Em đồng tình hay không đồng tình với nhận định nào sau đây? Vì sao?

Luyện tập 1 trang 28 Chuyên đề Kinh tế Pháp luật 12: Em đồng tình hay không đồng tình với nhận định nào sau đây? Vì sao?

a. Doanh nghiệp chỉ được phép giải thể khi có sự đồng ý của chủ doanh nghiệp.

b. Doanh nghiệp có nghĩa vụ chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.

c. Doanh nghiệp đang trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án thì không được phép giải thể.

d. Mọi người đều có quyền thành lập doanh nghiệp để thực hiện quyền tự do kinh doanh.

e. Không thể chuyển đổi từ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên.

g. Doanh nghiệp không được phép giao kết hợp đồng sau khi có quyết định giải thể doanh nghiệp.

Lời giải:

- Không đồng tình với nhận định a vì theo khoản 1 Điều 207 Luật Doanh nghiệp năm 2020 (sửa đổi, bổ sung năm 2022) quy định các trường hợp doanh nghiệp được phép giải thể bao gồm: doanh nghiệp kết thúc thời gian hoạt động ghi trong điều lệ nhưng không gia hạn; giải thể theo quyết định của chủ doanh nghiệp, chủ sở hữu, nghị quyết của Hội đồng thành viên, Đại hội đồng cổ đông; công ty không đủ số thành viên tối thiểu nhưng không thực hiện thủ tục chuyển đổi liên tục 6 tháng; bị thu hồi giấy phép kinh doanh trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

- Đồng tình với nhận định b vì theo khoản 3 Điều 8 Luật Doanh nghiệp năm 2020 (sửa đổi, bổ sung năm 2022), doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của thông tin kê khai trong hồ sơ đăng kí doanh nghiệp và các báo cáo; trường hợp phát hiện thông tin đã kê khai hoặc báo cáo thiếu chính xác, chưa đầy đủ thì phải kịp thời sửa đổi, bổ sung các thông tin đó.

- Đồng tình với nhận định c vì theo khoản 2 Điều 207 Luật Doanh nghiệp năm 2020 (sửa đổi, bổ sung năm 2022), doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác và không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Toà án hoặc Trọng tài.

- Không đồng tình với nhận định d vì muốn thành lập doanh nghiệp, chủ thể phải tuân thủ điều kiện về chủ thể có quyền thành lập doanh nghiệp được quy định trong Luật Doanh nghiệp, tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp năm 2020 (sửa đổi, bổ sung năm 2022), một số chủ thể không được phép thành lập doanh nghiệp như công chức, viên chức, người chưa thành niên, người bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, ...

- Không đồng tình với nhận định e vì theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 (sửa đổi, bổ sung năm 2022), công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên vẫn có thể chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên khi chủ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên chuyển nhượng một phần vốn của mình cho người khác hoặc có thêm thành viên góp vốn vào công ty.

- Không đồng tình với nhận định g vì theo điểm d khoản 1 Điều 211 Luật Doanh nghiệp năm 2020 (sửa đổi, bổ sung năm 2022), doanh nghiệp khi có quyết định giải thể vẫn có thể tiến hành kí kết các hợp đồng mới để phục vụ mục đích giải thể doanh nghiệp.

Lời giải Chuyên đề Giáo dục KTPL 12 Chuyên đề 2: Một số vấn đề về luật doanh nghiệp hay, ngắn gọn khác:

Xem thêm lời giải bài tập Chuyên đề học tập Kinh tế Pháp luật 12 Chân trời sáng tạo hay, ngắn gọn khác:

Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 12 hay khác:


Giải bài tập lớp 12 sách mới các môn học