Giới thiệu một câu chuyện đã đọc ở nhà về các phong trào yêu nước (3 mẫu)

Tổng hợp trên 20 đoạn văn Giới thiệu một câu chuyện đã đọc ở nhà về các phong trào yêu nước hay nhất với dàn ý chi tiết giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.

Đề bài: Giới thiệu một câu chuyện (hoặc bài thơ, bài văn, bài báo) đã đọc ở nhà về các phong trào yêu nước hoặc những tấm gương trong chiến đấu, học tập, rèn luyện của thiếu nhi Việt Nam.

Giới thiệu một câu chuyện đã đọc ở nhà về các phong trào yêu nước - mẫu 1

Anh Kim Đồng

Kim Đồng tên thật là Nông Văn Dền, người dân tộc Nùng, quê ở thôn Nà Mạ, xã Xuân Hòa (nay là Trường Hà), Hà Quảng, Cao Bằng

Anh là một trong 5 đội viên đầu tiên của Đội nhi đồng Cứu quốc thôn Nà Mạ và cũng là tổ chức Đội đầu tiên của Đội ta được thành lập khi mặt trận Việt Minh ra đời (1941).

Trong buổi thành lập Đội, Kim Đồng được bầu làm tổ trưởng.

Kim Đồng là con trai út của một gia đình nông dân nghèo. Bố mất sớm. Anh trai tham gia cách mạng và hy sinh khi còn trẻ.

Từ năm 1940, ở quê Dền đã có phong trào cách mạng. Dền được anh trai và anh cán bộ như anh Đức Thanh giác ngộ cách mạng. Dền đã theo các anh làm các công việc: canh gác, chuyển thư từ, nghe nói chuyện về tội ác của quân giặc… nhờ đó Dền đã sớm giác ngộ cách mạng và trở thành một liên lạc viên tin cậy của tổ chức Đảng. Dền đã mau chóng làm quen với cách thức làm công tác bí mật, nhiều lần đưa, chuyển thư từ, đưa đường cho cán bộ lọt qua sự bao vây, canh gác của địch.

Năm 1941, Bác Hồ về Pắc Pó, Kim Đồng từng được gặp Bác ở căn cứ cách mạng.

Bước sang năm 1943, bọn địch khủng bố, đánh phá dữ dội vùng Pắc Pó. Trong một lần đi liên lạc về, giữa đường gặp lính địch phục kích gần nơi có cán bộ của ta, Kim Đồng đã nhanh trí nhử cho bọn địch nổ súng về phía mình. Nhờ tiếng súng báo động ấy, các đồng chí cán bộ ở gần đó tránh thoát lên rừng. Song, Kim Đồng đã bị trúng đạn và anh dũng hy sinh tại chỗ, ngay bờ suối Lê-nin.

Hôm ấy là ngày 11 tháng giêng Âm lịch năm 1943, Anh vừa tròn 14 tuổi.

Ngày nay, mộ của Kim Đồng đã được đội viên cả nước góp phần xây dựng tại nơi anh ngã xuống. Ngày 15-5-1986, nhân kỷ niệm lần thứ 45 ngày thành lập Đội, mộ của Anh và tượng người đội viên liệt sĩ anh hùng Kim Đồng đang tung con chim sáo bay lên đã được khánh thành. Từ đó đến nay nơi đây đã trở thành khu di tích Kim Đồng chào đón các thế hệ thiếu nhi Việt Nam đến nơi thành lập Đội TNTP, với người đội trưởng đầu tiên của mình, đến với quê hương cách mạng có suối Lê-nin, có núi Các Mác và hang Pắc Pó mãi mãi khắc sâu trong tâm trí của thiếu nhi Việt Nam.

Giới thiệu một câu chuyện đã đọc ở nhà về các phong trào yêu nước - mẫu 2

NGƯỜI LIÊN LẠC NHỎ

Hôm ấy, Kim Đồng được giao cho một nhiệm vụ mới. Đó là phải dẫn đường cho ông ké cách mạng đến địa điểm mới và phải bảo đảm sự an toàn cho ông. Thế là hai ông cháu lên đường. Cháu đi trước, thấy có gì đáng ngờ thì làm hiệu để ông đi phía sau tránh vào hai bên đường. Hai ông cháu đang đi chợt nhìn thấy từ xa có một toán lính Tây đang ngược chiều tiến lại. Kim Đồng thản nhiên huýt sáo. Ông ké đi sau hiểu ý tránh vào sau một tảng đá lớn ở ven đường. Nhưng bọn lính đã kịp trông thấy ông già. Chúng kêu ầm lên và chạy lại. Ông ké bình tĩnh ngồi xuống tảng đá như một người đi đường mệt, phải nghỉ chân.Bọn lính thấy cậu bé liền hỏi : "Bé con đi đâu mà sớm thế ?". Kim Đồng vẫn rất bình tĩnh trả lời: "Đón thầy mo về cúng cho mẹ ốm". Rồi Kim Đồng quay lại gọi ông "thầy mo" đang ngồi nghỉ chân cùng đi tiếp để kịp về nhà. Thế là ông cháu lại ung dung đi qua trước mặt bọn giặc. Chúng có mắt mà đúng như mù. Nhờ sự can đảm và nhanh trí, Kim Đồng đã bảo vệ an toàn cho ông già cán bộ. Rừng núi xung quanh như cùng bừng lên chia vui với hai ông cháu.

Giới thiệu một câu chuyện đã đọc ở nhà về các phong trào yêu nước - mẫu 3

Trong lịch sử Cách mạng của dân tộc Việt Nam ta từ xưa đến nay, có biết bao người anh hùng anh dũng và quả cảm, khắc tên mình vào dòng thời gian để người đời sau luôn nhớ mãi. Giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ, em có ấn tượng đặc biệt sâu sắc với người anh hùng Vừ A Dính.

Ngay từ nhỏ, Vừ A Dính là một cậu bé thông minh, gan dạ và vô cùng nhanh nhẹn. Nhờ cha mẹ dạy dỗ, anh sớm giác ngộ cách mạng và mang lòng căm thù giặc Pháp xâm lược. Năm 13 tuổi, Vừ A Dính đã tạm biệt gia đình để trở thành đội viên liên lạc của Đội vũ trang huyện Tuần Giáo. Cuộc kháng chiến gian khổ, nhưng Vừ A Dính rất ham học. Lúc nào trong ngực áo của anh cũng nhét cuốn sách để tranh thủ học. Dính đã tự học đọc và biết viết chữ thông thạo.

Năm 1949, Dính đang trên đường liên lạc thì bị rơi vào ổ phục kích của giặc. Chúng đã tra tấn Dính dã man hòng anh khai nơi đóng quân của cán bộ Việt Minh nhưng anh nhất quyết không khai. Giặc Pháp điên cuồng, xả súng vào ngực anh rồi treo xác anh lên cây đào cổ thụ. Vừ A Dính đã hy sinh bên gốc đào cổ thụ ở Khe Trúc, gần đồn Bản Chăn, khi chưa tròn 15 tuổi. Năm 2000, Vừ A Dính đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Vừ A Dính là niềm tự hào của Đội TNTP Hồ Chí Minh và tuổi trẻ Việt Nam. Tên của Anh hùng – Liệt sĩ Vừ A Dính đã được đặt cho nhiều Chi đội, Liên đội và nhà trường trong cả nước.

Giới thiệu một câu chuyện đã đọc ở nhà về các phong trào yêu nước - mẫu 4

Anh hùng Kơ-Pa Kơ-Lơng

Kơ-Pa Kơ-Lơng sinh ngày 19-8-1948, người dân tộc Gia Rai, Tây Nguyên. Căm thù Mỹ - Diệm giết cha trong cuộc nổi dậy của dân làng, Kơ-lơng quyết chí trả thù.

Mới 13 tuổi, Kơ-lơng đã xin vào du kích, nhưng không được xã đội nhận vì còn bé và không có súng để đánh giặc, Kơ-lơng liền tự làm lấy nỏ, vót tên, phục kích bắn bị thương một tên địch. Nó không chết vì tên không tẩm thuốc. Kơ-lơng xin người già mũi tên có thuốc và bắn chết liên tiếp ba tên liền.

Thế là Kơ-lơng được gia nhập du kích và được phát súng. Nhận ba viên đạn với điều kiện: phải hạ ba tên giặc. Kơ-lơng đã bắn như sau: Phát thứ nhất, bắn “xâu táo” xiên một lúc năm tên. Phát thứ hai “xâu táo” ba tên, hai thằng chết tại chỗ. Hạ quá ba tên rồi, Kơ-lơng nộp lại viên thứ ba! Đến một trận khác. Kơ-lơng bắn ba viên hạ bảy tên. Trận khác nữa: bảy viên hạ hẳn mười chín tên giặc!

Trong đơn xin gia nhập quân đội, Kơ-pa Kơ-lơng viết: “Em đã giết ba mươi bốn tên Mỹ Ngụy, phá được tám xe cơ giới. Nay em đã lớn, xin cấp trên cho em được làm giải phóng quân”.

Năm 15 tuổi, Kơ-lơng đã tham gia chiến đấu 32 trận, giật 12 quả mìn, diệt 124 địch, trong đó có 6 tên xâm lược Mỹ phá huỷ 8 xe quân sự và là chiến sĩ trinh sát gan dạ, bắn giỏi đồng thời là một trong những người diệt nhiều địch nhất trên chiến trường Tây Nguyên. Sau đó, ông làm nhiệm vụ trinh sát của bộ đội huyện Chư Prông từ năm 1965, Ngày 17 tháng 9 năm 1967, ông được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Anh hùng Kơ-Pa-Kơ-Lơng, người con ưu tú, "cánh chim đầu đàn" của đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ. Trong lịch sử chiến tranh Cách mạng, tinh thần đánh Mỹ, với niềm tin sắt son vào Đảng, cách mạng và Bác Hồ, Kơ-Pa-Kơ-Lơng đã cùng dân làng mình đoàn kết một lòng, đánh thắng thực dân, đế quốc. Anh hùng Kơ-Pa-Kơ-Lơng đã làm nên tấm gương về tinh thần anh dũng đánh giặc, cứu nước, truyền lại cho nhiều thế hệ thanh niên viết tiếp trang sử vàng chói lọi của dân tộc Việt Nam.

Giới thiệu một câu chuyện đã đọc ở nhà về các phong trào yêu nước - mẫu 5

Câu chuyện về Chị Võ Thị Sáu

Chị tên thật là Nguyễn Thị Sáu, quê ở làng Đất Đỏ, Bà Rịa – Vũng Tàu. Mới 12 tuổi, chị đã theo anh trai tham gia hoạt động cách mạng trốn lên ở trên chiến khu. Năm 14 tuổi (1949) chi đã dùng lựu đạn giết một tên quan ba Pháp và làm bị thương 20 tên lính ngay tại vùng Đất Đỏ. Từ chiến khu trở về Bà Rịa, chị làm nhiệm vụ điều tra tình hình địch và tiếp tế cho chiến khu.

Năm 1950, chị mang lựu đạn phục kích giết tên cai tổng Tòng – một tên Việt gian bán nước, ác ôn ngay tại xã nhà. Lần đó, chị bị địch bắt. Sau gần ba năm tra tấn, giam cầm, giặc Pháp đưa chị ra giam ở Côn Đảo. Trong ngục giam những người bị án tử hình, chị vẫn hồn nhiên, vui tươi, tin tưởng vào ngày chiến thắng của Tổ quốc.

Giặc Pháp không dám công khai thi hành bản án đối với chị Sáu. Chúng sợ các chiến sĩ cách mạng ở trong tù sẽ nổi dậy phản đối. Chúng lén lút đem chị đi thủ tiêu. Lúc một tên giết người bảo chị quỳ xuống, chị đã quát vỗ vào mặt lũ đao phủ: “Tao chỉ biết đứng, không biết quỳ!”.

“Không cần bịt mắt tôi. Hãy để cho đôi mắt tôi được nhìn đất nước thân yêu đến giây phút cuối cùng và tôi có đủ can đảm để nhìn thẳng vào họng súng của các người!”, chị tuyên bố. Nói xong, chị Sáu bắt đầu hát Tiến quân ca. Khi lính lên đạn, chị ngừng hát, hô vang những lời cuối cùng “Đả đảo bọn thực dân Pháp. Việt Nam độc lập muôn năm. Hồ Chủ tịch muôn năm!”.

Giới thiệu một câu chuyện đã đọc ở nhà về các phong trào yêu nước - mẫu 6

Bài thơ “Em bé Bảo Ninh” là biểu tượng về lòng dũng cảm của bao lớp thanh thiếu niên trong những năm tháng đất nước quật cường đánh Mỹ. Khi bầu trời Đồng Hới như bị xé toạc bởi hàng trăm quả bom dội xuống, có một cậu bé băng mình qua những đồi cát đang bị cày xới nham nhở, để tiếp đạn cho bộ đội và dân quân bắn máy bay. Đó là Trương Ngọc Hương, người đã trở thành nhân vật trong bài thơ “Em bé Bảo Ninh” của nhà thơ Nguyễn Văn Dinh và sau này được nhạc sĩ Trần Hữu Pháp phổ nhạc, ghi dấu những tháng năm quê hương Quảng Bình quật cường đánh Mỹ.

Em bé Bảo Ninh

Dưới trời lửa khói

Em như cánh tên

Bay trên cồn cát

Rẽ gió xông lên.

Cởi khăn quàng đỏ

Bọc đạn chuyền đi

Trận địa bom nổ

Gót son sá gì.

Tiếp đạn! Tiếp đạn!

Chuyền tay chiến hào

Cho chú dân quân

Bắn nhào phản lực.

Máy bay bốc cháy

Đâm xuống biển khơi

Em reo, em nhảy

Em truyền tin vui.

Như cánh hoa nhỏ

Nở trên chiến hào

Như chim đầu ngõ

Hót mừng xôn xao.

Em bé Bảo Ninh

Bên bờ Nhật Lệ

Quay đẹp cuốn phim

Làng ta đánh Mỹ.

Tác giả: Nguyễn Văn Dinh

Giới thiệu một câu chuyện đã đọc ở nhà về các phong trào yêu nước - mẫu 7

Bài thơ chị Võ Thị Sáu là bản trường ca nổi tiếng, kể cho thế hệ sau về cuộc đời cách mạng huyền thoại và cái chết bất khuất, kiên trung ở tuổi đôi mươi của người con gái vùng đất đỏ Võ Thị Sáu. Từng dòng thơ chân thành mà tha thiết của tác giả Phan Thị Thanh Nhàn tựa cái ôm dịu dàng của đất mẹ, cái vuốt ve thân thương của tổ quốc dành cho chị trước lúc chị đi xa. Lời thơ làm cay cay khóe mắt người đọc, như một lời tri ân của lớp lớp người hậu thế, đang vun trồng cho cuộc sống hôm nay. Bao trùm toàn bài thơ là không khí thâm trầm nhưng không buồn bã, thống thiết nhưng không bi lụy cứ thế đi vào lòng người và lưu dấu ấn không phai.

Người con gái trẻ măng
Giặc đem ra bãi bắn
Đi giữa hai hàng lính
Vẫn ung dung mỉm cười
Ngắt một đoá hoa tươi
Chị cài lên mái tóc
Đầu ngẩng cao bất khuất
Ngay trong phút hy sinh
Bây giờ dưới gốc dương
Chị nằm nghe biển hát.

Đó là câu chuyện thực
Về người nữ anh hùng
Nhưng ở đảo Côn Sơn
Từ buổi mai chị ngã
Đã có bao câu chuyện
Về chị Sáu linh thiêng
Những truyền thuyết không tên
Cứ lan dần như sóng.

Đảo Côn Sơn – địa ngục
Chị Sáu hoá thiên thần
Trừng trị lũ ác ôn
Cứu giúp người lương thiện.

Qua bao mùa gió chướng
Trong bão tố tù đày
Mộ chị Sáu hương bay
Cả bốn mùa không tắt.

Và trái cây thơm mát
Cũng theo mùa dâng lên
Tạ lỗi khi sai lầm
Kêu cầu khi gặp nạn
Chị Sáu thành người bạn
Sống giữa lòng nhân dân.

Ngay cả lũ ác ôn
Mỗi khi qua mộ chị
Cũng cúi đầu lặng lẽ
Trước chị Sáu anh linh
Người con gái hiên ngang
Chúng mãi còn khiếp sợ.

Tôi quỳ bên ngôi mộ
Dâng đoá hoa trắng trong.
Trời cao xanh mênh mông
Biển rộng xa xao động…
Chị Sáu nằm thanh thản
Hàng dương nghe gió rung
Và bao chuyện lạ lùng
Trong lòng tôi tha thiết
Bỗng như là có thật
Sống mãi cùng thời gian.

Bàn tay ai vuốt tóc
Trên vai tôi dịu dàng.

Tác giả: Phan Thị Thanh Nhàn - Côn Đảo tháng 4 năm 1976 

Xem thêm các bài viết Tập làm văn lớp 4 hay khác: