Đề thi Học kì 1 Ngữ Văn lớp 11 Hồ Chí Minh có đáp án (10 đề)

Tuyển chọn Đề thi Học kì 1 Ngữ Văn lớp 11 Hồ Chí Minh có đáp án (10 đề) chọn lọc được các Giáo viên nhiều năm kinh nghiệm biên soạn và sưu tầm từ đề thi Ngữ Văn 11 của các trường THPT. Hi vọng bộ đề thi này sẽ giúp học sinh ôn tập và đạt kết quả cao trong các bài thi Học kì 1 môn Ngữ Văn 11.

Để mua trọn bộ Đề thi Ngữ Văn 11 Học kì 1 bản word có lời giải chi tiết, đẹp mắt, quý Thầy/Cô vui lòng xem thử:

Sở Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Học kì 1 Hồ Chí Minh

Năm học 2024 - 2025

Bài thi môn: Ngữ Văn 11

Thời gian làm bài: 120 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 1)

I. Đọc hiểu (3 điểm)

Đọc văn bản sau

“Quê hương tôi có cây bầu cây nhị
Tiếng “đàn kêu tích tịch tình tang…”
Có cô Tấm náu mình trong quả thị,
Có người em may túi đúng ba gang.

Quê hương tôi có ca dao tục ngữ,
Ông trăng tròn thường xuống mọi nhà chơi.
Một đĩa muối cũng mặn tình chồng vợ,
Một dây trầu cũng nhắc chuyện lứa đôi.

Con chim nhỏ cũng đau hồn nước mất
“Cuốc cuốc” kêu rỏ máu những đêm vàng
Chân ngựa đá cũng dính bùn trận mạc.
Theo người đi cứu nước chống xâm lăng.

Quê hương tôi có bà Trưng, bà Triệu
Cưỡi đầu voi, dấy nghĩa, trả thù chung.
Ông Lê Lợi đã trường kỳ kháng chiến,
Hưng Đạo vương đã mở hội Diên Hồng …

(Trích Bài thơ Quê Hương – Nguyễn Bính)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1: Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của văn bản?

Câu 2: Kể tên ít nhất 2 truyện cổ hoặc 2 câu ca dao được gợi nhớ trong khổ thơ 1 và 2.

Câu 3: Xác định và nêu hiệu quả của một biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong đoạn thơ.

Câu 4: Anh/chị có nhận xét gì về tình cảm của tác giả đối với những di sản tinh thần của dân tộc?

II. Làm văn

Câu 1: (2 điểm) Từ nội dung văn bản phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của anh chị về trách nhiệm của thế hệ trẻ với những di sản tinh thần của dân tộc?

Câu 2 (5 điểm) Có ý kiến cho rằng: Trong truyện ngắn Chữ người tử tù, Nguyễn Tuân đã khắc họa thành công hình tượng Huấn Cao – một con người tài hoa, có cái tâm trong sáng và khí phách hiên ngang, bất khuất. Anh chị hãy phân tích nhân vật Huấn Cao trong truyện ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân để làm sáng tỏ ý kiến trên.

HƯỚNG DẪN CHI TIẾT

I. Đọc hiểu

Câu 1:

- Phương thức biểu đạt chính: Biểu cảm

Câu 2:

- Ba truyện cổ tích được gợi ra trong khổ 1: Cây khế, Tấm Cám, Thạch Sanh (Học sinh lựa chọn 2 trong 3 truyện để trả lời)

Câu 3:

- Biện pháp nghệ thuật: liệt kê, điệp ngữ

- Tác dụng: Câu văn giàu hình ảnh, nhịp điệu. Qua đó nhấn mạnh tình cảm của tác giả đối với những di sản tinh thần của dân tộc, quê hương.

Câu 4:

- Tình cảm của tác giả với những di sản tinh thần của dân tộc: yêu mến, trân trọng, thể hiện qua cách khẳng định bằng điệp ngữ “quê hương tôi”, qua giọng điệu say sưa, tự hào.

II. Làm văn

Câu 1:

* Giải thích:

- Di sản tinh thần: là những di sản chứa đựng nét đẹp tinh thần mà cha ông nhiều thế hệ đã dày công xây dựng và vun đắp.

* Tại sao phải giữ gìn, bảo vệ các di sản tinh thần của dân tộc?

- Biểu hiện của lòng yêu nước.

- Di sản tinh thần có giá trị to lớn về nhiều mặt, đánh mất những di sản này là làm nghèo nàn đất nước.

- Di sản tinh thần tạo nên sức mạnh đoàn kết, nối kết các thế hệ

* Việc giữ gìn, bảo vệ di sản tinh thần của giới trẻ hiện nay:

- Về mặt tích cực: Thế hệ thanh niên Việt Nam đã và đang phát huy bản sắc dân tộc bằng những việc làm tích cực: quảng bá di sản tinh thần của dân tộc với bạn bè quốc tế,…

- Về mặt tiêu cực: Một bộ phận thờ ơ với những giá trị về mặt truyền thống của dân tộc, đề cao những giá trị văn hóa du nhập của nước ngoài,…

* Liên hệ bản thân

Câu 2:

1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm

2. Vẻ đẹp hình tượng nhân vật Huấn Cao

a. Vẻ đẹp tài hoa, nghệ sĩ:

* Tài gắn liền với danh:

- Huấn Cao viết chữ đẹp nên nổi tiếng khắp một vùng rộng lớn: vùng Tỉnh Sơn.

- Viên quản ngục và thầy thơ lại cũng biết tiếng.

* Cái tài gắn với sự khao khát, nể trọng của người đời:

- Viên quản ngục khao khát có được chữ ông Huấn Cao để treo trong nhà.

- Viên quản ngục biệt nhỡn qua ánh nhìn, qua hành động biệt đãi

-> Đây không phải một cái tài bình thường mà nó đạt đến độ phi thường và siêu phàm.

b. Vẻ đẹp của thiên lương:

- “Tính ông vốn khoảnh, trừ chỗ tri kỉ, ông ít chịu cho chữ”:

+ “Khoảnh”: có phần kiêu ngạo về tài năng viết chữ của mình, có ý thức về giá trị của tài năng ấy, tôn trọng tài năng, sử dụng nó như một món quà mà thượng đế trao cho mình nên chỉ trao nó cho những tấm lòng trong thiên hạ.

-“Ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối bao giờ” -> khí chất, quan điểm của Huấn Cao.

-“Ta cảm tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các người. Thiếu chút nữa ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ” -> tấm lòng của Huấn Cao với những con người yêu cái đẹp, trọng cái tài.

c.Vẻ đẹp của khí phách:

* Tinh thần nghĩa hiệp:

-  Là người giỏi chữ nghĩa nhưng không đi theo lối mòn, dám cầm đầu một cuộc đại phản chống lại triều đình mà ông căm ghét.

* Tư thế đàng hoàng, hiên ngang, bất khuất:

-  Hành động Huấn Cao cùng các bạn tù giỗ gông. Huấn Cao ở vị trí đầu thang gông – ngay trong tình thế bi đát vẫn đứng ở vị trí chủ soái.

- Trước lời đe dọa của tên lính áp giải tù, Huấn Cao không hề để tâm, coi thường, vẫn lạnh lùng chúc mũi gông đánh thuỳnh một cái xuống nền đá tảng…

* Bản lĩnh cứng cỏi, không sợ quyền uy và không sợ cái chết:

- Cách Huấn Cao đón nhận sự biệt đãi của viên quản ngục.

- Khi viên quản ngục xuống tận phòng giam hỏi han ân cần, chu đáo, Huấn Cao tỏ ra khinh bạc đến điều: “Ngươi hỏi ta muốn gì, ta chỉ muốn có một điều, là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây”.

- Vào thời điểm nhận tin dữ (ngày mai vào kinh chịu án chém), Huấn Cao bình tĩnh, mỉm cười.

d. Sự tỏa sáng của ba vẻ đẹp trong cảnh cho chữ:

* Vẻ đẹp tài hoa:

- Tài năng của Huấn Cao không còn là những lời đồn đại nữa, nó đã hiện thành hình: “những nét chữ vuông tươi tắn…”

* Vẻ đẹp khí phách:

- Trái với sự lo lắng của viên quản ngục và thầy thơ lại, Huấn Cao rất thản nhiên đón nhận, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, lặng người ái ngại cho viên quản ngục.

- Không để tâm tới mọi thứ xung quanh, chỉ tập trung vào những nét chữ mà mình đang tạo ra.

* Vẻ đẹp thiên lương:

- Hiểu ra tấm lòng của quản ngục.

- Quan niệm: không được phụ lòng người -> trong những giây phút cuối đời đã viết chữ dành tặng viên quản ngục, dành tặng cho tấm lòng biệt nhỡn liên tài trong thiên hạ.

- Đỡ viên quan coi ngục đứng thẳng dậy, đưa ra những lời khuyên chí tình.

e. Tổng hợp đánh giá về nhân vật:

* Nguyên mẫu: Cao Bá Quát:

- Cùng họ Cao, giữ chức coi sóc việc học ở địa phương.

- Huấn Cao là người tử tù, dám cầm đầu đội quân chống lại triều đình. Cao Bát Quát là thủ lĩnh, quân sư cho cuộc khởi nghĩa của nhân dân Mỹ Lương – Hà Tây chống lại triều đình rồi cũng bị kết án tử hình.

- Cùng được tôn vinh vì tài năng viết chữ đẹp.

- Sự cúi đầu trước Huấn Cao của quản ngục cũng giống như câu thơ của Cao Bá Quát:“Nhất sinh đê thủ bái mai hoa”

* Nghệ thuật xây dựng nhân vật:

- Mang nhiều dấu ấn của chủ nghĩa lãng mạn:

+ Là con người tài hoa tài tử, khác thường.

+ Dùng thủ pháp cường điệu, phóng đại và thủ pháp đối lập.

- Ngôn ngữ giàu chất tạo hình, dùng nhiều từ Hán Việt mang màu sắc cổ kính, gợi về cái đẹp của một thời vang bóng.

* Nội dung tư tưởng mà nhân vật truyền tải:

- Quan điểm thẩm mĩ tiến bộ: luôn cho rằng cái đẹp phải gắn liền với cái thiện.

- Thông điệp: cái đẹp sẽ chiến thắng cái xấu xa, cái thiện sẽ chiến thắng cái ác, ánh sáng sẽ chiến thắng bóng tối.

- Thông qua việc ca ngợi Huấn Cao tác giả tôn vinh những nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc, tôn vinh một trang anh hùng dũng liệt -> Ca ngợi Huấn Cao là biểu hiện kín đáo của lòng yêu nước.

3. Tổng kết

Sở Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Học kì 1 Hồ Chí Minh

Năm học 2024 - 2025

Bài thi môn: Ngữ Văn 11

Thời gian làm bài: 120 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 2)

I. Đọc hiểu (3 điểm)

CÂU CHUYỆN VỀ HAI HẠT LÚA

Có hai hạt lúa nọ được giữ lại để làm hạt giống cho vụ sau vì cả hai đều là những hạt lúa tốt đều to khỏe và chắc mẩy. Một hôm, người chủ định đem chúng gieo trên cánh đồng gần đó. Hạt thứ nhất nhủ thầm: “Dại gì ta phải theo ông chủ ra đồng. Ta không muốn cả thân hình phải nát tan trong đất. Tốt nhất ta hãy giữ lại tất cả chất dinh dưỡng trong lớp vỏ này và tìm một nơi lý tưởng để trú ngụ”. Thế là nó chọn một góc khuất trong kho lửa để lăn vào đó. Còn hạt lúa thứ hai thì ngày đêm mong được ông chủ mang gieo xuống đất. Nó thật sự sung sướng khi được bắt đầu một cuộc đời mới.

         Thời gian trôi qua, hạt lúa thứ nhất bị héo khô nơi góc nhà bởi vì nó chẳng nhận được nước và ánh sáng. Lúc này chất dinh dưỡng chẳng giúp ích được gì nên nó chết dần chết mòn. Trong khi đó hạt lúa thứ hai dù nát tan trong đấy nhưng từ thân nó lại mọc lên cây lúa vàng óng, trĩu hạt. Nó lại mang đến cho đời những hạt lúa mới…

Đừng bao giờ tự khép mình trong lớp vỏ chắc chắn để cố giữ sự nguyên vẹn vô nghĩa của bản thân mà hãy can đảm bước đi, âm thầm chịu nát tan để góp cho cánh đồng cuộc đời một cây lúa nhỏ – đó là sự lựa chọn của hạt giống thứ hai”.

(Theo Hạt giống tâm hồn, NXB Trẻ, 2004)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản

Câu 2: Dựa vào văn bản, hãy cho biết vì sao hạt lúa thứ hai “ngày đêm mong được ông chủ gieo xuống đất”

Câu 3: Hình ảnh 2 hạt lúa có ý nghĩa tượng trưng cho những kiểu người nào trong xã hội?

Câu 4: Thông điệp sâu sắc nhất mà anh chị rút ra từ văn bản trên?

II. Làm văn (7 điểm)

Phân tích diễn biến tâm trạng của nhân vật Chí Phèo từ khi gặp Thị Nở cho đến trước khi bị Thị Nở từ chối trong tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao.

Sở Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Học kì 1 Hồ Chí Minh

Năm học 2024 - 2025

Bài thi môn: Ngữ Văn 11

Thời gian làm bài: 120 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 3)

I. Đọc hiểu

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Có một truyền thuyết về con chim chỉ hót một lần trong đời, nhưng hót hay nhất thế gian. Có lần nó rời tổ bay đi tìm bụi mận gai và tìm cho bằng được mới thôi. Giữa đám cành gai góc, nó cất tiếng hát bài ca của mình và lao ngực vào chiếc gai dài nhất, nhọn nhất. Vượt lên trên nỗi đau khổ khôn tả, nó vừa hót vừa lịm dần đi, và tiếng ca hân hoan ấy đáng cho cả sơn ca và họa mi phải ghen tị. Bài ca duy nhất có một không hai, bài ca phải đổi bằng tính mạng mới có được. Nhưng cả thế gian lặng đi lắng nghe, và chính thượng đế trên Thiên đình cũng mỉm cười. Bởi vì tất cả những gì tốt đẹp nhất chỉ có thể có được khi ta chịu trả giá bằng nỗi đau khổ vĩ đại… Ít ra truyền thuyết nói như vậy.

 (Tiếng chim hót trong bụi mận gai, Colleen McCulough, NXB Văn học, 2004, tr8)

Câu 1: Chỉ ra phương thức biểu đạt chính trong đoạn trích trên.

Câu 2: Hình ảnh chiếc gai dài nhất, nhọn nhất ẩn dụ cho điều gì?

Câu 3: Câu chuyện trên gửi đến độc giả thông điệp gì?

Câu 4: Anh/chị hãy rút ra bài học sâu sắc cho bản thân (Không lặp lại thông điệp đã nêu ở câu 3)

II. Làm văn

Cảm nhận của anh/chị về bức tranh phố huyện lúc chiều tàn trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam, Ngữ Văn 11, tập 1.

Sở Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Học kì 1 Hồ Chí Minh

Năm học 2024 - 2025

Bài thi môn: Ngữ Văn 11

Thời gian làm bài: 120 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 4)

Phần I. Đọc hiểu (4 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Hôm nay là ngày đầu tiên thầy giáo mới vào dạy môn Toán . Vừa vào lớp, thầy cho cả lớp làm bài kiểm tra đầu năm . Cả lớp ngạc nhiên khi thầy phát cho ba loại đề khác nhau rồi nói :

- Đề thứ nhất gồm những câu hỏi vừa dễ vừa khó , nếu làm hết các em sẽ được điểm 10 . Đề thứ hai có số điểm cao nhất là 8 với những câu hỏi tương đối dễ . Đề thứ ba có số điểm tối đa là 6 với những câu hỏi rất dễ . Các em được quyền chọn đề cho mình .

Thầy chỉ cho làm bài trong 15 phút nên ai cũng chọn đề thứ 2 cho chắc ăn .

Một tuần sau, thầy trả bài kiểm tra . Cả lớp lại càng ngạc nhiên hơn khi biết ai chọn đề nào thì được tổng số điểm của đề đó , bất kể làm đúng hay sai . Lớp trưởng hỏi thầy :

- Thưa thầy tại sao lại như thế a.?

Thầy cười nghiêm nghị trả lời :

- Với bài kiểm tra này thầy chỉ muốn thử thách ...

   ( Trích “ Hạt giống tâm hồn” )

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt của văn bản .

Câu 2: Tại sao cả lớp lại ngạc nhiên khi thầy giáo trả bài kiểm tra ?

Câu 3: Hãy viết tiếp câu nói của thầy với cả lớp sao cho phù hợp với mạch nội dung của câu chuyện trên ( tối đa 4 dòng )

Câu 4: Bài kiểm tra kì lạ của người thầy trong câu chuyện trên đã dạy cho chúng ta bài học gì ? Trình bày suy nghĩ bằng một đoạn văn ( 7 - 10 dòng )

Phần II. Làm văn (6 điểm)

Vì sao đêm đêm chị em Liên trong tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam lại cố thức chờ đợi đoàn tàu chạy qua nơi phố huyện? Hãy phân tích ý nghĩa của việc chờ đợi tàu của chị em Liên.

Sở Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Học kì 1 Hồ Chí Minh

Năm học 2024 - 2025

Bài thi môn: Ngữ Văn 11

Thời gian làm bài: 120 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 5)

Phần 1: Đọc - Hiểu (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu từ Câu 1 đến Câu 4:

Trong Diễn văn khai giảng năm học 2014 - 2015 ở trường Lương Thế Vinh (Hà Nội), Giáo sư Văn Như Cương - Hiệu trưởng nhà trường - có nói:

(1) Chúng ta hãy thể hiện tình yêu nồng thắm và lớn lao đối với đất nước mình. Chúng ta yêu núi cao, sông dài, yêu rừng xanh, biển bạc, yêu đất liền và đảo xa. Một nắm đất ở vùng biên giới, một vốc cát ở Trường Sa hay Hoàng Sa đều do ông cha ta để lại, đều không thể mất... Chúng ta hãy yêu mến nhân dân mình, gần gũi nhất là yêu gia đình mình, yêu bạn bè, yêu thầy cô. Hãy nhớ rằng chúng ta được nuôi dưỡng bằng dòng sữa Mẹ Việt Nam, tuy rất ngọt ngào nhưng được chắt lọc từ biết bao nhọc nhằn và cay đắng...

(2) Tình yêu thương đất nước và nhân dân sẽ là động lực lớn thúc đẩy các em làm tốt nhiệm vụ của mình trong lúc còn ngồi trên ghế nhà trường: Nhiệm vụ đó chính là học tập tốt về mọi mặt. Hãy học tập không chỉ bằng khối óc mà còn bằng cả trái tim mình. Các em hãy nhớ lời của Bác Hồ: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” mà một dân tộc yếu thì không làm chủ được chính mình, không bao giờ đạt được điều chúng ta mong muốn là “dân giàu, nước mạnh, xã hội văn minh”.

(Theo http://www.tinmoi.vn ngày 4/9/2014)

Câu 1: Tìm những từ ngữ trong đoạn trích thể hiện rõ sự giàu đẹp của đất nước Việt Nam.

Câu 2: Xác định thao tác lập luận chính được sử dụng trong đoạn (2).

Câu 3: Anh/chị hiểu thế nào về lời nhắn của thầy Văn Như Cương: Hãy học tập không chỉ bằng khối óc mà bằng cả trái tim mình.

Câu 4: Anh/chị có đồng ý với quan điểm: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu, mà một dân tộc yếu thì không làm chủ được chính mình? Vì sao?

Phần 2: Làm văn (7,0 điểm)

Phân tích hình tượng nhân vật Huấn Cao trong Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân

Sở Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Học kì 1 Hồ Chí Minh

Năm học 2024 - 2025

Bài thi môn: Ngữ Văn 11

Thời gian làm bài: 120 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 6)

Phần 1: Đọc - Hiểu (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu từ Câu 1 đến Câu 4:

(1) Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) vừa đưa ra dự báo, Việt Nam sẽ mất hơn 40 năm nữa để vượt qua mốc thu nhập trung bình. 40 năm nữa nghĩa là chúng ta, những người đang đọc bài viết này đều đã già, rất già. Thậm chí, có những người có thể đã ở thế giới bên kia. Nhưng điều nguy hiểm là không chỉ từng cá nhân, mà ngay cả đất nước này khi ấy cũng đã già nua.

... (2) Cũng giống như một đời người, thời điểm dân số già là lúc quốc gia sẽ phải tiêu tốn tiền bạc đã tích lũy được trong suốt “thời trẻ khỏe” để phục vụ cho giai đoạn không còn hoặc suy giảm khả năng sản xuất. Chẳng hạn, năm 2009 cứ hơn bảy người đi làm mới phải “nuôi” một người già. Nhưng đến năm 2049, cứ hai người làm việc đã phải gánh một người già (chưa kể còn trẻ em). Khi ấy, nếu chúng ta chưa tạo dựng được một nền kinh tế đủ mạnh, cùng nền tảng khoa học kỹ thuật phát triển thì gánh nặng an sinh xã hội cũng như nguy cơ tụt hậu là rất lớn.

(3) Hành động vì tương lai ngay từ lúc này, theo tôi, là điều cần thiết với cả xã hội. Với những người có thẩm quyền, cần cân nhắc và trân trọng từng đồng tiền ngân sách. Nợ công được khẳng định vẫn trong giới hạn an toàn. Nhưng cần tính toán trước rằng, 10-20 năm nữa, khoản nợ ấy sẽ dồn lên vai một cộng đồng dân số đã già, chưa chắc nuôi nổi bản thân, huống hồ là trả nợ. Từng giọt dầu, từng mẩu tài nguyên... cũng cần được tiết kiệm. Bởi đó chính là “của để dành” khi đất nước về già, năng suất lao động đã sụt giảm.

(Phan Tất Đức, Già trước khi giàu, Vn.Express,Thứ sáu, 26/9/2014)

Câu 1: Đoạn trích trên sử dụng phương thức biểu đạt chính nào?

Câu 2: Xác định thao tác lập luận chính trong đoạn (2) của đoạn trích và nêu tác dụng của thao tác lập luận đó.

Câu 3: Theo tác giả, đất nước chúng ta cần làm gì để không rời vào hoàn cảnh già trước khi kịp giàu?

Phần 2: Làm văn (7,0 điểm)

Phân tích hình ảnh bà Tú trong bài thơ Thương vợ của Tú Xương.

Sở Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Học kì 1 Hồ Chí Minh

Năm học 2024 - 2025

Bài thi môn: Ngữ Văn 11

Thời gian làm bài: 120 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 7)

Phần 1: Đọc  - Hiểu (4.0 điểm)

Đọc bài thơ sau và trả lời các câu hỏi:

Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm

(Lê Bá Dương, Lời người bên sông)

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của bài thơ trên.

Câu 2: Hãy chỉ ra và phân tích tác dụng của các biện pháp tu từ trong hai câu thơ “Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm”

Câu 3: Tác giả thể hiện những tâm tư, tình cảm gì khi đứng trước dòng sông Thạch Hãn?

Câu 4: Từ bài thơ, anh/chị hãy viết đoạn văn (8-12 dòng) trình bày suy nghĩ của mình về trách nhiệm của học sinh hiện nay với đất nước.

Phần 2: Làm văn (6,0 điểm)

Phân tích bức tranh phố huyện lúc về đêm cho đến khi đoàn tàu chạy qua trong tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam.

Sở Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Học kì 1 Hồ Chí Minh

Năm học 2024 - 2025

Bài thi môn: Ngữ Văn 11

Thời gian làm bài: 120 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 8)

Phần 1: Đọc - Hiểu (3.0 điểm)

Đọc đoạn thơ sau đây và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

“Nếu Tổ quốc neo mình đầu sóng cả

Những chàng trai ra đảo đã quên mình

Một sắc chỉ về Hoàng Sa thuở trước

Còn truyền đời con cháu mãi đinh ninh

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát

Máu xương kia dằng dặc suốt ngàn đời

Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất

Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi”

(Trích Tổ quốc nhìn từ biển - Nguyễn Việt Chiến)

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên.

Câu 2: Nhân vật trữ tình đã gửi gắm cảm xúc, tâm tư gì vào đoạn thơ?

Câu 3: Tìm và phân tích hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ?

Câu 4: Đoạn thơ mang đến cho người đọ nhận thức gì về Tổ quốc xưa và nay?

Phần II: Làm văn (7,0 điểm)

Phân tích bi kịch tha hóa của nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao.

Sở Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Học kì 1 Hồ Chí Minh

Năm học 2024 - 2025

Bài thi môn: Ngữ Văn 11

Thời gian làm bài: 120 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 9)

Phần 1. Đọc - hiểu (3.0 điểm)

Đọc và trả lời những câu hỏi sau:

Đối với ông già, bà già, thanh niên phải có thái độ kính nhường và hết lòng giúp đỡ, bởi vì một lẽ dễ hiểu là có ông già, bà già thì mới có chúng ta...

Khi đi tàu, đi xe, thanh niên không được chen lấn phụ nữ. Trong trường hợp phụ nữ, nhất là phụ nữ có thai, chưa có chỗ ngồi, thanh niên phải nhường chỗ của mình cho họ...

Trong xã hội ta, nhiều thanh niên biết tỏ lòng thương yêu quý mến nhân dân bằng hành động dũng cảm và hào hiệp; lúc chiến tranh xông pha lửa đạn để bảo vệ tính mạng và tài sản của đồng bào; lúc bình thường cứu giúp trẻ em bị tai nạn, đỡ đần người đi đường bị ốm đau,...

Thanh niên phải luôn có tinh thần xung phong, gương mẫu; bất cứ việc gì tập thể cần thì thanh niên phải làm với tinh thần trách nhiệm cao nhất; song phải luôn luôn khiêm tốn, thật thà, không phô trương, dối trá...

Thanh niên cũng phải dành thì giờ nhất định để giúp đỡ cha mẹ, săn sóc các em, chăm lo một phần công việc gia đình” ...

(Con đường tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của thanh niên, Ngữ văn 12, tập một, NXBGD 2013, trang 37)

Câu 1: Đoạn trích trên sử dụng phương thức biểu đạt nào?

Câu 2: Nêu nội dung chính của đoạn trích.

Câu 3: Quan đoạn trích trên, anh/chị thấy phẩm chất cần có của thanh niên là gì? Viết một đoạn văn (từ 7 đến 10 dòng) trình bày ý kiến của mình.

Phần II: Làm văn (7.0 điểm)

Vẻ đẹp của người nghĩa sĩ Cần Giuộc trong đoạn văn sau:

Khá thương thay!

Vốn chẳng phải quân cơ quân vệ, theo dòng ở lính diễn binh; chẳng qua là dân ấp dân lân, mến nghĩa làm quân chiêu mộ.

Mười tám ban võ nghệ, nào đợi tập rèn; chín chục trận binh thư, không chờ bày bố.

Ngoài cật có một manh áo vải, nào đợi mang bao tấu bầu ngòi; trong tay cầm một ngọn tầm vông, chi nài sắm dao tu, nón gõ.

Hỏa mai đánh bằng rơm con cúi, cũng đốt xong nhà dạy đạo kia; gươm đeo dùng bằng lưỡi dao phay, cũng chém rớt đầu quan hai nọ.

Chi nhọc quan quản gióng trống kì trống giục, đạp rào lướt tới, coi giặc cũng như không; nào sợ thằng Tây bắn đạn nhỏ đạn to, xô cửa xông vào, liều mình như chẳng có.

Kẻ đâm ngang, người chém ngược, làm cho mã tà ma ní hồn kinh; bọn hè trước, lũ ó sau, trối kệ tàu sắt tàu đồng súng nổ.

(Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc -  Nguyễn Đình Chiểu, Ngữ văn 11, Tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam)

Sở Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Học kì 1 Hồ Chí Minh

Năm học 2024 - 2025

Bài thi môn: Ngữ Văn 11

Thời gian làm bài: 120 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 10)

I. ĐỌC HIỂU

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

“{…} Mẹ ơi, tiền quan trọng đến thế nào với gia đình mình thì chắc mẹ hiểu rõ hơn con. Cứ nghĩ đến tiền là con lại nhớ đến những đêm bố mất ngủ đến rạc cả người, nhớ đến những vết chích ven sưng to như quả trứng gà của mẹ, nhớ đến cả thìa đường pha cốc nước nóng con mang cho mẹ để mẹ uống bồi bổ mỗi tối. Mẹ chắt chiu đến mức sữa ông thọ rẻ tiền mà cũng không mua để tự bồi dưỡng sức khỏe cho mình.

Con sợ tiền mà lại muốn có tiền. Con ghét tiền mà lại quý tiền nữa mẹ ạ. Con quý tiền và tôn trọng tiền bởi con luôn biết ơn những người hảo tâm đã giúp nhà mình. Từ những nhà sư tốt bụng mời mẹ đến chùa vào cuối tuần, những cô bác ở Hội chữ thập đỏ quyên góp tiền giúp mẹ và gia đình mình. Và cả những người bạn xung quanh con, dù chưa giúp gì được về vật chất, tiền bạc nhưng luôn quan tâm hỏi thăm sức khỏe của mẹ… Nhờ họ mà con cảm thấy ấm lòng hơn, vững tin hơn.

Con cảm thấy bất lực ghê gớm và rất cắn rứt lương tâm khi mẹ không đồng ý với các kế hoạch của con. Đã có lúc con đòi đi lao động, đi làm gia sư hay đi bán bánh mì “tam giác” như mấy anh sinh viên con quen để kiếm tiền giúp mẹ nhưng mẹ cứ gạt phăng đi. Mẹ cứ một mực “tống” con đến trường và bảo mẹ chỉ cần con học giỏi thôi, con giỏi thì mẹ sẽ khỏe.

Vâng, con xin nghe lời mẹ. Con vẫn đến trường. Con sẽ cố gắng học thật giỏi để mẹ và bố vui lòng. Nhưng mẹ hãy để con giúp mẹ, con đã nghĩ kĩ rồi, không làm gì thêm được thì con sẽ nhịn ăn sáng để tiết kiệm tiền. Không bán bánh mì được thì con sẽ ăn cơm với muối vừng. Mẹ đừng lo mẹ ạ, mẹ hãy an tâm chạy chữa và chăm sóc cho bản thân mình. Hãy để con được chia sẻ sự túng thiếu tiền bạc cùng bố mẹ. Vậy con khẩn thiết xin mẹ đừng cằn nhằn la mắng con khi con nhịn ăn sáng. Mẹ đừng cấm đoán con khi con đi lấy chầy, cối để giã lạc vừng. Dù con đã sút 8 cân so với năm ngoái nhưng con tin rằng với sự thấu hiểu lẫn nhau giữa những người trong gia đình thì nhà ta vẫn có thể sống yên ổn để đồng tiền không thể đóng vai trò cốt yếu trong việc quyết định hạnh phúc nữa.

Đứa con ngốc nghếch của mẹ, Nguyễn Trung Hiếu”

(Theo Bài văn lạ của học trò nghèo gây “sốc” với giáo viên trường Amstecđam, báo điện tử Dân trí, ngày 6-11-2011)

Câu 1: Xác định phong cách ngôn ngữ, những phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn văn?

Câu 2: Nêu nội dung chính của đoạn văn?

Câu 3: Theo anh/chị vì sao người con lại nói: Con sợ tiền mà lại muốn có tiền. Con ghét tiền mà lại quý tiền, mẹ ạ.?

II: LÀM VĂN

Cảm nhận về hình ảnh bà Tú trong đoạn thơ sau:

“Quanh năm buôn bán ở mom sông.

Nuôi đủ năm con với một chồng

Lặn lội thân cò khi quãng vắng

Eo sèo mặt nước buổi đò đông”.

(Trích “Thương vợ”- Trần Tế Xương- SGK Ngữ văn 11, tập 1)

-HẾT-

................................

................................

................................

Trên đây tóm tắt một số nội dung miễn phí trong bộ Đề thi Ngữ văn 11 năm 2024 mới nhất, để mua tài liệu trả phí đầy đủ, Thầy/Cô vui lòng xem thử:


Đề thi, giáo án các lớp các môn học