Nghe và kể lại câu chuyện Lên đường (hay nhất)

Bài viết Nghe và kể lại câu chuyện Lên đường hay nhất giúp học sinh lớp 4 nắm được nội dung chính câu chuyện Lên đường.

Nghe và kể lại câu chuyện Lên đường - mẫu 1

Khi Chiêu Thành Vương dựng cờ lên thì trai tráng kéo đến dưới cờ đông như hội. Những người đã theo về với Hoài Văn cũng chạy cả sang hàng ngũ Chiêu Thành Vương. Sắp xếp đội ngũ xong, Vương cất quân rầm rộ lên đường.

Hoài Văn nói với người tướng già:

- Trai tráng đi theo chú hết rồi. Lấy đâu ra quân nữa?

Người tướng già nói:

- Người thì có bao giờ hết được? Muốn cho người ta tin theo, phải có danh chính ngôn thuận. Cứ như ý tôi, ta phải chịu khó đi vào các thôn xóm nói rõ cho mọi người biết được nghĩa lớn. Dân gian ai chẳng có lòng trung quân ái quốc? Tôi được biết ở Võ Ninh ta có nhiều bô lão được thiên tử vời về điện Diên Hồng hỏi kế, ta nên gặp những người ấy. Các cụ đã quyết chí đánh giặc, há lại không gióng giả bảo người trong họ ngoài làng theo về với vương tử hay sao? Lo gì không có quân!

Quốc Toản mừng lắm, nói:

- Ông đã vén cho ta một đám mây mờ.

Từ đấy, ngày nào Hoài Văn cũng xuống các thôn xóm, vận động bà con đứng lên cứu nước. Một hôm, đã khuya lắm, Hoài Văn còn chong đèn trên lầu. Quốc Toản nghĩ: "Chú ta dựng cờ lên là thiên hạ nô nức đến. Ta cũng phải có một lá cờ. Lá cờ nêu rõ chí ta". Suốt từ chập tối đến canh hai, Hoài Văn tự hỏi: "Ta sẽ viết chữ gì trên lá cờ của ta? Chữ đề phải quang minh chính đại như ban ngày. Chữ đề phải là một lời thề quyết liệt. Chữ đề phải làm cho quân sĩ phấn khởi, cho kẻ địch kinh hồn". Trống đã điểm canh ba. Mắt Hoài Văn bỗng rực sáng, toàn thân như bừng bừng cháy. Tay Hoài Văn giơ lên như đang phất một lá cờ. Hoài Văn thét lớn:

- PHÁ CƯỜNG ĐỊCH BÁO HOÀNG ÂN.

Hoài Văn nhẩm đi nhẩm lại:

- Phá cường địch, báo hoàng ân. Báo hoàng ân, phá cường địch. Phá cường địch...

Chàng gật gù, sung sướng. Sáu chữ đối nhau chan chát, lời đanh thép, ý hùng hồn. Chàng lấy hết gân tay viết sáu chữ lên một tờ giấy điều. Chàng mơ màng thấy lá cờ sáu chữ tung hoành trên các trận, và chàng thì đang trỏ giáo, vung gươm chém đầu tướng giặc. Hoài Văn định nhảy xuống lầu để khoe với người tướng già sự khám phá mới mẻ của mình thì chợt có tiếng chân bước nhẹ lên lầu. Quốc Toản nhìn ra thì chính là mẹ. Chàng chìa tay đỡ mẹ lên. Phu nhân khẽ hỏi:

- Sắp sáng rồi, sao con thức khuya thế? Mẹ thấy con ngày một võ vàng. Áo đâu mà phong phanh thế kia?

Quốc Toản có gầy đi nhiều. Hầu lại chỉ mặc một áo lót mỏng, vì Hầu muốn luyện cho mình thành một người có thể dãi gió dầm mưa, chịu đựng được mọi nỗi vất vả của sa trường. Quốc Toản đỡ mẹ ngồi lên kỷ và thưa:

- Con để mẹ phải lo nghĩ, con thật mang tội bất hiếu. Nhưng giặc sắp kéo sang, có muốn ở yên cũng không được. Phải tập khổ cho quen đi.

Phu nhân cầm lấy tờ giấy hồng điều trong tay con. Trên tờ giấy viết sáu chữ lớn: "Phá cường địch, báo hoàng ân", nét bút gân guốc. Phu nhân không nói, lặng nhìn sáu chữ, mừng thầm cho con có chí khác thường. Quốc Toản nói:

- Con muốn dựng một lá cờ đề sáu chữ này để chiêu binh mãi mã. Nay mai ra trận, con sẽ phất lá cờ ấy thề sống chết với quân thù. Mẹ may cho con lá cờ ấy nhé. Đến khi xông pha chiến trận, con nhìn lá cờ là thấy được mẫu thân.

Phu nhân xoa đầu con, và Hoài Văn gục đầu lên gối mẹ. Phu nhân nói:

- Mẹ đã không giữ con ở nhà, thì làm gì không may nổi cho con một lá cờ. Thôi, con ngủ đi. Sáng rồi!

Phu nhân dắt Quốc Toản đến giường, bảo nằm xuống, kéo chăn đắp lên mình con. Người mẹ cầm ngọn đèn, nhẹ bước xuống lầu. Trở về phòng riêng, phu nhân chong đèn, lúi húi thêu sáu chữ bằng những sợi chỉ vàng trên một tấm lụa đỏ thắm.

Nghe và kể lại câu chuyện Lên đường - mẫu 2

1. Hôm ấy, Hoài Văn Hầu (Trần Quốc Toản) đang luyện tập cùng sáu trăm hào kiệt thì có tin thái tử nhà Nguyên là Thoát Hoan thống lĩnh 50 vạn binh mã xâm phạm biên giới nước ta. Biết tin đó, 600 vạn hào kiệt đã xin Hoài Văn Hầu gấp rút lên đường xuất quân để chặn đánh kẻ thù.

2. Khung cảnh của buổi lễ xuất quân vô cùng đặc biệt: Đó là một buổi sáng tháng Chạp rét như cắt. Trên đất đắp cao bày một hương án, trầm hương tỏa khói. Hai bên đàn, quân sĩ đứng nghiêm, chống những cây giáo thẳng, mũi nhọn sáng ngời.

3. Trong buổi lễ xuất quân, trống chiêng rung lên, Hoài Văn Hầu bước lên đàn, quỳ trước hương án, khấn trời đất và dõng dạc đọc lời thề: "Chúng tôi, sáu trăm nghĩa sĩ tình như ruột thịt, nghĩa tự keo sơn, thề đồng tử đồng sinh, đuổi giặc cứu dân. Ai bất nghĩa bất trung, xin trời tru đất diệt!".

Các hào kiệt đồng thanh: "Ai bất nghĩa bất trung, xin trời tru đất diệt!"

4. Trước lúc lên đường, Hoài Văn Hầu đã nói lời từ biệt với mẹ: "Con đi phen này thề sống chết với giặc. Xin mẹ ở nhà giữ ngọc giữ vàng để con được yên lòng xông pha trận mạc."

Mẹ của Hoài Văn Hầu quyến luyến, nhưng không khóc mà dặn dò con: "Con đi vì nước nên mẹ chẳng giữ. Mẹ chỉ mong con sớm ca khúc khải hoàn".

5. Hình ảnh Hoài Văn Hầu ra quân: mặc áo bào đỏ, vai mang cung tên, lưng đeo gươm, uy nghi trên con ngựa trắng phau. Sau chàng là vị tướng già và sáu trăm gã hào kiệt nón nhọn, giáo dài hùng dũng lên đường.

6. Ý chí, sức mạnh của đoàn quân lúc lên đường được thể hiện qua hình ảnh: tiếng chuông trống rập rình, lá cờ thêu sáu chữ vàng "Phá cường địch, báo hoàng ân" mở đường đi trước, căng lên vì ngược gió.

Xem thêm các bài viết Tập làm văn lớp 4 hay khác: