Luyện viết đoạn văn tự sự - Ngữ văn lớp 10

I. Đoạn văn trong văn bản tự sự

1. Ngữ liệu

Xét văn bản Tấm Cám

- Văn bản đó được cấu thành từ những đoạn văn

- Trong đoạn 1, câu đầu tiên là câu chủ đề, nêu ý khái quát của văn bản giới thiệu về mối quan hệ giữa Tấm và Cám

- Các câu khác trong văn bản cụ thể hoá về cuộc đời và số phận của Tấm – Cám

- Nội dung của các đoạn văn trong văn bản đều hướng vào chủ đề chính đó là cuộc đời của Tấm và Cám, qua đó thể hiện quan niệm sống của nhân dân ta “ở hiền gặp lành, ác giả ác báo”

2. Đặc điểm đoạn văn trong văn bản tự sự

- Mỗi đoạn văn thường có câu nêu ý khái quát chủ đề, các câu khác diễn đạt ý cụ thể để thuyết minh, miêu tả, giải thích để mở rộng làm rõ ý khái quát.

- Trong văn bản tự sự thường gồm nhièu đoạn văn với nhiệm vụ khác nhau: Đoạn mở đầu: giới thiệu, đoạn thân bài: diễn biến sự việc, chi tiết, đoạn kết: kết thúc câu chuyện, tạo ấn tượng mạnh tới suy nghĩ, cảm xúc người đọc.

- Nội dung mỗi đoạn văn tuy khác nhau nhưng đều có chung nhiệm vụ là thể hiện chủ đề và ý nghĩa của văn bản

II. Cách viết đoạn văn trong bài văn tự sự.

1. Xét ví dụ:

Đề bài: Viết một đoạn văn tưởng tượng cảnh Trọng Thủy sau khi chết gặp lại Mị Châu dưới thủy cung .

- Bước 1: Hình dung, tưởng tượng những sự việc xảy ra như thế nào rồi lần lượt kể lại diễn biến của nó

   + Hoàn cảnh, không gian gặp gỡ

   + Trọng Thủy ăn năn hối hận xin được Mị Châu tha thứ.

   + Mị Châu ban đầu rất giận dữ, không muốn gặp mặt Trọng Thủy

   + Sau khi nghe Trọng Thủy rãi bày những khó xử trong lòng, và thể hiện tình yêu chân thành với vợ, Mị Châu cũng dần mềm lòng.

   + Mị Châu tha thứ cho Trọng Thủy, từ đó hai người sống với nhau hạnh phúc

Bước 2: Dùng câu chủ đề nêu ý bao trùm

Dưới thủy cung, hồn chàng lang thang đi tìm kiếm Mị Châu

Bước 3: Viết các câu thể hiện nội dung cụ thể.

Dưới thủy cung, hồn chàng lang thang đi tìm kiếm Mị Châu. Long Vương thương xót nên cho hai người gặp mặt. Nhìn vẻ uất hận còn đọng đầy trong đôi mắt đẫm lệ của người vợ trẻ đã vì mình mà phải chết thảm khốc, Trọng Thủy bật khóc. Tiếng khóc nghẹn ngào, thống thiết của chàng khiến sỏi đá cũng phải mủi lòng. Trọng Thủy quỳ xuống, van xin Mị Châu tha thứ cho tội lỗi của mình.

- Nàng ơi! Mong nàng hiểu cho ta, ta không thể nào làm khác được! Ta không dám chống lại lệnh của vua cha! Vì muốn thôn tính Âu Lạc mà cha ta bắt ta phải vờ cầu hôn nàng để nhân đó dò la bí mật của nỏ thần. Nàng tin yêu ta nên không giấu diếm điều gì. Ta đã lợi dụng sự ngây thơ, cả tin của nàng để làm điều ám muội.

Sắc giận trên gương mặt Mị Châu vẫn chưa nguôi. Nàng trách:

- Thiếp một lòng tin yêu chàng, sao chàng nỡ lừa dối thiếp?

Trọng Thủy giãi bày: Quả là lúc đầu, ta rắp tẩm lừa dối cha con nàng, nhưng sau một thời gian chung sống, ta thực sự yêu nàng. Vợ chồng một ngày nên nghĩa, làm sao ta có thể quên ? Câu hỏi của ta lúc chia tay nàng trước khi về nước cũng xuất phát từ ước muốn sum họp sau khi chiến tranh kết thúc, ta và nàng sẽ sống hạnh phúc bên nhau. Nhưng đó chỉ là ảo tưởng mà thôi! Lúc ta nhận ra sự tàn bạo, nghiệt ngã của một cuộc chiến tranh phi nghĩa thì đã quá muộn màng! Vì mù quáng tuân theo lệnh cha, ta đã trở thành kẻ phản bội đáng bị người đời lên án và phỉ nhổ. Ta đã trả giá bằng chính sinh mạng của mình và tin chắc rằng cha ta – dẫu là kẻ chiến thắng – cũng không thể vui hưởng vinh quang trước cái chết oan khiên của đứa con trai mà ông đặt nhiều kì vọng. Mị Châu ơi! Ta muốn ngàn lần cầu xin nàng rộng lòng tha thứ! Nước mắt Mị Châu vẫn lã chã tuôn rơi. Nàng vừa giận, vừa thương Trọng Thủy – một nạn nhân khốn khổ của cuộc chiến tranh xâm lược. Hai vợ chồng ôm nhau khóc. Kì lạ thay, những giọt lệ của họ biến thành những hạt châu lóng lánh. Họ sống bên nhau dưới đáy biển khơi. Tương truyền rằng, những giọt nước mắt – hạt châu ấy nếu ai may mắn tìm được, đem về rửa bằng nước giếng ở Loa Thành thì nó sẽ sáng ngời.

2. Kết luận

Để viết đoạn văn tự sự cần:

- Hình dung sự việc xảy ra như thế nào rồi lần lượt kể lại diễn biến của nó

- Khi viết phải huy động năng lực quan sát, tưởng tượng và vốn sống. Sau đó vận dụng kĩ năng miêu tả, kể chuyện biểu cảm để hoàn chỉnh đoạn văn

- Dùng câu chủ đề nêu ý bao trùm

- Viết các câu thể hiện nội dung cụ thể.

1. Một đoạn trích được chép lại như sau

“Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu tôi chửi trời. Có hề gì? Trời có của riêng nhà nào? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: đời là tất cả nhưng chẳng là ai. Tức mình, tôi chửi ngay tất cả làng Vũ Đại. Nhưng cả làng Vũ Đại ai cũng nhủ: “Chắc nó trừ mình ra!”. Không ai lên tiếng cả. Tức thật! ờ! Thế này thì tức thật! Tức chết đi được mất! Đã thế, hắn phải chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn. Nhưng cũng không ai ra điều. Mẹ kiếp! Thế có phí rượu không? Thế thì có khổ hắn không? Không biết đứa chết mẹ nào lại đẻ ra thân hắn cho hắn khổ đến nông nỗi này? A ha! Phải đấy hắn cứ thế mà chửi, hắn cứ chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn, đẻ ra cái thằng Chí Phèo! Hắn nghiến răng vào mà chửi cái đứa đã đẻ ra Chí Phèo. Nhưng mà biết đứa nào đã đẻ ra Chí Phèo? Có mà trời biết! Hắn không biết, cả làng Vũ Đại cũng không ai biết…

(Chí Phèo – Nam Cao)

a. Nêu ý chính của đoạn văn

b. Đoạn văn trên có một số sai sót về ngôi kể. Em hãy chỉ rõ những lỗi đó và sửa lại cho đúng

c. Từ những phát hiện và chỉnh sửa đoạn trích trên, em hãy rút ra một số bài học khi viết đoạn văn tự sự

Trả lời:

a. Đoạn trích kể về cảnh Chí Phèo uống rượu say và vừa đi vừa chửi giữa sự thờ ơ của tất cả mọi người.

b. Đoạn văn được chép lại có một số sai sót về ngôi kể: Đoạn trích được kể theo ngôi thứ 3 bằng lời của người kể chuyện của tác giả. Tuy nhiên, một số câu trong đoạn này lạo sử dụng đại từ “tôi” Cần sửa lại để văn bản được thống nhất về ngôi kể (ngôi thứ nhất - xưng tôi).

c. Từ những phát hiện và chỉnh sửa trên có thể rút ra bài học:

Trong văn bản tự sự, người viết cần nhất quán về ngôi kể. Nếu không có sự thay đổi về người kể thì ngôi kể ấy sẽ phải thống nhất từ đoạn đầu đến các đoạn tiếp theo. Có như vậy, văn bản tự sự mới chặt chẽ, lôgic, hấp dẫn và thuyết phục người đọc

2. Viết một đoạn văn kể về ngày đầu đến trường của em

Trả lời:

Trong cuộc đời của mỗi người, có ai mấy ai chưa từng trải qua những khoảnh khắc hồi hộp mừng vui nhưng đầy ngập ngừng lo lắng của buổi khai trường đầu tiên. Với tôi giờ đây, tuy đã khôn lớn trưởng thành nhưng kí ức về ngày đầu đến trường vẫn luôn in sâu trong lòng. Tôi còn nhớ ngày ấy, từ đêm hôm trước ngày khai trường cảm giác âu lo, hồi hộp đã xuất hiện trong lòng. Sáng hôm sau tôi dậy thật sớm để chuẩn bị, khoác lên mình chiếc áo trắng mới tinh thơm tôi thấy mình thật khôn lớn. Rồi trên chiếc xe đạp cũ, mẹ đèo tôi đến trường. Suốt cả quãng đường, tôi ngẩn ngơ, miên man suy nghĩ về buổi lễ khai trường sắp diễn ra đây. Dừng lại trước cổng trường, tôi choáng ngợp trước sự khang trang và rộng lớn của nơi đây. Thế nhưng, ngay khoảnh khắc đó bỗng cảm thấy lạc lõng bởi thầy cô, bạn bè ai ai cũng mới lạ. Được phân lớp từ trước nên tôi tìm đến khu vực xếp hàng của lớp mình. Cô giáo chủ nhiệm chào đón tôi bằng một nụ cười thật rạng rỡ, cô ân cần hỏi han tôi và dẫn tôi vào vị trí ngồi của mình. Tôi bắt đầu dần cảm nhận được sự thân quen ở nơi đây. Tôi cởi mở hơn với bạn bè và chúng tôi bắt đầu có những câu chuyện chung trong ngày khai giảng. Những hồi trống trường vang lên đầy trang trọng trong buổi lễ khai giảng nhắc nhở chúng tôi một năm học mới đã bắt đầu. Kết thúc buổi lễ khai giảng, lòng tôi tràn đầy niềm vui, phấn khởi khi ấy tôi còn nhớ như in mình đã thầm ước hi vọng bản thân sẽ có thật nhiều kỉ niệm đẹp nơi đây. Và sau bao năm tôi nhận ra ước mơ của tôi ngày ấy đã trở thành hiện thực.

Xem thêm tài liệu Ngữ văn lớp 10 phần Tiếng Việt và Tập làm văn chọn lọc, hay khác:

Lời giải bài tập lớp 10 sách mới:


Giải bài tập lớp 10 sách mới các môn học