Theo em, hành vi của chủ thể trong các trường hợp sau là thực hiện đúng

Luyện tập 2 trang 40 Chuyên đề Kinh tế Pháp luật 11: Theo em, hành vi của chủ thể trong các trường hợp sau là thực hiện đúng hay vi phạm pháp luật dân sự? Vì sao?

- Trường hợp a. Gia đình ông N có ba anh em, ông là con trưởng và sống cùng nhà với cha mẹ. Em trai và em gái ông đều đã kết hôn và sống cùng gia đình riêng ở các địa phương khác. Mẹ ông mất trước và không để lại di chúc. Sau đó cha ông cũng mất và không để lại di chúc. Em trai và em gái ông yêu cầu chia di sản thừa kế của cha mẹ song, ông N kiên quyết phản đối với lí do chỉ có mình ông sống cùng cha mẹ và chăm sóc các cụ sớm hôm nên mới có quyền hưởng thừa kế tài sản của các cụ.

- Trường hợp b. Từ khi còn nhỏ, hằng năm T đều nhận được các khoản tiền khác nhau như: tiền mừng tuổi vào dịp Tết Nguyên đán, tiền thưởng khi đạt thành tích cao trong học tập, tiền chúc mừng vào các dịp ngày Quốc tế thiếu nhi 1 - 6, rằm tháng Tám, sinh nhật... Mẹ T đã gửi tiết kiệm tại ngân hàng tất cả số tiền đó của T vào riêng một sổ tiết kiệm mang tên mẹ. Sau lần sinh nhật thứ 15, T đã xin mẹ chuyển số tiền tiết kiệm của T từ sổ mang tên mẹ sang sổ mang tên em. Mẹ T đồng ý và đưa T đến ngân hàng để làm thủ tục sang tên sổ tiết kiệm cho T.

- Trường hợp c. Vợ chồng ông K kết hôn đã lâu nhưng chưa có con nên đã nhận một bé gái về nuôi. Sau một năm thì ông bà sinh được một cậu con trai. Hai ông bà đã nuôi dạy và chăm sóc hai con rất chu đáo, không phân biệt con đẻ và con nuôi.

- Trường hợp d. Bố mẹ anh P đã ngoài 70 tuổi và sống cùng với vợ chồng anh. Lúc khoẻ, hai cụ thường phụ giúp anh chị làm việc nhà, chăm sóc, dạy dỗ các cháu. Song mỗi khi các cụ yếu, mệt thì đều phải tự chăm sóc nhau và có sự phụ giúp thêm của các con anh P. Hai vợ chồng anh P đều lấy cớ bận đi làm, không có thời gian nên không quan tâm đến bố mẹ và phó mặc toàn bộ công việc nhà cho bố mẹ và các con mình.

Lời giải:

- Trường hợp a) Hành vi của ông N là vi phạm pháp luật dân sự. Vì:

+ Theo quy định, nếu người mất không để lại di chúc, thì di sản của người mất sẽ được chia theo pháp luật. Trong đó: hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi.

+ Áp dụng vào trường hợp này, cả bố và mẹ của ông N đều không để lại di chúc, do đó, di sản do hai cụ để lại sẽ được chia cho 3 người con đẻ là: ông N, em trai và em gái của ông N.

- Trường hợp b) Hành vi của mẹ T là thực hiện đúng pháp luật dân sự. Vì:

+ Theo quy định tại điều 75 và 76 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014: con cái có quyền có tài sản riêng (bao gồm: tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng, thu nhập do lao động của con, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của con và thu nhập hợp pháp khác); Con từ đủ 15 tuổi trở lên có thể tự mình quản lí tài sản riêng.

+ Áp dụng vào trường hợp này: tài sản riêng của T được hình thành từ các nguồn: tiền mừng tuổi; tiền thưởng, tiền chúc mừng vào các dịp đặc biệt, tiền lãi từ sổ tiết kiệm. Khi T được 15 tuổi, mẹ đã giao lại tài sản riêng của T cho T quản lí.

- Trường hợp c) Hành vi của ông bà K đã thực hiện đúng pháp luật dân sự. Vì:

+ Theo quy định tại điều 69 Luật hôn nhân và gia đình: cha mẹ không được phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới tính; khoản 3 điều 13 Luật con nuôi năm 2010 cũng nghiêm cấm hành vi phân biệt con đẻ với con nuôi.

+ Áp dụng vào trường hợp này, vợ chồng ông K đã luôn đối xử công bằng, nuôi dạy và chăm sóc chu đáo với hai con.

- Trường hợp d) Hành vi của vợ chồng anh P đã vi phạm quy định của pháp luật dân sự. Vì: vợ chồng anh P đã có hành vi ngược đãi cha mẹ.

Lời giải Chuyên đề Giáo dục KTPL 11 Bài 5: Một số chế định của pháp luật dân sự về hôn nhân và gia đình, thừa kế di sản hay, ngắn gọn khác:

Xem thêm lời giải bài tập Chuyên đề học tập Kinh tế Pháp luật 11 Kết nối tri thức hay, ngắn gọn khác:

Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 11 hay khác:


Giải bài tập lớp 11 sách mới các môn học