Tìm và nêu tác dụng của biện pháp chêm xen được sử dụng trong các câu sau

Câu 3 trang 17 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Tìm và nêu tác dụng của biện pháp chêm xen được sử dụng trong các câu sau:

a) Nguyễn Trãi là tác giả của “Dư địa chí”, một cuốn sách có giá trị về địa lí, lịch sử, kinh tế, chính trị của nước ta thời bấy giờ. (Phạm Văn Đồng)

b) Ngoài cửa sổ bấy giờ những bông hoa bằng lăng đã thưa thớt - cái giống hoa ngay khi mới nở, màu sắc đã nhợt nhạt. (Nguyễn Minh Châu)

c) Đã nhìn thấy cây đàn ấy thì phải đánh - đánh cái cuộc đời mình vào đấy - để rồi xem nó ra được thành tiếng gì. (Nguyễn Tuân)

d) Tôi để Vình, một tiểu đội trưởng trinh sát già dặn, ở lại đài quan sát rồi cùng các chiến sĩ bước theo ma xơ. (Vũ Cao Phan)

Trả lời:

a)

+ Xác định biện pháp chêm xen: “một cuốn sách có giá trị về địa lý, lịch sử, kinh tế, chính trị của nước ta thời bấy giờ”.

+ Phân tích tác dụng của biện pháp chêm xen: bổ sung ý nghĩa phụ chú cho cụm danh từ “Dư địa chí”. Nhờ thành phần chêm xen này mà người đọc hiểu thêm về giá trị của tác phẩm Dư địa chí trên nhiều phương diện của đời sống.

b)

+ Xác định biện pháp chêm xen có trong đoạn trích của tác giả Nguyễn Minh Châu: “cái giống hoa ngay khi mới nở, màu sắc đã nhợt nhạt”.

+ Phân tích tác dụng của biện pháp chêm xen: nhờ thành phần chêm xen nói trên mà ngôn ngữ miêu tả bông hoa bằng lăng mới trở nên hình tượng và đầy biểu cảm.

c)

+ Xác định biện pháp chêm xen có trong đoạn trích của tác giá Nguyễn Tuân: “đánh cái cuộc đời mình vào đấy”. ,

+ Phân tích tác dụng của biện pháp chêm xen: Nguyễn Tuân đã rất sáng tạo và tinh tế khi dùng biện pháp chêm xen để nhấn mạnh tính hình tượng và biểu cảm của tiếng đàn. Tiếng đàn không chỉ là thứ âm thanh vô hồn, vô cảm mà trong nó ẩn chưa những tiếng nói đồng điệu từ cuộc đời mỗi người.

d)

+ Xác định biện pháp chêm xen có trong đoạn trích của tác giả Vũ Cao Phan: “một tiểu đội trưởng trinh sát già dặn”.

+ Phân tích tác dụng của biện pháp chêm xen: thành phần chêm xen được nhà văn Vũ Cao Phan sử dụng trong đoạn trích có tác dụng nhấn mạnh hai thông tin quan trọng về nhân vật Vinh: về chức vụ (“một tiểu đội trưởng trinh sát”); về kinh nghiệm chiến trường (“già dặn”). Cách miêu tả nhân vật có sử dụng biện pháp chêm xen như trên đã làm cho câu văn trở nên có tính hình tượng và hàm chứa nhiều thông tin bổ sung mang màu sắc tu từ.

Xem thêm các bài giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 10 Cánh diều hay, chi tiết khác:


Giải bài tập lớp 10 Cánh diều khác