Soạn bài Vợ nhặt (sách mới - siêu ngắn)

Tổng hợp soạn bài Vợ nhặt chương trình sách mới lớp 12 siêu ngắn. Mời các bạn đón đọc:

Vợ nhặt - lớp 11 Kết nối tri thức




Lưu trữ: Soạn bài Vợ nhặt (sách Văn 12 cũ)

Bài giảng: Vợ nhặt - Cô Thúy Nhàn (Giáo viên VietJack)

1. Tác giả

- Kim Lân (1920- 2007), tên khai sinh là Nguyễn Văn Tài, quê ở làng Phù Lưu, xã Tân Hồng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

- Năm 1944 ông tham gia Hội Văn hoá cứu quốc, sau đó liên tục Hoạt động văn nghệ phục vụ kháng chiến và cách mạng.

- Tác phẩm chính: Nên vợ nên chồng (tập truyện ngắn, 1955), Con chó xấu xí (tập truyện ngắn, 1962).

- Kim Lân là cây bút chuyên viết về truyện ngắn. Ông thường viết về nông thôn và người nông dân. Ông viết chân thật, xúc động về cuộc sống và người dân quê mà ông hiểu sâu sắc cảnh ngộ và tâm lí của họ - những con người gắn bó tha thiết với quê hương và cách mạng.

2. Tác phẩm

a. Xuất xứ.

- “Vợ nhặt” có tiền thân là "Xóm ngụ cư”, là truyện ngắn xuất sắc của Kim Lân được rút ra trong tập “Con chó xấu xí”(1962).

- Tác phẩm được viết ngay sau CMT8 thành công nhưng còn dang dở và mất bản thảo, khi hoà bình lập lại, dựa vào một phần cốt truyện, Kim Lân đã viết lại truyện ngắn này (1954).

b. Chủ đề: Phản ánh cuộc đời nghèo khổ và cơ cực, qua đó thể hiện khát vọng hạnh phúc gia đình của người nông dân Việt Nam năm 1945.

Câu 1 (trang 33 sgk Ngữ văn 12 Tập 2):

Tác phẩm gồm 4 đoạn chính:

- Đoạn 1: (từ đầu đến “Thị vẫn ngồi mớm ở mép giường, hai tay ôm khư khư cái thúng, mặt bần thần”): cảnh Tràng dẫn vợ về nhà.

- Đoạn 2: (tiếp theo đến “cùng đẩy xe bò về”): lí giải về việc Tràng nhặt được vợ.

- Đoạn 3: (tiếp theo đến “nước mắt cứ chảy xuống dòng dòng”): cuộc gặp gỡ giữa bà cụ Tứ và nàng dâu mới.

- Đoạn 4 (phần còn lại): buổi sáng hôm sau ở nhà Tràng.

Mạch truyện được dẫn dắt tự nhiên, khéo léo. Các cảnh được miêu tả trong truyện đều được xuất phát từ tình huống anh Tràng lấy được vợ giữa những ngày đói khủng khiếp.

Câu 2 (trang 33 sgk Ngữ văn 12 Tập 2):

- Người dân xóm ngụ cư ngạc nhiên khi thấy anh Tràng đi cùng với một người đàn bà lạ về nhà vì:

    + Người như Tràng mà có vợ.

    + Thời buổi đói khát ấy, người như Tràng, nuôi thân, nuôi mẹ chẳng xong mà còn dám đèo bòng vợ con.

Khổ nỗi, nếu không gặp hoàn cảnh đói khát như thế thì ai thèm lấy Tràng. Đau xót ở chỗ, đây không phải là vợ theo cung cách bình thường, có cưới hỏi đàng hoàng, mà đây là “vợ nhặt”.

- Tình huống éo le trên đã mở đầu cho sự phát triển của truyện và tác động đến diễn biến tâm trạng và hành động của các nhân vật trong tác phẩm.

- Xây dựng tình huống éo le như vậy, Kim Lân đã làm nổi bật được nhiều ý nghĩa cho tác phẩm của mình:

    + Tựa đề gây cho người đọc một sự chú ý đặc biệt. Người ta thường nói nhặt được vật này vật khác, chứ không ai nói “nhặt” được vợ hoặc chồng. Hơn nữa anh Tràng “nhặt” được vợ một cách dễ dàng.

    + Người dân lao động dù ở tình huống bi thảm đến đâu, dù kề bên cái chết vẫn khát khao hạnh phúc, vẫn tin vào cuộc sống và hi vọng vào tương lai.

    + Tố cáo tội ác của bọn Thực dân, Phát xít và tay sai vì chúng đã gây ra nạn đói khủng khiếp năm 1945. Trong cái đói ấy, con người vô cùng rẻ rúng. Người ta có thể có vợ theo chỉ nhờ mấy bát bánh đúc ngoài chợ.

Câu 3 (trang 33 sgk Ngữ văn 12 Tập 2):

- Ý nghĩa nhan đề:

    + “Vợ” là mối quan hệ đối với chồng phải qua cưới xin, người vợ có vị trí quan trọng trong gia đình.

    + “Nhặt”- nhặt được của rơi ngoài đường ngoài chợ.

    + Người ta hỏi vợ, cưới vợ, còn Tràng do nhặt nhạnh mà thành.

⇒ Đó là tình huống một anh nông dân tên là Tràng, xấu, nghèo xơ xác, lại là dân ngụ cư không ai thèm lấy, bỗng nhiên “nhặt” được vợ một cách dễ dàng ngay giữa đường giữa chợ trong vụ đói khủng khiếp ở nước ta vào tháng 3/1945.

⇒ Qua hiện tượng “nhặt được vợ” của Tràng, tác giả làm nổi bật tình cảnh và thân phận của người nông dân nghèo trong nạn đói khủng khiếp năm 1945. Đồng thời qua đó, cũng bộc lộ sự yêu thương, đùm bọc, sức mạnh hướng tới cuộc sống, tổ ấm, niềm tin của con người trong hoàn cảnh khốn cùng.

Câu 4 (trang 33 sgk Ngữ văn 12 Tập 2):

Niềm khát khao hạnh phúc gia đình được thể hiện hết sức chân thực và sâu sắc qua nhân vật Tràng.

- Hạnh phúc đến quá tình cờ khiến Tràng choáng váng. “Mới đầu anh chàng cũng chợn” nhưng ngay sau đó lại “tặc lưỡi một cái: – Chật, kệ!”. Tấm lòng thương người và sâu xa bên trong là niềm khao khát hạnh phúc, đã khiến Tràng dám liều lĩnh thách thức với cái đói.

- Trên đường về xóm ngụ cư. Niềm hạnh phúc bộc lỗ rõ nét mặt và cử chỉ của nhân vật: “Mặt hắn có một vẻ gì phớn phở…hai mắt thì sáng lên lấp lánh”.

    + Thấy bọn trẻ con chạy ra đón, “Tràng vội vàng nghiêm nét mặt, lắc đầu ra hiệu không bằng lòng”.

    + Biết mọi người trong xóm đang chăm chú nhìn mình, hắn thích ý và “cái mặt cứ vênh lên tự đắc với mình”; lúc chỉ có hai người trên quãng đường vắng.

    + Hắn cứ lúng ta lúng túng, tay nọ xoa xoa vào vai kia đi bên cạnh người đàn bà. Trong phút chốc, Tràng quên đi tất cả tăm tối, “trong lòng hắn bây giờ chỉ còn tình nghĩa…Một cái gì mới mẻ, lạ lắm chưa từng thấy ở người đàn ông nghèo khổ ấy”.

- Buổi sáng đầu tiên có vợ, Tràng biến đổi hẳn: “Hắn thấy bây giờ hắn nên người”. Tràng thấy có trách nhiệm và gắn bó với tổ ấm của mình: “Bỗng nhiên hắn cảm thấy yêu thương…lạ lùng”.

⇒ Con người trở nên trưởng thành hơn, sống trách nhiệm với những yêu thương, ước mong gắn bó, xây đắp hạnh phúc gia đình.

Câu 5 (trang 33 sgk Ngữ văn 12 Tập 2):

- Tâm trạng tinh tế, phức tạp của bà cụ Tứ được sau khi Tràng có vợ được miêu tả hết sức sinh động, tinh tế. Từ chỗ ngạc nhiên đến lo lắng, day dứt, băn khoăn rồi xót thương và cuối cùng vui vẻ chấp nhận... tất cả thể hiện tấm lòng bao dung, nhân hậu của người mẹ nghèo.

- Khi biết con có vợ theo về, tâm trạng của bà cụ Tứ diễn biến khá phức tạp, phong phú.

- Tràng lấy được vợ khiến bà cụ Tứ vô cùng ngạc nhiên. Việc xảy ra bà cụ không tin vào mắt mình, tai mình: “Bà lão hấp háy cặp mắt... Bà lão quay lại nhìn con tỏ ý không hiểu”.

- Khi hiểu ra, bà cụ Tứ mừng cho con, nhưng vừa thương, vừa tủi vừa lo cho con. Các tâm trạng đó cứ đan xen, xáo trộn. Bà khóc vì mừng nhưng cũng vì thương con, thương dâu. Nhưng đây cũng là người mẹ hiểu biết, từng trải: “Hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp con mình” và cảm thương người con dâu: “Có gặp bước đói khổ này người ta mới lấy đến con mình”.

Cái tủi hờn, lo lắng của bà cụ Tứ là ở chỗ bà nhận thấy bổn phận làm mẹ chưa tròn, không biết tương lai của con ra sao.

- Bà vui vì con bà đã có vợ, “Cái mặt bủng beo u ám của bà rạng rỡ hẳn lên”. Bà khuyên các con hướng đến tương lai tốt đẹp: “Rồi may ra ông giời cho khá . . . Ai giàu ba họ, ai khó ba đời?”

⇒ Tất cả những chi tiết ấy đã thể hiện tấm lòng thương con, thương dâu của bà mẹ nghèo nhưng có một tấm lòng nhân ái cảm động. Trong bức tranh xã hội xám ngắt ấy, bà cụ Tứ là một điểm sáng tươi đẹp.

Câu 6 (trang 33 sgk Ngữ văn 12 Tập 2):

Đặc điểm nghệ thuật truyện ngắn của Kim Lân:

- Cách tạo tình huống truyện độc đáo, tự nhiên, kết hợp nhuần nhuyễn hai yếu tố hiện thực và nhân đạo.

- Bút pháp phân tích tâm lí nhân vật tinh tế, sâu sắc.

- Nghệ thuật đối thoại, độc thoại nội tâm làm nổi rõ tâm lí của từng nhân vật.

- Ngôn ngữ kể chuyện phong phú, cách kể chuyện tự nhiên, gần gũi.

- Kết cấu truyện đặc sắc.

Câu 1 (trang 33 sgk Ngữ văn 12 Tập 2):

Tác phẩm có nhiều chi tiết rất thật, hiện lên dưới nhiều góc độ phong phú, nhiều sắc độ tình cảm. Chọn chi tiết gây xúc động và để lại ấn tượng nhất để phân tích.

Câu 2 (trang 33 sgk Ngữ văn 12 Tập 2):

- Đoạn kết của tác phẩm có ý nghĩa quan trọng trong việc thể hiện chủ đề, tư tưởng của tác phẩm.

    + Hình ảnh đoàn người đi phá kho thóc của Nhật và hình ảnh lá cờ đỏ của Việt Minh phấp phới bay trong đầu óc của Tràng đã khép lại câu chuyện.

    + Hình ảnh "đám người đói và lá cờ đỏ" hiện lên trong tâm trí Tràng vừa gợi ra cảnh ngộ đói khát thê thảm vừa gợi ra những tín hiệu của cuộc cách mạng, cả hai đều là những nét chân thực trong bức tranh đời sống lúc bấy giờ.

    + Kết thúc truyện góp phần thể hiện tư tưởng nhân đạo của Kim Lân: trân trọng niềm khát vọng sống ngay bên bờ vực cái chết của người lao động nghèo; niềm tin bất diệt vào tương lai tươi sáng.

    + Hình ảnh dùng để kết thúc truyện là triển vọng sáng sủa của hiện thực tăm tối.

    + Đây là kiểu kết thúc mở giúp thể hiện xu hướng vận động tích cực của cuộc sống được mô tả trong toàn bộ câu chuyện.

⇒ Kết thúc truyện Vợ nhặt phản ánh xu hướng vận động tất yếu của số phận con người, được thể hiện qua kết cấu đối lập hàm ý tương lai sẽ mở lối cho hiện tại.

Bài giảng: Vợ nhặt - Cô Vũ Phương Thảo (Giáo viên VietJack)

Xem thêm các bài soạn văn lớp 12 siêu ngắn gọn, hay khác:


Giải bài tập lớp 12 sách mới các môn học