên hiểu biết, học hỏi Nguyễn Trãi hơn nữa.’’

(Phạm Văn Đồng, báo Nhân Dân, ngày 19-9-1962)

(1) Kinh bang tế thế: trông coi việc nước; cứu giúp người đời.

(2) Người xưa thường dùng thẻ trúc để ghi chép; Nam Sơn (Trung Quốc): nơi có rừng trúc. Câu thơ ý nói tội ác của giặc nhiều không thể ghi chép hết.

(3) Thần vũ chẳng giết hại: ý nói uy vũ thần thánh thiêng liêng có sức mạnh chiến thắng mà không cần phải sát hại kẻ thù. Hiếu sinh: quý trọng sinh mạng con người.

(4) Xã tắc: nơi tế thần đất gọi là xã, nơi tế thần lúa gọi là tắc. Nghĩa bóng chỉ đất nước, bờ cõi.

a) Hãy xác định kiểu văn bản của bài viết Nguyễn Trãi, người anh hùng của dân tộc:

A. Văn bản nhật dụng

B. Văn bản nghị luận

C. Văn bản thông tin

D. Sự kết hợp của ba phương án trên

b) Em hãy cho biết mục đích của tác giả khi viết văn bản trên. Chỉ ra sự phù hợp giữa nhan đề và nội dung của bài viết.

c) Em hãy nêu bố cục của bài viết và cho biết ý chính của mỗi phần trong văn bản.

d) Xác định quan điểm (luận đề), các luận điểm, lí lẽ và bằng chứng mà tác giả đã nêu lên trong bài nghị luận trên. Phân tích và làm rõ mối quan hệ của các yếu tố đó.

e) Hãy chỉ ra những biểu hiện cụ thể và phân tích tác dụng của yếu tố biểu cảm trong bài nghị luận. Qua đó, làm rõ thái độ, tình cảm của tác giả đối với danh nhân Nguyễn Trãi.

Trả lời:

a) Chọn đáp án: B. Văn bản nghị luận

b)- Tác giả Phạm Văn Đồng, với tư cách là Thủ tướng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, năm 1962 nhân Kỉ niệm 520 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá Nguyễn Trãi (1380 - 1442) đã viết bài ca ngợi con người, sự nghiệp cứu nước, sự nghiệp văn hoá, văn học trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước của Nguyễn Trãi.

- Đây là giai đoạn cả nước đang tiến hành cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược và xây dựng chế độ mới ở miền Bắc nên bài viết có ý nghĩa quan trọng:

+ Khích lệ tinh thần yêu nước của nhân dân ta trong công cuộc kháng chiến chống ngoại xâm giành độc lập, tự do và toàn vẹn lãnh thổ cho đất nước.

+ Khẳng định tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến của dân tộc ta trước nhân dân và các lực lượng yêu chuộng hoà bình trên thế giới, kêu gọi sự ủng hộ của họ, phản bác lại sự xuyên tạc của kẻ thù về mục đích cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Việt Nam.

+ Khẳng định truyền thống chống giặc ngoại xâm và niềm tin vào chiến thắng của dân tộc.

Bài viết có giá trị đối nội và ngoại giao quan trọng trong thời điểm lịch sử lúc bấy giờ. Đây cũng là bước đầu chuẩn bị cho việc Tổ chức Văn hoá, Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) tôn vinh Nguyễn Trãi là Anh hùng | dân tộc - Danh nhân văn hoá nhân Kỉ niệm 600 năm ngày sinh của ông (1980).

+ Nhan đề của bài viết rất phù hợp với nội dung được trình bày trong bài và cũng chính là luận đề được nhắc lại ở ngay câu mở đầu của bài nghị luận.

c) Bố cục của bài nghị luận gồm bốn phần theo thứ tự đã được đánh số trong văn bản.

1) Phần mở đầu: Nêu và giải thích luận đề.

2) Nguyễn Trãi - Người anh hùng cứu nước, thương dân và bị kịch của ông.

3) Sự nghiệp văn học yêu nước và xây dựng nền văn hoá dân tộc của Nguyễn Trãi.

4) Phần kết luận: Tự hào về Nguyễn Trãi, học tập tấm gương danh nhân.

d) - Luận đề được nêu lên ở ngay câu đầu của bài viết. Đây cũng là quan điểm được khẳng định trong cả bài nghị luận.

- Ở phần 2 và 3 của bài viết, tác giả triển khai cụ thể các vấn đề được nêu lên trong luận đề. Luận điểm của phần 2 và 3 cũng được nêu lên ở ngay câu đầu các phần. Các luận điểm ở phần 2 và 3 đều là sự triển khai một cách cụ thể luận đề của bài viết.

- Các lí lẽ và bằng chứng được đề cập đến trong bốn phần của bài viết đều gắn bó với luận đề và các luận điểm được nêu trong cả bài nghị luận, giữa chúng có mối quan hệ mật thiết với nhau. Chúng đều có mục đích làm rõ luận đề, tạo thành một hệ thống và chỉnh thể thống nhất trong toàn bài.

e) Các câu biểu cảm trong bài sẽ giúp cho lập luận trở nên giàu sức thuyết phục hơn, bớt khô khan hơn và thể hiện một cách trực tiếp thái độ, tình cảm của tác giả.

Qua các lập luận và các câu biểu cảm, tác giả đã thể hiện sự khâm phục, ca ngợi, tự hào và cảm thông với số phận bi kịch của Nguyễn Trãi.

Xem thêm các bài giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 10 Cánh diều hay, chi tiết khác:


Giải bài tập lớp 10 Cánh diều khác