VBT KHTN 7 Cánh diều Bài 20: Thực hành về quang hợp ở cây xanh

Với giải vở bài tập Khoa học tự nhiên 7 Bài 20: Thực hành về quang hợp ở cây xanh sách Cánh diều hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh dễ dàng làm bài tập trong VBT KHTN 7 Bài 20.

A. Học theo sách giáo khoa

I. THÍ NGHIỆM PHÁT HIỆN TINH BỘT TRONG LÁ CÂY

1. Mục đích thí nghiệm: Xác định chất mà lá tạo thành khi có ánh sáng.

2. Chuẩn bị thí nghiệm:

• Mẫu vật: một chậu cây khoai lang (hoặc khoai tây, cây vạn niên thanh).

• Dụng cụ, hóa chất: băng giấy đen, dung dịch iodine 1%, ethanol 70%, bình thủy tinh miệng rộng, đèn cồn, cốc đong, nước, kẹp, đĩa petri, ống nghiệm, kiềng, tấm tán nhiệt, diêm (hoặc bật lửa), phiếu báo cáo.

3. Các bước tiến hành

- Bước 1: Đặt chậu khoai lang vào chỗ tối 2 ngày. Dùng băng giấy đen bịt kín một phần ở cả hai mặt lá. Đem chậu cây đó đặt ở ngoài sáng khoảng 4 – 6 giờ.

- Bước 2: Ngắt chiếc lá đã bịt băng giấy đen → Gỡ bỏ băng giấy → Cho lá đó vào ống nghiệm đựng ethanol 70% → Đặt ống nghiệm vào cốc lớn đựng nước → Để lên kiềng và đun cách thủy bằng đèn cồn đến khi lá mất màu xanh.

- Bước 3: Tắt đèn cồn, dùng kẹp gắp lá ra khỏi ống nghiệm, nhúng lá vào cốc nước ấm để rửa sạch cồn.

- Bước 4: Đặt lá vào đĩa petri, nhỏ vài giọt iodine loãng lên bề mặt lá.

4. Thảo luận                                                

- Việc bịt một phần lá thí nghiệm bằng giấy màu đen nhằm mục đích: làm cho phần lá đó không nhận được ánh sáng. Điều này giúp kiểm tra xem lá có quang hợp được khi không có ánh sáng không.

- Có màu khác nhau giữa phần bịt giấy màu đen và phần không bịt giấy màu đen trên bề mặt lá khi nhỏ dung dịch iodine vào là vì: Phần không bịt giấy màu đen nhận được ánh sáng để thực hiện quang hợp nên tạo tinh bột → bắt màu xanh tím. Ngược lại, phần lá bị bịt giấy màu đen không tạo được tinh bột → không có màu xanh tím.

- Nếu lấy lá xanh không bịt băng giấy đen trên cây và nhỏ dung dịch iodine lên một vị trí của lá thì vị trí đó chuyển thành màu xanh tím vì lá không bị bịt kín nên nhận được ánh sáng để thực hiện quang hợp → tạo ra được tinh bột.

5. Kết quả: Khi nhỏ iodine, phần lá không bị bịt giấy màu đen chuyển màu xanh tím còn phần lá bị bịt giấy đen không chuyển màu xanh tím.

6. Giải thích kết quả: Khi có ánh sáng, lá cây đã thực hiện quá trình quang hợp để tổng hợp nên chất hữu cơ là tinh bột → tinh bột bắt màu với iodine tạo ra màu xanh tím. Ngược lại, khi không có ánh sáng, lá cây không thực hiện quá trình quang hợp nên không tổng hợp được tinh bột → không bắt màu xanh tím với iodine.

5. Kết luận

Khi có ánh sáng, lá cây thực hiện quá trình quang hợp chế tạo được chất tinh bột.

II. THÍ NGHIỆM CHỨNG MINH KHÍ CARBON DIOXIDE CẦN CHO QUANG HỢP

1. Mục đích thí nghiệm: Xác định chất khí cần thiết cho quang hợp ở thực vật.

2. Chuẩn bị thí nghiệm:

• Mẫu vật: hai chậu cây khoai lang (hoặc khoai tây hoặc vạn niên thanh) giống nhau.

• Dụng cụ, hóa chất: 2 chuông thủy tinh úp được lên chậu cây, 2 tấm kính, nước vôi trong, dung dịch iodine 1%, ethanol 70%, cốc thủy tinh miệng rộng, đèn cồn, nước, kẹp, đĩa petri.

3. Các bước tiến hành:

Bước 1. Đặt hai chậu cây khoai lang vào chỗ tối trong 3 – 4 ngày.

Bước 2. Lấy hai tấm kính, đổ nước lên toàn bộ bề mặt tấm kính. Sau đó, đặt mỗi chậu cây lên một tấm kính ướt, dùng hai chuông thủy tinh (hoặc hộp nhựa trong suốt) úp vào mỗi chậu cây.

Bước 3. Trong chuông A, đặt thêm một cốc nước vôi trong. Đặt cả hai chuông thí nghiệm ra chỗ có ánh sáng.

Bước 4. Sau 4 – 6 giờ, ngắt lá của mỗi cây để thử tinh bột bằng dung dịch iodine.

4. Thảo luận:

- Trước khi tiến hành thí nghiệm cần đặt các chậu cây vào chỗ tối trong 3 – 4 ngày vì: để cây ngừng thực hiện quang hợp và “làm sạch” hết tinh bột có sẵn trong lá → giúp thí nghiệm có kết quả chính xác.

- Việc đặt cốc nước vôi trong vào chuông A nhằm mục đích: để nước vôi trong hút hết khí carbon dioxide trong không khí ở chuông A.

5. Kết quả: Khi nhỏ iodine, lá cây ở chuông A không xuất hiện màu xanh tím, lá cây ở chuông B có màu xanh tím.

6. Giải thích kết quả: Trong chuông A, cốc nước vôi trong đã hấp thụ hết khí CO2 → lá cây không có CO2 để thực hiện quang hợp → không tạo tinh bột → không xuất hiện màu xanh tím với iodine. Ngược lại chuông B, có đủ khí CO2 và ánh sáng → lá cây thực hiện quang hợp tạo ra tinh bột → xuất hiện màu xanh tím với iodine.

7. Kết luận

Khí carbon dioxide cần thiết cho quá trình quang hợp ở cây.

Xem thêm các bài giải vở bài tập Khoa học tự nhiên lớp 7 Cánh diều hay, chi tiết khác:


Giải bài tập lớp 7 Cánh diều khác