Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật - Ngữ văn lớp 10

1. Ngôn ngữ nghệ thuật

a. Khái niệm

Ví dụ:

“Chồng người đi ngược về xuôi,

Chồng em ngồi bếp sờ đuôi con mèo”

Trong câu ca dao trên, thấy được hình ảnh đối lập giữa hai người đàn ông: đảm đang, có trách nhiệm chăm lo cho gia đình và một người vô tích sự, nhu nhược.→ Thái độ mỉa mai, chê trách.

 Khái niệm: ngôn ngữ nghệ thuật là ngôn ngữ gợi hình, gợi cảm được dùng trong văn bản nghệ thuật.

b. Phạm vi

- Trong văn bản nghệ thuật:

Ví dụ:

“Quê hương là chùm khế ngọt

Cho con trèo hái mỗi ngày

Quê hương là đường đi học

Con về rợp bướm vàng bay” 

Quê hương – một khái niệm trừu tượng có thể nhìn thấy bằng hình ảnh, quê hương là những gì thân thuộc nhất, gắn bó nhất với mỗi người, là con đường đến trường, là cây khế thuở bé thơ vẫn leo trèo, là con đò nhỏ trên dòng sông quê hương, là dáng mẹ tảo tần hôm sớm

- Trong lời nói hàng ngày:

Ví dụ: Cô ấy trông thật mủm mĩm → cô gái mập mạp, xinh xắn, dễ thương.

Anh ấy trông như cây sào → anh chàng cao, gầy, không cân xứng giữa cân nặng và chiều cao.

- Phong cách ngôn ngữ khác

Ví dụ:

“Hai bên cầu có đến mấy vạn quỷ dạ xoa mắt xanh, tóc đỏ, hình dáng nanh ác…”→ Ngôn ngữ tự sự

“Gà eo óc gáy sương năm trống,

Hòe phất phơ rủ bóng bốn bên”→ Ngôn ngữ thơ

“Này thầy tiểu ơi!

Thầy như táo rụng sân đình. Em như gái dở đi rình của chua”→ Ngôn ngữ sân khấu

c. Chức năng:

Ví dụ: Trong bài ca dao:

“Trong đầm gì đẹp bằng sen

Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng

Nhị vàng bông trắng lá xanh

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”

   + Chức năng thông tin: cung cấp các thông tin về nơi sống, cấu tạo, hương vị hoa sen.

GV: Chức năng thẩm mĩ biểu hiện như thế nào trong bài ca dao?

   + Chức năng thẩm mĩ: biểu hiện cái đẹp, cái đẹp hiện hữu và được bảo tồn ngay trong những môi trường xấu (hoa sen thơm và đẹp dù nó sống trong bùn hôi tanh) 

→ Chức năng của ngôn ngữ nghệ thuật: Chức năng thông tin và chức năng thẩm mĩ

2. Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật

a. Tính hình tượng

VD: “dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống”

Quang Dũng sử dụng ngôn ngữ tạo hình và biện pháp đối lập để vẽ nên bức tranh về con đường hành quân của lính Tây Tiến vừa gập ghềnh, gấp khúc, vừa lên cao thẳng đứng, vừa đổ xuống đột ngột. Gợi cảm giác về con đường hành quân đầy gian nan, nguy hiểm. 

Tính hình tượng: là khả năng tạo ra những hình tượng nhờ cách diễn đạt ngôn ngữ có hình ảnh, màu sắc, âm thanh, biểu tượng…người đọc dùng tri thức, vốn sống của mình để liên tưởng, suy nghĩ và rút ra bài học nhất định.

VD2: “Thân em như tấm lụa đào,

Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai?”

Tác giả dân gian đã sử dụng biện pháp nghệ thuật so sánh và ẩn dụ để thể hiện cuộc đời và số phận của người phụ nữ không có quyền quyết định số phận của mình, không biết sẽ trôi dạt về đâu. 

Biện pháp tu từ tạo hình tượng: so sánh, ẩn dụ, hoán dụ, nói giảm, nói tránh… 

Làm cho ngôn ngữ nghệ thuật trở nên đa nghĩa, tính đa nghĩa quan hệ mật thiết với tính hàm súc

b. Tính truyền cảm

Ví dụ: Trong câu thơ “Đau đớn thay phận đàn bà, lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”

Tác giả thông cảm, đồng cảm, xót xa cho số phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Từ đó ta phải trăn trở, suy nghĩ về thân phận của người phụ nữ→thương cảm, đồng cảm với họ 

Tính tryền cảm làm cho người nghe (đọc) cùng vui, buồn, yêu thích…tạo ra sự giao cảm , hòa đồng, gợi cảm xúc

c. Tính cá thể hóa

Ví dụ 1: cả Nam Cao và Ngô Tất Tố cùng viết về người nông dân nghèo trước cách mạng tháng Tám nhưng ở mỗi tác giả lại có đặc điểm riêng:

   + Nam Cao: Chí Phèo, Binh Chức…cái đau về nỗi ám ảnh nghèo đói→bị tha hóa, bần cùng rồi chết.

   + Ngô Tất Tố: chị Dậu cũng đói nghèo phải bán chó, bán con thậm chí bán sữa nhưng chị vẫn giữ được phẩm chất trong sạch.

- Ví dụ 2: Cùng viết về tình yêu nhưng “Ông hoàng của thơ tình Việt Nam” có cách nhìn về tình yêu cách thể hiện tình yêu khác với nữ sĩ Xuân Quỳnh.

   + Xuân Diệu say đắm mãnh liệt, cuồng nhiệt, háo hức như sợ tất cả sẽ tan biến mất mà mình chưa kịp hưởng thụ

“Đã hôn rồi hôn lại

Cho đến mãi muôn đời

Đến tan cả đất trời

Anh mới thôi dào dạt”

   + Xuân Quỳnh cũng yêu say đắm nhưng đó là tình yêu đầy nữ tính, dung dị, đằm thắm:

“Em trở về đúng nghĩa trái tim em

Là máu thịt đời thường ai cũng có

Cũng ngừng đập khi cuộc đờikhông còn nữa

Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi”

→ Tính cá thể hóa là khả năng sáng tạo giọng điệu riêng, phong cách riêng của mỗi nhà văn không dễ bắt chước, thể hiện trong lời nói của từng nhân vật, trong diễn đạt từng sự việc, hình ảnh, tình huống…

1. Phân tích tính hình tượng và tính truyền cảm của ngôn ngữ nghệ thuật thể hiện trong đoạn thơ sau :

“Anh không xứng là biển xanh

Nhưng anh muốn em là bờ cát trắng

Bờ cát dài phẳng lặng

Soi ánh nắng pha lê…

Bờ đẹp đẽ cát vàng

Thoai thoải hàng thông đứng

Như lặng lẽ mơ màng

Suốt ngàn năm bên sóng…”

(Xuân Diệu, Biển)

Trả lời:

Tính hình tượng trong đoạn thơ được thể hiện qua những từ ngữ miêu tả cảnh bờ biển: màu sắc, hình dáng, trạng thái giao hoà của bờ cát, ánh nắng, hàng thông, sóng biển,…

Tính truyền cảm biểu lộ ở chính cảm xúc say mê cảnh đẹp của biển cả, ở tình cảm chân thành của nhân vật trữ tình, ở trạng thái mơ màng, hoà quyện của vạn vật

2. Tính cá thể hoá của ngôn ngữ nghệ thuật được biểu hiện như thế nào qua đoạn văn miêu tả sau :

Nắng đã qua. Gã Đực nằm đầu hiên, thè dài lưỡi ra thở hực hực. Lũ ngan, lũ ngỗng thì rủ nhau chúi xuống bờ ao, bên những tàu lá khoai sơn hà xanh roi rói. Ở dưới gầm cụm lá sói, hai ba chị mái tơ thi nhau rụi đất, thỉnh thoảng lại rũ cánh phành phạch.

(Tô Hoài)

Trả lời:

Tính cá thể hoá của ngôn ngữ miêu tả trong đoạn văn thể hiện rõ rệt ở việc miêu tả rất cụ thể, với những nét riêng biệt về các loài vật: con chó, lũ ngan, lũ ngỗng, và mấy con gà mái (nơi tránh nắng quen thuộc, ưa thích của mỗi loài, động tác đặc trưng của từng loài ở nơi tránh nắng,…).

3. Phân tích tính hình tượng và các tầng ý nghĩa trong khổ thơ sau đây :

Xưa phù du mà nay đã phù sa

Xưa bay đi mà nay không trôi mất

Cho đến được… lúa vàng đất mật

Phải trên lòng bao trận gió mưa qua.

(Chế Lan Viên, Nay đã phù sa)

Trả lời:

Trong khổ thơ có hai tuyến hình tượng đối lập nhau:

– Phù du, bay đi, trận gió mưa

– Phù sa, không trôi mất, lúa vàng, đất mật

Đó là sự đối lập giữa cái xưa và cái nay, cái lợi và cái hại.

Tầng nghĩa thứ nhất nói về thiên nhiên : phù du thì vô bổ, phù sa thì mang lại những đồng bằng phì nhiêu (đất mật) và những vụ mùa bội thu (lúa vàng). Nhưng có những vụ mùa bội thu như vậy không phải không trải qua những trận mưa gió phũ phàng.

Tầng nghĩa thứ hai: suy nghĩ ưu tư của nhân vật trữ tình. Cuộc sống xưa thật vô nghĩa và sớm nở tối tàn như kiếp phù du. Còn cuộc sống nay thật là đáng sống: thấy mình như chất phù sa mang lại ích lợi cho ruộng đồng, mùa màng. Tuy rằng có được thành quả như ngày nay thì cũng đã trải qua nhiều vật lộn, sóng gió.

Bài giảng: Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật - Cô Trương Khánh Linh (Giáo viên VietJack)

Xem thêm tài liệu Ngữ văn lớp 10 phần Tiếng Việt và Tập làm văn chọn lọc, hay khác:

Lời giải bài tập lớp 10 sách mới:


Giải bài tập lớp 10 sách mới các môn học