Thực hành: Tìm hiểu làng nghề ở địa phương

Thực hành trang 53 Chuyên đề Địa Lí 12: Thực hành: Tìm hiểu làng nghề ở địa phương

Lời giải:

Làng nghề làm tranh Đông Hồ

Làng nghề nằm tại làng Đông Hồ, nay thuộc thôn Đông Khê, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh. Xuất hiện từ khoảng thế kỷ XVI, tranh Đông Hồ được hình thành bằng phương pháp thủ công, là kết tinh của sự khéo léo và nhẫn nại, cộng với nghệ thuật thẩm mỹ đầy tinh tế… Làng nghề truyền thống tranh dân gian Đông Hồ với sản phẩm là những bức tranh mộc mạc, vui tươi, hồn nhiên, nội dung gần gũi với đời sống thường ngày của con người. Phản ánh sâu đậm những nguyện vọng, ước mơ của người dân lao động. Miêu tả những phong tục tập quán lễ thức làng quê cổ xưa. Có thể nói giai đoạn từ nửa cuối thế kỷ XIX đến năm 1944 là thời cực thịnh của làng tranh, với 17 dòng họ trong làng đều tham gia làm tranh. Qua những năm kháng chiến chống Pháp, do chiến tranh tàn phá khốc liệt nên nghề làm tranh cũng tạm bị gián đoạn. Đến khi hòa bình lập lại ở miền Bắc nhất là khi đất nước thống nhất thì làng tranh mới được khôi phục.

Tranh Đông Hồ gồm nhiều thể loại, đề tài khác nhau: Tranh thơ, tranh sinh hoạt thường nhật, tranh lịch sử, tranh vẽ theo những tích truyện, tranh cảnh vật. Tranh Đông Hồ thường dùng nhiều bản khắc để in , mỗi bản là một mầu. Mầu vẽ thường lấy từ thiên nhiên: Trắng từ vỏ con điệp ngoài biển, đỏ son lấy từ sỏi son trên đồi núi, vàng lấy từ hoa hoè, đen từ tro lá tre... Tranh Đông Hồ được in trên giấy Dó, một loại giấy được làm thủ công từ nguyên liệu là cây Dó mọc trên rừng giống như vỏ cây Bạch đàn. Cây Dó đem về cho vào cối giã nhỏ, rây thành bột mịn, sau đó dùng bột này chế biến thành giấy Dó. Do trên nền giấy thường được quét bằng một lớp hồ hoặc nhựa thông có pha loại bột từ vỏ sò Điệp giã nhỏ tạo màu sáng lấp lánh nên còn được gọi là giấy Điệp.

Làng nghề đã thu hút được hầu hết số lao động vào các khâu sản xuất, không chỉ vào thời gian nông nhàn, mà nay đã là một nghề sản xuất quanh năm của số đông các gia đình trong làng với tổng doanh thu hàng tỷ đồng/năm. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân làng nghề ngày được nâng cao, làng quê đã ngói hoá 100%, nhiều gia đình xây nhà kiên cố, nhà nhiều tầng, trong nhà tiện nghi sinh hoạt khá đầy đủ và là một trong những làng có tốc độ đô thị hoá nhanh ở huyện Thuận Thành. Hiện nay tại làng nghề đã hình thành Trung tâm giao lưu văn hóa dân gian tranh Đông Hồ” rộng đến 5.500m². Trung tâm đã tạo ra được một không gian văn hóa độc đáo, trở thành địa chỉ không thể thiếu đối với các tour du lịch làng nghề. Mỗi năm trung tâm đã đón hàng chục nghìn lượt khách cả trong và ngoài nước đến tham quan tìm hiểu và mua sản phẩm.

Lời giải Chuyên đề Địa Lí 12 Thực hành: Tìm hiểu làng nghề ở địa phương hay, ngắn gọn khác:

Xem thêm lời giải bài tập Chuyên đề học tập Địa Lí 12 Kết nối tri thức hay, ngắn gọn khác:

Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 12 hay khác:


Giải bài tập lớp 12 sách mới các môn học