[Năm 2024] Đề thi Giữa kì 1 Ngữ Văn lớp 10 Hà Nội có đáp án (10 đề)

Tuyển chọn [Năm 2024] Đề thi Giữa kì 1 Ngữ Văn lớp 10 Hà Nội có đáp án (10 đề) chọn lọc được các Giáo viên nhiều năm kinh nghiệm biên soạn và sưu tầm từ đề thi Ngữ Văn 10 của các trường THPT. Hi vọng bộ đề thi này sẽ giúp học sinh ôn tập và đạt kết quả cao trong các bài thi Giữa kì 1 môn Ngữ Văn 10.

Sở Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Giữa kì 1 Hà Nội

Năm học 2024 - 2025

Bài thi môn: Ngữ Văn 10

Thời gian làm bài: 90 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 1)

I.ĐỌC HIỂU (3 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

"Bản lĩnh là khi bạn dám nghĩ, dám làm và có thái độ sống tốt. Muốn có bản lĩnh bạn cũng phải kiên trì luyện tập. Chúng ta thường yêu thích những người có bản lĩnh sống. Bản lĩnh đúng nghĩa chỉ có được khi bạn biết đặt ra mục tiêu và phương pháp để đạt được mục tiêu đó. Nếu không có phương pháp thì cũng giống như bạn đang nhắm mắt chạy trên con đường có nhiều ổ gà.

Cách thức ở đây cũng rất đơn giản. Đầu tiên, bạn phải xác định được hoàn cảnh và môi trường để bản lĩnh được thể hiện đúng lúc, đúng nơi, không tùy tiện. Thứ hai bạn phải chuẩn bị cho mình những tài sản bổ trợ như sự tự tin, ý chí, nghị lực, quyết tâm... Điều thứ ba vô cùng quan trọng chính là khả năng của bạn. Đó là những kỹ năng đã được trau dồi cùng với vốn tri thức, trải nghiệm. Một người mạnh hay yếu quan trọng là tùy thuộc vào yếu tố này.

Bản lĩnh tốt là vừa phục vụ được mục đích cá nhân vừa có được sự hài lòng từ những người xung quanh. Khi xây dựng được bản lĩnh, bạn không chỉ thể hiện được bản thân mình mà còn được nhiều người thừa nhận và yêu mến hơn."

(Tuoitre.vn - Xây dựng bản lĩnh cá nhân)

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích?

Câu 2: Theo tác giả, thế nào là người bản lĩnh?

Câu 3: Tại sao tác giả cho rằng "Bản lĩnh tốt là vừa phục vụ được mục đích cá nhân vừa có được sự hài lòng từ những người xung quanh"?

Câu 4: Theo anh/chị, một người có bản lĩnh sống phải là người như thế nào?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm) Viết đoạn văn ngắn khoảng ( 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về câu nói: Tuổi trẻ cần sống có bản lĩnh để dám đương đầu với mọi khó khăn thử thách.

Câu 2 (5,0 điểm)

Phân tích bài thơ sau:

Phiên âm

Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu,

Tam quân tì hổ khí thôn ngưu.

Nam nhi vị liễu công danh trái,

Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu.

Dịch thơ:

Múa giáo non sông trải mấy thu,

Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu

Công danh nam tử còn vương nợ.

Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ hầu.

(Tỏ lòng - Phạm Ngũ Lão)

----------HẾT---------

ĐÁP ÁN VÀ THANG ĐIỂM

I.ĐỌC HIỂU (3 điểm)

Câu 1: (0,5 điểm)

Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận.

Câu 2: (0,5 điểm)

Theo tác giả, người có bản lĩnh là người dám nghĩ, dám làm và có thái độ sống tốt.

Câu 3: (1 điểm)

- Tại sao tác giả cho rằng "Bản lĩnh tốt là vừa phục vụ được mục đích cá nhân vừa có được sự hài lòng từ những người xung quanh"?

- Bởi vì: khi một cá nhân có bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm nhưng chỉ nhằm mục đích phục vụ cá nhân mình, không quan tâm đến những người xung quanh, thậm chí làm phương hại đến xã hội thì không ai thừa nhận anh ta là người có bản lĩnh...

Câu 4: (1 điểm)

- Phải trau dồi tri thức, kinh nghiệm, kĩ năng

- Phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm

- Phải có ý chí, quyết tâm, nghị lực

- Phải có chính kiến riêng trong mọi vấn đề. Người bản lĩnh dám đương đầu với mọi thử thách để đạt điều mong muốn.

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1: (2 điểm)

Triển khai vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp:

* Giới thiệu vấn đề nghị luận.

Tuổi trẻ cần sống có bản lĩnh để dám đương đầu với mọi khó khăn thử thách.

* Phân tích vấn đề:

- Giải thích:

Bản lĩnh là sự tự khẳng định mình, bày tỏ những quan điểm cá nhân và có chính kiến riêng trong mọi vấn đề. Người bản lĩnh dám đương đầu với mọi thử thách để đạt điều mong muốn.

- Bàn luận ý nghĩa của việc sống bản lĩnh

   + Sống bản lĩnh giúp cho bản thân có được sự tự tin trong cuộc sống, từ đó đề ra những mục tiêu và dám thực hiện chúng.

   + Bên cạnh đó, người bản lĩnh cũng dễ dàng thừa nhận những sai sót, khuyết điểm của mình và tiếp thu những cái hay, cái mới, cái hay.

   + Trước những cám dỗ của cuộc sống, người bản lĩnh hoàn toàn có thể tự vệ và tự ý thức được điều cần phải làm.

- Bình luận, mở rộng

+ Là học sinh, bản lĩnh được biểu hiện qua nhiều hành vi khác nhau. Đó là khi bạn cương quyết không để cho bản thân mình quay cóp, chép bài trong giờ kiểm tra. Đó là khi bạn sẵn sàng đứng lên nói những sai sót của bạn bè và khuyên nhủ họ. Khi mắc sai lầm, bạn tự giác thừa nhận và sửa sai.

- Bài học nhận thức và hành động

- Không phải ai sinh ra cũng có được bản lĩnh. Bản lĩnh của mỗi người được tôi luyện qua nhiều gian lao, thử thách. Bằng sự can đảm, học từ những thất bại, đứng dậy từ những vấp ngã, ... mỗi chúng ta đang dần tạo nên một bản lĩnh kiên cường.

* Kết luận:

Cuộc đời sẽ đẹp và giàu ý nghĩa khi tuổi trẻ biết sống có bản lĩnh để dám đương đầu với mọi khó khăn thử thách.

Câu 2: (5 điểm)

Mở bài:

- Giới thiệu tác giả Phạm Ngũ Lão: Phạm Ngũ Lão là người văn võ song toàn, ông có nhiều sáng tác nói về chí làm trai và lòng yêu nước

- Giới thiệu tác phẩm “Tỏ lòng”: “Tỏ lòng” là bài thơ Đường luật ngắn gọn, súc tích, khắc họa vẻ đẹp con người có sức mạnh, có lí tưởng, nhân cách cao cả cùng khí thế hào hùng của thời đại

Thân bài:

1. Hình tượng con người và sức mạnh quân đội nhà Trần

a) Hình tượng con người thời Trần

- Hành động: hoành sóc – cầm ngang ngọn giáo

=>Tư thế hùng dũng, oai nghiêm, hiên ngang sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

- Không gian kì vĩ: giang sơn – non sông

=> Không gian rộng lớn, mênh mông, nó không đơn thuần là sông, là núi mà là giang sơn, đất nước, Tổ quốc

- Thời gian kì vĩ: kháp kỉ thu – đã mấy thu

=> Thời gian dài đằng đẵng, không biết đã bao nhiêu mùa thu, bao nhiêu năm đi qua, thể hiện quá trình đấu tranh bền bỉ, lâu dài.

Như vậy:

+ Hình ảnh người tráng sĩ cho thấy một tư thế hiên ngang, mạnh mẽ, hào hùng, sẵn sàng lập nên những chiến công vang dội

+ Hình ảnh, tầm vó những người tráng sĩ ấy sánh với núi sông, đất nước, với tầm vóc hùng vĩ của vũ trụ.

+ Người tráng sĩ ấy ra đi bảo vệ Tổ quốc ròng rã mấy năm trời àm chưa từng một giây phút nào cảm thấy mệt mỏi mà trái lại vẫn bừng bừng khí thế hiên ngang, bất khuất, hùng dũng

b) Hình tượng quân đội thời Trần

- “Tam quân” (ba quân): tiền quân, trung quân, hậu quân – quân đội của cả đất nước, cả dân tộc cùng nhau đứng lên để chiến đấu.

- Sức mạnh của quân đội nhà Trần:

+ Hình ảnh quân đội nhà Trần được so sánh với “tì hổ” (hổ báo) qua đó thể hiện sức mạnh hùng dũng, dũng mãnh của đội quân.

+ “Khí thôn ngưu”: khí thế hào hùng, mạnh mẽ lấn át cả trời cao, cả không gian vũ trụ bao la, rộng lớn.

 => Với các hình ảnh so sánh, phóng đại độc đáo, sự kết hợp giữa hiện thực và lãng mạn, giữa hình ảnh khách quan với cảm nhận chủ quan đã cho thấy sưc mạnh và tầm vóc của quân đội nhà Trần.

 => Như vậy, hai câu thơ đầu đã cho thấy hình ảnh người tráng sĩ hùng dũng, oai phong cùng tầm vóc mạnh mẽ và sức mạnh của quân đội nhà Trần. Nghệ thuật so sánh phong đại cùng giọng điệu hào hùng mang lại hiệu quả cao.

2. Nỗi lòng muốn bày tỏ của tác giả

- Giọng điệu: trầm lắng, suy tư, qua đó bộc lộ tâm trạng băn khoăn, trăn trở

- Nợ công danh: Theo quan niệm nhà Nho, đây là món nợ lớn mà một trang nam nhi khi sinh ra đã phải mang trong mình. Nó gồm 2 phương diện: Lập công (để lại chiến công, sự nghiệp), lập danh (để lại danh thơm cho hậu thế). Kẻ làm trai phải làm xong hai nhiệm vụ này mới được coi là hoàn trả món nợ.

- Theo quan niệm của Phạm Ngũ Lão, làm trai mà chưa trả được nợ công danh “thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu”:

+ Thẹn: cảm thấy xấu hổ, thua kém với người khác

+ Chuyện Vũ Hầu: tác giả sử dụng tích về Khổng Minh - tấm gương về tinh thần tận tâm tận lực báo đáp chủ tướng. Hết lòng trả món nợ công danh đến hơi thở cuối cùng, để lại sự nghiệp vẻ vang và tiếng thơm cho hậu thế.

 => Nỗi thẹn của Phạm Ngũ Lão hết sức cao cả của một nhân cách lớn. Thể hiện khát khao, hoài bão hướng về phía trước để thực hiện lí tưởng, nó đánh thức ý chí làm trai, chí hướng lập công cho các trang nam tử.

 => Với âm hưởng trầm lắng, suy tư và việc sử dụng điển cố điển tích, hai câu thơ cuối đã thể hiện tâm tư và khát vọng lập công của Phạm Ngũ Lão cùng quan điểm về chí làm trai rất tiến bộ của ông.

Kết bài :

- Khái quát lại giá trị nội dung và nghệ thuật.

- Bài học đối với thế hệ thanh niên ngày nay: Sống phải có ước mơ, hoài bão, biết vượt qua khó khăn, thử thách để biến ước mơ thành hiện thực, có ý thức trách nhiệm với cá nhân và cộng đồng.

----------HẾT---------

[Năm 2024] Đề thi Giữa kì 1 Ngữ Văn lớp 10 Hà Nội có đáp án (10 đề)

Sở Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Giữa kì 1 Hà Nội

Năm học 2024 - 2025

Bài thi môn: Ngữ Văn 10

Thời gian làm bài: 90 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 2)

I.ĐỌC HIỂU (3 điểm)

Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi từ Câu 1 đến Câu 4:

(1) Ứng xử là thái độ, hành vi, lời nói thích hợp trong quan hệ giao tiếp giữa người với người, giữa người với thiên nhiên. Thuật ngữ văn hóa đặt trước ứng xử có nghĩa là tô đậm chiều cao phẩm chất, chiều rộng quan hệ của người ứng xử. Có con người là có cách ứng xử giữa họ với nhau, giữa họ với môi trường sống. Nhưng văn hóa ứng xử được hình thành từ khi văn minh phát triển ở một cấp độ nào đó nhằm diễn đạt cách ứng xử con người đối với thiên nhiên, đối với xã hội và đối với chính mình...

(2) Ở các nền văn hóa khác nhau có hệ chuẩn không giống nhau, nhưng vẫn có giá trị chung. Đó là sống có lý tưởng, trung với nước, hiếu với cha mẹ, tình thương đối với đồng bào, trung thực với bạn bè, giữ chữ tín trong mọi quan hệ. Trong văn hóa phương Đông, Khổng tử khuyên mọi người tu tâm dưỡng tín với sáu chữ: nhất nhật tam tĩnh ngô thân. Đối với người Nhật, nhân cách văn hóa được công thức hóa: thiện, ích, đẹp. Nước ta coi trọng mục tiêu giá trị: chân, thiện, mỹ. Ở châu Âu, người ta nói tính cách, khi bàn giá trị nhân cách tiêu biểu dân tộc. Tính cách Nga được thể hiện ở lòng đôn hậu, tình thủy chung, nghĩa cử quốc tế cao cả. Khẩu hiệu tri thức là sức mạnh được nhiều nước tư bản châu Âu viện dẫn và ảnh hưởng tới hành động đã mấy trăm năm. Bí quyết hàng đầu của người Do Thái là sự trọng học, đề cao vai trò của trí tuệ, tôn sùng học vấn và tài năng. Để con gái lấy được học giả, hoặc lấy được con người là học giả làm vợ thì không tiếc tài sản. Tuy nhiên, họ cũng coi tri thức mà thiếu thực tiễn chẳng khác nào chú lừa chỉ biết thồ trên lưng sách vở.

Câu 1. Nêu nội dung chính của từng đoạn trong văn bản trên (0,5 điểm)

Câu 2. Xác định thao tác lập luận chủ yếu được sử dụng ở đoạn (1) và (2) (0,75 điểm).

Câu 3. Hãy nên ít nhất 2 tiêu chí giao tiếp thể hiện văn hóa ứng xử trong cuộc sống hàng ngày. Trả lời trong khoảng 3-5 câu (0,75 điểm).

Câu 4. Điều gì khiến anh chị tâm đắc nhất qua đoạn trích. (1,0 điểm)

II: LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Hãy viết một đoạn văn ngắn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ về cách ứng xử của con người với chính mình.

Câu 2 (7,0 điểm)

Từ những hiểu biết của bản thân về truyền thuyết An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy, anh/chị cảm nhận như thế nào về việc Mị Châu bị thần Rùa Vàng kết tội là giặc, lại bị vua cha chém đầu nhưng sau đó, máu nàng hóa thành ngọc trai, xác nàng hóa thành ngọc thạch?

----------HẾT---------

ĐÁP ÁN VÀ THANG ĐIỂM

Phần I: ĐỌC HIỂU (3 điểm)

Câu 1. (0,5 điểm)

Chủ đề của hai đoạn văn:

Đoạn (1): Giải thích ý nghĩa khái niệm "văn hóa ứng xử"

Đoạn (2): Các nền văn hóa khác nhau có hệ chuẩn không không giống nhau, nhưng vẫn có giá trị chung

Câu 2. (0,75 điểm)

Thao tác lập luận chủ yếu:

Đoạn (1): Thao tác lập luận giải thích/lập luận giải thích/ thao tác giải thích/ giải thích/

Đoạn (2): Thao tác lập luận so sánh/ lập luận so sánh/ thao tác so sánh/ so sánh

Câu 3. (0,75 điểm)

- Khi giao tiếp với người trên tuổi phải có lời thưa gửi

- Khi đối thoại với một người nào đó phải chú ý nhường lượt lời cho họ.

Câu 4. (1 điểm)

- Tuy mỗi nền văn hóa có những quy định cụ thể về cách giao tiếp, ứng xử nhưng vẫn có những giá trị chung mà chúng ta cần hiểu và tôn trọng

PHẦN II : LÀM VĂN (7 điểm)

Câu 1. (2 điểm)

* Giải thích:

+ Cách ứng xử với chính mình: Là thái độ, suy nghĩ, đánh giá về chính bản thân mình.

* Bình luận:

- Tại sao con người cần có thái độ ứng xử văn hóa với chính bản thân mình?

+ Bởi vì bất kì một người nào cũng cần hiểu rõ bản thân mình

+ Từ chỗ hiểu rõ bản thân, con người phải có thái độ, suy nghĩ , đúng đắn, tích cực về chính mình thì từ đó mới có thái độ, suy nghĩ tích cực về người khác.

- Thái độ ứng cử văn hóa với chính bản thân được biểu hiện như thế nào?

+ Hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu của bản thân

+ Biết phát huy điểm mạnh, hạn chế, khắc phục điểm yếu

+ Không tự đánh giá quá cao về bản thân mình đồng thời cũng không tự hạ thấp mình

+ Trân trọng, giữ gìn cả vẻ đẹp hình thức và vẻ đẹp tâm hồn.

- Ý nghĩa của việc hình thành văn hóa ứng xử với chính bản thân

+ Nâng cao giá trị bản thân

+ Là cơ sở, nền tảng trong quan hệ ứng xử với những người xung quanh

* Bài học nhận thức, hành động

- Trước khi nhận thức, đánh giá về người khác, cần nhận thức, đánh giá về chính mình.

Câu 2: (5 điểm)

* Giới thiệu tác phẩm

- Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy là một trong những truyền thuyết tiêu biểu trong chuỗi truyền thuyết về Âu Lạc và An Dương Vương của kho tàng văn học dân gian phong phú của dân tộc ta.

- Đây là câu chuyện dân gian có nhiều yếu tố tưởng tượng, hoang đường, kì ảo tái hiện một giai đoạn đầy biến động của nhà nước Âu Lạc buổi sơ khai, thuật lại khá trọn vẹn cuộc đời An Dương Vương từ khi lên ngôi cho đến lúc để mất nước.

Cảm nhận về việc Mị Châu bị thần Rùa Vàng kết tội là giặc, lại bị vua cha chém đầu nhưng sau đó, máu nàng hóa thành ngọc trai, xác nàng hóa thành ngọc thạch

* Giới thiệu nhân vật Mị Châu: Mị Châu là con gái An Dương Vương, sau này lấy Trọng Thủy – con trai Triệu Đà.

* Nguyên nhân dẫn đến việc Mị Châu bị kết tội:

- Triệu Đà, vua phương Bắc có âm mưu đánh chiếm Âu Lạc nên sau nhiều phen thua dưới nỏ thần của An Dương Vương, hắn đã cho con trai Triệu Đà sang cầu thân. Đây chẳng qua là kế hoãn binh nhằm thực hiện tiếp âm mưu tái chiếm.

- An Dương Vương lại cho Trọng Thủy ở rể. Đó là sự mất cảnh giác trầm trọng hơn, tạo cơ hội thuận lợi cho gián điệp đội lốt chú rể xâm nhập sâu hơn để khám phá bí mật quốc gia, bí mật bố phòng quân sự và bí mật về vũ khí Âu Lạc.

- Mị Châu nhẹ dạ, cả tin, nể tình vợ chồng, cho Trọng Thủy xem nỏ thần, vô tình tiếp tay cho âm mưu của cha con Triệu Đà có điều kiện thực hiện sớm.

- Triệu Đà chiếm được nỏ thần, chuyện gì đến đã đến.

=> Sự chủ quan, mất cảnh giác và ỷ lại vào vũ khí, coi thường giặc của An Dương Vương đã trực tiếp làm tiêu vong sự nghiệp của mình và đưa Âu Lạc đến diệt vong => nước mất nhà tan.

*Phân tích lời kết tội của Rùa Vàng, vua cha chém đầu nhưng sau đó, máu nàng hóa thành ngọc trai, xác nàng hóa thành ngọc thạch?

- Lời kết tội của Rùa Vàng chính là lời kết tội của công lí, của nhân dân trước hành động vô tình phản quốc của Mị Châu. Đó là bài học xương máu về mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng, mối quan hệ giữa gia đình và Tổ quốc.

- Thanh gươm đáng ra phải dùng để chém kẻ thù thì nay An Dương Vương phải dùng để chém chính khúc ruột của mình.

- Hành động “tuốt kiếm chém Mị Châu” là hành động quyết liệt và dứt khoát của An Dương Vương đứng về phía công lí và quyền lợi của dân tộc để trừng trị kẻ đắc tội với non sông, dù sự đắc tội đó là vô tình hay hữu ý.

=> Sự thức tỉnh muộn màng của nhà vua cũng chính là bài học cho muôn đời.

- Tuy nhiên, Mị Châu cũng chỉ là nạn nhân của bi kịch tình yêu:

+ Mị Châu là nàng công chúa ngây thơ, trong trắng sống trong sự thương yêu, cưng chiều của đức vua giữa không khí hào hùng và thanh bình của đất nước.

+ Nàng là người vợ thực sự yêu thương chồng nhưng không hề biết âm mưu của Trọng Thủy

+ Những ngày sống bên Mị Châu, Trọng Thủy vừa muốn đạt được âm mưu của mình và vừa muốn có được tình yêu của Mị Châu nhưng tận cùng của con đường rắc trắng lông ngỗng là cái chết của tình yêu

->Tác giả dân gian muốn phê phán chiến tranh phi nghĩa

- Tác giả dân gian xây dựng chi tiết Mị Châu nhảy xuống biển thành ngọc minh châu trong lòng trai sò, lấy nước giếng nơi Trọng Thủy tự tử mà rửa ngọc càng sáng thêm là sự minh chứng cho lòng dạ Mị Châu trong trắng, vô tình mắc tội => thái độ cảm thông, thương xót của nhân dân với nàng.

- Hình ảnh ngọc trai – giếng nước mang ý nghĩa biểu tượng:

+ Mối tình mang đầy bi kịch

+ Sự nhẹ dạ, cả tin, sự thờ ơ với vận mệnh quốc gia dân tộc phải trả bằng sinh mạng

+ Phải lấy cái chết của kẻ thù mới rửa nổi “nhục thù”

=> Bài học đắt giá cho thế hệ sau

* Tổng kết

----------HẾT---------

Sở Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Giữa kì 1 Hà Nội

Năm học 2024 - 2025

Bài thi môn: Ngữ Văn 10

Thời gian làm bài: 90 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 3)

I. ĐỌC HIỂU (3 điểm)

Cho đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu,

Tam quân tì hổ khí thôn ngưu.

Nam nhi vị liễu công danh trái,

Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu

a. Hãy xác định tên bài thơ, tên tác giả trong đoạn thơ trên?

b. Chỉ ra các biện pháp nghệ thuật và nêu tác dụng của các biện pháp nghệ thuật trong câu thơ sau: Tam quân tì hổ khí thôn ngưu.

c. Từ hai câu thơ sau:

Nam nhi vị liễu công danh trái,

Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu

Viết một đoạn văn ngắn (10 đến 15 câu) suy nghĩ của em về lí tưởng sống của thanh niên trong xã hội hiện nay.

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Cảm nhận của em về bài thơ Cảnh ngày hè (Bảo kính cảnh giới số 43) của Nguyễn Trãi.

----------HẾT---------

ĐÁP ÁN VÀ THANG ĐIỂM

I. ĐỌC HIỂU (3 điểm)

Câu 1: (1 điểm)

- Tên bài thơ: Tỏ lòng (Thuật hoài)

- Tên tác giả: Phạm Ngũ Lão

Câu 2: (1 điểm)

- NT: so sánh, phóng đại: ba quân như hổ báo, khí thế hùng dũng nuốt trôi trâu.

- Tác dụng: Cụ thể hoá sức mạnh vật chất, khái quát hoá sức mạnh tinh thần

=> Hình ảnh quân đội nhà Trần hiện lên sôi sục khí thế quyết chiến quyết thắng, đó là sức mạnh đoàn kết của dân tộc ta.

Câu 3: (1 điểm)

HS viết thành đoạn văn và phải đảm bảo nội dung sau:

- Chí làm trai trong hai câu thơ:

"Nam nhi vị liễu công danh trái,

Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu"

- Sống có trách nhiệm, hy sinh vì nghĩa lớn.

- Khát vọng đem tài trí để tận trung báo quốc, đó là lẽ sống lớn của một con người đầy tài năng và hoài bão.

- Lí tưởng sống của thanh niên trong xã hội hiện nay:

+ Vai trò của tầng lớp thanh niên có lí tưởng trong đời sống cá nhân, xã hội?

+ Lẽ sống, niềm tin và những đóng góp của thanh niên hiện nay?

+ Những kì vọng của gia đình và xã hội.

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

I. Mở bài

- Nguyễn Trãi là một bậc anh hùng, một nhà văn hóa lớn, ông đã để lại cho lớp lớp thế hệ sau một sự nghiệp văn học vĩ đại

- Bài thơ Cảnh ngày hè (Bảo kính cảnh giới - bài 43) phản ánh vẻ đẹp độc đáo của bức tranh ngày hè và tâm hồn yêu thiên nhiên, đất nước, con người của nhà thơ. Và qua đó, chúng ta sẽ có những cảm nhận về tấm lòng yêu nước, thương dân sâu sắc của tâm hồn Ức Trai

II. Thân bài

1. Bức tranh cảnh ngày hè

- Bức tranh thiên nhiên tràn đầy sức sống, cảnh vật tươi tắn, rực rỡ

    + Hình ảnh thơ: hoa hòe, thạch lựu, hồng liên

    + Màu sắc: màu xanh của cây hòe, màu đỏ của cây thạch lựu, màu hồng của hồng liên - những màu sắc tươi tắn, rực rỡ, căng tràn nhựa sống.

    + Sử dụng các động từ mạnh: đùn đùn, giương, phun, tiễn. Cảnh vật được miêu tả với những động từ mạnh thể hiện một sức sống mãnh liệt như có một cái gì đó thôi thúc bên trong, sức sống như ứa căng, tràn đầy.

=> Tác giả sử dụng những hình ảnh thơ bình dị, gần gũi, quen thuộc, độc đáo và có sự phá cách, khác hẳn với những hình ảnh thơ mang tính ước lệ, tượng trưng vốn thường được sử dụng trong Đường thi

- Bức tranh cảnh ngày hè sôi động, náo nhiệt gắn với cuộc sống của con người

    + Âm thanh sôi động, dân dã gắn với cuộc sống đời thường: âm thanh của tiếng ve, tiếng lao xao của chợ cá

    + Hình ảnh thơ gần gũi: chợ cá làng ngư phủ, lầu tịch dương

    + Sử dụng từ láy có giá trị tượng thanh (lao xao) cùng với nghệ thuật đảo ngữ trong câu 5 và câu 6 đã góp phần tạo nên nét nhộn nhịp của bức tranh hè và cuộc sống sung túc, ấm no, đủ đầy của con người.

- Bức tranh cảnh ngày hè có sự kết hợp hài hòa giữa màu sắc và âm thanh, giữa cảnh vật và con người:

    + Cảnh vật ngày hè ngập tràn màu sắc, sự kết hợp màu độc đáo giữa màu đỏ của hoa lựu trước hiên với cây hòe xanh rợp bóng cùng với âm thanh của tiếng ve, của chợ cá khiến không gian tràn đầy sức sống.

    + Trong không gian cảnh hè ấy, hình ảnh con người hiện lên với sự sung túc, hạnh phúc trong lao động.

=> Qua cảm nhận của tác giả, bức tranh cảnh ngày hè hiện lên thật sống động, có sự hài hòa giữa đường nét, màu sắc, âm thanh, cảnh vật và con người. Cảnh vật được nhìn từ gần đến xa, từ cao xuống thấp. Đồng thời, bức tranh ấy hiện lên thật nhộn nhịp, sôi động và luôn căng tràn sức sống, tất cả như đang muốn trào dâng ra bên ngoài.

2. Vẻ đẹp tâm hồn của nhà thơ

- Tình yêu thiên nhiên say đắm: Nguyễn Trãi đã cảm nhận và miêu tả bức tranh thiên nhiên rất tinh tế bằng nhiều giác quan:

    + Thị giác: cảm nhận được màu sắc của hòe, của thạch lựu

    + Khứu giác: cảm nhận được mùi hương của hoa sen

    + Thính giác: nghe được tiếng ve, tiếng lao xao của chợ cá

- Mong ước của tác giả và tình yêu nước, thương dân sâu sắc:

    + Ung dung, tự tại, không muốn vướng bận đến chuyện quan trường nhưng nhà thơ luôn nghĩ về dân, về nước. Tác giả mong có cây đàn của vua Ngu Thuấn để hát ca mong muốn mang lại cuộc sống ấm no, sung túc, yên vui cho nhân dân muôn nơi.

    + Câu thơ 6 tiếng, ngắn gọn kết thúc bài thơ như làm dồn nén lại cảm xúc.

    + Nghệ thuật: sử dụng điển cố điển tích

=> Đằng sau vẻ đẹp của bức tranh cảnh ngày hè đó chính là vẻ đẹp của tâm hồn Ức Trai. Đó là tình yêu thiên nhiên, đất nước, nhân dân và mong ước, khát vọng về cuộc sống ấm no, thái bình, hạnh phúc cho muôn dân.

III. Kết bài

- Khái quát và mở rộng vấn đề.

----------HẾT---------

[Năm 2024] Đề thi Giữa kì 1 Ngữ Văn lớp 10 Hà Nội có đáp án (10 đề) 

Sở Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Giữa kì 1 Hà Nội

Năm học 2024 - 2025

Bài thi môn: Ngữ Văn 10

Thời gian làm bài: 90 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 4)

I.ĐỌC HIỂU (3 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

    Yêu Tổ quốc từ những giọt mồ hôi tảo tần. Mồ hôi rơi trên những cánh đồng cho lúa thêm hạt. Mồ hôi rơi trên những công trường cho những ngôi nhà thành hình, thành khối. Mồ hôi rơi trên những con đường nơi rẻo cao Tổ quốc của những thầy cô trong mùa nắng để nuôi ước mơ cho các em thơ. Mồ hôi rơi trên thao trường đầy nắng gió của những người lính để giữ mãi yên bình và màu xanh cho Tổ quốc.

(Nguồn http://vietbao.vn ngày 9-5-2014)

Câu 1. Văn bản trên thuộc phong cách ngôn ngữ nào? (0.5 điểm)

Câu 2. Biện pháp tu từ nào được sử dụng chủ yếu trong văn bản trên? Nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó. (1.0 điểm)

Câu 3. Những từ ngữ: cánh đồng, công trường gợi nhớ đến đối tượng nào trong cuộc sống (1.0 điểm)

Câu 4. Đặt nhan đề cho văn bản trên. (0.5 điểm)

II. LÀM VĂN: (7,0 điểm)

Truyền thuyết An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy là một trong những câu chuyện có sức hấp dẫn được lưu truyền trong dân gian về buổi đầu của lịch sử dân tộc – một câu chuyện vừa mang nét hiện thực vừa mang nét huyền thoại thời Âu Lạc.

Hãy hóa thân thành An Dương Vương kể lại Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thuỷ (có thể thay đổi một số tình tiết ở đoạn cuối câu chuyện)

----------HẾT---------

ĐÁP ÁN VÀ THANG ĐIỂM

I.ĐỌC HIỂU (3 điểm)

Câu 1: (0.5 điểm)

- Phong cách ngôn ngữ báo chí

Câu 2: (1 điểm)

- Biện pháp tu từ được sử dụng nhiều nhất trong văn bản trên là phép điệp cấu trúc câu (Mồ hôi rơi). (0.5 điểm)

- Tác dụng của biện pháp nghệ thuật đó là nhấn mạnh tình yêu Tổ quốc từ những giọt mồ hôi của con người. (0.5 điểm)

Câu 3: (1 điểm)

Những từ ngữ: cánh đồng, công trường gợi nhớ đến những người nông dân, công nhân trong cuộc sống.

Câu 4: (0.5 điểm)

Nhan đề của văn bản: Yêu Tổ quốc, hoặc Tổ quốc của tôi.

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

1. Yêu cầu về kĩ năng:

- HS vận dụng kĩ năng kể chuyện sáng tạo. Người kể phải xưng ngôi thứ nhất (tôi), khác với văn bản trong SGK, câu chuyện được kể bằng ngôi thứ ba.

- Kết cấu chặt chẽ, diễn đạt trôi chảy; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

2. Yêu cầu về kiến thức:

- Chọn lọc được những chi tiết và sự việc tiêu biểu của truyện.

- Có thể thay đổi một vài tình tiết nhưng phải đảm bảo tôn trọng cốt lõi lịch sử và không làm mất đi bài học giáo dục của truyện

- Biết kết hợp yếu tố biểu cảm để lời kể thêm sinh động và hấp dẫn.

3. Biểu điểm:

- Điểm 6-7: Nắm vững cốt truyện, chuyện kể có sáng tạo. Diễn đạt trong sáng, bố cục mạch lạc.

- Điểm 4-5-: Nắm vững cốt truyện, chuyện kể có sáng tạo nhưng chưa kết hợp được yếu tố biểu cảm. Văn viết trôi chảy, có thể sai một vài lỗi chính tả, diễn đạt.

- Điểm 2-3 : Chuyện kể thiếu sáng tạo, mắc nhiều lỗi về chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

- Điểm 1: Không nắm vững cốt truyện, bài viết lan man; mắc rất nhiều lỗi về diễn đạt.

- Điểm 0: Lạc đề hoặc bỏ giấy trắng.

----------HẾT---------

Sở Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Giữa kì 1 Hà Nội

Năm học 2024 - 2025

Bài thi môn: Ngữ Văn 10

Thời gian làm bài: 90 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 5)

I. ĐỌC HIỂU (3 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Mấy ngày mẹ về quê

Là mấy ngày bão nổi

Con đường mẹ đi về

Cơn mưa dài chặn lối

Hai chiếc giường ướt một

Ba bố con nằm chung

Vẫn thấy trống phía trong

Nằm ấm mà thao thức

Nghĩ giờ này ở quê

Mẹ cũng không ngủ được

Thương bố con vụng về

Củi mùn thì lại ướt 

Nhưng chị vẫn hái lá

Cho thỏ mẹ, thỏ con

Em thì chăm đàn ngan

Sáng lại chiều no bữa

Bố đội nón đi chợ

Mua cá về nấu chua

Thế rồi cơn bão qua

Bầu trời xanh trở lại

Mẹ về như nắng mới

Sáng ấm cả gian nhà.

(Mẹ vắng nhà ngày bão – Đặng Hiển)

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên.

Câu 2: Nội dung chính của văn bản trên là gì?

Câu 3: Tìm và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong khổ thơ cuối.

Câu 4: Viết đoạn văn ngắn (không quá 10 dòng) phát biểu cảm nghĩ của anh/chị về mẹ.

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Vẻ đẹp những bài ca dao:

Thân em như tấm lụa đào

Phất phơ dưới chợ biết vào tay ai

Thân em như củ ấu gai

Ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen

Ai ơi nếm thử mà xem

Nếm ra mới biết rằng em ngọt bùi

Thân em như giếng giữa đàng

Người khôn rửa mặt người phàm rửa chân

----------HẾT---------

ĐÁP ÁN VÀ THANG ĐIỂM

PHẦN I: ĐỌC HIỂU (3 điểm)

Câu 1: (0,5 điểm)

- Phương thức biểu đạt: tự sự, biểu cảm

Câu 2: (0,5 điểm)

- Nội dung chính: Văn bản Mẹ vắng nhà ngày bão có hình thức là một bài thơ nhưng đã kể câu chuyện mẹ vắng nhà trong những ngày mưa bão. Nhà chỉ còn ba bố con chăm lo việc nhà dù còn nhiều lúng túng, vất vả. Niềm vui sướng khi mẹ trở về.

Câu 3: (1 điểm)

- Biện pháp tu từ: so sánh

- Tác dụng:

+ Hình ảnh mẹ vềsau cơn bão được so sánh với nắng mới, xua tan đi cái u ám của những ngày giông bão, làm sáng ấm cả gian nhà. Nắng là ánh mặt trời nhưng cao hơn là hơi ấm thương yêu toả ra từ lòng mẹ.

+ Lời thơ cũng là lời kể, lời tâm sự của người con khi mẹ trở về cũng là lúc cơn bão qua đi. Hình ảnh người mẹ trở về trong nắng ấm, sưởi ấm lòng con sau những ngày rét buốt.

+ Biện pháp so sánh giúp tác giả vừa thể hiện niềm vui khi mẹ về; tình cảm yêu quý của con với mẹ và đề cao vai trò của người mẹ trong cuộc sống của con

Câu 4: (1 điểm)

- Về hình thức: Học sinh viết đúng hình thức đoạn văn và dung lượng không quá 10 dòng.

-Về  nội dung: Học sinh phát biểu những cảm nghĩ chân thành về người mẹ của mình. Ví dụ: kính trọng mẹ, yêu quý mẹ, biết ơn mẹ,..

II. LÀM VĂN (7 điểm)

* Giới thiệu khái quát ca dao - lời thơ trữ tình dân gian, thường kết hợp với âm nhạc khi diễn xướng , được sáng tác nhằm diễn tả thế giới nội tâm của người bình dân xưa àTiếng hát than thân là một trong những biểu hiện.

* Cảm nhận về những vẻ đẹp ba bài ca dao

- Vẻ đẹp chung: đề tài than thân, cùng bắt đầu bằng công thức ngôn từ “ thân em như…”, là lời chung về giá trị con người và thân phận nhỏ bé, tội nghiệp, là tiếng lòng cất lên từ chính cuộc đời bị phụ thuộc của những người con gái/ phụ nữ trong xã hội xưa đồng thời là tiếng nói khẳng định giá trị, phẩm chất của họ.

- Vẻ đẹp riêng mỗi bài từ những lời than mang sắc thái riêng được diễn tả bằng những hình ảnh so sánh, ẩn dụ khác nhau:

+ Nhân vật trữ tình ý thức được sắc đẹp, giá trị, tuổi xuân của mình (qua hình ảnh so sánh thân phận như tấm lụa đào) nhưng đồng thời cũng lo lắng, băn khoăn dự cảm về tương lai thân phận: không biết rơi vào tay ai, được đối xử thế nào…Nỗi băn khoăn bắt nguồn từ hoàn cảnh xã hội xưa - trọng nam khinh nữ, thân phận người con gái bị phụ thuộc tam tòng tứ đức, không có quyền quyết định số phận của mình. Sự đối lập hai dòng thơ là sự thấm thía nỗi lo và nỗi đau của người con gái.

+ Nhân vật trữ tình ý thức khẳng định giá trị thực sự- vẻ đẹp nội tâm (qua hình ảnh so sánh “củ ấu gai” cùng phép so sánh bổ sung), bày tỏ lời tâm tình, mong muốn được hiểu, được yêu thương bởi phẩm chất trong trắng, cao đẹp, ngọt bùi bên trong. Số lượng câu chứa đựng cả nỗi ngậm ngùi chua xót bởi giá trị không được ai biết đến.

+ Nhân vật trữ tình thể hiện sắc thái than thân rõ nhất bởi lời khẳng định về những sự phũ phàng mà bản thân phải chấp nhận “người khôn rửa mặt người phàm rửa chân”

- Vẻ đẹp lời than thân bày tỏ trong hình thức thể loại thơ lục bát với âm điệu triền miên da diết, hàm súc trong cách sử dụng những hình ảnh quen thuộc nhưng giàu sức gợi, ngôn từ bình dị, gần gũi lời ăn tiếng nói hàng ngày, giàu hình ảnh so sánh, ẩn dụ, đối lập… đặc biệt lối diễn đạt bằng một số công thức ngôn từ…

----------HẾT--------

[Năm 2024] Đề thi Giữa kì 1 Ngữ Văn lớp 10 Hà Nội có đáp án (10 đề) 

Sở Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Giữa kì 1 Hà Nội

Năm học 2024 - 2025

Bài thi môn: Ngữ Văn 10

Thời gian làm bài: 90 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 6)

I.ĐỌC HIỂU (3 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

"Lão gọi nó là cậu Vàng như một bà hiếm hoi gọi đứa con cầu tự. Thỉnh thoảng không có việc gì làm, lão lại bắt rận cho nó hay đem nó ra ao tắm. Lão cho nó ăn cơm trong một cái bát như một nhà giàu. Lão ăn gì lão cũng chia cho nó ăn cùng. Những buổi tối khi lão uống rượu, thì nó ngồi dưới chân lão. Lão cứ nhắm vài miếng lại gắp cho nó một miếng như người ta gắp thức ăn cho trẻ."

Câu 1: Đoạn văn bản trên trích trong tác phẩm nào? Của nhà văn nào?

Câu 2: Nó trong đoạn trích là người hay con vật?

Câu 3: Xác định phương thức biểu đạt của đoạn trích.

Câu 4: Đoạn trích đã sử dụng biện pháp tu từ nào? Mấy lần? Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ đó.

Câu 5: Nêu cảm nhận của em về tình cảm của ông lão đối với  nhân vật "nó" trong đoạn văn bản.

II. LÀM VĂN (7 điểm)

Vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi trong bài thơ Cảnh ngày hè.

“Rồi hóng mát thuở ngày trường,

Hòe lục đùn đùn tán rợp giương.

Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ,

Hồng liên trì đã tiễn mùi hương.

Lao xao chợ cá làng ngư phủ,

Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương.

Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng,

Dân giàu đủ khắp đòi phương.”

(Theo Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, tập II – Văn học thế kỉ X – thế kỉ XVII, Sdd)

----------HẾT---------

ĐÁP ÁN VÀ THANG ĐIỂM

I.ĐỌC HIỂU (3 điểm)

Câu 1: (0,25 điểm)

Tác phẩm Lão Hạc của Nam Cao.

Câu 2: (0,25 điểm)

Nhân vật “nó” trong đoạn văn bản là con chó.

Câu 3: (0,5 điểm)

Phương thức biểu đạt của đoạn văn bản là tự sự

Câu 4: (1 điểm)

Biện pháp tu từ so sánh, 3 lần

- Lão gọi nó là cậu Vàng như một bà hiếm hoi gọi đứa con cầu tự.

- Lão cho nó ăn cơm trong một cái bát như một nhà giàu.

- Lão cứ nhắm vài miếng lại gắp cho nó một miếng như người ta gắp thức ăn cho trẻ.

Tác dụng: Làm nổi bật tình cảm yêu thương, quý mến của lão Hạc đối với con chó.

Câu 5: (1 điểm)

* Yêu cầu về kĩ năng:

- Biết cách viết đoạn văn; diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi diễn đạt, lỗi chính tả.

- Đảm bảo dung lượng như yêu cầu đề.

* Yêu cầu về kiến thức:

- Nhận định đúng: tình cảm Lão Hạc đối với con chó là tình cảm của người cha dành cho đứa con đi xa. Lão coi cậu Vàng chính là đứa con của mình và đối xử với nó không khác gì một con người, một người bạn để hàn huyên tâm sự.

II. LÀM VĂN (7 điểm)

1 - Yêu cầu về kĩ năng:                            

- Biết vận dụng kĩ năng viết văn bàn luận về một vấn đề

- Đảm bảo một văn bản tự sự hoàn chỉnh có kết cấu chặt chẽ, bố cục 3 phần

- Ngôn ngữ chọc lọc, trong sáng, diễn đạt lưu loát, các ý rõ ràng; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

- Bài viết được trình bày rõ ràng, cẩn thận.

2 - Yêu cầu về kiến thức:

-   Xác định đúng vấn đề nghị luận: Bài học nhân dân gửi gắm qua kết cục bi thảm của Mị Châu trong truyền thuyết Truyện An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thủy.

- Triển khai vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm, thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.

3 - Hướng dẫn làm bài:

1. Mở bài

- Giới thiệu vấn đề cần nghị luận (luận đề).

Nguyễn Trãi để lại cho nhân loại một di sản văn chương vô giá. Nếu như ta biết đến “Đại cáo bình Ngô” như một bản tuyên ngôn độc lập thứ hai của dân tộc thì với “Cảnh ngày hè”, người đọc được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên ngày hè và đặc biệt là vẻ đẹp tâm hồn thi nhân.

2. Thân bài

2.1. Khái quát về tác giả, tác phẩm:

Nhắc đến Nguyễn Trãi là người ta nghĩ ngay đến một nhà quân sự, một nhà chính trị tài ba lỗi lạc đã dâng hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp cứu nước cứu dân. Nhưng bên cạnh nhà chính trị, nhà quân sự, nhà ngoại giao là một Nguyễn Trãi nghệ sĩ với những xúc cảm tinh tế và tình yêu tha thiết đối với thiên nhiên, cuộc sống, con người. Con người văn võ song toàn ấy đã để lại cho đời một sự nghiệp văn chương đồ sộ với nhiều tác phẩm có giá trị mà một trong số đó là “Cảnh ngày hè”. Bài thơ dựng lên một bức tranh thiên nhiên sống động với âm thanh, hương sắc và cả những gam màu rực rỡ mà ẩn sâu trong đó là bức chân dung tinh thần của nhà thơ giữa cuộc sống ẩn dật nơi thôn dã.

2.2. Nội dung cần phân tích, cảm nhận:

a. Vẻ đẹp của tình yêu thiên nhiên và cuộc sống cảnh ngày hè:

Mở đầu bài thơ là tư thế của nhân vật trữ tình:

“Rồi hóng mát thuở ngày trường”

Nhịp thơ 1/5 thật lạ lùng cho thấy cảm giác của con người trong một ngày rỗi rãi. Thi nhân ngồi hóng mát trước hiên nhà nhưng vốn không phải là người thích chìm đắm vào thiên nhiên để quên hết việc đời nên điều đó không mang lại cho ông cảm giác thanh thản hay nhẹ nhõm thực sự. Vậy nên mới có cảm giác “ngày trường”, nghĩa là ngày dài, vô vị và buồn chán. Các nhà thơ xưa thường dồi dào cảm hứng trước mùa xuân, mùa thu nhưng Nguyễn Trãi lại chọn cho mình một đề tài riêng – vẻ đẹp của mùa hè. Và với một tâm hồn yêu thiên nhiên, một hồn thơ phóng khoáng cùng với xúc cảm tinh tế, nhà thơ đã mang đến cho ta một bức tranh thiên nhiên mùa hạ tuyệt đẹp:

“Hòe lục đùn đùn tán rợp giương

Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ,

Hồng liên trì đã tiễn mùi hương”

Trước tiên là màu xanh tươi mát, tràn đầy sức sống của cây hòe. Màu lá hòe như trải rộng, che mát cả một khoảng sân nhỏ. Từ láy “đùn đùn” gợi cảm giác như nhựa sống đang ứa căng, tràn đầy và trào lên trong từng nhánh lá. Phía bên hiên nhà, màu đỏ của hoa lựu càng thơm rực rỡ. Màu đỏ ấy dường như không ở trong trạng thái tĩnh mà đang vận động, phun trào, bừng sáng giữa đám lá xanh. Sắc đỏ rực rỡ của hoa lựu gợi ta nhớ đến hai câu thơ của đại thi hào Nguyễn Du trong “Truyện Kiều”:

“Dưới trăng quyên đã gọi hè,

Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông”

Hình ảnh “lửa lựu lập lòe” và hình ảnh “thạch lựu phun thức đỏ” cho thấy Nguyễn Trãi và Nguyễn Du đều là những tâm hồn nghệ sĩ rất mực tinh tế. Nếu như Nguyễn Du thiên về tả màu sắc thì Nguyễn Trãi tập trung miêu tả sức sống nhiều hơn. Màu sắc của hoa cũng gợi lên sức sống của mùa hạ. Dưới ao nhà, sen cũng hưởng ứng bằng sắc hồng đặc trưng và hương thơm ngào ngạt. Nếu như ở câu thơ đầu là một tâm sự chán chường thì giờ đây, tất cả những tâm sự dồn nén ấy khi bắt gặp cảnh thiên nhiên tươi đẹp, rực rỡ và đầy sức sống đã nhường chỗ cho những cảm xúc vui tươi, sự say mê. Sự sinh động của thiên nhiên đã được thể hiện trong từng đường nét, màu sắc, âm thanh của bức tranh mùa hè. Bức tranh ấy không chỉ có sắc, có hương mà còn có cả những âm thanh bình dị của đời sống:

“Lao xao chợ cá làng ngư phủ,

Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương.”

Từ “lao xao” gợi âm thanh từ xa vọng lại, không nghe rõ nhưng vẫn đủ để lại dư âm. Đó phải chăng chính là âm thanh của cuộc sống thường nhật nơi làng chài? Còn gì thân quen hơn cảnh chợ cá với cái “lao xao” của kẻ bán người mua? Tiếng ve kêu inh ỏi như thôi thúc thêm những sắc màu còn lại của mùa hè tiếp tục căng tràn và bung nở. Sự xuất hiện của tiếng ve như xua tan đi sự tĩnh lặng của căn lầu lúc mặt trời sắp lặn. Bức tranh thiên nhiên ngày hè được tác giả thu nhận bằng cả thính giác, thị giác và khứu giác. Cảnh ngày hè trong thơ Nguyễn Trãi hiện ra rộn rã, vui tươi và tràn đầy sức sống. Phải chăng chính tình yêu thiên nhiên và tâm hồn nhạy cảm đã giúp nhà thơ cảm nhận, quan sát và miêu tả cảnh ngày hè một cách tinh tế, sinh động?

b. Vẻ đẹp của lòng yêu nước thương dân:

Nguyễn Trãi vui với thiên nhiên, với cuộc sống của con người nhưng điểm nổi bật nhất trong bài thơ vẫn là tấm lòng, tình đời của con người mà lòng yêu nước thương dân đã trở thành nỗi trăn trở, niềm ưu ái trong suốt cuộc đời. Khung cảnh thiên nhiên và cuộc sống của con người trong ngày hè đã mở ra trong lòng nhà thơ ước vọng tha thiết:

“Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng,

Dân giàu đủ khắp đòi phương.”

Hai câu cuối như kết đọng bao suy tư của nhà thơ. Trước cảnh ngày hè tràn ngập sắc màu và âm thanh, Nguyễn Trãi ước muốn có một cây đàn của vua Thuấn để tấu lên khúc nhạc “Nam phong” cầu cho nhân dân giàu đủ khắp muôn nơi. Câu thơ nặng trĩu nỗi day dứt và một tinh thần trách nhiệm cao cả. Ước nguyện của Nguyễn Trãi làm ta liên tưởng đến khát khao của Đỗ Phủ:

“Ước được nhà rộng muôn ngàn gian,

Che khắp thiên hạ kẻ sĩ nghèo đều hân hoan,

Gió mưa chẳng núng, vững như thạch bàn!

Than ôi! Bao giờ nhà ấy sừng sững dựng trước mắt,

Riêng lều ta nát, chịu chết rét cũng được!

(Bài ca nhà tranh bị gió thu phá)

Đỗ Phủ và Nguyễn Trãi đã gặp nhau trong nhận thức, trong tư tưởng, trong tâm sự ưu thời mẫn thế. Vậy ra, từ trước đến nay, Nguyễn Trãi chỉ nhàn thân chứ không nhàn tâm. Dù ở bất cứ đâu, chốn quan trường hay nơi thôn dã thì thi nhân vẫn đau đáu một nỗi băn khoăn, trăn trở lo nước, thương đời. Suốt đời ông theo đuổi khát vọng đem lại cho nhân dân một cuộc sống ấm no, hạnh phúc để cho ở bất cứ nơi đâu dù là chốn thị thành hay nơi thôn cùng xóm vắng không còn một tiếng hờn giận, oán sầu. Tình yêu nước, yêu dân trong con người ấy trong sáng, chân thành đến mức thuần khiết. Đó cũng là tinh thần, là tư tưởng nhân đạo sâu và vững trong cốt cách của nhà thơ.

2.3. Đánh giá chung:

“Thơ phát khởi từ lòng người ta” (Ngô Thì Nhậm). Đọc một bài thơ hay là ta bắt gặp tâm hồn của một con người, cảm nhận được bao tâm tư, tình cảm ẩn trong từng con chữ. Bài thơ “Cảnh ngày hè” không chỉ cho ta thấy bức tranh thiên nhiên tươi sáng, tràn đầy sức sống của cảnh sắc ngày hè mà còn phác họa thành công chân dung tinh thần của chính tác giả - người anh hùng, người nghệ sĩ tài hoa. Đó là con người say đắm trước vẻ đẹp thiên nhiên, thiết tha với sự sống, khao khát mang đến cho người dân cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Bên cạnh nội dung đặc sắc, “Cảnh ngày hè” còn rất thành công về mặt nghệ thuật. Nguyễn Trãi đã sáng tạo thể thơ thất ngôn xen lục ngôn, đưa chữ Nôm trở thành ngôn ngữ nghệ thuật giàu sức biểu cảm, biểu nghĩa. Ông cũng đưa vào thơ những hình ảnh dân dã, gần gũi, bình dị, rất đỗi Việt Nam: hình ảnh “chợ cá” và âm thanh “lao xao” của đời thường là những nét hiện thực rất dân dã mà văn chương cổ điển thường kiêng kị, cho là dung tục, không gợi sự thanh cao. Đó chính là điểm mới, những cách tân về nghệ thuật của Nguyễn Trãi trong bài thơ “Cảnh ngày hè”.

3. Kết bài

- Nêu cảm nghĩ của bản thân. 

Phải nói rằng, đến với “Cảnh ngày hè” chúng ta không chỉ được chiêm ngưỡng bức tranh thiên nhiên độc đáo mà còn cảm nhận được tình yêu thiên nhiên, cuộc sống và đặc biệt là nỗi lòng thao thức, trăn trở vì nước, vì dân của nhà thơ. Vẻ đẹp trong nhân cách sáng ngời của nhà thơ cũng chính là chiều sâu nhân bản trong tâm hồn con người vĩ đại này. Chân dung tâm hồn Nguyễn Trãi đã hiện lên thật trọn vẹn và để lại cho người đọc thật nhiều cảm xúc. Không hiểu sao mỗi khi đọc bài thơ “Cảnh ngày hè”, bên tai tôi lại văng vẳng hai câu thơ của Ức Trai:

“Bui một tấc lòng ưu ái cũ,

Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông.”

----------HẾT---------

Sở Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Giữa kì 1 Hà Nội

Năm học 2024 - 2025

Bài thi môn: Ngữ Văn 10

Thời gian làm bài: 90 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 7)

I.ĐỌC HIỂU (3 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Tôi luôn ngưỡng mộ những học sinh không chỉ học xuất sắc mà còn dành được nhiều thời gian tham gia vào các hoạt động ngoại khóa. Họ thường nắm giữ những vị trí quan trọng ở các câu lạc bộ trong trường và ngoài xã hội. Họ đạt điểm cao trong học tập, đi thi đấu thể thao cho trường, giữ chức chủ nhiệm trong các câu lạc bộ, và trên hết, họ là những thành viên tích cực trong Đoàn, Đội. Tôi luôn tự hỏi “làm thế nào mà họ có nhiều thời gian đến thế?”. Mặt khác, những học sinh kém đưa ra lí do họ nhận kết quả thi không tốt là do họ không có thời gian để ôn bài. Tuy nhiên, thực tế, những học sinh này lại thường không tích cực trong các hoạt động tập thể và ngoại khóa như những học sinh giỏi. Tại sao lại như vậy? Tất cả mọi người đều có 24 giờ một ngày. Thời gian là thứ tài sản mà ai cũng được chia đều. Cho dù bạn là một học sinh giỏi, một học sinh kém, tổng thống hay một người gác cổng, bạn cũng chỉ có cùng một lượng thời gian như nhau. Thời gian là thứ duy nhất mà chúng ta không thể mua được. Tuy nhiên, tại sao một người như tổng thống Mỹ lại có thời gian quản lí cả một quốc gia rộng lớn trong khi đó người gác cổng lại than phiền rằng ông ta không có thời gian để học? Sự khác biệt là do những người thành công trong cuộc sống biết cách quản lí thời gian. Chúng ta không thể thay đổi được thời gian nhưng có thể kiểm soát được cách chúng ta sử dụng nó. Nếu bạn làm chủ được thời gian, bạn sẽ làm chủ được cuộc sống.

(Tôi tài giỏi, bạn cũng thế, Adam Khoo, NXB Phụ nữ, 2013)

1. Nội dung chính của văn bản là gì?

2. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản.

3. Vì sao tác giả cho rằng: Thời gian là thứ duy nhất không thể mua được?

4. Hãy đề xuất hai giải pháp giúp mỗi người quản lí thời gian một cách hiệu quả.

5. Viết đoạn văn (từ 12 đến 15 dòng) với câu chủ đề: Lãng phí thời gian là lãng phí cuộc đời.         

II. LÀM VĂN ( 7 điểm)

Ở một bãi biển (tỉnh Thanh Hóa), người ta tìm thấy một phiến đá hình người cụt đầu. Nhân dân cho rằng đó là ngọc thạch do xác Mị Châu hóa thành nên đã “rước nàng” về đặt trong am thờ Mị Châu ở khu di tích Cổ Loa (Hà Nội ngày nay). Liên quan đến câu chuyện này, nhà thơ Trần Đăng Khoa viết:

…Người dân nào xưa đưa em về đây

Như muốn nhắc một điều gì…

(Trước đá Mị Châu, Trần Đăng Khoa)

Theo anh/chị, qua kết cục bi thảm của Mị Châu trong truyền thuyết Truyện An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thủy, tác giả dân gian muốn nhắc một điều gì với hậu thế?

----------HẾT---------

ĐÁP ÁN VÀ THANG ĐIỂM

I.ĐỌC HIỂU (3 điểm)

Câu 1: (0,5 điểm)

Khi bạn làm chủ được thời gian, bạn sẽ làm chủ được cuộc sống.

Câu 2: (0,5 điểm)

Phương thức biểu đạt chính: nghị luận.

Câu 3: (0,5 điểm)

- Thời gian là thứ tài sản mà tạo hóa đã chia đều cho mỗi người.

- Không có thứ gì có thể khiến thời gian thay đổi. Một ngày không thể dài hơn 24 tiếng, một năm không thể nhiều hơn 365 ngày…

Câu 4: (0,5 điểm)

Dự kiến một số tình huống trả lời:

- Xác định rõ mục tiêu cuộc sống (ngắn hạn và dài hạn).

- Lập kế hoạch cá nhân (thời gian biểu ngày, tuần, tháng…).

- Hình thành thói quen ghi chép công việc cần làm theo thứ tự ưu tiên…

Câu 5: (1 điểm)

* Yêu cầu về kĩ năng:

- Biết cách viết đoạn văn; đoạn văn phải trích dẫn nguyên văn câu chủ đề; diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi diễn đạt, lỗi chính tả.

- Đảm bảo dung lượng như yêu cầu đề.

* Yêu cầu về kiến thức:

- Giải thích: Câu nói nêu lên hậu quả của việc lãng phí thời gian.

- Bàn luận:

+ Nếu biết tận dụng thời gian, con người sẽ tạo ra nhiều giá trị quan trọng, từ vật chất đến tinh thần, phục vụ cho cuộc sống của mình và cho xã hội.

+ Nếu lãng phí thời gian, nghĩa là ta đang lãng phí tất cả các giá trị vật chất lẫn tinh thần: tiền bạc, sức khỏe, thành công, hạnh phúc…

+ Hơn nữa, cuộc đời hữu hạn nên mỗi giây phút trôi qua là ta đang mất đi một phần đời của chính mình.

- Bài học: Cần biết quý trọng thời gian và sử dụng thời gian một cách hiệu quả.

II. LÀM VĂN (7 điểm)

1 - Yêu cầu về kĩ năng:                             

- Biết vận dụng kĩ năng viết văn bàn luận về một vấn đề

- Đảm bảo một văn bản tự sự hoàn chỉnh có kết cấu chặt chẽ, bố cục 3 phần

- Ngôn ngữ chọc lọc, trong sáng, diễn đạt lưu loát, các ý rõ ràng; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

- Bài viết được trình bày rõ ràng, cẩn thận.

2 - Yêu cầu về kiến thức:

-   Xác định đúng vấn đề nghị luận: Bài học nhân dân gửi gắm qua kết cục bi thảm của Mị Châu trong truyền thuyết Truyện An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thủy.

- Triển khai vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm, thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.

3 - Hướng dẫn làm bài:

1Mở bài

- Giới thiệu ý thơ, tác phẩm, vấn đề cần bàn luận

2. Thân bài

– Giới thiệu khái quát về nhân vật Mị Châu:
+ Mị Châu không chỉ là một người dân của đất nước Âu Lạc mà còn là một nàng công chúa, có vai trò quan trọng đối với cả quốc gia, nhưng nàng đã ngây thơ không cảnh giác, coi bí mật quốc gia như tài sản riêng của gia đình. Nàng cho Trọng Thuỷ xem nỏ thần, lại còn giảng giải cho y cách sử dụng nỏ. Hành động đó đã vô tình tiếp tay cho kẻ thù có thêm cơ hội thôn tính nước Âu Lạc.
 + Khi chiến tranh xảy ra, Mị Châu vẫn rắc lông ngỗng dọc đường chạy loạn. Một lần nữa Mị Châu đã vô tình chỉ dẫn cho quân giặc chạy theo, đưa hai cha con đến chỗ cùng đường tuyệt lộ. Nàng chỉ kịp nhận ra sự thật đau lòng trước lúc rơi đầu.

– Nguyên nhân của sự sai lầm: sự thiếu cảnh giác của bản thân nàng.

– Hậu quả của sự sai lầm: Dân tộc rơi vào chiến tranh, loạn lạc, nước mất, nhà tan. Nàng chết dưới lưỡi kiếm oan nghiệt của cha.

– Thái độ của tác giả dân gian với sai lầm đó của Mị Châu:
+ Tác giả dân gian đã để thần Kim Quy hiện lên quát lớn “Kẻ nào ngồi sau ngựa chính là giặc đó”. Câu nói ấy cũng đồng thời là lời kết tội đanh thép của công lí, của nhân dân cho hành động vô tình mà phản quốc của Mị Châu. Đó cũng là bài học đắt giá về mối quan hệ giữa tình cảm cá nhân với trách nhiệm công dân.
 + Hình ảnh máu Mị Châu chảy xuống biển thành ngọc, xác của nàng biến thành ngọc thành là những yếu tố kì ảo, minh chứng cho tấm lòng trong trắng mà bị lừa dối của nàng. Hình ảnh đó phần nào thanh minh cho sự vô tình gây tội của Mị Châu và thể hiện thái độ cảm thông, thương xót, bao dung của nhân dân đối với nàng.

- Mị Châu đã phải nhận một kết cục bi thảm:

+ Đất nước rơi vào tay giặc.

+ Tình yêu trở thành mối nhục thù.

+ Bản thân bị coi là giặc, phải chịu tội chết.

- Qua kết cục bi thảm ấy, tác giả dân gian nhắn gửi hậu thế nhiều điều:

+ Bài học cảnh giác giữ nước.

+ Bài học về việc xử lí mối quan hệ riêng – chung.

+ Bài học về sự tỉnh táo, lí trí trong tình yêu.

3. Kết bài

- Đánh giá: Những bài học được rút ra qua sai lầm của Mị Châu có ý nghĩa cho muôn đời.

----------HẾT---------

[Năm 2024] Đề thi Giữa kì 1 Ngữ Văn lớp 10 Hà Nội có đáp án (10 đề) 

Sở Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Giữa kì 1 Hà Nội

Năm học 2024 - 2025

Bài thi môn: Ngữ Văn 10

Thời gian làm bài: 90 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 8)

I.ĐỌC HIỂU (3 điểm)

Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu:

- Con yêu mẹ bằng ông trời

Rộng lắm không bao giờ hết 

- Thế thì làm sao con biết

Là trời có những đâu đâu

Trời rất rộng lại rất cao

Mẹ mong, bao giờ con tới! 

- Con yêu mẹ bằng Hà Nội

Để nhớ mẹ con đi tìm

Từ phố này đến phố kia

Con sẽ gặp ngay được mẹ

- Hà Nội còn là rộng quá

Các đường như nhện giăng tơ

Nào những phố này phố kia

Gặp mẹ làm sao gặp hết

Tính mẹ cứ hay là nhớ

Lúc nào cũng muốn bên con

Nếu có cái gì gần hơn

Con yêu mẹ bằng cái đó 

- À mẹ ơi có con dế

Luôn trong bao diêm con đây

Mở ra là con thấy ngay

Con yêu mẹ bằng con dế!

(Con yêu mẹ - Xuân Quỳnh)

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản

Câu 2: Đoạn thơ thể hiện những so sánh hồn nhiên của đứa trẻ. Chỉ ra những so sánh đó.

Câu 3: Anh/chị nhận thấy những vẻ đẹp gì của người con trong văn bản?

Câu 4: Viết đoạn văn (khoảng 10 dòng) về giá trị của tình mẫu tử trong đời sống của mỗi con người.

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Bằng sự tưởng tượng của mình, anh/chị hãy hóa thân thành nhân vật Rùa Vàng kể lại theo ngôi thứ nhất hai lần gặp An Dương Vương trên đất Âu Lạc. Từ đó, nhận xét về vai trò của những yếu tố tưởng tượng, hư cấu trong truyền thuyết.

----------HẾT---------

ĐÁP ÁN VÀ THANG ĐIỂM

I.ĐỌC HIỂU (3 điểm)

Câu 1: (0,5 điểm)

PTBĐ: biểu cảm

Câu 2: (0,5 điểm)

Những so sánh hồn nhiên của đứa trẻ: tình yêu mẹ bằng/(như) ông

trời… Hà Nội… con dế.

Câu 3: (1 điểm)

Người con trong đoạn thơ đã thể hiện vẻ đẹp trong suy nghĩ và tình cảm:

+ Suy nghĩ đặc biệt khi thể hiện tình cảm dành cho mẹ: chọn  những điều to lớn nhất để so sánh vì những thứ nhỏ bé( trong suy nghĩ của con) không thể bao chứa hết tình cảm dành cho mẹ, song những điều đó lớn quá thì cũng khó đạt tới vì thế cậu bé chỉ muốn lúc nào cũng ở bên mẹ nên so sánh ngộ nghĩnh cuối bài“con yêu mẹ bằng con dế”.

+ Tình cảm cao quý, trong sáng, hồn nhiên qua cái nhìn trẻ thơ,

qua cách diễn đạt đơn giản, dễ hiểu mà đi sâu vào lòng người.

Câu 4: (1 điểm)

Học sinh có thể có những suy nghĩ riêng song cần kiến giải hợp lý. Có thể tham khảo các ý sau:

- Tình mẫu tử( cùng tình phụ tử) là tình cảm đẹp, thiêng liêng nhất trong cuộc đời mỗi con người

- Là tình cảm đầu tiên con người được tiếp xúc, đi cùng đến hết cuộc đời, giúp con người vượt qua những trở ngại cuộc sống,khơi dậy những giá trị cao cả, giúp con người trưởng thành.

Biết và thấu hiểu tình mẫu tử giúp con người sống tốt, có ý nghĩa.

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

1 - Yêu cầu về kĩ năng:                             

- Biết vận dụng kĩ năng viết văn tự sự, kết hợp yếu tố miêu tả, biểu cảm trong văn tự sự.

- Đảm bảo một văn bản tự sự hòan chỉnh có kết cấu chặt chẽ, bố cục 3 phần

- Ngôn ngữ chọc lọc, trong sáng, diễn đạt lưu loát, các ý rõ ràng; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

- Bài viết được trình bày rõ ràng, cẩn thận.

2 - Yêu cầu về kiến thức:

-   Bài viết đảm bảo đúng trọng tâm yêu cầu đề, xác định đúng ngôi tự sự (ngôi thứ nhất, nhân vật Rùa Vàng tự kể).

-   Nhận xét ngắn gọn vai trò của những yếu tố tưởng tượng, hư cấu trong truyền thuyết,

kết cấu 3 phần đúng theo yêu cầu về bài viết làm văn.3 - Hướng dẫn làm bài

1. Mở bài

- Giới thiệu câu chuyện, nhân vật kể chuyện.

2. Thân bài

-    Hình dung khung cảnh diễn ra sự việc, thời gian và không gian của cuộc gặp gỡ giữa Rùa Vàng và An Dương Vương.

-   Tái hiện diễn biến các sự việc và các chi tiết tiêu biểu:

+ Rùa Vàng xuất hiện từ phương đông như lời báo của cụ già, được An Dương Vương đón vào thành, giúp nhà vua xây thành, cho vuốt làm lẫy nỏ thần.

+ Rùa Vàng hiện ra sau lời cầu cứu của An Dương Vương, chỉ Mị Châu là giặc, đưa nhà vua đi xuống biển

-   Chọn cách kể phù hợp nhất:

+ Nhập thân vào Rùa Vàng, kể ở ngôi thứ nhất, xưng “tôi”

hoặc “ta”.

+ Tưởng tượng những yếu tố hư cấu phù hợp với câu chuyện  và chủ đề của truyện.

+ Lời kể phải tự nhiên, có yếu tố biểu cảm, được thể hiện qua cách miêu tả nhân vật, cảnh vật…qua cách lồng cảm xúc, ý nghĩ của người kể (như suy nghĩ của Rùa Vàng khi thét lớn kết tội Mị Châu…

3. Kết bài

-    Nhận xét vai trò của những yếu tố tưởng tượng, hư cấu trong truyền thuyết:

+ Thiêng hóa sự kiện và nhân vật lịch sử.

+ Khiến truyền thuyết sinh động, hấp dẫn.

+ Góp phần lí giải, tô đậm lịch sử theo mong muốn của nhân dân.

(Có thể sáng tạo khi kể nhưng vẫn phải đảm bảo cốt truyện và ngôn ngữ văn học; biết vận dụng các yếu tố miêu tả, biểu cảm, liên tưởng,..để làm bài) 

----------HẾT---------

Sở Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Giữa kì 1 Hà Nội

Năm học 2024 - 2025

Bài thi môn: Ngữ Văn 10

Thời gian làm bài: 90 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 9)

I.ĐỌC HIỂU (3 điểm)

Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi:

Yêu Tổ quốc từ những giọt mồ hôi tảo tần. Mồ hôi rơi trên những cánh đồng cho lúa thêm hạt. Mồ hôi rơi trên những công trường cho những ngôi nhà thành hình, thành khối. Mồ hôi rơi trên những con đường nơi rẻo cao Tổ quốc của những thầy cô trong mùa nắng để nuôi ước mơ cho các em thơ. Mồ hôi rơi trên thao trường đầy nắng gió của những người lính để giữ mãi yên bình và màu xanh cho Tổ quốc…

                                                                   (Nguồn http://vietbao.vn ngày 9-5-2014)

1. Văn bản trên thuộc phong cách ngôn ngữ nào?

2. Biện pháp tu từ nào được sử dụng chủ yếu trong văn bản trên? Nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó.

3. Những từ ngữ: cánh đồng, công trường gợi nhớ đến đối tượng nào trong cuộc sống

4. Đặt nhan đề cho văn bản trên.

II. LÀM VĂN (7 điểm)

Truyền thuyết An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy là một trong những câu chuyện có sức hấp dẫn được lưu truyền trong dân gian về buổi đầu của lịch sử dân tộc – một câu chuyện vừa mang nét hiện thực vừa mang nét huyền thoại thời Âu Lạc.

Hãy hóa thân thành An Dương Vương kể lại Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thuỷ (có thể thay đổi một số tình tiết ở đoạn cuối câu chuyện)

----------HẾT---------

ĐÁP ÁN VÀ THANG ĐIỂM

I.ĐỌC HIỂU (3 điểm)

Câu 1: (0,5 điểm)

PCNN Báo chí

Câu 2: (0,5 điểm)

Biện pháp tu từ được sử dụng nhiều nhất trong văn bản trên là phép điệp cấu trúc câu (Mồ hôi rơi).

Tác dụng của biện pháp nghệ thuật đó là nhấn mạnh tình yêu Tổ quốc từ những giọt mồ hôi của con người.

Câu 3:  (1 điểm)

Những từ ngữ: cánh đồng, công trường gợi nhớ đến những người nông dân, công nhân trong cuộc sống.

Câu 4: (1 điểm)

Nhan đề của văn bản: Yêu Tổ quốc, hoặc Tổ quốc của tôi

II. LÀM VĂN (7 điểm)

1 - Yêu cầu về kĩ năng:

- HS vận dụng kĩ năng kể chuyện sáng tạo. Người kể phải xưng ngôi thứ nhất (tôi), khác với văn bản trong SGK, câu chuyện được kể bằng ngôi thứ ba.

- Kết cấu chặt chẽ, diễn đạt trôi chảy; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

 2 - Yêu cầu về kiến thức:

- Chọn lọc được những chi tiết và sự việc tiêu biểu của truyện.

- Có thể thay đổi một vài tình tiết nhưng phải đảm bảo tôn trọng cốt lõi lịch sử và không làm mất đi bài học giáo dục của truyện

- Biết kết hợp yếu tố biểu cảm để lời kể thêm sinh động và hấp dẫn.

3 - Hướng dẫn làm bài:

1. Mở bài:

• Giới thiệu nhân vật An Dương Vương:

- Ta kế tục sự nghiệp dựng nước của 18 đời Hùng vương; đổi tên nước Văn Lang thành Âu Lạc, dời đô từ Phong Châu xuống Phong Khê (Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội ngày nay).

2. Thân bài:

• Diễn biến của chuyện:

- Ta bắt tay vào việc xây thành, gặp rất nhiều khó khăn.

- Nhờ sứ Thanh Giang (Rùa Vàng) giúp đỡ, sau nửa tháng thì thành xây xong.

- Rùa Vàng cho ta một chiếc vuốt để làm lẫy nỏ.

- Triệu Đà mang quân sang xâm lược, ta có nỏ thần bắn một phát chết hàng vạn giặc nên Triệu Đà thua to, phải rút về nước.

- Triệu Đà giả vờ cầu hòa, rồi cầu hôn cho con trai là Trọng Thuỳ. Vì sự chủ quan, ta mất cảnh giác nên đã mắc mưu của địch.

- Trọng Thuỷ lừa con gái ta lấy cắp lẫy thần. Triệu Đà tấn công Loa Thành, ta mang Mị Châu lên ngựa bỏ chạy về phương Nam.

3. Kết bài:

Kết thúc câu chuyện:

- Rùa Vàng chỉ đích danh Mị Châu là giặc. Dù đau đớn, nhưng ta vẫn phải rút gươm chém kẻ có tội với đất nước

- Ta được Rùa Vàng rẽ nước đi xuống biển

- Rút ta bài học

----------HẾT---------

Sở Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Giữa kì 1 Hà Nội

Năm học 2024 - 2025

Bài thi môn: Ngữ Văn 10

Thời gian làm bài: 90 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 10)

I.ĐỌC HIỂU (4 điểm)

Câu 1: Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

“Trèo lên cây bưởi hái hoa,

Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân.

Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc,

Em đã có chồng anh tiếc lắm thay.

Ba đồng một mớ trầu cay,

Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không.

Bây giờ em đã có chồng,

Như chim vào lồng như cá cắn câu.

Cá cắn câu biết đâu mà gỡ,

Chim vào lồng biết thuở nào ra ?”

(Ca dao)

a. Xác định phong cách ngôn ngữ và thể thơ của văn bản.

b. Văn bản trên sử dụng các phương thức biểu đạt nào? 

c. Nêu nội dung chính của văn bản.

d. Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ trong 2 câu: “Bây giờ em đã có chồng, Như chim vào lồng như cá cắn câu.”? 

e. Viết đoạn văn từ 5 đến 7 dòng thể hiện cảm nhận của anh/chị về nỗi niềm của nhân vật “em” trong 4 câu cuối của văn bản.  

Câu 2: 

Trong truyện “An Dương Vương và Mị Châu Trọng Thủy” (SGK lớp 10 tập 1) có chi tiết Rùa vàng hiện lên rẽ nước đưa An Dương Vương xuống biển. Anh/chị hãy cho biết ý nghĩa của chi tiết đó.

II. LÀM VĂN (6 điểm)

Bằng hình thức nhập vai hóa thân vào nhân vật, anh/chị hãy kể lại quá trình đấu tranh của Tấm với mẹ con Cám sau khi được trở thành Hoàng Hậu.

----------HẾT---------

ĐÁP ÁN VÀ THNAG ĐIỂM

I.ĐỌC HIỂU (4 điểm)

Câu 1: (3 điểm)

a. PCNN : Nghệ thuật Thể thơ lục bát (0,5 điểm)

b. PTBĐ tự sự, biểu cảm, miêu tả (0,5 điểm)

c. Lời than vãn của chàng trai về việc cô gái đã đi lấy chồng. (0,5 điểm)

Lời trách móc của cô gái vì chàng trai quá chậm trễ trong việc bày tỏ tình cảm với cô.

d. Biện pháp tu từ So sánh (như chim, như cá). (1 điểm)

Tác dụng: nhấn mạnh vào tình cảnh bị rang buộc bởi hôn nhân của cô gái. Gợi hình ảnh gò bó, tù túng (chim lồng, cá chậu). Gợi cảm xúc buồn bã, tiếc nuối của cô gái.

Biện pháp tu từ Ẩn dụ (chim vào lồng, cá cắn câu).

Tác dụng: nhấn mạnh vào tình cảnh bị rang buộc bởi hôn nhân của cô gái. Gợi hình ảnh gò bó, tù túng (chim lồng, cá chậu). Gợi cảm xúc buồn bã, tiếc nuối của cô gái.

e. (0,5 điểm)

Bày tỏ tình cảm buồn bã, xót xa, tiếc nuối ...

Đúng kỹ năng viết đoạn văn ...

Câu 2: (1 điểm)

Ý nghĩa của yếu tố thần kì:

- Giúp câu chuyện trở nên hấp dẫn, lôi cuốn

- Phản ánh thái độ của nhân dân với nhân vật lịch sử: kính trọng, biết ơn vị vua An Dương Vương nên nhân dân đã bất tử hóa

II. LÀM VĂN (6 điểm)

1 - Yêu cầu về kĩ năng:                             

- Biết vận dụng kĩ năng viết văn tự sự, kết hợp yếu tố miêu tả, biểu cảm trong văn tự sự.

- Đảm bảo một văn bản tự sự hòan chỉnh có kết cấu chặt chẽ, bố cục 3 phần

- Ngôn ngữ chọc lọc, trong sáng, diễn đạt lưu loát, các ý rõ ràng; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

- Bài viết được trình bày rõ ràng, cẩn thận.

2 - Yêu cầu về kiến thức:

- Đề bài yêu cầu nhập vai nhân vật kể lại cuộc đời mình nên bài viết cần bám sát những sự việc, chi tiết tiêu biểu của văn bản. Đồng thời cần tái hiện nội dung câu chuyện từ góc nhìn của vai người kể chuyện và đan xen các yếu tố miêu tả, biểu cảm để câu chuyện sinh động.

3 - Hướng dẫn làm bài

1. Mở bài

- Giới thiệu câu chuyện, nhân vật kể chuyện.

2. Thân bài

Các sự việc chính:

- Tấm bị mẹ con Cám hại chết khi về giỗ bố

- Tấm hóa thành chim vàng anh bay về cung, báo hiệu sự hiên diện của mình. Mẹ con Cám giết chim vàng anh

- Tấm hóa thành cây xoan che bóng mát cho vua. Mẹ con Cám chặt cây xoan làm khung cửi

- Tấm hóa mình vào khung cửi, cảnh cáo Cám. Mẹ con Cám đốt khung cửi

- Tấm hóa thành quả thị, được một bà lão yêu thích mang về nhà và trở lại thành người chung sống hạnh phúc bên bà lão.

- Tấm gặp lại vua và được đón về cung.

- Tấm trừng trị Cám.

3. Kết bài

Bài học từ câu chuyện đấu tranh của Tấm: chủ động, mạnh mẽ, kiên trì, cương quyết,...

 (Có thể sáng tạo khi kể nhưng vẫn phải đảm bảo cốt truyện và ngôn ngữ văn học; biết vận dụng các yếu tố miêu tả, biểu cảm, liên tưởng,..để làm bài)

----------HẾT---------


Đề thi, giáo án các lớp các môn học