Các dạng đề bài Hồn Trương Ba, da hàng thịt (chọn lọc, cực hay)
Tài liệu tổng hợp các dạng đề văn bài Hồn Trương Ba, da hàng thịt Ngữ văn lớp 12 chọn lọc, cực hay gồm các dạng đề đọc hiểu, đề văn phân tích, cảm nhận, nghị luận, ... xoay quanh tác phẩm Hồn Trương Ba, da hàng thịt. Hi vọng với các dạng đề văn bài Hồn Trương Ba, da hàng thịt này sẽ hỗ trợ Thầy/Cô tốt hơn trong quá trình giúp học sinh hiểu bài môn Ngữ văn 12 từ đó giúp các em ôn luyện để đạt điểm cao trong kì thi THPT Quốc gia môn Ngữ văn.
1. Dạng đề đọc – hiểu văn bản (3-4 điểm).
Câu 1: Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Hồn Trương Ba: (sau một lát) Ông Đế Thích ạ, tôi không thể tiếp tục mang thân anh hàng thịt được nữa, không thể được!
Đế Thích: Sao thế? Có gì không ổn đâu!
Hồn Trương Ba: Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn.
Đế Thích: Thế ông ngỡ tất cả mọi người đều được là mình toàn vẹn ư? Ngay cả tôi đây. Ở bên ngoài, tôi đâu có được sống theo những điều tôi nghĩ bên trong. Mà cả Ngọc Hoàng nữa, chính người lắm khi cũng phải khuôn ép mình cho xứng với danh vị Ngọc Hoàng. Dưới đất, trên trời đều thế cả, nữa là ông. Ông bị gạch tên khỏi sổ Nam Tào. Thân thể thật của ông đã tan rữa trong bùn đất, còn chút hình thù gì của ông đâu!
Hồn Trương Ba: Sống nhờ vào đồ đạc, của cải người khác, đã là chuyện không nên, đằng này đến cái thân tôi cũng phải sống nhờ anh hàng thịt. Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết!
(Ngữ văn 12, tập hai, NXB Giáo dục – 2008, tr.149)
a. Đoạn trích trên được trích từ tác phẩm nào? Thuộc thể loại nào? Giới thiệu vài nét về thể loại đó.
* Gợi ý trả lời
Đoạn trích trên được trích từ tác phẩm "Hồn Trương Ba, da hàng thịt"
- Tác phẩm được viết theo thể loại kịch.
- Kịch là một trong ba phương thức phản ánh hiện thực bằng hình tượng (trữ tình, tự sự, kịch) và là một trong bốn loại thể cơ bản của văn học (thơ, kí, truyện, kịch).
● Kịch phản ánh cuộc sống bằng việc khám phá, phát hiện những mâu thuẫn, xung đột trong đời sống thực tại rồi diễn đạt bằng hành động và ngôn ngữ đối thoại giữa các nhân vật
b. Thái độ của Hồn Trương Ba trước vấn đề Tôi muốn được là tôi toàn vẹn. được thể hiện như thế nào? Nêu cảm nhận về vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật Hồn Trương Ba.
* Gợi ý trả lời
- Trước vấn đề Tôi muốn được là tôi toàn vẹn., Trương Ba thể hiện thái độ kiên quyết chối từ. Trong lời thoại của Hồn Trương Ba, ta thấy lặp đi lặp lại điệp khúc phủ định lối sống vay mượn thân xác của người khác: không thể, không thể, không thể. Mặt khác, ông còn thẳng thắn chỉ ra sai lầm của Đế Thích: “Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết!”.
- Thái độ kiên quyết từ chối cảnh sống “bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo”, sống nhờ thân xác của ngƣời khác cho thấy tâm hồn trong sạch, ngay thẳng, tự trọng của Hồn Trương Ba.
Câu 2: Chủ đề của vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” của Lưu Quang Vũ
* Gợi ý trả lời
Chủ đề của Hồn Trương Ba, da hàng thịt: Quan niệm cao đẹp về cách sống: Hãy sống chân thật với chính mình, phải biết đấu tranh với nghịch cảnh, với chính bản thân, chống lại sự dung tục để hoàn thiện nhân cách và vươn tới những giá trị tinh thần cao quý.
2. Dạng đề viết bài văn ( 4-6 điểm)
Đề 1: Em hãy phân tích nội dung chính vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt của nhà văn Lưu Quang Vũ.
* Gợi ý trả lời
a) Mở bài:
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm:
+ Lưu Quang Vũ (1948 – 1988), ông sinh ra ở Phú Thọ, là con trai của nhà viết kịch Lưu Quang Thuận. Ông là một con người tài năng đa dạng nhưng gặp nhiều bất hạnh. Ông đã mất trong một vụ tai nạn giao thông khi sự nghiệp đang nở rộ.
+ “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” là một trong tác phẩm xuất sắc nhất của ông và đã đưa tên tuổi của ông nổi tiếng hơn nữa.
b) Thân bài: Phân tích vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt
+) Cuộc đối thoại giữa hồn Trương Ba và xác anh hàng thịt
- Hồn Trương Ba:
+ Cho rằng mình vẫn có một đời sống nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn.
+ Xem xác chỉ là cái vỏ bên ngoài, âm u, đui mù, không có ý nghĩa gì hết, không có tư tưởng, không có cảm xúc, nếu có thì chỉ là những thứ thấp kém. Hồn Trương Ba phủ nhận vai trò của xác anh hàng thịt.
+ Thái độ: từ chối quả quyết, mạnh mẽ sang ấp úng, bịt tai lại, tuyệt vọng.
- Xác anh hàng thịt:
+ Cho rằng hồn Trương Ba không thể tách khỏi xác anh hàng thịt, mọi việc làm, hành động của hồn Trương Ba đều chịu sự chi phối của xác anh hàng thịt.
+ Thái độ: từ giễu cợt sang quả quyết, mạnh mẽ, lấn át và cuối cùng thắng thế.
- Kết quả: phần thắng thuộc về xác anh hàng thịt.
=> Cuộc đấu tranh giữa phần con và phần người, giữa đạo đức và tội lỗi, giữa khát vọng và dục vọng.
+) Cuộc đối thoại giữa hồn Trương Ba và những người thân trong gia đình
- Hồn Trương Ba: cho rằng mình vẫn có một đời sống riêng, nguyên vẹn, trong sạch và thẳng thắn.
- Những người thân trong gia đình:
+ Vợ Trương Ba: đau đớn, khóc lóc, nhận ra Trương Ba không còn là Trương Ba của ngày xưa, “ông đâu còn là ông”.
+ Cháu gái: giận dữ, quyết liệt, phản đối nhất mực, cho rằng ông mình đã chết mà thay vào đó là một Trương Ba vô cùng vụng về, thô lỗ, phũ phàng.
+ Con dâu: cảm thông, chia sẻ và yêu thương với ông nhưng vẫn thấy không còn nhận ra Trương Ba của trước đây nữa.
-> Mỗi người trong gia đình ở một vị trí, một thái độ khác nhau nhưng đều có điểm chung là thấy Trương Ba đã thay đổi, không còn nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn.
- Kết quả: Trương Ba vỡ lẽ, nhận ra sự thay đổi của bản thân và sự lấn át của phần xác đối với phần hồn trong ông.
=> Mâu thuẫn kịch lên đến đỉnh điểm.
+) Cuộc đối thoại giữa Trương Ba với Đế Thích, quyết định cuối cùng của hồn Trương Ba
- Sự giác ngộ về ý thức:
+ Con người sống cần có sự hài hòa giữa thể xác và tâm hồn, cần được sống là chính mình và cần phải sống có ý nghĩa.
+ Không được bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được: “Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”.
+ “Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết”.
+ “Không thể sống với bất cứ giá nào được. Có những cái giá quá đắt, không thể trả được tâm hồn tôi lại trở lại thanh thản, trong sáng như xưa”.
- Hành động mang tính bước ngoặt của Trương Ba:
+ Trả lại xác cho anh hàng thịt còn Trương Ba sẽ chết.
+ Phép thử của Đế Thích (Trương Ba nhập vào xác cu Tị): Trương Ba đã để cho cu Tị sống còn mình thì chết.
=> Một quyết định đầy khó khăn nhưng hết sức đúng đắn.
=> Đoạn kết có ý nghĩa rất to lớn nó có tác dụng thúc đẩy ý chí nhận thức của con người về cách sống để tránh làm cho tâm hồn của mình bị tổn thương, không hoán đổi thân xác và sống nhờ vào thân xác của người khác. Được sống làm người quý giá thật nhưng được sống đúng mình, sống trọn vẹn những giá trị mình vốn có và theo đuổi còn quý giá hơn.
* Đặc sắc nghệ thuật:
- Sáng tạo cốt truyện dân gian.
- Nghệ thuật tạo tình huống, tạo xung đột kịch
- Nghệ thuật diễn tả hành động nhân vật, dựng lời thoại
- Đối thoại kịch đậm chất triết lí, giàu kịch tính
- Độc thoại nội tâm
c) Kết bài
- Khái quát lại giá trị nội dung và nghệ thuật của vở kịch
- Nêu cảm nhận hoặc ý kiến của mình về tác phẩm.
Đề 2: Phân tích cuộc đối thoại giữa Trương Ba và xác Hàng Thịt trong vở kịch “Hồn trương ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ”.
* Gợi ý trả lời
1. Mở bài:
- Khái quát: Lưu Quang Vũ là được mệnh danh là “cây bút vàng” của sân khấu Việt Nam những năm 80 của thế kỷ 20. Vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” được viết năm 1981, và là vở kịch nói đầu tiên mang ra nước ngoài công diễn. Bằng ngòi bút giàu chất triết lý, Lưu Quang Vũ đã thổi vào tích xưa một luồng gió mới. Kịch bản của ông không đơn thuần là chuyện vay mượn xác – tái sinh. Đặt vấn đề về lẽ sống con người qua nỗi khổ “bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo”, qua mâu thuẫn giữa tâm hồn (thanh cao) và thể xác (phàm tục), vở kịch mang chứa những triết lý nhân sinh. “Tôi muốn là tôi toàn vẹn”, bởi sống nhờ, sống giả, sống không phải là mình, đó là bi kịch đau đớn nhất của con người.
2. Thân bài:
- Màn đối thoại giữa hồn Trương Ba và xác Hàng Thịt
a. Hồn Trương Ba:
- Tâm thế của hồn Trương Ba trong cuộc đối thoại: Lời thoại của Hồn Trương Ba ở đầu đoạn trích đã bộc lộ rõ tâm trạng vừa chán ngán, vừa sợ hãi cái thân xác mà ông đang vay mượn: “Tôi chán cái chỗ không phải của tôi này lắm rồi, chán lắm rồi! Cái thân thể kềnh càng thô lỗ này, ta bắt đầu sợ mi, ta muốn rời xa mi ngay tức khắc! Nếu cái hồn của ta có hình thù riêng nhỏ, để nó tách ra khỏi cái xác này, dù chỉ một lát!”.
=> Ước muốn của Hồn Trương Ba đã được thỏa nguyện. Sự phân tách và đối đầu giữa Hồn Trương Ba và Xác hàng thịt trước hết có thể hiểu là sự tranh cãi quyết liệt giữa một bên là Hồn Trương Ba (tượng trưng cho sự cao khiết, cho đạo đức, cho “phần Người” chân chính của mỗi con người) và một bên là Xác hàng thịt (tượng trưng cho bản năng, cho những ham muốn trần tục, là “phần Con” tầm thường ẩn nấp trong mỗi con người).
- Nội dung lời nói của Hồn Trương Ba:
+ Hồn có cơ hội bày tỏ tâm trạng uất ức, tức giận vì phải chung sống với Xác thô lỗ, tầm thường, dung tục. Hồn cũng không che giấu sự coi thường, khinh bỉ đối với Xác, “kẻ âm u đui mù, không cảm xúc, không tư tưởng, không có tiếng nói”...; kẻ có nhu cầu vật chất thấp kém gần với con thú (thèm ăn ngon, thèm rượu thịt), sức mạnh thể chất gắn với sự tàn bạo…
+ Hồn cũng phủ nhận sự lệ thuộc của linh hồn vào xác thịt, khẳng định linh hồn có đời sống riêng: “nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn”…
=> Tưởng rằng, Hồn sẽ phần nào giải tỏa được nỗi đau khổ bị dồn nén bấy lâu khi có cơ hội cất lên tiếng nói của mình.
b. Xác hàng thịt:
- Tâm thế của xác hàng thịt trong cuộc đối thoại: Xác không bị động, nhún nhường. Ngược lại, Xác có thái độ khi thì ngạo nghễ, thách thức, khi thì ranh mãnh với những câu hỏi mang tính phản biện đầy bỡn cợt, châm chọc.
- Nội dung lời nói của Xác hàng thịt:
+ Xác âm u, đui mù nhưng có thể lấn át, sai khiến, thậm chí đồng hóa linh hồn cao khiết. Hồn không thể còn nguyên vẹn, trong sạch, khi phải chung sống và chiều theo những đòi hỏi của xác thịt dung tục (Hồn Trương Ba đã có cảm giác xao xuyến, khao khat khi đứng bên vợ hàng thịt, đến nỗi chân tay run rẩy, hơi thở nóng rực, cổ nghẹn lại, đã có cảm xúc lâng lâng trước các món ăn mà ông cho là dung tục như tiết canh, cổ hũ, khấu đuôi, đã sử dụng vũ lực mà ông cho là tàn bạo để tát thằng con toé máu mồm, máu mũi… Rõ ràng, Hồn Trương Ba đã nhiễm những thói hư tật xấu của xác hàng thịt).
=> Như vậy, Hồn Trương Ba đau đớn, dằn vặt, khao khát khẳng định mình vẫn là mình, nhưng cuối cùng phải thừa nhận rằng, mình đang sống nhờ thể xác kẻ khác và bị thể xác đó điều khiển, dẫn đến sự tha hoá không có cách gì chuyển biến được. Bi kịch của Hồn Trương Ba, vì thế, không những không được giải tỏa, mà còn trở nên đau đớn, xót xa hơn.
+ Trước đó, Hồn Trương Ba cho mình là cao khiết và coi thường, khinh bỉ Xác hàng thịt, thậm chí uất ức vì phải chung sống với Xác HT. Nhưng Xác hàng thịt đã chỉ ra thói hư tật xấu trong Hồn Trương Ba “Những vị lắm chữ nhiều sách như các ông cứ vin vào cớ linh hồn là quý, khuyên con người ta sống vì phần hồn để rồi bỏ bê thân xác mãi khổ sở nhếch nhác” và “làm xong điều xấu gì, ông cứ việc đổ tội cho tôi, để ông được thanh thản. Tôi biết: cần phải để cho tính tự ái của ông được ve vuốt. Tâm hồn là thứ lắm sĩ diện” . Đồng thời, Xác hàng thịt đã bày tỏ những bất công mà mình phải gánh chịu khi sống với linh hồn Trương Ba: bị xúc phạm, bị bỏ bê nhếch nhác, khổ sở…vì những lý do không chính đáng.
=> Những lý lẽ và dẫn chứng mà Xác hàng thịt đưa ra khiến Hồn Trương Ba không thể phủ nhận được.
c. Ý nghĩa:
Cuộc đối thoại căng thẳng, quyết liệt giữa hồn và xác mang ý nghĩa sâu sắc.
+ Trước hết, ở góc độ Hồn Trương Ba, ta nhận ra khát vọng sống cao thượng, thánh thiện của con người, khi bị những cám dỗ vật chất phàm tục làm cho tha hoá, biến chất.
+ Ở góc độ Xác hàng thịt, ta nhận ra những nếp nghĩ sai lầm của con người: đó là thói quen đề cao tinh thần mà coi thường vật chất, tự ru ngủ mình trong những giấc mơ cao thượng mà quên đi rằng, cần phải thiết lập mối quan hệ hoà hợp, gắn bó giữa chúng.
=> Như vậy, Hồn và Xác là những ẩn dụ nghệ thuật lớn, và cuộc đối thoại giữa Hồn và Xác là một tình huống kịch đặc sắc, tô đậm bi kịch “bên ngoài một đằng, bên trong một nẻo”, sự thiếu hài hòa, không thống nhất trên các phương diện: linh hồn và thể xác, vật chất và tinh thần, nội dung và hình thức, bản năng và lý tưởng, cao cả và tầm thường...ở mỗi con người.
- Kết thúc cuộc đối thoại, Hồn Trương Ba dằn vặt, đau đớn, hoang mang, tuyệt vọng trở về cuộc sống trái với chính mình. Chi tiết “Hồn Trương Ba bần thần nhập lại vào xác hàng thịt, ngồi lặng lẽ bên chõng” diễn tả cô đọng tính chất căng thẳng của xung đột kịch: mâu thuẫn không những không được giải quyết mà còn được đẩy lên đến một mức cao hơn.
3. Kết bài:
- Đặc sắc nghệ thuật: Hồn Trương Ba, da hàng thịt” là vở bi kịch đặc sắc trên nhiều phương diện: Sự kết hợp giữa nội dung hiện thực với yếu tố kì ảo, nghệ thuật tạo tình huống và dẫn dắt xung đột kịch, sắc thái đa dạng của lời thoại khiến cho tâm lí nhân vật được phơi trải, sát với đặc trưng thể loại, ngôn ngữ kịch giàu chất triết lí, giọng điệu tranh biện độc đáo.
- Ý nghĩa triết lý về đạo đức và nhân sinh.
Đề 3. Phân tích màn đối thoại giữa Hồn Trương Ba và Đế Thích trong vở kịch “Hồn Trương Ba,da hàng thịt” của Lưu Quang Vũ.
* Gợi ý trả lời
1. Mở bài:
– Tác giả Lưu Quang Vũ (một nhà soạn kịch tài năng, một hiện tượng đặc biệt của sân khấu kịch trường những năm tám mươi của thế kỉ XX)
– Hoàn cảnh sáng tác Hồn trương ba, da hàng thịt (ra đời năm 1981)
– Đưa ra nhận xét chung về màn đối thoại giữa hồn Trương Ba và Đế Thích
2. Thân bài:
a. Hoàn cảnh dẫn đến cuộc đối thoại:
- Sau ba tháng ngụ cư trong xác hàng thịt, Trương Ba ngày càng trở nên xa lạ với chính mình và với người thân, bị người thân nghi ngờ, xa lánh.
- Trong tâm trạng đau đớn, chán chường trước cuộc sống không thật là mình, trước cái chỗ ở không phải của mình, Hồn Trương Ba khao khát tách xa, rời khỏi thể xác thô lỗ: “Ta chỉ muốn rời xa mi tức khắc!”.
b. Diễn biến cuộc đối thoại:
- Trương Ba nêu rõ nguyện vọng muốn được là mình toàn vẹn. Đế Thích không thể thỏa mãn được ý muốn của Trương Ba vì xác của Trương Ba đã tan rữa trong bùn đất; Đế Thích khuyên Trương Ba nên chấp nhận hoàn cảnh thực tại vì thế giới vốn không toàn vẹn.
- Trương Ba thẳng thắn chỉ ra sai lầm của Đế Thích; trình bày quan niệm của mình về ý nghĩa của cuộc sống và dứt khoát xin trả lại thân xác cho anh hàng thịt.
- Đế Thích muốn sửa sai bằng một giải pháp khác là cho hồn Trương Ba nhập vào xác cu Tị và đưa ra những lí lẽ để thuyết phục Trương Ba. Trương Ba tưởng tượng thấy bao nhiêu rắc rối khi phải sống nhờ trong thể xác cu Tị.
- Trương Ba kiên quyết từ chối tái sinh trong thân thể non nớt của cu Tị, không chấp nhận cảnh sống giả tạo; kêu gọi Đế Thích sửa sai bằng một việc làm đúng, đó là cho cu Tị được sống lại. Đế Thích cuối cùng đã thuận theo đề nghị của Trương Ba, làm phép cho anh hàng thịt, cu Tị sống lại và Trương Ba thì chết hẳn.
Ý nghĩa của triết lý “hãy sống là chính mình” mà tác Lưu Quang Vũ muốn thể hiện
- Muốn sống đúng là chính mình thì mỗi chúng ta cần phải biết hài hòa giữa việc chăm lo cho linh hồn cũng như biết quý trọng và chăm sóc cho những nhu cầu thiết yếu của thể xác.
- Một loại chỉ biết trau chuốt vẻ ngoài và chạy theo những ham muốn vật chất mà không chăm lo cho đời sống tâm hồn.
=> Thông qua xác và hồn Lưu Quang Vũ nêu cao tư tưởng phải sống là chính mình đó mới chính là hạnh phúc thật sự của con người.
Triết lí nhân sinh từ cuộc đối thoại:
- Linh hồn và thể xác là hai mặt tồn tại không thể thiếu trong một con người, cả hai đều đáng trân trọng. Một cuộc sống đích thực chân chính phải có sự hài hòa giữa linh hồn và thể xác
.- Tác giả một mặt phê phán những dục vọng tầm thường, sự dung tục của con người, mặt khác ông vạch ra quan niệm phiến diện, xa rời thực tế khi coi thường giá trị vật chất và những nhu cầu của thể xác.
- Con người cần có sự ý thức chiến thắng bản thân, chống lại những nghịch cảnh số phận, chống lại sự giả tạo để bảo vệ quyền sống đích thực và khát vọng hoàn thiện nhân cách
3. Kết bài:
Lưu Quang Vũ đã thể hiện những tình huống truyện độc đáo, qua những mâu thuẫn sâu sắc xuất hiện mà khắc họa rõ nét khát vọng sống là chính mình của nhân vật Hồn Trương Ba.
Đề 4: Phân tích cuộc đối thoại giữa hồn Trương Ba và người thân trong vở kịch “Hồn Trương Ba,da hàng thịt” của Lưu Quang Vũ.
* Gợi ý trả lời
I. Dàn ý
1. Mở bài:
- Giới thiệu tác giả Lưu Quang Vũ
- Giới thiệu tác phẩm "Hồn Trương Ba, da hàng thịt"
2. Thân bài:
- Hồn Trương Ba: Bản thân vẫn có một đời sống riêng, nguyên vẹn, trong sạch và thẳng thắn.
- Người trong gia đình:
+) Vợ: đau đớn, khóc lóc, nhận ra không còn là chồng mình của ngày xưa.
+) Cháu gái tỏ rõ sự giận dữ, quyết liệt phản đối cho rằng ông mình đã chết.
+) Con dâu: dù có cảm thông, chia sẻ nhưng không còn nhận ra bố chồng mình của trước đây.
=> Tuy mỗi người trong gia đình có ý nghĩa khác nhau nhưng đều có điểm chung là Trương Ba đã thay đổi.
=> Đỉnh điểm của mâu thuẫn được đẩy lên.
3. Kết bài:
- Tác giả
- Tác phẩm
- Giá trị nội dung và nghệ thuật
- Bài học cho bản thân: Sống là chính mình, không chạy theo những lợi ích trước mắt mà quên đi mục đích ban đầu.
Đề 5: Phân tích nhân vật Trương Ba trong “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”
* Gợi ý trả lời
1. Mở bài:
- Giới thiệu nhân vật:
- Trong suốt sự nghiệp sáng tác của mình, ông đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị, tiêu biểu nhất trong số đó có thể kể đến vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt. Thông qua câu chuyện về bi kịch của Trương Ba, tác giả Lưu Quang Vũ đã thể hiện được nhiều quan niệm nhân sinh sâu sắc về cuộc đời, con người.
2. Thân bài:
- Câu chuyện xoay quanh bi kịch của Trương Ba khi bị chết oan, để tiếp tục sống thì buộc ông phải sống trong thân xác của người hàng thịt.
- Người hàng thịt tuy chỉ là thể xác âm u đui mù nhưng lại có những nhu cầu riêng, tính cách riêng và có sức mạnh để thực hiện những nhu cầu của mình.
–> từ khi sống trong thân xác của người hàng thịt, Trương Ba dần thay đổi trong mắt của mọi người.
- Trương Ba đã bị cái xác chi phối, dần trở thành con người vụng về, thô tục với những ham muốn tầm thường, dần trở nên thô lỗ.
- Trương Ba không còn quan tâm đến hàng xóm láng giềng.
- Những thay đổi của Trương Ba đã khiến cho người thân thất vọng, bản thân Trương Ba cũng nhận thấy sự đổi khác của mình.
- Trương Ba bất lực trong việc kiểm soát hành động và những suy nghĩ không đúng đắn của bản thân.
- Dù cố gắng giải quyết nhưng ông vẫn đau khổ vì không thể phủ nhận rằng mình đang dần đánh mất chính mình.
- Trương Ba đã quyết định lựa chọn cái chết để trả lại xác người hàng thịt cho người hàng thịt, để bản thân được sống trọn vẹn , thống nhất.
3. Kết bài:
- Thông qua nhân vật Trương ba cùng bi kịch sống bên ngoài một đằng, bên trong một nẻo, tác giả Lưu Quang Vũ đã thể hiện sự trăn trở về mối quan hệ giữa thể xác và tâm hồn, giữa nhu cầu vật chất và nhu cầu tinh thần. Để sống hạnh phúc, con người cần dung hòa được các nhu cầu ấy.
Đề 6: Giá trị nhân văn cao cả trong vở kịch “Hồn trương Ba, da hàng thịt” của Lưu Quang Vũ.
* Gợi ý trả lời
I. Mở bài:
Lưu Quang Vũ không chỉ trở thành hiện tượng đặc biệt của sân khấu kịch trường những năm 80 của thế kỉ XX mà còn được là một trong những nhà soạn kịch tài năng nhất của nền văn học nghệ thuật Việt Nam hiện đại. Hồn Trương Ba, da hàng thịt là một trong những vở kịch đặc sắc nhất của ông. Kịch Lưu Quang Vũ giàu giá trị nhân văn. Đoạn trích trong cảnh VII (Hồn Trương Ba, da hàng thịt) thể hiện rõ điều đó.
II. Thân bài
1. Giá trị nhân văn trong tác phẩm văn học:
Nhân văn có nghĩa là những vẻ đẹp vốn có ở con người. Những biểu hiện của giá trị nhân văn trong tác phẩm văn học:
– Miêu tả chân thực cuộc sống, tâm hồn, tư tưởng và tình cảm của con người.
– Khẳng định và ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp của con người
– Đề cao khát vọng hạnh phúc..
– Lên án những thế lực tàn ác chà đạp lên quyền sống của con người, phá vỡ hạnh phúc tự do vốn có của con người.
Một tác phẩm có giá trị nhân văn là tác phẩm thể hiện con người với những nét đẹp của nó. Đặc biệt là những giá trị tinh thần như trí tuệ, tâm hồn, tình cảm, phẩm cách, hướng đến sự khẳng định và đề cao vẻ đẹp của con người. Tính nhân văn chính là thước đo giá trị văn học của mọi thời đại và nó được thể hiện trong mọi lĩnh vực của đời sống con người.
2. Giá trị nhân văn trong đoạn trích “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”:
– Hoàn cảnh trớ trêu của hồn Trương Ba, khi phải sống nhờ thân xác anh hàng thịt.
– Khắc họa tâm trạng đau đớn, day dứt của hồn Trương Ba khi không được sống là mình.
3. Ý nghĩa giá trị nhân văn trong đoạn trích:
– Lưu Quang Vũ đã khẳng định, tôn trọng cái cá thể, khẳng định vị trí, vai trò của cá nhân trong xã hội.
– Trân trọng những phẩm chất tốt đẹp của nhân vật Trương Ba.
– Đồng cảm với nỗi khổ đau và những mâu thuẫn, dằn vặt của nhân vật.
– Tác giả đã tranh đấu để nhân cách con người ngày càng hoàn thiện.
III. Kết luận:
Đoạn trích buộc người đọc (người xem) phải suy nghĩ để sống tốt hơn. Đó là ý nghĩa nhân văn sâu sắc của tác phẩm. Khát vọng sống là chính mình của Hồn Trương Ba là khát vọng chính đáng, cần được tôn trọng và phát huy trong đời sống. Tác giả Lưu Quang Vũ đã chọn được một đề tài vừa mang tính thời sự, vừa có ý nghĩa nhân sinh sâu sắc. Từ đó tác giả đã nêu lên được một triết lý sống đẹp đẽ đối với mọi thời đại.
Đề 7: So sánh cách nhìn nghệ thuật của hai nhân vật: Phùng trong "Chiếc thuyền ngoài xa" và Vũ Như Tô trong "Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài"
* Gợi ý trả lời
I. Mở bài
- Giới thiệu vài nét cơ bản về tác giả và tác phẩm.
II. Thân bài
* Phân tích nhân vật Phùng
- Phùng là người yêu nghề, có trách nhiệm với nghề
+ Anh đã phục kích mấy buổi sáng mà chưa chụp được bức ảnh nào.
+ Sau gần một tuần lễ suy nghĩ, tìm kiếm anh mới chụp được bức ảnh ưng ý.
+ Phùng không đơn giản, qua loa với công việc mà anh luôn hết lòng vì công việc.
- Phùng là một nghệ sĩ tài năng:
+ Anh đã phát hiện bức tranh thiên nhiên giàu giá trị nghệ thuật:
++ Trước mặt Phùng là một khung cảnh thiên nhiên như “bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ”.
++ “Mũi thuyền in một nét mơ hồ loè nhoè vào bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng của mặt trời chiếu vào”.
++ “Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng trên chiếc mui khum khum, đang hướng mặt vào bờ”.
++ Khung cảnh được nhìn qua những cái mắt lưới và tấm lưới giữa hai chiếc gọng vó giống hệt “cánh một con dơi”, đẹp từ đường nét đến ánh sáng. Phùng là người nghệ sĩ săn tìm cái đẹp. Anh thực sự biết quan sát bằng đôi mắt tinh tường, “nhà nghề” để lựa chọn cái đẹp hài hoà giữa thiên nhiên, cảnh vật, con người – vẻ đẹp mà cả đời bấm máy anh chỉ gặp một lần.
- Phùng là người nghệ sĩ thật sự rung cảm trước cái đẹp:
+ Cái đẹp đã làm Phùng xúc động và nhận ra sự rung cảm của tâm hồn mình.
++ Anh liên tưởng tới câu nói của ai đó “ bản thân cái đẹp chính là đạo đức”.
++ Và tưởng chính mình vừa khám phá “cái chân lí của sự hoàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn”. Người nghệ sĩ cảm thấy hạnh phúc khi khám phá và sáng tạo, khi cảm nhận cái đẹp hài hoà, lãng mạn giữa thiên nhiên và cuộc đời. Trong hình ảnh “chiếc thuyền ngoài xa” giữa biển trời mờ sương, Phùng đã cảm nhận cái đẹp toàn bích và thấy tâm hồn mình như được gột rửa, trở nên trong trẻo, tinh khôi. Từ đây, ta thấy người nghệ sĩ phải là người phát hiện và mang cái đẹp đến cho đời.
- Phùng là người có tấm lòng nhân hậu:
+ Chưa thỏa thuê ngắm bức ảnh “chiếc thuyền ngoài xa” thì ngay lúc ấy, chiếc thuyền đâm thẳng vào nơi Phùng đứng.
+ Người nghệ sĩ đã tận mắt chứng kiến: từ chiếc thuyền ngư phủ đẹp như mơ bước ra một người đàn bà xấu xí, một lão đàn ông thô kệch, dữ dằn, đánh vợ như một phương cách để giải tỏa những uất ức, khổ đau… Đây là hình ảnh đằng sau cái đẹp “toàn bích, toàn thiện” mà anh vừa bắt gặp trên biển. Nó hiện ra bất ngờ, trớ trêu như trò đùa quái ác của cuộc sống.
+ Chứng kiến cảnh ấy, Phùng đã “kinh ngạc đến mức (…) há mồm ra mà nhìn” rồi sau đó thì “vứt chiếc máy ảnh xuống đất, chạy nhào tới”. Nhưng anh chưa kịp xông ra thì thằng Phác (con lão đàn ông) đã kịp tới để che chở cho người mẹ .
+ Đến lần thứ hai, bản chất người lính ở người nghệ sĩ được thể hiện. Anh xông ra buộc lão đàn ông phải chấm dứt hành động độc ác … Hành động của Phùng cho thấy anh không thể làm ngơ trước sự bạo hành của cái ác. Hoá ra đằng sau cái đẹp “toàn bích, toàn thiện” mà anh vừa bắt gặp trên mặt biển xa lại chẳng phải là “đạo đức”, là “chân lí của sự toàn thiện” mà nó là những ngang trái, xấu xa, những bi kịch còn tồn tại trong cuộc sống.
- Phùng luôn ý thức để hoàn thiện nhân cách:
+ Tận mắt chứng kiến vẻ đẹp của bức ảnh “chiếc thuyền ngoài xa”, cảnh người đàn ông đánh vợ và khi lắng nghe câu chuyện của người đàn bà ở tòa án (vì tình thương con, vì ý thức phải sống cho con, vì mong nuôi con cho đến khi khôn lớn mà chị chấp nhận gánh lấy cái khổ), Phùng nhận thức rất nhiều điều qua các cảnh ấy.
+ Đằng sau bức ảnh như “bức tranh mực tàu của một danh hoạ thời cổ” là những điều nghịch lý trong cuộc sống đời thường với biết bao số phận, bao mảnh đời éo le.
+ Để Phùng chứng kiến hành động vũ phu của người chồng, Nguyễn Minh Châu muốn phê phán tình trạng bạo lực trong gia đình, một mảng tối của xã hội đương đại.
+ Phùng đã hiểu về người đàn bà hàng chài kia: Ẩn bên trong sự xấu xí, nhẫn nhục là vẻ đẹp tình mẫu tử đầy vị tha, là khát khao hạnh phúc bình dị đời thường của người phụ nữ còn đói nghèo, lạc hậu.
+ Nỗi trăn trở của Phùng trong nhiều năm dài về hình ảnh người đàn bà hàng chài cứ hiện ra sau mỗi lần anh ngắm bức ảnh “chiếc thuyền ngoài xa” chính là quá trình tự ý thức của Phùng để hoàn thiện nhân cách của mình.
*Liên hệ nhân vật Vũ Như Tô
- Vũ Như Tô được biết đến qua đoạn trích Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài là một kiến trúc sư thiên tài và khát vọng nghệ thuật siêu phàm, bị hôn quân Lê Tương Dực bắt xây dựng Cửu Trùng Đài để làm nơi hưởng lạc, vui chơi với các cung nữ. Nhưng ông là một nghệ sĩ có nhân cách và có lý tưởng nghệ thuật hết sức cao đẹp, không phải là người ham sống sợ chết hay chỉ vì chút công danh mà phải bán thân mình cho nghệ thuật. Lúc đầu, ông nhất định thà chết chứ không xây dựng Cửu Trùng Đài cho tên vua bạo ngược, nhưng khi nhận ra giá trị nghệ thuật để lại cho đời thì ông lại quên mất một thực tế là dân chúng đang đói khổ.
- Cửu Trùng Đài càng xây cao bao nhiêu thì mồ hôi, nước mắt và cả máu xương của nhân dân ngày càng tăng lên bấy nhiêu. Vũ Như Tô càng quyết tâm xây dựng Cửu Trùng Đài thì các mâu thuẫn ngày càng theo đó mà khó giải quyết và Đan Thiềm càng khuyến khích Vũ Như Tô xây Cửu Trùng Đài thì xung đột giữa người nông dân và con người nghệ thuật ngày càng tăng cao. Có thể nói đó là một khát vọng hết sức chân chính nhưng nó được đặt không đúng chỗ , không kịp thời, không tính đến giá trị cuộc sống thì nghiễm nhiên chính nó sẽ tự trở thành tai họa. Trong việc xây dựng Cửu Trùng Đài, Vũ Như Tô vừa là phạm nhân và cũng vừa là nạn nhân. Diễn biến mâu thuẫn trong con người Vũ Như Tô và Đan Thiềm mặc dù được giải quyết nhưng không được thỏa đáng. Vũ Như Tô bị giết mặc dù trong thâm tâm ông không hề có ý định hại dân, khi chết ông vẫn chưa nhận ra được sai lầm của mình. Qua tấn bi kịch của Vũ Như Tô, tác giả đã đặt ra những vấn đề sâu sắc và có ý nghĩa muôn thuở về mối quan hệ giữa nghệ thuật với cuộc sống, giữa lý tưởng nghệ thuật cao siêu thuần túy của muôn đời với lợi ích thiết thực và trực tiếp của nhân dân.
*Nhận xét quan niệm về nghệ thuật và cách nhìn cuộc sống của nhà văn NMC
+ Nghệ thuật phải gắn liền với cuộc sống, phục vụ cuộc sống, nếu nghệ thuật xa rời cuộc sống thì chỉ đem đến bi kịch (cái chết của Vũ Như Tô) hay sự nhìn nhận phiến diện về cuộc sống (Phùng).
+ Nghệ thuật là cái đẹp của cuộc sống nhưng cuộc sống ko phải lúc nào cũng đẹp.
+ Nghệ thuật chân chính là nghệ thuật vì cuộc sống, phục vụ cho cuộc sống. Nghệ thuật xa rời cuộc sống chỉ là nghệ thuật “suông” , ko xứng đáng là nghệ thuật chân chính. Điều đó đòi hỏi người nghệ sĩ phải biết tìm tòi, khám phá cuộc sống, tìm hiểu nó trên nhiều phương diện, nghệ sĩ chân chính cũng giống như nghệ thuật chân chính ko được xa rời cuộc sống.
III. Kết bài
- Nhận xét về hai nhân vật Phùng và Vũ Như Tô
- Mở rộng và so sánh
Xem thêm các các dạng đề văn lớp 12 chọn lọc, hay khác:
- Các dạng đề bài Vợ chồng A Phủ
- Các dạng đề bài Vợ nhặt
- Các dạng đề bài Rừng xà nu
- Các dạng đề bài Những đứa con trong gia đình
- Các dạng đề bài Chiếc thuyền ngoài xa
- Giải Tiếng Anh 12 Global Success
- Giải sgk Tiếng Anh 12 Smart World
- Giải sgk Tiếng Anh 12 Friends Global
- Lớp 12 Kết nối tri thức
- Soạn văn 12 (hay nhất) - KNTT
- Soạn văn 12 (ngắn nhất) - KNTT
- Giải sgk Toán 12 - KNTT
- Giải sgk Vật Lí 12 - KNTT
- Giải sgk Hóa học 12 - KNTT
- Giải sgk Sinh học 12 - KNTT
- Giải sgk Lịch Sử 12 - KNTT
- Giải sgk Địa Lí 12 - KNTT
- Giải sgk Giáo dục KTPL 12 - KNTT
- Giải sgk Tin học 12 - KNTT
- Giải sgk Công nghệ 12 - KNTT
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 12 - KNTT
- Giải sgk Giáo dục quốc phòng 12 - KNTT
- Giải sgk Âm nhạc 12 - KNTT
- Giải sgk Mĩ thuật 12 - KNTT
- Lớp 12 Chân trời sáng tạo
- Soạn văn 12 (hay nhất) - CTST
- Soạn văn 12 (ngắn nhất) - CTST
- Giải sgk Toán 12 - CTST
- Giải sgk Vật Lí 12 - CTST
- Giải sgk Hóa học 12 - CTST
- Giải sgk Sinh học 12 - CTST
- Giải sgk Lịch Sử 12 - CTST
- Giải sgk Địa Lí 12 - CTST
- Giải sgk Giáo dục KTPL 12 - CTST
- Giải sgk Tin học 12 - CTST
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 12 - CTST
- Giải sgk Âm nhạc 12 - CTST
- Lớp 12 Cánh diều
- Soạn văn 12 Cánh diều (hay nhất)
- Soạn văn 12 Cánh diều (ngắn nhất)
- Giải sgk Toán 12 Cánh diều
- Giải sgk Vật Lí 12 - Cánh diều
- Giải sgk Hóa học 12 - Cánh diều
- Giải sgk Sinh học 12 - Cánh diều
- Giải sgk Lịch Sử 12 - Cánh diều
- Giải sgk Địa Lí 12 - Cánh diều
- Giải sgk Giáo dục KTPL 12 - Cánh diều
- Giải sgk Tin học 12 - Cánh diều
- Giải sgk Công nghệ 12 - Cánh diều
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 12 - Cánh diều
- Giải sgk Giáo dục quốc phòng 12 - Cánh diều
- Giải sgk Âm nhạc 12 - Cánh diều