Phân tích các lỗi lặp từ, lặp nghĩa, lỗi dùng từ không hợp với phong cách ngôn ngữ

Câu 2 trang 35 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 1: (Bài tập 2, SGK) Phân tích các lỗi lặp từ, lặp nghĩa, lỗi dùng từ không hợp với phong cách ngôn ngữ trong các câu sau và sửa lại cho đúng:

a) Vở tuồng Nghêu, Sò, Ốc, Hến là một trong những tác phẩm tuyệt tác.

b) Mắc mưu Thị Hến, con đường hoạn lộ làm quan của Huyện Trìa thế là liệu có chấm hết?

c) Bạn ấy đại diện thay mặt cho những người có thành tích học tập xuất sắc nhất.

d) Đó là bức tối hậu thư cuối cùng mà cảnh sát đưa ra cho nhóm tội phạm đang lẩn trốn.

Trả lời:

a) Lỗi lặp từ, lặp nghĩa: “tác phẩm tuyệt tác” (“tuyệt tác” đã có nghĩa là tác phẩm hay nhất). Sửa lại: dùng “tuyệt tác” hoặc dùng “tác phẩm hay”.

b) Lỗi lặp từ, lặp nghĩa: “con đường hoạn lộ làm quan” (cả từ “con đường”, “hoạn lộ”, “làm quan” đều có nét nghĩa được lặp lại, giao nhau). Sửa lại: nên viết là “con đường làm quan”. Câu b còn mắc lỗi dùng từ không hợp với phong cách ngôn ngữ. Cách viết “thế là liệu có chấm hết” là cách diễn đạt của ngôn ngữ nói, không phù hợp với phong cách ngôn ngữ viết khoa học. Thay vì viết “thế là liệu có chấm hết” thì nên viết “liệu có chấm hết”, bỏ “thế là” vì mang sắc thái khẩu ngữ.

c) Lỗi lặp từ, lặp nghĩa: “đại diện thay mặt” (“đại diện” từ Hán Việt đã có nghĩa là “thay mặt” nên dùng “Bạn ấy đại diện thay mặt...” là lặp từ, lặp nghĩa). Sửa lại: “Bạn ấy thay mặt cho những người có thành tích học tập xuất sắc nhất” hoặc “Bạn ấy đại diện cho những người có thành tích học tập xuất sắc nhất”.

d) Lỗi lặp từ, lặp nghĩa: “bức tối hậu thư cuối cùng” (Ở đây, “tối hậu” đã có nghĩa là sau hết, cuối cùng nên dùng “bức tối hậu thư cuối cùng” là lặp nghĩa). Sửa lại: “bức tối hậu thư” hoặc “bức thư cuối cùng”.

Xem thêm các bài giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 10 Cánh diều hay, chi tiết khác:


Giải bài tập lớp 10 Cánh diều khác