Giải VBT Ngữ Văn 8 Ôn tập về văn bản thuyết minh



Câu 1 (Bài tập II.1 tr.35 – SGK Ngữ văn 8 tập 2):

Trả lời:

a. Giới thiệu đồ dùng học tập hoặc trong sinh hoạt

- Mở bài: Giới thiệu về đồ dùng thuyết minh (thước kẻ, bút chì, bút máy…)

- Thân bài:

   + Nguồn gốc, xuất xứ của đồ dùng : hãng sản xuất

   + Hình dáng: Màu sắc, kích thước

   + Cấu tạo: Gồm mấy phần, gồm những bộ phận nào, các bộ phận được sắp xếp ra sao, công dụng của từng bộ phận.

   + Cách sử dụng

   + Cách bảo quản

   + Giá trị, tầm quan trọng hữu ích của đồ dùng đó trong học tập

- Kết bài: Tình cảm của mình dành cho đồ vật đó

b. Dàn bài giới thiệu một danh lam thắng cảnh ở quê hương em

- Mở bài: Giới thiệu chung về thắng cảnh tại quê hương

- Thân bài:

   + Vị trí địa lý

   + Diện tích

   + Cảnh vật xung quanh thắng cảnh đó như thế nào?

   + Nguồn gốc ( hình thành và phát triển): Lịch sử hình thành có từ bao giờ, ai là người khởi công xây dựng…, hiện tại thắng cảnh đó trong tình trạng nào?

   + Quy mô

   + Những cảnh đẹp của nó: Nhìn tổng thể từ xa, kiến trúc, điểm nổi bật

   + Giá trị văn hóa lịch sử của địa danh

- Kết bài: Tình cảm, cảm nghĩ chung về đối tượng

c. Thuyết minh về một văn bản, một thể loại văn học mà em được học

- Mở bài: Giới thiệu chung về thể loại văn học mà em chọn thuyết minh

- Thân bài:

   + Khái niệm về thể loại văn học đó

   + Các đặc trưng của thể loại: Chỉ ra các đặc điểm cơ bản, nhấn mạnh vào đặc điểm nổi bật có giá trị khu biệt

   + Dẫn ra các tác phẩm văn học tiêu biểu của thể loại

- Kết bài: Cảm nghĩ chung về thể loại văn học đó.

d. Giới thiệu về cách làm đồ dùng học tập

- Mở bài: Giới thiệu về đồ dùng học tập

- Thân bài:

   + Nguyên liệu cần chuẩn bị

   + Cách làm tiến hành theo từng bước

   + Yêu cầu về mặt thành phẩm

   + Những lưu ý trong quá trình làm ra sản phẩm

   + Công dụng của đồ dùng học tập vừa làm

   + Cách bảo quản, giữ gìn

- Kết bài: Cảm nghĩ về vai trò của đồ dùng học tập tự làm

Câu 2 (Bài tập II.2 tr.36 – SGK Ngữ văn 8 tập 2):

Trả lời:

a. Giới thiệu về một đồ dùng học tập

Bút bi là một vật dụng dùng để viết rất phổ biến hiện nay, đặc biệt đối với lứa tuổi học sinh. Nó xuất hiện lần đầu tiên tại Mĩ bởi một người thợ tên John Loud. Bút bi được cấu tạo bởi ruột là một ống mực đặc, đầu ống gắn với một viên nhỏ có đường kính từ 0,7-1 mm được coi là ngòi bút. Khi viết lên giấy nhờ chuyển động của viên bi nên mực khô rất nhanh, vỏ bút thường được làm bằng nhựa cứng hoặc kim loại nhiều màu. Bút có nút bấm đầu bi ra khi viết, bấm thụt đầu bi lại khi không dùng đến. Việc điều khiển đầu bút bi có thể dùng nhiều cách khác nhau như bấm nút hoặc xoay thân bút... Có nhiều hãng sản xuất bút bi nổi tiếng tại Việt Nam như Bến Nghé, Thiên Long,.. Bút bi luôn giữ vai trò quan trọng trong cuộc sống mọi người và đặc biệt đối với học sinh như chúng ta thì nó là một người bạn thân thiết trên con đường học vấn

b. Giới thiệu về danh lam thắng cảnh của quê hương:

Chùa một cột còn có tên gọi khác là Liên Hoa Đài (đài hoa sen) là một trong những thắng cảnh nổi tiếng của Hà Nội thu hút sự tham quan của nhiều du khách gần xa. Tương truyền chùa được xây dựa theo giấc mộng của vua Lí Thái Tông thấy phật Quan Âm ngồi trên tòa sen và mời ông lên đó. Quần thần xem đây là một “điềm gở” nhưng một nhà sư cho rằng đó là điềm báo tốt và khuyên nhà vua nên xây một công trình có hình dáng như thế. Từ đó chùa Một cột ra đời. Đây là một công trình kiến trúc độc đáo, nhìn từ xa giống như một bông hoa sen đang nở. Chùa hoàn toàn được làm bằng gỗ cột trụ ở dưới giống như thân sen đỡ lấy phần bên trên là đài sen. Bên trong chùa có thờ phật bà Quan Âm để nhân dân có thể đến cầu may. Cùng với chùa một cột, các thắng cảnh nổi tiếng của Hà Nội như: cầu Thê Húc, hồ Gươm, đền Ngọc Sơn, Tháp Bút,...đã làm cho Hà Nôi, mảnh đất nghìn năm văn hiến thêm phần thiêng liêng, cổ kính và ngày càng được sự quan tâm, mến mộ của du khách bốn phương

c. Thuyết minh về một thể loại văn học

Thể thơ lục bát là một trong những thể loại truyền thống của nền văn học Việt mang điệu hồn của dân tộc. Thơ lục bát trở nên phổ biến, đi sâu vào đời sống tinh thần thơ ca của nước ta thông qua những câu tục ngữ, ca dao, đồng dao, lời hát ru…. Thể thơ lục bát được cấu thành từ một cặp câu sáu tiếng và một câu tám tiếng xen kẽ lẫn nhau, số lượng câu không hạn chế. Luật bằng trắc về thanh điệu cũng tạo nên sự hài hòa về nhịp điệu, tạo nhạc tính cho lời thơ. Về việc phối hợp thanh điệu, chỉ có tiếng thứ tư là trắc, tiếng thứ hai, thứ sáu, thứ tám là bằng. Trong các câu tám các tiếng thứ sáu, thứ tám buộc phải khác dấu và ngược lại. Thể thơ này được gieo vần bằng, tiếng cuối câu lục hiệp vần với tiếng thứ sáu của câu bát, cứ thế tạo nên sự nhịp nhàng êm ái cho câu thơ. Thơ lục bát mềm mại thích hợp để thể hiện tình cảm, cảm xúc của người Việt. Thơ lục bát luôn nền nã, nhẹ nhàng và kín đáo luôn là niềm tự hào của dân tộc Việt.

d. Thuyết minh về một loài hoa:

Hoa đào được xem là loài hoa đặc trưng cho ngày tết cổ truyền ở miền Bắc. Hoa đào có màu hồng nhạt gọi là đào phai, ngoài ra còn có màu hồng tươi, hồng thắm. Đào dễ sống chúng ưa thời tiết ấm áp, thường nở hoa vào mùa xuân vì thế mỗi khi những cánh đào nở sẽ báo hiện mùa xuân sang. Hoa đào được trang trí trong ngày tết, bày trên ban thờ, cắm trong nhà để trang trí, trồng ngoài vườn. Chúng ta có thế đến vườn đào Nhật Tân, Tây Tưu để thưởng thức vẻ đẹp của rừng đào vô cùng rực rỡ. Không có hoa đào, dư vị ngày tết sẽ trở nên thiếu vắng hơn rất nhiều.

e. Thuyết minh về một giống vật nuôi

Mèo là thú nuôi trong gia đình được rất nhiều người yêu quý. Mèo nhà có nguồn gốc từ mèo rừng. Mèo được nuôi đầu tiên ở châu Phi, sau được nuôi ở các nước châu Âu và các nước nước khác. Thời đại phát triển ngày nay thì người ta đã lai tạo nhiều giống mèo mới như: mèo tam thể. mèo lông xù, mèo mướp, mèo mun, … Trên mặt mèo có bộ ria mép, đó chính là trợ thủ đắc lực của mèo. Mèo là vật nuôi rất nhanh nhẹn giúp con người đuổi bắt lũ chuột phá hoại. Mèo còn là vật nuôi rất tình cảm, thường xuyên gần gũi với con người. Nhiều người còn ưu ái để mèo cùng nằm ngủ với mình. Những điều ấy cho thấy mèo là vật nuôi gần gũi nhất với con người.

f. Thuyết minh về một sản phẩm, một trò chơi mang bản sắc Việt Nam

Đã từ lâu, khi nhắc đến người phụ nữ Việt Nam, bạn bè quốc tế lại trầm trồ nói về chiếc áo dài. Quả thực, chiếc áo dài Việt Nam xứng đáng được coi là loại trang phục truyền thống thể hiện được vẻ đẹp và tâm hồn người phụ nữ Việt Nam. Gọi là áo dài là theo cấu tạo của áo, thân áo gồm 2 mảnh bó sát eo của người phụ nữ rồi từ đáy lưng xuống tận gót chân tạo nên những bước đi duyên dáng, mềm mại, uyển chuyển hơn cho người con gái. Chiếc quần may theo kiểu quần ống rộng bằng thứ vải đồng chất đồng màu hay sa tanh trắng nâng đỡ tà áo và làm tăng sự mềm mại thướt tha cho bộ trang phục. Đã ngót một thế kỷ nay, cô nữ sinh trường Quốc học Huế trong trang phục áo dài trắng trinh nguyên như là biểu trưng cho vẻ đẹp thanh khiết cao quý của tâm hồn người thiếu nữ đất Việt. Để đến bây giờ trang phục ấy trở thành đồng phục của nhiều nữ sinh trong các trường phổ thông trung học như muốn nói với mọi người với du khách quốc tế về văn hoá và bản sắc dân tộc. Ngày Tết hay lễ hội quê hương, đám cưới hay những buổi lên chùa của các bà, các mẹ, các chị, chiếc áo dài nâu, hồng, đỏ...vô cùng sang trọng và đẹp mắt. Ngày nay trong muôn vàn sự cách tân về trang phục, chiếc áo dài Việt Nam vẫn chiếm độc tôn về bản sắc dân tộc, mang theo phong cách và tâm hồn người Việt đến với năm châu

Các bài giải vở bài tập Ngữ Văn lớp 8 (VBT Ngữ Văn 8) khác:

Xem thêm các loạt bài Để học tốt Ngữ văn 8 hay khác:




Giải bài tập lớp 8 sách mới các môn học