Sưu tầm tài liệu, giới thiệu với các bạn trong lớp về những tấm gương hi sinh anh dũng

Vận dụng trang 55 Lịch Sử 12: Sưu tầm tài liệu, giới thiệu với các bạn trong lớp về những tấm gương hi sinh anh dũng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975). Kế tên những việc em đã tham gia vào công tác đền ơn đáp nghĩa ở địa phương.

Lời giải:

(*) Tham khảo: tấm gương anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi

Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi sinh ngày 01 tháng 02 năm 1940 tại làng Thanh Quýt, xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam trong một gia đình nông dân nghèo. Năm 1954, khi tròn 14 tuổi, anh theo người thân vào Sài Gòn với mong muốn tìm việc làm. Khi đến Sài Gòn, chưa có nghề nghiệp, anh tạm thời đạp xích lô đưa đón khách cả ngày lẫn đêm. Sau đó anh học ngành điện và làm việc tại nhà máy điện Chợ Quán. Trong thời gian làm việc tại đây, hằng ngày chứng kiến bao tội ác của bọn Mỹ - Ngụy gây ra cho nhân dân, anh uất hận và ngày càng căm thù giặc sâu sắc. Từ đây anh đã chọn đường đi cho mình là tham gia cách mạng và trở thành chiến sĩ  biệt động, thuộc đại đội quyết tử cánh Tây Nam Sài Gòn, thuộc quân khu Sài Gòn - Gia Định.

Được tin phái đoàn quân sự cấp cao của Chính phủ Hoa Kỳ sẽ đến Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Robert Mắc Namara dẫn đầu, người được coi là kiến trúc sư trưởng của chiến tranh Việt Nam. Dù mới cưới vợ được hơn 10 ngày nhưng với lòng căm thù giặc sâu sắc, chàng công  nhân trẻ của nhà máy điện Chợ Quán vẫn xung phong nhận nhiệm vụ, cùng đồng đội tiến hành cài mìn ở cầu Công Lý, nơi dự đoán là Mắc Namara sẽ đi qua. Tuy nhiên, khi anh cùng đồng đội mới đặt được quả mìn nặng 8kg ở đầu cầu thì không may bị bại lộ, anh bị bắt lúc 22 giờ ngày 9 tháng 5 năm 1964. Để đảm bảo an toàn cho tổ chức cách mạng, Nguyễn Văn Trỗi kiên quyết không khai và nhận hết trách nhiệm về mình.

Trong thời gian giam giữ, chúng dùng mọi hình thức tra tấn anh rất dã man hòng tìm ra manh mối, cơ sở cách mạng nhưng anh vẫn một lòng một dạ trung thành với tổ chức. Con người đó luôn biểu lộ một phẩm chất đặc biệt rất vững vàng, không một lúc nào, không một câu nói nào tỏ ra là mình thấp hơn kẻ địch. Ngay cả những lúc bị tra tấn, bị đè xuống đất, bị điện giật văng ra, ngay cả lúc chân bị thương, chân không đứng được nữa anh vẫn giữ được một tư thế rất hiên ngang. Trước mặt kẻ thù, anh nêu lên mục đích hành động của anh: “Muốn miền Nam được giải phóng”. Anh đánh giá hành động của anh: “Đi tìm giết hết bọn xâm lược Mỹ chỉ có công chứ không bao giờ có tội”. Mua chuộc, dụ dỗ anh không được, bọn chúng liền đem chị Quyên (Phan Thị Quyên), vợ anh ra nhằm đe dọa hạnh phúc, anh khẳng khái nói: “còn Mỹ thì không ai có hạnh phúc cả”. Câu nói ấy không chỉ gây xúc động trong tuổi trẻ và nhân dân ta mà tác động đến nhân dân các nước tiến bộ trên thế giới.

Cảm phục trước khí phách chiến đấu của anh, phía bên kia bán cầu, một tổ chức du kích Venezuela muốn làm gì đó để hỗ trợ đất nước Việt Nam. Họ bàn bạc và truy bắt tên trung tá tình báo không quân Hoa Kỳ Michael Smolen để đổi lấy anh Trỗi. Tuy nhiên sau khi viên sĩ quan Hoa Kỳ vừa được trả tự do thì chế độ Mỹ - Ngụy Sài Gòn trở mặt, vội vàng đem anh ra pháp trường Chí Hòa xử bắn vào lúc 9h45 phút ngày 15 tháng 10 năm 1964 trước sự chứng kiến của nhiều phóng viên nước ngoài. Lúc đó anh vừa tròn 24 tuổi. Tuổi đời còn rất trẻ.

Những giây phút cuối cùng tại pháp trường, trước họng súng của quân thù, anh vẫn với tư thế hiên ngang cùng tinh thần lạc quan. Khi chúng bịt mắt anh lại, anh giật tấm băng đen rồi nói: “Không, phải để tôi nhìn mảnh đất này, mảnh đất thân yêu của tôi”. Anh tranh thủ từng giây từng phút vạch mặt kẻ thù và bọn tay sai bán nước. Anh hô vang những khẩu hiệu yêu nước mà sau này nó đã trở thành bất tử:

“Hãy nhớ lấy lời tôi:

Đả đảo đế quốc Mỹ!

Đả đảo Nguyễn Khánh!

Hồ Chí Minh muôn năm!

Hồ Chí Minh muôn năm!

Hồ Chí Minh muôn năm!”

Đó là những phút làm nên lịch sử của người anh hùng. Nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Có những phút làm nên lịch sử/ Có cái chết hóa thành bất tử/ Có những lời hơn mọi bài ca/ Có con người như chân lý sinh ra”. Cảm phục trước sự hy sinh cao cả của anh, Bác Hồ đã viết: “Vì Tổ quốc, vì nhân dân, liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi đã dũng cảm đấu tranh chống đế quốc Mỹ đến hơi thở cuối cùng. Chí khí lẫm liệt của anh hùng Trỗi là tấm gương hy sinh cách mạng sáng ngời cho mọi người yêu nước, nhất là cho các cháu thanh niên học tập”.

Anh Nguyễn Văn Trỗi đã anh dũng hy sinh nhưng lời anh vẫn còn vang  vọng mãi, khắc sâu trong tâm trí của những người yêu chuộng hòa bình và công lý. Tinh thần yêu nước của anh làm chấn động dư luận quốc tế, sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần chiến đấu của quân và dân cả nước. Một anh Trỗi ngã xuống, hàng ngàn, hàng vạn anh Trỗi đứng lên. Nhiều thanh niên từ mọi miền quê trên cả nước tạm biệt gia đình, quê hương hăng hái lên đường theo bước chân anh chiến đấu góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, non sông thu về một mối.

(*) Tham khảo: Những việc em đã tham gia vào công tác đền ơn đáp nghĩa ở địa phương

- Thăm hỏi và tặng quà cho các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, thương binh, bệnh binh và Mẹ Việt Nam Anh hùng.

- Dọn dẹp các nghĩa trang liệt sỹ; thắp nến tri ân tại các đài tưởng niệm.

- Tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ để tuyên truyền và nâng cao nhận thức về truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc.

- Hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn.

- ….

Lời giải bài tập Lịch Sử 12 Bài 8: Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975) hay khác:

Xem thêm lời giải bài tập Lịch Sử lớp 12 Chân trời sáng tạo hay nhất, ngắn gọn khác:

Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 12 hay khác:


Giải bài tập lớp 12 Chân trời sáng tạo khác